ÐTC tiếp
Tổng Thống Cộng Hòa Honduras
ÐTC tiếp thêm nhóm
các Giám Mục Hoa Kỳ đến Roma
viếng Tòa Thánh
Tòa thánh kêu gọi
thăng tiến phụ nữ
Hội thảo do sáng kiến
của Hội Ðồng thế giới
các Tôn Giáo vì Hòa Bình
Giáo Hội Tin Lành chống
lại hiến pháp và Giáo Hội Công
Giáo
Phiến quân Hồi Giáo
cực đoan đe dọa bắt cóc
các linh mục Công Giáo
Giám Mục Indonesia lên án
việc sát hại người xử
dụng phù phép
Hội nghị kỳ II của
tổ chức Các Tông Ðồ Giáo
Dân Phụ Nữ
ÐTC tiếp Tổng Thống Cộng Hòa Honduras.
Vatican - 19.10.98 - Sau thánh lễ trọng thể Chúa nhật 18.10.98 vừa qua, để mừng kỷ niệm 20 năm Triều Giáo Hoàng và 40 năm Chức Giám Mục, hôm thứ Hai 19.10.98, ÐTC trở lại với các sinh hoạt bình thường . Ban sáng, lúc 11 giờ, trong Ðền Vatican, ÐTC tiếp kiến Tổng Thống cộng hòa Honduras, ông Carlos Roberto Flores Facussee, phu nhân và đoàn tùy tùng. Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Tiến Sĩ Navarro Walls cho biết: Trong cuộc gặp gỡ với ÐTC và sau đó với Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, các vấn đề liên hệ đến Giáo Hội và Nhà Nước Honduras, cách riêng vấn đề huấn luyện thanh niên và vấn đề xã hội trong lúc này, đã được thảo luận.
Phát ngôn viên Tòa Thánh nói thêm: Các vần đề của việc hòa hợp giữa các quốc gia vùng Trung Mỹ Châu cũng được nhắc tới. Cách đây 15 năm, tức ngày 18.3.1983, ÐTC đã viếng thăm mục vụ Cộng Hòa Honduras: tại thủ đô Tegucigalpa và thành phố San Pedro Sula. Lúc đó, chuyến viếng thăm Honduras nằm trong bối cảnh chung rộng hơn là chuyến viếng thăm của ÐTC tại bẩy quốc gia Trung Mỹ Châu: Costa Rica, Nicaragua, Panama, El Salvador, Guatemala, Belize và Haiti. Chính tại Ðền Thánh Quốc Gia kính Ðức Maria "Nuestra Senora de Suyapa", mà ÐTC đã phú thác cho Ðức Trinh Nữ tất cả các quốc gia miền Trung Mỹ, vừa khẩn xin hòa bình cho cả miền, chấm dứt các bất công xã hội, dấn thân giúp đỡ các người đau khổ và tôn trọng phẩm giá con người. Tại San Pedro Sula, Honduras, trong lễ nghi cử hành Lời Chúa, ÐTC trao cho một phái đoàn đại diện cho giới thợ thuyền của toàn vùng Trung Mỹ Châu, một sứ điệp về vấn đề Lao Ðộng và về phẩm giá người lao động.
ÐTC tiếp thêm nhóm các Giám Mục Hoa Kỳ đến Roma viếng Tòa Thánh (Ad Limina).
Vatican - 19.10.98 - Sáng thứ Hai, từ lúc 11:30, trong Ðền Vatican, ÐTC tiếp riêng 13 giám mục Hoa Kỳ đến Roma viếng Tòa Thánh, do Ðức Hồng Y Bernard Francis Law, Tổng Giám Mục Boston, hướng dẫn. Mỗi vị được gặp riêng ÐTC từ 10 đến 15 phút. Ðây là nhóm khác với nhóm đã được ÐTC tiếp vào sáng thứ Bảy 17 tháng 10/1998.
Trong diễn văn đọc cho nhóm được tiếp kiến sáng Thứ Hai 19/10/98, ÐTC đã lưu ý các vị chủ chăn về vấn đề tuyên bố "sự bất thành của Hôn nhân". Ðây không phải là một hình thức khác của sự li đị. "Sự bất thành đây" phải hiểu là: "Hôn nhân giữa hai người nam nữ đã cử hành , theo luật tự nhiên, luật Thiên Chúa và luật Giáo Hội, (hôn nhân đó) không bao giờ có, nghĩa là thiếu hẳn những điều kiện thiết yếu của Hôn Nhân thành sự. ÐTC cũng căn dặn các vị giám mục canh phòng, để tránh những vụ "tuyên bố bất thành" cách quá dễ dàng. Ngài căn dặn phải lưu ý luôn luôn đến tính cách bất khả li của Hôn Nhân Công Giáo.
