Tin Tức và Thời Sự
ngày 13 tháng 10/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Ðức Thánh Cha sẽ tiếp kiến Tổng Giám Ðốc Tổ Chức Lương Thực Thế Giới

Ðức Thánh Cha sẽ tiếp kiến Tổng Giám Ðốc Tổ Chức Lương Thực Thế Giới.

Roma [Apic 13/10/98] - Vào ngày15/10/98, Tổng Giám Ðốc Tổ Chức Thực Phẩm và Nông Nghiệp của Liên Hiệp Quốc, ông Jacques Diouf, sẽ được Ðức Thánh Cha tiếp kiến.

Trong một thông cáo công bố hôm thứ Ba 13/10/98, Tòa Thánh cho biết cùng được tiếp kiến với ông Jacques Diouf còn có đại diện miền của các quốc gia thành viên của Tổ Chức. Nhân dịp này, ông Jacques Diouf sẽ trao tặng cho Ðức Thánh Cha "huy chương nông nghiệp quốc tế", để nói lên mối quan tâm của các tổ chức thiện nguyện Công Giáo và của Ðức Thánh Cha đối với hoạt động và sự dấn thân của các tổ chức quốc tế trong cuộc chiến chống lại nạn đói và suy dinh dưỡng.

Huy chương này có ghi khắc câu "cơm bánh hằng ngày là điều kiện cho hòa bình thế giới" được trích từ bài diễn văn của Ðức Thánh Cha nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập của Tổ Chức Thực Phẩm và Nông Nghiệp Thế Giới.


Lễ phong chức linh mục đầu tiên tại Mông Cổ

Lễ phong chức linh mục đầu tiên tại Mông Cổ.

Ulan Bator - Mông Cổ [Apic 13/10/98] - Sáu năm sau khi các nhà thừa sai Công Giáo đầu tiên là các tu sĩ Dòng Ðức Mẹ Vô Nhiễm đặt chân đến Mông Cổ, Giáo Hội tại đây vừa cử hành lễ phong chức linh mục đầu tiên. Nguời được thụ phong là linh mục Pierre Kitengie Kasemuana, nguời Congo.

Lễ phong chức đã được cử hành với một nghi lễ đầy mầu sắc pha trộn giữa hai nền văn hóa Mông Cổ và Phi Châu. Cùng đồng tế với Ðức Tổng Giám Mục Giovanni Battista Morandini, sứ thần Tòa Thánh tại Nam Hàn, có 14 linh mục, tất cả đều mặc phẩm phục Mông Cổ. Tham dự nghi lễ có khoảng 400 nguời, trong đó có 77 người Mông Cổ được các nhà thừa sai đầu tiên rửa tội, các dự tòng và một số nguời ngoại quốc cùng với gia đình của họ.

Nhiều tu sĩ Phật Giáo thuộc các quốc tịch Mông Cổ, Tây Tạng, Ðại Hàn và một số trẻ em đường phố được các tu sĩ chăm sóc, cũng có mặt trong buổi lễ. Các bài thánh vịnh đã được đọc trong 7 thứ tiếng khác nhau.

Cha Kasemuana, năm nay 33 tuổi, đã đến Mông Cổ hồi năm 1995. Sau hai năm học tiếng bản xứ và làm quen với văn hóa địa phương, cha đã lãnh nhận chức phó tế hồi lễ Phục Sinh năm vừa qua1997.

Số tín hữu Công Giáo Mông Cổ hiện nay chỉ có 80 người trên một tổng số dân là 2 triệu 4. Ngoài 6 tu sĩ thuộc Dòng Ðức Mẹ Vô Nhiễm, còn có 10 nữ tu thuộc 3 dòng tu khác nhau, hiện đang phục vụ cho nguời nghèo tại thủ đô Ulan Bator.


Ðức Cha Belo kêu gọi dân chúng tại Dili biểu tình ôn hòa

Ðức Cha Belo kêu gọi dân chúng tại Dili biểu tình ôn hòa.

