Tin Tức và Thời Sự
ngày 01 tháng 10/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Ðức Thượng Phụ Chính Thống Nga yêu cầu cải tổ Hội Ðồng đại kết các Giáo Hội Kitô

Ðức Thượng Phụ Chính Thống Nga yêu cầu cải tổ Hội Ðồng đại kết các Giáo Hội Kitô.

Varsava [Apic 1/10/98] - Ðức Alexis II, Thượng Phụ Chính Thống Nga nói rằng sự tham gia của Giáo Hội này trong Hội Ðồng đại kết các Giáo Hội Kitô tùy thuộc vào sự cải tổ mà tổ chức này phải thực hiện nhân dịp mừng kỷ niệm 50 năm thành lập. Phát biểu trên một tờ báo xuất bản tại Ba Lan, Ðức Thượng Phụ Alexis II cho biết Giáo Hội Chính Thống Nga vẫn và sẽ luôn cởi mở để đối thoại xây dựng với các Giáo Hội Kitô khác và xem việc tham gia vào các tổ chức đại kết quốc tế như một sứ mệnh. Tuy nhiên, theo Ðức Alexis II, cũng như các Giáo Hội Chính Thống khác, Giáo Hội Chính Thống Nga phải phê phán các khuynh hướng tiêu cực bên trong Hội Ðồng đại kết các Giáo Hội Kitô.

Nhiều vị hữu trách của các Giáo Hội Chính Thống cho rằng các sinh hoạt của Hội Ðồng đại kết các Giáo Hội Kitô quá thiên về Tin Lành và chịu ảnh hưởng của khuynh hướng tự do của Tây Phương.

Vấn đề quan hệ giữa Chính Thống và Hội Ðồng đại kết các Giáo Hội Kitô còn phức tạp là do những chiến dịch chống đại kết của các phần tử cực đoan trong một số Giáo Hội Chính Thống tại Nga.

Về quan hệ với Giáo Hội Công Giáo Roma, Ðức Thượng Phụ Alexis II bày tỏ hy vọng tiếp tục cuộc đối thoại, nhưng xác định rằng ngài sẽ không gặp Ðức Gioan Phaolô II bao lâu Giáo Hội Công Giáo thuộc nghi lễ Hy Lạp tại Ukraine vẫn đeo đuổi điều mà ngài gọi là "kỳ thị và bách hại" đối với các tín hữu Chính Thống.


Số người Công Giáo Á Châu tại Hồng Kông suy giảm

Số người Công Giáo Á Châu tại Hồng Kông suy giảm.

(UCAN HK1060.0995 1/10/98) - Hồng Kông - Do tình trạng khủng hoảng kinh tế, số người Công Giáo Á Châu tại Hồng Kông suy giảm tuy nhiên sự kiện này không ảnh hưởng tới đời sống cộng đoàn tại đây.

Trong vòng 9 tháng vừa qua, khoảng 60 gia đình người Công Giáo Nam Hàn đã rời khỏi Hồng Kông, nay Hồng Kông chỉ còn lại 300 gia đình với tổng cộng khoảng 1,200 tín hữu Công Giáo Nam Hàn. Cô Maria Song, một thành viên Hội Ðạo Binh Ðức Mẹ ở Hồng Kông cho hãng thông tấn UCAN biết là đa số các gia đình rời Hồng Kông vì các công ty ngoại quốc cắt giảm nhân viên trong khi lại có ít nhân viên mới tới làm việc. Tuy nhiên đời sống cộng đoàn Công Giáo vẫn không thay đổi, và Hội Ðạo Binh Ðức Mẹ vẫn tiếp tục các hoạt động như tổ chức phụng vụ, hội thảo. Về phần các tín hữu Công Giáo Nhật, thì người ta cũng ghi nhận tình trạng một số nhân viên người Nhật đã rời Hồng Kông để trở về nước. Trong khoảng thời gian từ năm 1994-1997, số người Công Giáo Nhật sang Hồng Kông làm việc gia tăng, nhưng bắt đầu từ năm 1997 thì số người mới tới ngày một giảm sút, và trong tương lai còn nhiều người Công Giáo Nhật khác sẽ rời Hồng Kông.