Tòa thánh kêu gọi thăng tiến phụ nữ.
Roma [Apic 19/10/98] - Phát biểu tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc, đại diện của Tòa Thánh đã kêu gọi thăng tiến nguời phụ nữ.
Lên tiếng hôm 14/10/98 vừa qua trong một cuộc hội thảo tiếp nối Hội Nghị lần thứ 4 về phụ nữ được tổ chức ở Bắc Kinh hồi tháng 9/1995, bà Helène Lukas, thành viên của phái đoàn Tòa Thánh, đã nhắc lại việc Tòa Thánh đã ký tên vào bản Chương trình Hành Ðộng, được đưa ra tại Bắc Kinh. Ðối với Tòa Thánh, Chương trình hành động này phù hợp với giáo huấn xã hội của Giáo Hội, đặc biệt là trong những chương bàn về nhu cầu của các phụ nữ nghèo, về việc chấm dứt bạo động chống lại phụ nữ, về việc phụ nữ có thể có công ăn việc làm, về các chiến thuật thăng tiến phụ nữ v.v.
Bà Helène Lukas ghi nhận rằng hiện nay trên thế giới vẫn còn 538 triệu người phụ nữ mù chữ.
Về phương diện y tế, phái đoàn Tòa Thánh nhìn nhận rằng trong 30 năm qua việc săn sóc sức khỏe cho phụ nữ đã đạt được nhiều tiến bộ khả quan. Tuy nhiên, phái đoàn Tòa Thánh cũng nêu lên sự kiện là con số phụ nữ qua đời trong lúc mang thai hay khi sinh nở vẫn còn gia tăng. Bệnh liệt kháng cũng còn là một cơn bệnh tác hại phụ nữ một cách đặc biệt: năm vừa qua đã có khoảng một triệu phụ nữ mắc bệnh liệt kháng. Con số các trẻ em mồ côi dưới 15 tuổi đang mang virut hiện nay là 8 triệu.
Ðứng trước những bất công ấy, Tòa Thánh không ngừng cổ võ mọi hành động nhằm thăng tiến qui chế của nguời phụ nữ. Tòa Thánh đặc biệt khuyến khích các cơ sở giáo dục, các dòng tu chuyên giáo dục và các cơ sở y tế của Giáo Hội quan tâm đến các thiếu nữ và phụ nữ, nhứt là các phụ nữ nghèo và bị đẩy ra bên lề xã hội.
Hội thảo do sáng kiến của Hội Ðồng thế giới các Tôn Giáo vì Hòa Bình.
Bruxelles - Bỉ [Apic 19/10/98] - Hôm thứ Bảy [19/10/98], một buổi cử hành liên tôn đã bế mạc một cuộc gặp gỡ kéo dài ba ngày tại Bruxelles do văn phòng tổng thư ký của Hội Ðồng thế giới các Tôn Giáo vì Hòa Bình tổ chức. Cuộc gặp gỡ qui tụ đại diện đạo đời tại Âu Châu đã xoay quanh chủ đề: "Tu đức, tôn giáo và kinh tế: những liên minh mới".
Ngày thứ nhứt của cuộc gặp gỡ qui tụ đại diện các tôn giáo, các nhà chuyên môn và giới hữu trách của Ủy Ban Âu Châu để thảo luận về những trách nhiệm đạo đức trong việc xây dựng hòa bình. Các tham dự viên đã đề cập đến vấn đề được đặt ra do một hệ thống kinh tế mà theo các vị đại diện tôn giáo, khiến cho nhiều nguời bị loại trừ. Buổi tối cùng ngày, một ban đại diện các chính trị gia ngõ lời với giới trẻ về việc xây dựng Âu Châu.
Sang ngày thứ hai của cuộc gặp gỡ, đại diện các tôn giáo đã đến trao đổi với các nghị viên Âu Châu. Sau đó là cuộc gặp gỡ của đại diện các tôn giáo Âu Châu với ôn g Bill Vendley, tổng thư ký của Hội Ðồng thế giới các Tôn Giáo vì Hòa Bình. Ngày thứ ba của cuộc gặp gỡ trùng với ngày thế giới khước từ sự ngheo khổ. Tại nhà ga trung tâm ở Bruxelles, nhiều nguời đã tham dự cuộc mitting để tỏ tình liên đới với những nguời bần cùng và không nhà không cửa.
Các Giáo Hội Tin Lành chống lại hiến pháp và Giáo Hội Công Giáo tại Bolivia.
La Paz - Bolivia [Apic 19/10/98] - Hiệp hội Tin Lành toàn quốc Bolivia và Hội Ðồng các Giáo Hội Châu Mỹ Latinh sẽ liên kết để tạo áp lực trên chính phủ và quốc hội nước này.
