Phái đoàn
của tổ chức CIDSE viếng thăm
Việt Nam
Ðức Cha Belo kêu gọi
Indonesia ngưng hoạt động quân sự
tại Ðông Timor
Các nhà lãnh đạo
Giáo Hội Nam Hàn quan tâm về tỉ
lệ ly dị gia tăng
Một gián điệp của
cựu Ðông Ðức được
đặt tại Tòa Thánh
Sudan đưa các bị cáo
người Kitô ra xử
Tòa Thánh kêu gọi
chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế
Iraq
Tiểu bang Alabama bên Hoa Kỳ
chuẩn bị tu chính hiến pháp
Hội thảo bế mạc năm
kỷ niệm 400 năm Dòng Ðức
Bà tại Pháp
Phong trào Thanh Lao Công mừng
70 năm thành lập
ÐTC tiếp Ban Lãnh Ðạo
Hội Hiệp Sĩ Colombus
Phái đoàn của tổ chức CIDSE viếng thăm Việt Nam.
(UCAN VT1166.0997 15/10/98) - Việt Nam (Hà Nội) - Ðánh dấu kỷ niệm 20 năm chương trình hỗ trợ cho Việt Nam, một phái đoàn của tổ chức Hợp Tác Quốc Tế cho Phát Triển và Ðoàn Kết, gọi tắt là CIDSE đã viếng thăm Việt Nam từ ngày 5-12/10/98 vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Ban Tôn Giáo của Việt Nam đã dành cho phái đoàn một buổi tiếp kiến. Lên tiếng trong buổi gặp gỡ này, ông Ngọc ghi nhận là tôn giáo có thể giúp ngăn ngừa những tệ nạn xã hội, và điều này được chứng minh trong quá khứ cũng như hiện tại. Ðề cập tới tự do tôn giáo tại Việt Nam và tình đoàn kết quốc gia, ông Nguyễn Văn Ngọc nhấn mạnh đây là hai lãnh vực đều có tầm quan trọng như nhau, tuy nhiên sẽ có những vấn đều nếu mang cả hai ra áp dụng cùng một lúc. Ông nói như sau: "Trong một lúc, không phải chỉ có riêng một cá nhân phát triển nhưng mà là toàn xã hội, và chúng tôi cần sự đóng góp của nhiều người để đạt tới mục tiêu phát triển."
Phái đoàn CIDSE do chủ tịch là ông Justin Kilcullen cầm đầu. Trong thời gian lưu lại Hà Nội, phái đoàn đã đến thăm Ðức Hồng Y Phaolô Phạm Ðình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội và chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam; Ðức Cha Bartolomêso Nguyễn Sơn Lâm, Giám Mục Thánh Hóa và là tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Việt Nam đã bày tỏ lòng biết ơn về sự hiện diện của CIDSE tại Việt Nam, đã trợ giúp ngân khoản lên tới 50 triệu Mỹ Kim cho các chương trình phát triển nông nghiệp, y tế và cho các phụ nữ nghèo ở miền quê vay nợ. Bên cạnh đó, giáo hội cũng bày tỏ mối quan tâm trước hố chia cách ngày một rộng thêm giữa người giàu và nghèo tại Việt Nam. Tại thành phố Saigon, phái đoàn CIDSE đã đến thăm Ðức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn.
Ðức Cha Belo kêu gọi Indonesia ngưng hoạt động quân sự tại Ðông Timor.
(Reuters 15/10/98) - Ðông Timor (Dili) - Thứ Năm 15/10/98, Ðức Cha Carlos Ximenes Belo, giám quản tông tòa Dili, kêu gọi chấm dứt các hoạt động quân sự của Indonesia trong vùng lãnh thổ này, giữa lúc có tin nói lại có những cuộc đụng độ mới giữa các binh sĩ Indonesia và phiến quân thuộc Mặt Trận Fritilin của người Ðông Timor.