Về phía các cộng đoàn Công Giáo người Philippines tại Hồng Kông, Ðức ông Thomas Gonzalez, đặc trách Ủy Ban Mục Vụ cho người di dân lao động của giáo phận Hồng Kông, cho biết là số người Philippines đến xin tạm trú tại các nhà do ủy ban coi sóc ngày một nhiều thêm. Ðiều này chứng tỏ rằng số người Philippines bị mất việc làm tại Hồng Kông đang gia tăng. Ða số là các phụ nữ làm "người ở" cho các chủ nhân Hồng Kông. Mới đây, một thành viên trong Hội Ðồng Lập Pháp của Hồng Kông đã viện lẽ cuộc khủng hoảng kinh tế và đề nghị cắt giảm 20% mức lương trung bình của giới làm người ở đến từ Philippines. Hiện nay lương trung bình của một người ở tại Hồng Kông là gần 500 Mỹ Kim mỗi tháng.


Giáo Hội Công Giáo miền Ðông Bắc Ấn quyết định thành lập đơn vị nhân quyền

Giáo Hội Công Giáo miền Ðông Bắc Ấn quyết định thành lập đơn vị nhân quyền.

(UCAN IE1030.0995 1/10/98) - Ấn Ðộ (Kohima) - Trong cuộc họp tại bang Assam ở miền Ðông Bắc Ấn, các nhà lãnh đạo giáo hội tại đây cho rằng, đáp ứng của giáo hội Công Giáo tại miền này trước những vụ bạo động nhắm vào người Kitô giáo còn quá yếu, đồng thời các vị kêu gọi người Kitô hãy mạnh dạn tranh đấu chống lại nạn vi phạm nhân quyền. Cuộc họp diễn ra từ ngày 25-26 tháng 8/1998 tại thành phố Guwahati.

Diễn đàn Công Lý, Hòa Bình và Phát Triển của các giáo phận miền Ðông Bắc Ấn đã quyết định thành lập những đơn vị nhân quyền trong tất cả 10 giáo phận, nằm trong vùng đất đang bị xâu xé bởi những cuộc giao chiến của các phần tử đòi ly khai, và tình trạng vi phạm nhân quyền của quân đội tại đây. Quyết định này được đưa ra sau khi các linh mục, các lãnh tụ giáo dân, đều có cùng quan điểm rằng, giáo hội Công Giáo trong miền này quá thận trọng trong cung cách đáp ứng của mình trước nạn vi phạm nhân quyền. Một giáo dân đã mạnh dạn nói rằng, mặc dù giáo hội vẫn cung cấp các dịch vụ về giáo dục, y tế và phát triển cho người dân trong vùng, tuy nhiên cũng chính vì các quyền lợi riêng tư (vested interest) mà giáo hội đã tránh không lên tiếng chống lại cách đối xử bất công của quân đội Ấn Ðộ đối với các nhóm sắc dân địa phương đang tranh đấu đòi quyền tự trị. Ða số các sắc dân này lại là người Công Giáo.

Một linh mục bày tỏ hối tiếc trước sự kiện có nhiều học sinh, sau khi tốt nghiệm tại các trường Công Giáo, liền tham gia vào các phong trào kháng chiến. Một vị linh mục khác là cha Mariados, thuộc giáo phận Dibrugarh, bày tỏ cảm nghĩ rằng giáo hội nên tự mình thoát ra khỏi xiềng xích của cái gọi là "vì an ninh" này, để sửa chữa cho những thiếu xót của mình trong quá khứ. Linh Mục này đề nghị giáo hội nên cộng tác với các tổ chức Kitô giáo khác, cũng như với các cơ quan phi chính phủ, để chống lại nạn bạo động và bất công trong miền Bắc Ấn.


Giám Mục Indonesia kêu gọi giáo dân tham gia vào đời sống giáo hội

Giám Mục Indonesia kêu gọi giáo dân tham gia vào đời sống giáo hội.

(UCAN IJ1067.0995 1/10/98) - Indonesia (Bandung) - Một vị Giám Mục tại tỉnh Tây Java của Indonesia đã đánh dấu kỷ niệm 40 năm chịu chức linh mục của mình, bằng một lá thư mục vụ, trong đó ngài kêu gọi các tín hữu của mình hãy tích cực tham gia nhiều hơn vào đời sống của giáo hội. Lá thư được đọc trong các thánh lễ tạ ơn vào hai ngày 5-6/09/98.