(AFP 13/10/98) - Indonesia (Jakarta) - Ðức Cha Carlos Ximenes Belo, giám quản tông tòa Dili, nói ngài không phản đối việc dân chúng tại đây biểu tình, tuy nhiên ngài cảnh giác họ nên biểu tình một cách ôn hòa để tránh gây sự trì trệ trong những hoạt động kinh tế của Ðông Timor.

Liên tiếp trong bốn ngày vừa qua, dân chúng tại Dili đã biểu tình đòi bãi nhiệm ông Jose Osorio Abilio Soares, thống đốc Ðông Timor do Indonesia bổ nhiệm, bởi vì ông này đã dọa là sẽ sa thải các nhân viên dân sự nếu họ không tán thành đề nghị của Indonesia liên quan tới qui chế tự trị của Ðông Timor. Bắt đầu từ hôm thứ Bảy (10/10/98), 15 ngàn nhân viên dân sự đã biểu tình bằng cách nghỉ làm và ở nhà. Sang đến ngày thứ Hai 12/10/98 chỉ có một số làm việc trong các ngành dịch vụ thiết yếu như nhà thương và truyền thông đến sở làm. Nhiều cửa tiệm, trường học tại Dili bị đóng cửa, các tuyến đường xe buýt bị tê liệt, và thứ Ba 13/10/98, hàng trăm người Ðông Timor đã xuống đường biểu tình, tuy nhiên không có bạo động nào xảy ra.

Hãng thông tấn Antara của Indonesia trích thuật lời của Ðức Cha Ximenes Belo nói rằng trong hoàn cảnh như thế, các nhân vật có trách nhiệm trong xã hội phải khôn ngoan và đáp ứng ngay tức thời nguyện vọng của người dân và nghiên cứu kỹ lưỡng xem phải làm gì để đời sống của họ trở nên tốt đẹp hơn.


Vai trò văn hóa của báo chí Công Giáo

Vai trò văn hóa của báo chí Công Giáo.

(UCAN HK1165.0997 13/10/98) - Hồng Kông - Mặc dù chỉ được coi như là một phương tiện truyền thông giới hạn, nhưng báo chí Công Giáo có thể giữ một vai trò văn hóa và giúp kiến tạo một xã hội đa dạng và cân bằng hơn.

Trên đây là nhận định của các thuyết trình viên tại khóa hội thảo hôm mùng 9/10/98 vừa qua, nhân kỷ niệm 70 năm ngày tờ Kung Pao Po, tuần báo tiếng Hoa của giáo phận Hồng Kông, ra đời. Khóa hội thảo có chủ đề: "Vai Trò Xã Hội của phương tiện Truyền Thông Nhỏ" (Small Media). Ông Paul Lee, chủ tịch phân ban Báo Chí và Truyền Thông của trường Ðại Học Trung Hoa ở Hồng Kông cho rằng, phương tiện truyền thông nhỏ, đặc biệt là của tôn giáo, có tác động trên xã hội nếu nó mang một cái nhìn về xã hội và giúp phản ánh các thực tại của xã hội. Nó có thể trở thành một chọn lựa thay thế cho các phương tiện truyền thông đời (secular media). Tuy không có nhiều độc giả và tài nguyên hơn so với giới truyền thông đại chúng, nhưng chắc chắn báo chí Công Giáo sẽ tạo nên tác động nếu nó có một lập trường rõ ràng và nhắm vào những giới có ảnh hưởng trong xã hội.

Trong bài thuyết trình của mình, ông Dominic Yung, người coi sóc Trung Tâm Thính Thị Công Giáo của Giáo Phận Hồng Kông, nói rằng, các phương tiện truyền thông nhỏ tự nó giúp cho các phương tiện truyền thông đại chúng trở nên cân bằng, đầy đủ và đa dạng hơn. Người Công Giáo tại Hồng Kông, tuy chỉ chiếm 4% tổng số dân địa phương, nên phát triển cơ sở truyền thông của riêng mình và dùng cơ sở này để tranh đấu cho quyền lợi của người Công Giáo.


Tổng Giáo Phận Seoul được chia thành 15 giáo hạt

Tổng Giáo Phận Seoul được chia thành 15 giáo hạt.