Hai tổ chức này yêu cầu quốc hội sửa đổi Hiến Pháp và chấm dứt việc nhìn nhận Giáo Hội Công Giáo như là Quốc Giáo.
Trong một bản tuyên ngôn được đưa ra tại thủ đô La Paz, mục sự Zacarias Salas, chủ tịch của Hiệp Hội Tin Lành toàn quốc xác nhận rằng Giáo Hội của ông đang đẩy mạnh một dự thảo luật mới và đề nghị một qui định mới cho các tổ chức tôn giáo. Giáo Hội Công Giáo với số tín hữu chiếm đến 85 phần trăm dân số Bolivia, đã mạnh mẽ phê bình việc hai tổ chức Tin Lành trên đây yêu cầu sửa đổi hiến pháp. Từ hai năm nay, Hiến Pháp Bolivia đã xóa bỏ điều khoản theo đó Giáo Hội Công Giáo là quốc giáo. Như vậy, theo các đức giám mục Bolivia, việc sửa đổi hiến pháp sẽ không có giá trị nữa.
Phiến quân Hồi Giáo cực đoan đe dọa bắt cóc các linh mục Công Giáo.
(AFP 19/10/98) - Philippines (Isabela) - Các phiến quân Hồi Giáo cực đoan vừa lên tiếng đe dọa là họ sẽ bắt cóc các linh mục Công Giáo tại tỉnh Basilan thuộc miền Nam Philippines. Ðây là những phiến quân chủ mưu nhiều vụ bắt cóc tống tiền trong những tháng gần đây.
Ông Abduhadi Muallam, tư lệnh cảnh sát tỉnh Basilan cho biết các biện pháp an ninh đang được ban hành tại tất cả các nhà thờ Công Giáo trong tỉnh, sau khi tin tình báo thu thập được cho thấy các phiến quân Hồi Giáo thuộc nhóm Abu Sayyaf đang có dự tính bắt cóc các linh mục Công Giáo. Cảnh sát đã được gửi tới để bảo vệ các linh mục. Basila là tỉnh có đa số người Hồi Giáo sinh sống. Năm 1993, nhóm Abu Sayyaf đã bắt cóc một linh mục người Tây Ban Nha là cha Bernado Blanco. Cha Blanco đã trốn thoát sau 48 ngày bị giam giữ trong rừng. Tháng trước, các phiến quân của nhóm này đã bắt cóc hai thương gia người Hồng Kông và một thương gia người Malaysia.
Một nhóm phiến quân Hồi Giáo khác hiện cũng đang bắt giữ một linh mục Công Giáo người Ý là cha Luciano Benedetti, thuộc Hội Thừa Sai Ngoại Quốc, trụ sở tại Milano. Cha Benedetti bị bắt cóc đã hơn một tháng nay và những người bắt cóc cha đòi 2 triệu Mỹ Kim tiền chuộc mạng. Mặc dù quân đội Philippines đã mở nhiều cuộc hành quân để giải cứu cha và các con tin khác, nhưng đều bị thất bại, bởi vì các phiến quân thường xuyên di chuyển các con tin khiến cho việc giải cứu họ càng trở nên khó khăn. Những vụ bắt cóc tống tiền do các phiến quân Hồi Giáo chủ mưu đang là một vấn đề nan giải cho chính phủ Philippines. Phủ tổng thống Philippines đề nghị thành lập một nhóm thương thuyết gia đặc biệt để mở các cuộc thương lượng với các phiến quân đang cầm giữ con tin.
Các Giám Mục Indonesia lên án việc sát hại những người xử dụng phù phép.
(UCAN IJ1175.0998 19/10/98) - Indonesia (Malang) - Hai vị Giám Mục Indonesia vừa lên án vụ sát hại hàng trăm người bị cáo buộc xử dụng phù phép.
Cuộc sát hại xảy ra tại quận Banyuwangi thuộc đảo Ðông Java bên Indonesia, bắt đầu từ tháng 5/1998 và đạt tới cao điểm trong tháng 9/1998. Các nạn nhân bị cáo buộc đã dùng các phép thuật phù thủy. Ðức Cha Johanes Hadiwikarta, Giám Mục Surabaya và là tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Indonesia cho biết đa số những người bị giết thuộc một tổ chức Hồi Giáo mệnh danh là "Cuộc Thức Tỉnh của Những người Trí Thức Hồi Giáo" (The Awakening of Islamic Scholars). Ðây là tổ chức tôn giáo-xã hội của Hồi Giáo lớn nhất tại Indonesia. Qua cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn UCAN, Ðức Cha Hadiwikarta cho biết giáo hội Công Giáo Indonesia hết sức quan ngại về những vụ giết người hàng loạt tại Banyuwangi. Tuy các giới chức an ninh đã bắt giữ nhiều thủ phạm chủ mưu cuộc sát hại, trong số này có một số binh sĩ quân đội, cho đến này nhà chức trách Indonesia vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân nào dẫn tới những vụ sát hại này. Tuy nhiên ông Abdurrachman Wahid, lãnh tụ của tổ chức 32 triệu thành viên nói trên đã bác bỏ cáo buộc của giới chức an ninh rằng thủ phạm là những người thuộc đảng cộng sản đang hoạt động tại Banyuwangi.