Ðức Cha Alexander Djajasiswaja, Giám Mục Bandung, đã viết như sau: "Là một linh mục, niềm ao ước to lớn của tôi là được thấy người giáo dân dấn thân và tích cực tham gia nhiều hơn vào các sinh hoạt của giáo hội, bởi vì họ chính là thành phần đa số của giáo hội. Tôi kêu gọi tất cả các lãnh tụ giáo dân, đặc biệt là những vị thuộc hội đồng giáo xứ hãy nuôi dưỡng một tinh thần hiệp thông trong qua các hoạt động tông đồ giữa các tổ chức và hội đoàn ở cấp giáo xứ cũng như trong giáo phận. Thành quả của một vị Giám Mục trong chức vị chủ chăn của mình chỉ có thể đạt được qua sự cộng tác chặt chẽ với người giáo dân."

Liên quan tới cuộc khủng hoảng kinh tế mà Indonesia đang đương đầu hiện nay, vị Giám Mục Bandung gọi đây là một ơn lành trong bất hạnh, bởi vì nó khuyến khích tất cả mọi người thuộc các tôn giáo khác xích lại gần nhau hơn.


Tổng Giáo Phận Seoul thiết lập mạng lưới điện toán

Tổng Giáo Phận Seoul thiết lập mạng lưới điện toán.

(UCAN KO1046.0995 1/10/98) - Nam Hàn (Seoul) - Sau một năm chuẩn bị, ngày 20/09/98 vừa qua, Tổng Giáo Phận Seoul bên Nam Hàn đã thiết lập mạng lưới nối liền hệ thống điện toán của văn phòng điều hành Tổng Giáo Phận với máy điện toán của 198 giáo xứ và 12 cơ quan Công Giáo trong Tổng Giáo Phận. Tổng cộng có khoảng 7,650 máy điện toán được gắn vào hệ thống có tên gọi là Yangup, đặt theo tên của cha Thomas Choi Yang-up, là một trong hai vị linh mục tiên phong trong chương trình thiết lập mạng lưới điện toán trong toàn Tổng Giáo Phận Seoul.

Xử dụng ngôn ngữ địa phương, hệ thống này sẽ tạo điều kiện cho các tín hữu Công Giáo cũng như không Công Giáo trong nước thu thập tin tức liên quan tới sinh hoạt của Tổng Giáo Phận cũng như của giáo hội Công Giáo Nam Hàn. Theo mong đợi của giáo hội Công Giáo Nam Hàn thì không bao lâu nữa, điện toán sẽ trở thành một phương tiện truyền giáo. Ðức Cha Nicolas Cheong Jin-Suk, Tổng Giám Mục Seoul đã bày tỏ cảm nghĩ như sau: "Tôi hết lòng hy vọng là hệ thống Yangup này sẽ trở thành một khí cụ hữu hiệu cho công tác rao giảng Tin Mừng trong xã hội thông tin hiện đại của ngày nay, đồng thời nó cũng sẽ giúp thăng tiến phẩm chất mục vụ và các dịch vụ điều hành trong Tổng Giáo Phận". Ðức Tổng Giám Mục Cheong Jin-Suk nói thêm rằng, tất cả các linh mục hãy suy nghĩ xem phải làm thế nào, để họ có thể trở thành chứng nhân của Tin Mừng trong một xã hội mà mọi khía cạnh cuộc sống đang được thay đổi bởi sự hiện diện của máy điện toán. Ngài nói như sau: "Trong tư cách là mục tử, chúng ta phải nhìn vào thực tại của xã hội thông tin hiện nay dưới khía cạnh truyền giáo, đồng thời nhận biết được khoa học và kỹ thuật sẽ phục vụ nhiều lợi ích cho con người".


Giới trẻ Hồi Giáo Singapore tìm hiểu về Kitô Giáo

Giới trẻ Hồi Giáo Singapore tìm hiểu về Kitô Giáo.

