Tinh thần tông
đồ và phục vụ, chìa khóa
công cuộc rao truyền đức tin
Công Giáo Ấn Ðộ
cảm ơn người Ấn Giáo đã
lên án bạo động
Chủng sinh Nam Hàn tham dự
khóa huấn luyện 100 ngày tại Ấn
Ðộ
Người Công Giáo
Malaysia tham gia kêu gọi trả tự do cho
các dân biểu
Tuần lễ chiếu phim về
"nguời cha" tại Paris
Tòa Thánh yêu cầu
Cao Ủy Tỵ Nạn bảo vệ nguời
tỵ nạn
Các Giám Mục Philippines
bày tỏ hối tiếc về việc tha
bổng bà Marcos
Tinh thần tông đồ và phục vụ, chìa khóa công cuộc rao truyền đức tin tại Bangladesh.
(UCAN BA1100.0996 7/10/’98) - Bangladesh (Dhaka) - Ðể giữ bước với tư tưởng đang phát triển về sứ mạng truyền giáo, vào ngày 18/10/98 tới đây, ngày Thế Giới Truyền Giáo, các tín hữu Công Giáo tại Bangladesh được kêu gọi canh tân thừa tác phục vụ của mình cho các anh chị em đồng hương, bất kỳ họ thuộc màu da, giai cấp hay tôn giáo nào.
Linh Mục Daniel Rozario, chủ tịch Trung Tâm Truyền Thông Quốc Gia của Giáo Hội Công Giáo Bangladesh ghi nhận rằng, trong quá khứ, sứ mạng truyền giáo được nhấn mạnh qua công tác rao giảng Tin Mừng cho những người không theo đạo Kitô, nhưng ngày nay, điều quan trọng là gương sống chứng nhân. Ðó là để cho các giá trị Tin Mừng trở thành nguồn cảm hứng cho tất cả các sinh hoạt của đời sống, đặc biệt trong lãnh vực phục vụ cho người khác.
Ðề cập tới gương phục vụ, linh mục Rozario cho biết, tuy người Công Giáo tại Bangladesh chỉ chiếm 220,000 trong tổng số 120 triệu dân nhưng giáo hội Công Giáo tại đây có những cơ sở y tế hoạt động rất hữu hiệu, phục vụ cho người nghèo. Bangladesh có 6 giáo phận và mỗi giáo xứ trong tổng số 69 giáo xứ trên toàn quốc đều có một trạm y tế để săn sóc sức khỏe cho người nghèo, 90% trong số này không phải là người Công Giáo. Ngoài ra giáo hội cũng điều khiển 2 đại học, 44 trường trung học và khoảng vài trăm trường tiểu học. Hơn 85% học sinh tại các trường này cũng không phải là người Kitô. Các phụ huynh tại Bangladesh muốn cho con em của họ vào học trường Công Giáo vì họ coi trọng phương pháp giáo dục trong trường Công Giáo. Về mặt xã hội, qua các chương trình của mình, Caritas Bangladesh cũng tham gia vào công tác thăng tiến công lý và tạo điều kiện kiếm công ăn việc làm cho mọi người.
Công Giáo Ấn Ðộ cảm ơn người Ấn Giáo đã lên án bạo động.
(UCAN IA1101.0996 7/10/’98) - Ấn Ðộ (New Delhi) - Liên Hiệp Công Giáo Toàn Ấn Ðộ (All India Catholic Union) cám ơn những người Ấn Giáo đã công khai lên án nạn bạo động nhắm vào người Kitô.