Ðông Timor là cựu thuộc địa của Bồ Ðào Nha và trong những ngày vừa qua, có những lời đồn đoán là Indonesia đang gia tăng sự hiện diện của quân đội và đã có giao tranh xảy ra. Ðược hỏi về vấn đề này, Ðức Cha Belo đã trả lời hãng thông tấn Reuters như sau: "Nếu chúng ta muốn đối thoại và có giải pháp hòa bình thực sự, thì cần phải giảm bớt sự hiện diện của quân đội Indonesia để người dân Ðông Timor được tự do di chuyển. Thật là điều không tốt, nếu chúng ta nói tới cải tổ và đối thoại, khi mà các hoạt động quân sự vẫn tiếp diễn". Ðức Cha Belo cũng cho biết ngài có nghe báo cáo về những vụ chạm súng ở phía đông của lãnh thổ này nhưng ngài không tiết lộ thêm chi tiết.
Vị giám quản tông tòa Dili cũng hoan nghênh lời kêu gọi của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Kofi Annan. Quan tâm về tình hình căng thẳng đang gia tăng tại Ðông Timor, một phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc đã ra một thông cáo trong đó ông Annan kêu gọi ngưng tất cả các hoạt động quân sự tại đây và giảm bớt tối đa sự hiện diện của các binh sĩ người Ðông Timor. Trong tuần qua, dân chúng tại Dili đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi vị thống đốc do Indonesia bổ nhiệm phải từ chức. Trong khi đó, tại Bali thuộc Indonesia, ngoại trưởng Ali Alatas đã hội kiến với khoảng 50 lãnh tụ người Ðông Timor để bàn thảo về tương lai của vùng lãnh thổ này. Một viên chức Indonesia cho biết mục đích cuộc gặp gỡ này là để giải thích ý định của Indonesia trong vấn đề nới rộng quyền tự trị của người Ðông Timor. Tuần trước, đại diện của Indonesia và Bồ Ðào Nha đã nhóm họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc để bàn về qui chế của Ðông Timor nhưng cả hai bên không đạt được một sự thỏa thuận nào để giải quyết cuộc tranh chấp. Vòng bàn thảo kế tiếp dự trù sẽ diễn ra vào tháng 11/1998 tới đây.
Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Nam Hàn quan tâm về tỉ lệ ly dị gia tăng.
(UCAN KO1132.0997 15/10/98) - Nam Hàn (Seoul) - Các nhà lãnh đạo giáo hội Công Giáo Nam Hàn đã bày tỏ quan tâm sâu xa về tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đối với các gia đình tại Nam Hàn, giữa lúc con số những vụ ly dị và sống ly thân giữa các đôi vợ chồng đang ngày một gia tăng.
Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo "Chosun Ilbo" xuất bản tại Nam Hàn ngày 25/9/98 vừa qua, Ðức Tổng Giám Mục Nicolas Cheong Jin Suk của Seoul ghi nhận rằng nạn ly dị đang gia tăng có thể dẫn tới sự phá hủy các cộng đoàn xã hội. Ngài nói như sau: "Gia đình là đơn vị quan trọng nhất lập thành xã hội. Nếu các cha mẹ ly dị hay sống ly thân, thì con cái sẽ trở thành nạn nhân của sự hủy hại trong gia đình. Các cha mẹ đừng bao giờ giải quyết cuộc khủng hoảng của hôn nhân bằng ly dị, bởi vì điều này liên quan tới việc bỏ bê nhân phẩm của con cái của họ. Hành động vô trách nhiệm này là đáng có tội".
Về phần mình, linh mục Anthony Seong Wan Hai, thư ký Ủy Ban đặc trách về Mục Vụ Gia Ðình của Hội Ðồng Giám Mục Nam Hàn, cũng đồng ý rằng, nạn ly dị tại Nam Hàn đang gia tăng trong những tháng gần đây, là một vấn đề hết sức nghiêm trọng và là hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế. Cha Seong Wan Hai nói như sau: "Khi gia đình phải gánh chịu những khó khăn về mặt kinh tế, tất cả những người trong gia đình cần phải khích lệ lẫn nhau qua mối dây liên lạc chân thành. Chỉ qua những tiếp xúc và liên lạc thường xuên như thế mới tránh cho đôi vợ chồng nghĩ đến chuyện ly dị hay sống ly thân". Kết quả một cuộc thăm dò về hoàn cảnh sống của những người bị thất nghiệp tại Seoul và Pusan cho thấy, 7,7% đàn ông có gia đình và vừa bị thất nghiệp kể từ tháng 12 vừa qua, đã ly dị với vợ, trong khi 10,35 cho biết là họ đang ở trong tình trạng sắp sửa ly dị hay ly thân với vợ mình. Cuộc thăm dò dư luận này do Ủy Ban đặc trách về phụ nữ của phủ tổng thống Nam Hàn thực hiện.