(UCAN SG1033.0995 1/10/98) - Singapore - Ðể thăng tiến mối quan hệ giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo, dạo trung tuần tháng 9/1998 vừa qua, khoảng 30 bạn trẻ Hồi Giáo người Singapore tuổi từ 17-30 đã đến quan sát một thánh lễ cho thiếu nhi tại nhà thờ Thánh Micae, và sau đó đặt ra những câu hỏi về đức tin Công Giáo.

Các bạn trẻ này thuộc Hiệp Hội Những Người Theo Ðạo Hồi, và qua cuộc tham quan này, các em muốn mưu tìm một sự hiểu biết sâu xa hơn về Kitô giáo, để qua đó giúp củng cố tinh thần khoan nhượng trong một xã hội đa tôn giáo như tại Singapore. Hiệp Hội Những Người Theo Ðạo Hồi được một số người gốc Hoa thành lập năm 1970 với mục đích trợ giúp những người theo đạo Hồi về mặt an sinh và giáo dục, sau khi những người này bị gia đình ruồng bỏ vì đã theo đạo Hồi. Sau khi quan sát thánh lễ, các bạn trẻ đã được mời cơm trưa và gặp gỡ các vị đại diện trong giáo xứ Thánh Micae và sau đó Linh Mục Michel Arro, cha sở, đã chia xẻ với các em vài nét về đạo Công Giáo. Ða số các câu hỏi được các em đưa ra là về vai trò của Ðức Giáo Hoàng, về Mẹ Maria, tính cách trung thực của Kinh Thánh Công Giáo và ơn cứu độ qua Chúa Giêsu.

Một đại diện giới trẻ Công Giáo bày tỏ cảm nghĩ rằng giới trẻ Hồi Giáo có tinh thần cởi mở cũng giống như giới trẻ Công Giáo, đây là dấu hiệu tích cực và là một bước nữa tiến tới cuộc đối thoại liên tôn ở cấp giáo xứ.


Liên Hiệp Quốc và Tòa Thánh lên án lệnh cấm vận Iraq

Liên Hiệp Quốc và Tòa Thánh lên án lệnh cấm vận Iraq.

(EWTN 1/10/98) - Vatican - Sau khi một viên chức của Liên Hiệp Quốc từ chức vì ông than phiền về hậu quả của lệnh cấm vận do cộng đồng quốc tế áp đặt lên Iraq, mới đây sứ thần Tòa Thánh tại Iraq đã bày tỏ cảm nghĩ rằng một trong những hậu quả rõ rệt nhất của lệnh cấm vận, là gánh nặng to lớn mà toàn thể dân chúng Iraq, đặc biệt những người nghèo và vô phương thế tự vệ, đang phải chịu.

Ông Denis Halliday, người Ai Len và là một viên chức kỳ cựu của Liên Hiệp Quốc từ 30 năm qua và được chuyển sang đặc trách chương trình "dầu hỏa cho thực phẩm" của Liên Hiệp Quốc từ một năm nay, phản đối lệnh cấm vận mà ông cho là đang gây ra những tai hại nặng nề cho người dân vô tội. Theo ông Halliday, thì lệnh cấm vận, nay đã bước sang năm thứ 8, không giúp được gì cho các quốc gia áp đặt sự cấm vận, và nó lại càng không ảnh hưởng tới chính phủ Iraq. Tuy nhiên rõ ràng là nó đang làm cho dân chúng Iraq bị yếu dần, qua tỉ lệ tử vong của trẻ em ngày một gia tăng, cũng như nạn phạm pháp tại đây ngày một thêm nhiều. Về phần mình, trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Vatican, Ðức Tổng Giám Mục Giuseppe Lazzarotto, sứ thần Tòa Thánh tại Iraq, cũng đồng ý là lệnh cấm vận nên được bãi bỏ. Ngài nói như sau: "Việc bãi bỏ lệnh cấm vận sẽ không chỉ là hành động thể hiện tình liên đới, nhưng đó thực là cử chỉ liên đới duy nhất mà Iraq cần đến. Mỗi quốc gia đều có quyền được hưởng những điều kiện để duy trì một cuộc sống bình thường.


Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận kêu gọi xóa giảm nợ nần quốc tế

Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận kêu gọi xóa giảm nợ nần quốc tế.