Trong một thông cáo được công bố nhân ngày lễ Dussera của Ấn Giáo tổ chức vào ngày 1/10/98 và tiếp theo sau 2/10/98, sinh nhật của lãnh tụ Mahatma Gandhi, Liên Hiệp Công Giáo Toàn Ấn Ðộ bày tỏ lòng cảm kích và biết ơn tới hàng triệu người Ấn Giáo thiện chí. Lễ Dussera của Ấn Giáo mừng chiến thắng của sự thật trên giả dối, trong khi thông cáo đã ví tấm gương của lãnh tụ Gandhi, người đã hy sinh mạng sống vì danh nghĩa của sự thật, tình huynh đệ và thân hữu giữa các cộng đoàn. Thông cáo có đoạn ghi như sau: "Sự nhạy cảm và gương dấn thân tranh đấu cho sự thật và bất bạo động đang tiếp tục củng cố tình đoàn kết, sự toàn vẹn và nền văn hóa đa dạng của Ấn Ðộ. Hai ngày lễ mừng của Ấn Giáo cũng là dịp để người Kitô tái cam kết tinh thần dấn thân phục vụ cho người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, các nạn nhân, những người đang gánh chịu nhiều đau khổ, phụ nữ và các anh chị em thuộc giai cấp cùng đinh. Ý nghĩa sự chiến thắng của sự thật trên điều giả dối cũng là cơ hội để gây sự chú ý của mọi người trước những cáo buộc vô căn cứ là các nhà truyền giáo đang ép buộc người Hồi Giáo theo đạo.
Liên Hiệp Công Giáo Toàn Ấn Ðộ là một tổ chức qui tụ khoảng 16 triệu tín hữu Công Giáo trên toàn Ấn Ðộ, do các lãnh tụ giáo dân điều khiển.
Các chủng sinh Nam Hàn tham dự khóa huấn luyện 100 ngày tại Ấn Ðộ.
(UCAN KO1096.0996 7/10/98) - Nam Hàn (Suwon) - Một nhóm 21 chủng sinh thuộc giáo phận Suwon bên Nam Hàn đã tham gia khóa huấn luyện 100 ngày tại Ấn Ðộ, nhắm mục đích đào sâu và tìm hiểu ơn gọi của họ. Các chủng sinh này lên đường đi Ấn Ðộ ngày 24/09/98 sau khi đã hoàn tất khóa huấn luyện quân dịch bắt buộc của chính phủ Nam Hàn. Mỗi thanh niên Nam Hàn trên 18 tuổi đều phải thi hành 26 tháng nghĩa vụ quân sự, luôn cả các chủng sinh. Ða số chọn tham gia nghĩa vụ này trong lúc đang học đại học hay vừa sau khi tốt nghiệp.
Linh Mục Benedict Park Jeong-Bay, chủ tịch ủy ban phụ trách về ơn gọi của giáo phận Suwon cho biết như sau: "Mục tiêu của khóa huấn luyện bên Ấn Ðộ là để giúp các chủng sinh xác định ơn gọi và căn cước của họ bằng cách tạo cơ hội cho họ tiếp xúc các tôn giáo và nền văn khóa khác nhau của thế giới. Sau khi thi hành nghĩa vụ quân sự trở về lại chủng viện, một số chủng sinh đã gặp khủng hoảng trong ơn gọi của họ". Cha Benedict cũng cho biết thêm là chương trình này đã được khởi xướng từ năm ngoái. Nhóm chủng sinh đầu tiên tham dự chương trình này được gửi sang Bangalore cũng thuộc Ấn Ðộ. Giáo phận Suwon đang dự tính thực hiện chương trình này ở mức độ thường xuyên cho các chủng sinh tại chủng viện của trường đại học Suwon. Ấn Ðộ được chọn vì quốc gia này được coi là một chiếc nôi của nền văn minh và di sản văn hóa xuất phát từ nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó có cả Phật Giáo và Ấn Giáo.
Thầy Stephen Yu Jae-Hyun, 24 tuổi và là người lãnh đạo nhóm chủng sinh được gửi sang Ấn Ðộ năm nay, đã bày tỏ cảm nghĩ như sau: "Chuyến viếng thăm Ấn Ðộ này là dịp để tôi định hướng rõ ràng ơn gọi của mình, đã bị chi phối sau thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự. Tôi muốn cảm nghiệm những tư tưởng cởi mở của các tôn giáo và nền văn hóa khác nhau, và chương trình này sẽ giúp cho tôi có một cái nhìn mới về giáo hội Nam Hàn và tình hiệp nhất với những người dân khác ở Á Châu".