Một vị Giám Mục Indonesia khác là Ðức Cha Yoseph S. Pandoyoputra, Giám Mục Malang, đã ra một thông cáo trong đó ngài viết như sau: "Lương tâm của chúng ta bị thương tổn nặng nề khi chúng ta nghe nói nhiều nạn nhân bị thảm sát là những nhà giáo dục và truyền đạo của Hồi Giáo. Chúng tôi hết sức quan tâm về việc xử dụng bạo động chống lại sự sống con người, đang trở thành phổ biến trong cuộc sống, như thể là con người có thể bị lạm dụng vì một mục tiêu nào đó". Trong một cuộc biểu tình tổ chức ngày 11/10/98 vừa qua, thành viên của tổ chức nói trên đòi buộc quân đội Indonesia mở cuộc điều tra về những báo cáo nói rằng, một nhóm sát thủ bịt mặt đã đột nhập vào nhà các nạn nhân, lôi họ ra ngoài và giết chết ngay ngoài sân. Những người chứng kiến nói rằng các sát thủ bịt mặt này, xem ra được huấn luyện đặc biệt bởi vì họ có thể xâm nhập vào các căn hộ được canh phòng cẩn mật và tẩu thoát êm thắm ngay sau vụ sát hại.
Hội nghị kỳ II của tổ chức Các Tông Ðồ Giáo Dân Phụ Nữ.
(UCAN AS1180.0998 19/10/98) - Thái Lan (Pattaya) - Văn Phòng Giám Mục đặc trách về Tông Ðồ Giáo Dân của Phụ Nữ, gọi tắt là BILA (Bishop’s Institute for Lay Apostolate on Women) đã nhóm đại hội kỳ II từ ngày 10-13/10/98 vừa qua tại Pattaya bên Thái Lan. Hội nghị này, do Văn Phòng Giáo Dân của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đứng ra bảo trợ, có chủ đề "Bản Chất Tông Ðồ của Phụ Nữ: Phục vụ cho Sự Sống".
Tham dự Hội Nghị có khoảng 70 tham dự viên, đa số là phụ nữ, đến từ các giáo hội địa phương ở Á Châu và các tổ chức của Giáo Hội. Bên cạnh các đề tài thảo luận liên quan tới vai trò của phụ nữ trong giáo hội và xã hội, các tham dự viên cũng được hỏi về những thành quả đạt được sau kỳ hội nghị thứ nhất. Ðức Cha Lawrence Tienchai Samanchit, Giám Mục Chataburi, chủ tịch Ủy Ban Xã Hội của Hội Ðồng Giám Mục Thái Lan đã khai mạc hội nghị với bài thuyết trình về đề tài phẩm giá của phụ nữ và sự đồng quyền với nam giới. Một tham dự viên người Ấn Ðộ đã đặt câu hỏi về những gì trong số các đề nghị sau hội nghị kỳ I dạo năm 1995 đã được mang ra áp dụng, nhất là trong vai trò truyền giáo của phụ nữ tại Á Châu. BILA I đã đưa ra 5 đề nghị, cụ thể là để cho các phụ nữ được hiện diện nhiều hơn trong các tổ chức và hội đồng của giáo hội; mỗi giáo phận đều thành lập một ủy ban để đối phó với những tình trạng bất công nhắm vào các phụ nữ và trẻ em; phụ nữ, luôn cả các nữ tu trong các nhà dòng, cần được trả lương xứng đáng với việc làm của họ; mở các môn thần học trong các chủng viện và trung tâm huấn luyện cho phụ nữ; ủng hộ và tạo điều kiện cho phụ nữ theo học các môn thần học này.
Các tham dự viên xem ra chưa chuẩn bị đầy đủ để trả các lời câu hỏi nêu lên ở trên; và theo Ðức Cha Angel Lagdameo, Giám Mục Dumaguete bên Philippines, điều này chứng tỏ rằng, hơn lúc nào hết cần phải có một nền văn hóa về sự đồng quyền. Ðức Cha Lagdameo cũng là chủ tịch văn phòng đặc trách về giáo dân và ngài ghi nhận tình trạng bạo động nhắm vào các phụ nữ đang gia tăng hiện nay; ngài đề nghị dùng thánh Edith Stein như một mẫu mực về bản chất tông đồ của phụ nữ ngày nay.