Một gián điệp của cựu Ðông Ðức được đặt tại Tòa Thánh.
(CWTN 15/10/98) - Roma - Cựu trùm cơ quan gián điệp Stasi của Ðức, ông Markus Wolf vừa tiết lộ là trong những năm của thập niên 80 cơ quan này đã gài một gián điệp vào làm việc tại Tòa Thánh.
Xuất hiện trên đài truyền hình RAI của Ý trong buổi phát đặc biệt kỷ niệm 20 năm triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II, ông Markus Wolf cho biết, viên gián điệp này là một giáo sĩ thuộc dòng Benedictine đến từ Ðức được gửi vào làm việc trong các văn phòng khoa học của Tòa Thánh. Theo ông Markus Wolf vị giáo sĩ này đã cung cấp nhiều tin tức liên quan tới chính sách ngoại giao của Tòa Thánh và đặc biệt các chi tiết về chính sách đối ngoại của Ðức cố Hồng Y Agostino Casoroli, lúc đó giữ chức quốc vụ khanh Tòa Thánh.
Cùng xuất hiện trong buổi phát thanh ngày thứ Ba 13/10/98 có cựu tổng thống Mikhail Gorbachev của cựu Liên Xô. Cả ông Gorbachev và ông Wolf đều bác bỏ những phân tích cho rằng khối cựu Liên Xô có dính líu tới vụ mưu sát ÐTC Gioan Phaolô II dạo năm 1981. Thủ phạm mưu sát ÐTC, Ali Agca sau khi bị bắt đã khai rằng cơ quan mật vụ Bulgari và KGB của Nga đã hỗ trợ ông trong vụ mưu sát ÐTC. Tuy nhiên ông Agca đã rút lại lời khai này. Tòa án điều tra của chính phủ Ý cũng không tìm ra đủ bằng cớ để chứng minh lời cáo buộc nhắm vào các cơ quan mật vụ vừa nói.
Sudan đưa các bị cáo người Kitô ra xử.
(EWTN 15/10/98) - Sudan (Khartoum) - Trong tuần này, tòa án quân sự Hồi Giáo của chính quyền Sudan tiếp tục vụ xử 28 người Kitô giáo, trong số này có hai linh mục Công Giáo, bị cáo buộc có dính líu tới những vụ đặt bom và các hoạt động chống chính phủ.
Tuy các luật sư của những người bị cáo đã đặt nghi vấn về việc dùng tòa án quân sự xét xử các dân sự, nhưng phiên tòa vẫn tiến hành. Tất cả các bị cáo được đưa ra xử về tội hoạch định âm mưu đặt bom tại Sudan dạo tháng 6/1998 vừa qua để hậu thuẫn có các hoạt động quân sự của các phiến quân có căn cứ ở miền Nam Sudan chống lại chính phủ. Một trong hai vị linh mục Công Giáo, cha Hillary Boma bị cáo là người tài trợ cho âm mưu này với các khoản tài chánh cung cấp từ Ý. Cha Boma và vị linh mục thứ hai là cha Lino Sebit đều bị cáo là đã nhận các dụng cụ làm bom từ các phiến quân thuộc Quân Ðội Giải Phóng Nhân Dân Sudan.
Nếu xét có tội, tất cả các bị cáo có thể bị tử hình. Tòa Tổng Giám Mục tại thủ đô Khartoum đã lên án vụ xét xử này và xác quyết về sự vô tội của hai linh mục nói trên.