Người Công Giáo Malaysia tham gia kêu gọi trả tự do cho các dân biểu.
(UCAN ML1080.0996 7/10/98) - Malaysia (Kuala Lumpur) - Người Công Giáo Malaysia đã tham gia chiến dịch kêu gọi quốc vương Malaysia ân xá cho một dân biểu đang bị giam cầm vì dân biểu này đã lên tiếng chỉ trích chính phủ.
Hơn 300 ngàn người Malaysia đã ký tên vào thỉnh nguyện thư gửi lên quốc vương Tuanko Abdul Rahman xin ân xá cho ông Lim Guan Eng, phó tổng thư ký đảng Hành Ðộng Dân Chủ, thuộc phe đối lập. Trong số những người ký tên có các tín hữu thuộc giáo xứ Thánh Phanxicô Xavier tại Petaling Jaya, thuộc ngoại ô Kuala Lumpur. Ông Lim Guan Eng, 38 tuổi, bị bắt giam sau khi ông cho công bố một tập sách chỉ trích chính phủ che đậy sự thật liên quan tới vụ một vị cựu bộ trưởng bị cáo buộc về tội hãm hiếp. Ông Lim đã nhiều lần lên tiếng tranh đấu cho các quyền lợi của người dân và đơn kháng án của ông đã bị Tòa Án Liên Bang Malaysia bác bỏ. Nay thì ông Lim phải chịu ngồi tù 18 tháng.
Ngày 25/08/98, các tín hữu Công Giáo cũng tham gia một buổi canh thức trước Tòa Án Liên Bang. Những người tranh đấu cho nhân quyền đã luân phiên nhau tuyệt thực trong vòng 18 ngày để bày tỏ thất vọng trước quyết định bác bỏ đơn kháng án của ông Lim. Tổ chức nhân quyền Quốc Tế cũng ra một thông cáo về trường hợp của ông Lim và gọi ông là một tù nhân lương tâm, chỉ vì ông bày tỏ quan điểm và thi hành trách nhiệm của ông trong tư cách là một dân biểu.
Tuần lễ chiếu phim về "nguời cha" tại Paris.
Paris [Apic 7/10/98] -Trong tuần lễ từ 14 đến 21/10/98 tới đây, 26 cuốn phim về đề tài "nguời cha" sẽ được trình chiếu tại Paris, Pháp Quốc.
Dưới sự chủ tọa của Ðức Hồng Y Jean Marie Lustiger, Tổng Giám Mục thủ đô Paris, tuần lễ chiếu phim về nguời cha sẽ được khai mạc với cuốn phim có tựa đề "công dân Kane" của nhà đạo diễn Mỹ Orson Welles.
Ðây là lần thứ tư một tuần lễ Kitô giáo về điện ảnh diễn ra tại Paris. Tại sao có một tuần lễ kitô giáo về điện ảnh? Ðức Cha Di Falco, giám mục phụ tá Paris, chủ tịch ủy ban Giám Mục về truyền thông của Hội Ðồng Giám Mục Pháp, đã trả lời rằng có một tuần lễ như thế là bởi vì "các tín hữu Kitô đến các rạp chiếu bóng như những nguời khác, nhưngï có lẽ họ không xem phim như những nguời khác". Nói cách khác, những tuần lễ Kitô về điện ảnh nhằm mục đích gợi lên suy nghĩ cho các tín hữu Kitô từ những tác phẩm có chiều sâu nghệ thuật và nhân bản.
Trong ba năm vừa qua, các tuần lễ Kitô về điện ảnh đã thực sự thu hút sự chú ý của giới trẻ, nhứt là học sinh các trường trung học.