(EWTN 1/10/98) - Vatican - Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hoa Kỳ, vừa lên tiếng tha thiết kêu gọi các cơ quan tài chánh thế giới hãy xúc tiến việc xóa giảm gánh nặng nợ nần cho các nước đang phát triển.

Lời kêu gọi trên được đưa ra giữa lúc Thống Ðốc Ngân Hàng Thế Giới và Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế đang chuẩn bị nhóm khóa họp thường niên tại thủ đô Washington vào tuần tới đây. Theo Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, để duy trì niềm hy vọng cho dân chúng tại các nước nghèo, các nhà lãnh đạo thế giới không nên chậm trễ, nhưng hãy có hành động tức thời để giải quyết gánh nặng nợ nần của các nước nghèo.

Vị Tổng Giám Mục chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình cũng tỏ lòng biết ơn đối với các cơ quan cho vay nợ, đang bắt đầu hành động để xóa giảm gánh nợ cho các nước nghèo. Tuy nhiên ngài cũng nhấn mạnh rằng cả thế giới cần phải đồng loạt hành động một cách mau chóng và uyển chuyển hơn, bởi vì đây là một vấn đề không thể nào đình hoãn lâu hơn nữa. Cần phải đạt tới một giải pháp kịp vào lúc cả thế giới đón mừng Ðại Năm Thánh 2000. Trưng dẫn lời của ÐTC trong tông thư "Ngàn năm thứ ba đang đến", Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận cho rằng Ðại Năm Thánh 2000 là một thời điểm thuận tiện, để cứu xét việc xóa giảm một phần đáng kể, hay nếu có thể, xóa giãm toàn bộ gánh nợ của các nước nghèo.


Cuộc khủng hoảng tài chánh ở Á Châu mang khuôn mặt nhân loại

Cuộc khủng hoảng tài chánh ở Á Châu mang khuôn mặt nhân loại.

(EWTN 1/10/98) - Vatican - Cuộc khủng hoảng tài chánh đang gây ra những hậu quả khốc liệt trên thị trường Á Châu mang một khuôn mặt nhân loại.

Trên đây là nhận định của hãng thông tấn Fides trong một tài liệu liên quan tới những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế trên các nước Á Châu. Cho tới nay, Tòa Thánh vẫn giữ thinh lặng một cách thận trọng về cuộc khủng hoảng trong vùng Ðông Nam Á, cuộc khủng hoảng này cũng đang ảnh hưởng tới cả thị trường tài chánh thế giới. Tuy nhiên, nay thì hãng thông tấn Fides đã thay mặt cho người dân tại các nước vùng Ðông Nam Á, lên tiếng báo động về nguy cơ, nền kinh tế sụp đổ sẽ gây ra biết bao nhiêu khổ cực cho riêng từng cá nhân.

Tài liệu do hãng thông tấn Fides công bố chứa đựng chi tiết những vấn nạn cụ thể đang đối đầu người dân tại các nước: Indonesia, Philippines, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc, Pakistan, Thái Lan, Miến Ðiện, Ðại Hàn, Việt Nam và Malaysia. Những vấn đề bao gồm từ nạn thất nghiệp cho đến nạn đói, và sự sụp đổ bất thình lình của hệ thống kinh tế sẽ gây ra bạo động và làn sóng di dân.


Bề trên của linh mục người Ý bị bắt cóc muốn nộp tiền chuộc để cứu mạng sống của cha

Bề trên của linh mục người Ý bị bắt cóc muốn nộp tiền chuộc để cứu mạng sống của cha.

(AFP 1/10/98) - Philippines (Zamboanga) - Thứ Năm 1/10/98, cha Giulio Mariani, bề trên của linh mục người Ý bị các phiến quân Hồi Giáo Philippines bắt cóc, nói rằng mạng sống của linh mục này đang bị đe dọa và nhà Dòng sẵn sàng thương lượng để nộp tiền chuộc.