(UCAN KO1133.0997 13/10/98) - Nam Hàn (Seoul) - Ðức Tổng Giám Mục Nicolas Cheong Jin-Suk của Seoul đã chính thức bổ nhiệm 15 hạt trưởng đặc trách coi sóc công tác mục vụ cho 15 giáo hạt vừa được thành lập trong Tổng Giáo Phận này.

Trong nghi lễ tổ chức tại nhà thờ chính tòa Myongdong ở thủ đô ngày 30/09/98 vừa qua, Ðức Tổng Giám Mục Cheong Jin-Suk cho rằng Tổng Giáo Phận Seoul bắt đầu bước vào một trang sử mới. Ðức Tổng Giám Mục Giovanni Battista Morandini, sứ thần Tòa Thánh tại Nam Hàn, ba vị phụ tá Giám Mục Seoul và khoảng 800 linh mục đã đến tham dự nghi lễ thành lập các giáo hạt mới. Các vị tân hạt trưởng cam kết sẽ thi hành sứ vụ của mình trong nhiệm kỳ 5 năm trong khi các linh mục cũng hứa là họ sẽ cộng tác và vâng lời các hạt trưởng.

Với việc thành lập các giáo hạt, từ nay, tất cả những chương trình mục vụ sẽ được soạn thảo và mang ra áp dụng tùy theo mỗi giáo hạt. Việc thành lập giáo hạt này dựa trên Giáo Luật số 555, theo đó, mỗi hạt trưởng có bổn phận phải thăng tiến và phối hợp các sinh hoạt mục vụ trong giáo hạt của mình, đồng thời đảm bảo là các linh mục trực thuộc giáo hạt sẽ thi hành các công tác mục vụ theo trách nhiệm được trao phó. Vị hạt trưởng phải đảm bảo thế nào để thánh lễ, và các sinh hoạt tôn giáo phải được cử hành theo đúng nghi lễ phụng vụ thánh và các linh mục trong giáo hạt được săn sóc đầy đủ về mặt tinh thần cũng như vật chất, đặc biệt trong những hợp các linh mục lâm vào hoàn cảnh khó khăn hay bệnh tật. Ngoài ra hạt trưởng bắt buộc phải đến thăm các giáo xứ chiếu theo các điều lệ do Giám Mục của giáo phận qui định.


Quan sát viên người Bangladesh tại khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu chia sẻ kinh nghiệm

Quan sát viên người Bangladesh tại khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu chia sẻ kinh nghiệm.

(UCAN BA1140.0997 13/10/98) - Bangladesh (Dhaka) - Tuy chiếm một tỉ lệ đa số, nhưng giới trẻ tại Á Châu nói chung, và giới trẻ Công Giáo nói riêng, lại không được quan tâm tới nhiều.

Trên đây là nhận định của ông Joseph D’Silva, giáo sư ngành động vật học tại đại học Dhaka của Bangladesh và là một trong số 63 quan sát viên tại khóa họp đặc biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, diễn ra tại Vatican dạo tháng 4-5/1998 vừa qua. Trong một buổi hội thảo do Phong Trào Sinh Viên Công Giáo Bangladesh đứng ra tổ chức, ông D’Silva cho các tham dự viên biết đề tài mà ông chia xẻ tại khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu liên quan tới giới trẻ trong giáo hội. Ðề tài chia sẻ trong buổi hội thảo bao gồm các đề tài được mang ra thảo luận trong khóa họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, như, linh hướng, đối thoại, hội nhập văn hóa trong nghi lễ phụng vụ, giáo hội hoàn vũ và Ðại Năm Thánh 2000. Trước hết ông D’Silva thừa nhận những đóng góp của các vị thừa sai ngoại quốc trong lãnh vực rao truyền đức tin Kitô qua những cơ sở giáo dục, tuy nhiên điều đáng tiếc là hiện giờ, ơn gọi trong vùng đang giảm sút. Theo ông, vì giới trẻ là chất xúc tác của giáo hội để trở thành chứng nhân và công cụ rao truyền Tin Mừng của Chúa Giêsu, nên đã đến lúc giáo hội Công Giáo địa phương nên thành lập một văn phòng tuyên úy, đặc trách công tác huấn luyện giới trẻ.