Tòa Thánh yêu cầu Cao Ủy Tỵ Nạn bảo vệ nguời tỵ nạn hơn là tự bảo vệ chống lại họ.
Roma [Apic 7/10/98] - Tòa Thánh lên tiếng yêu cầu Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc bảo vệ nguời tỵ nạn hơn là tự bảo vệ chống lại họ.
Phát biểu hôm thứ Ba [6/10/98] vừa qua tại phiên họp của Hội Ðồng Chấp Hành của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, trưởng đoàn Tòa Thánh là Ðức Cha Giuseppe Bertello đã bày tỏ quan ngại là hiện nay nhiều nước đang ban hành những đạo luật hạn chế việc cấp qui chế tỵ nạn cũng như trục xuất những nguời nhập cư bất hợp pháp.
Phiên họp của hội đồng chấp hành Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đã khai mạc hôm 5/10/98 và sẽ kết thúc hôm 10/10/98 tại Geneve. Ðức Cha Bertello khẳng định rằng phát biểu của ngài phản ánh lập trường của nhiều Hội Ðồng Giám Mục. Ngài nhìn nhận rằng Tòa Thánh không hề đặt vấn đề về quyền của mọi quốc gia được kiểm soát việc nhập cư của nguời ngoại quốc vào lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, theo vị trưởng đoàn của Tòa Thánh, đó đây nguời ta ghi nhận rằng hiện đang có khuynh hướng muốn tự bảo vệ khỏi nguời tỵ nạn hơn là bảo vệ họ.
Trích dẫn phần mở đầu của Qui ước năm 1951, ngài nhắc lại tình liên đới quốc tế và kêu gọi các nước chia sẻ gánh nặng với các quốc gia đón tiếp nguời tỵ nạn, nhứt là những quốc gia nghèo.
Sau cùng, vị trưởng đoàn Tòa Thánh nhắc lại mối quan tâm của Tòa Thánh về số phận của những nguời tỵ nạn không thể trở về xứ sở của mình và phải sống trường kỳ trong tình trạng tỵ nạn.
Các Giám Mục Philippines bày tỏ hối tiếc về việc bà Marcos được tha bổng.
(Reuters 7/10/98) - Philippines (Manila) - Thứ Ba vừa qua (6/10/98), Hội Ðồng Giám Mục Philippines đã bày tỏ thất vọng về việc Tối Cao Pháp Viện nước này đã tha bổng cho bà Imelda Marcos, cựu phu nhân tổng thống, về tội tham nhũng.
Một tòa án của chính phủ Philippines chuyên xét xử các nhân viên trong chính phủ đã kết án bà Imelda Marcos về tội tham nhũng và phạt bà 12 năm tù. Trong số rất nhiều vụ án liên quan tới tội trốn thuế hiện đang còn được tòa xử, đây là vụ án duy nhất mà bà Marcos đã bị kết tội. Tuy nhiên bà Marcos đã kháng án lên Tối Cao Pháp Viện và nay được tha bổng. Trong cuộc phỏng vấn trên một đài phát thanh địa phương, Ðức Ông Pedro Quitorio, phát ngôn viên của Hội Ðồng Giám Mục Philippines đã nói như sau: "Chúng tôi thất vọng về quyết định này của Tối Cao Pháp Viện. Tất cả mọi người đều biết, chính phủ của ông Marcos bị lật đổ vì những gì họ đã gây ra cho đất nước". Câu nói này ám chỉ tới cựu tổng thống Marcos, chồng của bà Imelda và là người đã cai trị Philippine với bàn tay sắt. Sau đó bị lật đổ trong cuộc cách mạng năm 1986.
Người phát ngôn của các Giám Mục Philippines thừa nhận giáo hội không thể làm gì khác hơn trước quyết định của Tối Cao Pháp Viện, tuy nhiên các Giám Mục tin là chính phủ hiện nay cần phải tiếp tục theo đuổi những vụ án khác mà trong đó bà Imelda Marcos là bị cáo.