Tòa Thánh kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế Iraq.
(EWTN 15/10/98) - Vatican - Tòa Thánh vừa lập lại lời kêu gọi Liên Hiệp Quốc bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế Iraq.
Lên tiếng tại khóa họp khoáng đại của Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Ðức Ông James Reinert, thuộc phái đoàn Tòa Thánh khẳng định một lần nữa là Tòa Thánh luôn luôn chống lại việc xử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế ép buộc, có tính cách kỳ thị. Ðức ông James Reinert giải thích rằng, sở dĩ Tòa Thánh có lập trường chống đối là vì những hậu quả tai hại của biện pháp cấm vận kinh tế trên đời sống của các thường dân nghèo của quốc gia bị trừng phạt. Biện pháp cấm vận thường khi không mang lại thay đổi nào về những hành vi chính trị của nhà cầm quyền tại quốc gia đó. Thực sự thì cộng đồng quốc tế, đôi khi, có thể dùng những biện pháp cấm vận kinh tế như biện pháp tạm thời để gây áp lực trên các chính phủ có khả năng đe dọa hòa bình thế giới, tuy nhiên những biện pháp đó nên được xử dụng với một sự nhận thức xâu sa và dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức và pháp lý chặt chẽ.
Ðức ông James Reinert cũng không quên nhắc lại là ÐTC Gioan Phaolô II đã không biết bao lần lên tiếng kêu gọi bãi bỏ lệnh cấm vận Iraq, cụ thể trong sứ điệp Giáng Sinh của ngài năm 1995 và trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 16/11/1997. Về phần mình, trong chuyến viếng thăm thủ đô Baghdad dạo tháng 6/1998 vừa qua, Ðức Hồng Y Roger Etchagaray, cựu chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, đã mạnh mẽ lên án những hậu quả tai ương vượt ngoài tầm kiểm soát của lệnh cấm vận trên dân chúng Iraq, những hậu quả mà Ðức Hồng Y Etchagaray cho là đang hủy diệt tinh thần của họ.
Tiểu bang Alabama bên Hoa Kỳ chuẩn bị tu chính hiến pháp.
(EWTN 15/10/98) - Hoa Kỳ (Alabama) - Các cử tri tại tiểu bang Alabama bên Hoa Kỳ đang chuẩn bị tham gia cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 3/11/98 tới đây liên quan tới một điều khoản tu chính hiến pháp đảm bảo quyền tự do của các giáo hội khỏi sự can thiệp từ chính quyền.
Ðiều khoản này được dựa trên một đạo luật vãn hồi quyền tự do tôn giáo của chính phủ liên bang Hoa Kỳ ban hành dạo năm 1993 đã bị Tối Cao Pháp Viện bác bỏ, bởi lẽ nó tước đoạt quyền của chính phủ. Ðiều khoản tu chính của bang Alabama sẽ nghiêm cấm chính quyền bang can dự vào quyền tự do của tôn giáo, trừ khi chính quyền chứng minh được họ có đủ lý lẽ để làm như thế, và nếu phải can thiệp vì quyền lợi của chính quyền thì sự can thiệp này phải được hạn chế ở mức tối đa. Thí dụ như, chính quyền bang không thể can dự vào chuyện giáo hội cho trẻ em dưới vị thành niên dùng rượu của thánh lễ, hay nghiêm cấm các học sinh ở trường công đọc kinh thánh trong phòng đọc sách.
Các tiểu bang khác của Hoa Kỳ như California, Florida và Illinoies đã thông qua một đạo luật tương tự, nhưng thống đốc của bang California là ông Pete Wilson đã phủ quyết luật này, trong khi thống đốc bang Illinois thì yêu cầu các nhà làm luật soạn ra một điều khoản tu chính mới.
Hội thảo bế mạc năm kỷ niệm 400 năm Dòng Ðức Bà tại Pháp.