Cũng trong bài chia sẻ, ông D’Silva ghi nhận, 2/3 dân số thế giới sống tại Á Châu, tuy nhiên, ngoại trừ Philippines, người Kitô các quốc gia khác của lục địa này chỉ là thành phần thiểu số. Vì thế, giới trẻ Kitô cần phải biết đối thoại với anh chị em thuộc các tôn giáo khác. Nhưng không vì lẽ thuộc thành phần thiểu số mà giới trẻ Kitô phải sợ sệt, bởi vì nếu sợ thì họ sẽ không thể nào gầy dựng được căn cước của người Kitô ở Á Châu. Ðiều cần thiết là họ phải ý thức được là họ đang sống với các nhóm đa số, nhưng đồng thời họ cũng biết rao giảng đức tin Kitô cho những người khác.


Biểu tình chống vở kịch "Corpus Christi" tại Hoa Kỳ

Biểu tình chống vở kịch "Corpus Christi" tại Hoa Kỳ.

(AFP 13/10/98) - Hoa Kỳ (New York) - Thứ Ba 13/10/98, hơn 2,000 người Kitô giáo đã biểu tình tại thành phố New York, để phản đối vở kịch mà họ cho là xúc phạm tới Công Giáo, vì nội dung vở kịch mô tả Chúa Giêsu là một người đồng tính luyến ái.

Vở kịch này mang tựa đề "Corpus Christi", nói về một nhân vật đồng tính luyến ái có tên là Joshua và sinh ra tại thành phố "Corpus Christi" thuộc bang Texas. Ông William Donohue, chủ tịch Liên Minh Công Giáo cho Quyền Tôn Giáo và Dân Sự, đã coi vở kịch này trong một buổi trình chiếu ra mắt trước, và theo ông nội dung vở kịch là một sự tấn công trực tiếp vào người Công Giáo. Tuy nhiên các tổ chức ủng hộ vở kịch, gồm các nhà viết kịch và nghệ sĩ quốc tế đã phản đối lời cáo buộc của phía người Công Giáo bảo thủ. Ông Tony Krushner, một tác giả đã đoạt giải thưởng Pulitzer với vở kịch "Các Thiên Thần tại Hoa Kỳ", cho rằng điều quan trọng ở đây không phải là nội dung nhưng là quyền tự do ngôn luận.

Tại rạp hát nơi vở kịch được trình diễn, cảnh sát phải áp dụng các biện pháp an ninh chặt chẽ để phòng ngừa bạo động có thể xảy ra. Trong khi những người Công Giáo bảo thủ chống đối vở kịch này, thì Ðức Hồng Y Joseph O’Connor, Tổng Giám Mục New York, đã nói ngài không coi nội dung của vở kịch là có ý mô tả về Chúa Giêsu.


Các nhà truyền giáo Slovak đến Cộng Hòa Kazakhstan

Các nhà truyền giáo Slovak đến Cộng Hòa Kazakhstan.

Kazakhstan - 13.10.98 - Nhật Báo Công Giáo Ý "Tương Lai" (Avvenire), số ra ngày 13.10.98, loan tin: Theo lời yêu cầu của Ðức Cha Jan Pawel Lenga, Giám Quản Tông Tòa toàn lãnh thổ Kazakhstan, một số nhà truyền giáo người Slovak có thể đến tăng cường cho 50 linh mục, đa số là người Ba Lan, đang hoạt động tại đây.

Số người Công Giáo tại Cộng Hòa Kazakhstan (trước đây thuộc cựu Liên Xô) hiện nay khoảng 500 ngàn trong số 22 triệu dân cư. Các tín hữu Công Giáo tại đây hầu hết là con cháu các người di cư, tị nạn gốc Ba Lan, Lituani và Cộng Hòa Liên Bang Ðức.


Back to Radio Veritas Asia Home Page