Linh Mục Luciano Benedetti, thuộc Hội Thừa Sai Ngoại Quốc có trụ sở tại Milano bên Ý bị bắt cóc ngày 8/09/98 và cho đến nay vẫn còn nằm trong tay của các phiến quân Hồi Giáo. Quân đội Philippines đang mở cuộc hành quân để giải cứu cha. Cũng thứ Năm hôm 1/10/98, tổng thống Philippines, ông Joseph Estrada cho biết, các binh sĩ đã sẵn sàng để tấn công vào sào huyệt của các phiến quân nơi người ta tin rằng cha Benedetti đang bị cầm giữ. Ông đã ra lệnh, ưu tiên phải là cứu cha Benedetti còn sống. Tuy nhiên đây là điều mà nhà Dòng của cha vẫn lo ngại rằng một khi, các binh sĩ tấn công thì các phiến quân có thể sẽ giết cha Benedetti trước. Chính cha Benedetti cũng đã gửi thư cho nhà Dòng yêu cầu các binh sĩ đừng tấn công để tránh gây thương vong cho nhiều người khác.

Các phiến quân đòi 15 triệu Pesos, tương đương khoảng 340 ngàn Mỹ Kim để chuộc mạng cha Benedetti. Theo cha Giulio Mariani thì Tỉnh Dòng tại Philippines sẵn sàng trao một số tiền khoảng 2,200 Mỹ Kim trước để các phiến quân ra mặt thương lượng với nhà dòng. Cha Mariani cũng tiết lộ thêm là trong lá thư gửi ngày 23/09/98, cha Benedetti cũng yêu cầu nộp tiền chuộc mạng vì cha đã mệt mỏi và yếu sức dần, do việc các phiến quân liên tục di chuyển cha từ nơi này sang nơi khác để tránh bị quân đội Philippines tấn công. Vẫn biết rằng lập trường của giáo hội Công Giáo cũng như chính phủ Ý không muốn nhượng bộ những tay khủng bố, cha Mariani đã bày tỏ tâm tình như sau: "Tôi biết là các nhà lãnh đạo giáo hội cũng như chính phủ Ý sẽ hiểu chúng tôi trong hoàn cảnh mạng sống của người anh em chúng tôi đang bị nguy kịch".


Bánh mì Ðại Năm Thánh

Bánh mì Ðại Năm Thánh.

Roma [Apic 1/10/98] - Hôm 1/10/98 khoảng 32 ngàn tiệm bánh mì tại Ý đều đồng loạt bán ra điều được gọi là "chiếc bánh mì của tình bác ái". Cứ mỗi một chiếc bánh mì bán được, 100 lire sẽ được dâng cúng cho Hội Ðồng Tòa Thánh Ðồng Tâm, tức cơ quan bác ái của Ðức Giáo Hoàng. Số tiền thu được sẽ được dành để tài trợ cho năm dự án trợ giúp khẩn cấp tại Rwanda, Soudan và Guinê Bissau.

Với một vòng tròn được bao quanh bởi 12 bông lúa, những chiếc bánh mì được tung ra thị trường tượng trưng cho Chúa Kitô và 12 vị tông đồ. Ðức Cha Paul Cordes, chủ tịch Hội Ðồng Ðồng Tâm cho biết: giai đoạn đầu tiên của chiến dịch sẽ kéo dài 823 ngày.

Có tính cụ thể, tượng trưng và giáo dục, chiến dịch này nhằm gây ý thức nơi các tín hữu về chiều kích liên đới của năm thứ ba trong giai đoạn chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000.

Năm 1999, theo yêu cầu của Ðức Thánh Cha trong Tông thư "Ngàn Năm thứ ba đang đến", là năm của Ðức Ái. Ông Trevor Rowe, phát ngôn viên của Chương Trình Thực Phẩm thế giới, mong ước rằng sáng kiến này của Giáo Hội Ý cũng được lan rộng đến khắp thế giới. Ông Rowe cho biết: hiện nay vẫn còn hơn 800 triệu nguời đi ngủ với bụng đói, 14 triệu trẻ em sẽ chết trong năm nay vì đói hay vì những bệnh tật do đói khổ gây ra. Người phát ngôn của chương trình thực phẩm thế giới tố cáo sự sút giảm trong sự trợ giúp của các nước giàu. Năm vừa qua sự trợ giúp của thế giới đã giảm đi một phần ba. Ðây là một sự kiện đáng xấu hổ và không thể chấp nhận được bởi vì chúng ta biết rằng thế giới có đủ lương thực cho toàn dân số thế giới.


Back to Radio Veritas Asia Home Page