Paris [Apic 15/10/98] - Vào ngày17/10/98,Dòng Ðức Bà bế mạc năm mừng kỷ niệm 400 năm thành lập. Ðể đánh dấu biến cố này, Hội dòng tổ chức một cuộc hội thảo tại Reuilly, thuộc quận 13, Paris. Cao điểm của biến cố là thánh lễ do Ðức Cha Eric Aumonier, giám mục phụ tá Paris chủ tọa tại Nhà thờ Ðức Bà vào ngày Chúa Nhựt 18/10/98.
Thuyết trình viên trong cuộc hội thảo là ông Jacques Delors, cựu chủ tịch của Ủy Ban Âu Châu và Ðức Cha Albert Rouet, giám mục Poitiers, cựu chủ tịch ủy ban xã hội của hội đồng gíam mục Pháp. Ngoài ra còn có bà Mijo Beccaria, chủ tịch của Văn Phòng Thiếu Nhi Công Giáo quốc tế. Tất cả các đề tài thuyết trình đều tập trung vào đề chủ đề giáo dục.
Dòng Ðức Bà được bà Alix le Clerc thành lập cách đây 400 năm. Hiện nay hội dòng có tất cả 761 nữ tu chuyên về công tác giáo dục rải rác tại Châu Phi, Mỹ Châu, Á Châu và Âu Châu.
Phong trào Thanh Lao Công mừng 70 năm thành lập.
Paris [Apic 15/10/98] - Năm nay, Thanh Lao Công mừng kỷ niệm 70 năm thành lập. Ðể mừng biến cố, trong những ngày này, Phong trào cho tổ chức tại Paris một cuộc gặp gỡ toàn quốc qui tụ khoảng 5,000 người và một cuộc hội thảo về tương quan của phong trào với xã hội.
Với chủ đề "70 năm Thanh Lao Công, quá khứ và viễn tượng", cuộc hội thảo được đặt dưới sự bảo trợ của Ðức Cha Olivier Berranger, giám mục Saint Denis, kiêm chủ tịch ủy ban xã hội của hội đồng giám mục Pháp.Tham dự cuộc hội thảo, ngoài thành viên của phong trào, còn có nhiều sử gia, nhà xã hội học cũng như những người hoạt động trong các phong trào xã hội, chính trị và giáo hội.
Cuộc gặp gỡ diễn ra ngày 17/10/98 tại Saint Ouen, ngoại ô Paris với chủ đề: "70 năm Thanh Lao Công, tương lai vẫn còn đó".
Phong Trào Thanh Lao Công được linh mục Cardijin thành lập tại Bỉ hồi năm 1926. Năm sau, Phong trào được linh mục Guérin đưa vào Pháp. Hiện nay tại Pháp, cả hai ngành nam nữ của Phong Trào có khoảng 12 ngàn thành viên.
ÐTC tiếp Ban Lãnh Ðạo Hội Hiệp Sĩ Colombus.
Vatican - 15.10.98 - Sáng thứ Năm 15/10/98, trong Ðền Vatican, ÐTC tiếp Ban Lãnh Ðạo Hội Hiệp Sĩ Colombus (Hoa Kỳ), từ nhiều năm qua và với lòng quảng đại vẫn giúp đỡ tài chánh cho các hoạt động của ÐTC và của Tòa Thánh.
Trong diễn văn ngắn đọc cho các Hiệp Sĩ, ÐTC ca ngợi chứùng tá đức tin Kitô, tinh thần liên đới huynh đệ và sự dấn thân hăng say trong sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội. ÐTC cảm ơn cách riêng Hội Hiệp Sĩ Colombus Hoa Kỳ đã dâng cúng tiền để xây cất tại New York một trụ sở xứng đáng cho Phái Bộ Quan Sát thường trực của Tòa Thánh bên cạnh Liên Hiệp Quốc.
Sau cùng ÐTC khuyến khích các thành viên của Hội Hiệp Sĩ Colombus tiếp tục "trận chiến bảo vệ sự sống" với những chương trình và sáng kiến mới trong mọi lãnh vực: văn hóa, kinh tế, chính trị và luật pháp. ÐTC kết thúc: "Ước gì những cố gắng của các Hiệp Sĩ Colombus đem lại nhiều hoa trái tốt lành".