Tin Tức và Thời Sự
ngày 22 tháng 09/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Canh tân Thánh Linh có nghĩa là canh tân tinh thần

Canh tân Thánh Linh có nghĩa là canh tân tinh thần.

(UCAN SG0977.0994 22/09/98) - Singapore - Canh tân thánh linh chủ yếu có nghĩa là canh tân tinh thần, qua tác động của Chúa Thánh Thần.

Trên đây là quan điểm của một thần học gia người Singapore, nói với các tham dự viên khóa bồi dưỡng có chủ đề "Thần Học Thánh Linh - Hồng Ân của Chúa Thánh Thần". Giải thích về ý nghĩa của Phong Trào Canh Tân Thánh Linh, linh mục William Goh, khoa trưởng Ðại Chủng Viện Phanxicô Xavier nói như sau: "Canh tân Thánh Linh là một hồng ân đến từ Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều cần được canh tân, để đánh thức Thánh Thần hiện diện trong giáo hội, nơi mà tất cả các thành viên đều được ban cho hồng ân đó. Ðộng lực bên trong cuộc canh tân thánh linh đến từ Chúa Thánh Thần, chứ không phải qua các hoạt động của con người. Phong trào canh tân Thánh Linh là nơi Chúa Thánh Thần được thể hiện một cách cụ thể và sống động".

Phong trào canh tân Thánh Linh bắt đầu từ Hoa Kỳ dạo năm 1967 và lan rộng sang tới Singapore liền sau đó. Khóa bồi dưỡng nói trên do Học Viện Mục Vụ Singapore đứng ra tổ chức, với mục đích là giúp các tín hữu Công Giáo nước này đào sâu ý nghĩa thần học của Phong Trào Canh Tân Thánh Linh. Ngoài đề tài chính, các tham dự viên cũng thảo luận sâu rộng về giáo thuyết Công Giáo liên quan tới bí tích rửa tội trong Chúa Thánh Thần, và đặt những câu hỏi có ý nghĩa sâu rộng về Hồng Ân của Thánh Thần.


Hội thảo quốc tế tại Unesco về các linh địa tự nhiên

Hội thảo quốc tế tại Unesco về các linh địa tự nhiên.

Paris [Apic 22/09/98] - Trong các xã hội và môi trường khác nhau, nhiều nơi chốn đã trở thành đối tượng của những quan tâm đặc biệt vì tính cách thánh thiêng của chúng. Dân chúng địa phương đã làm gì để bảo tồn các nơi ấy? Ngày nay còn có thể bảo tồn những linh địa đó không? Ðó là chủ đề của một cuộc hội thảo quốc tế vừa khai diễn tại trụ sở của tổ chức Unesco ở Paris.

Cuộc gặp gỡ qui tụ hằng trăm chuyên gia thuộc nhiều ngành khác nhau và được Bảo Tàng Viện quốc gia về lịch sử tự nhiên và Trung Tâm Nghiên Cứu Xã Hội Pháp bảo trợ. Với sự có mặt của đại diện các dân bản xứ, các chuyên gia sẽ nghiên cứu về mối liên hệ giữa văn hóa, xã hội và thiên nhiên cũng như sự phát sinh môi trường khác biệt.

Một cách cụ thể, các chuyên gia sẽ thảo luận về những đề tài như : vai trò của những khu rừng thánh tại Kerala, Ấn Ðộ ,trong việc bảo tồn sự khác biệt môi trường sống của vùng hay ảnh hưởng của những rừng cây thánh và lửa thánh nơi sắc dân Bwaba bên Buekina Faso trong việc duy trì sự khác biệt môi sinh.


Những phản ứng khác nhau về luật tự do tôn giáo tại Macao

Những phản ứng khác nhau về luật tự do tôn giáo tại Macao.

Macao [Apic 22/09/98] - Ðể lấp đầy khoảng trống pháp lý tiếp theo việc Macao được trao trả lại cho chủ quyền Trung Quốc, mới đây chính quyền địa phương đã ban hành một luật mới về tự do tôn giáo.

Ngoài tự do tín ngưỡng và thờ phượng, luật này còn bảo đảm quyền tự do được theo một tôn giáo khác, được rao giảng và được có những quan hệ với những nguời đồng đạo ở ngoài Macao. Luật này còn bảo đảm rằng quan hệ giữa chính quyền và các tôn giáo được qui định bởi nguyên tắc tách biệt giữa tôn giáo và Nhà Nước.

Về phía Giáo Hội Công Giáo, Ðức Cha Domingos Lam KaTseung, giám mục Macao, cho rằng luật này rõ ràng và thỏa đáng. Trong khi đó linh mục Anh Giáo quản nhiệm của giáo xứ thánh Marcô lại quan ngại về những hậu quả xấu của luật này. Chẳng hạn sẽ có những xung đột với nguời Hồi Giáo, vì họ bị cấm không được theo một tôn giáo khác. Ngoài ra, mặc dù mọi tôn giáo được xem là bình đẳng, trong thực tế nguời dân Macao chỉ có thể đăng ký kết hôn tại các văn phòng dân sự hay các giáo xứ Công Giáo mà thôi.

Về phần mình, Thượng tọa Sik Kin Chiu, nguời đứng đầu giáo hội Phật Giáo Macao, ghi nhận rằng cộng đồng Phật Giáo không quan tâm đến luật mới.

Macao hiện có khoảng 20 ngàn tín hữu Công Giáo và 3,700 tín hữu Tin Lành trên tổng số dân là 425,100. Phần lớn dân số Macao theo Phật Giáo và Lão Giáo.


Tiến tới việc thiết lập một diễn đàn các Giáo Hội vào năm 2001

Tiến tới việc thiết lập một diễn đàn các Giáo Hội vào năm 2001.

Geneve [ Apic 22/09/98] - Mục sư Konrad Raiser, tổng thư ký của Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô cho biết sẽ có thể thành lập một diễn đàn hay một công đồng các truyền thống Kitô giáo lớn trên thế giới vào năm 2001.

Phát biểu tại Amsterdam, Hòa Lan, nhân dịp mừng kỷ niệm 50 năm thành lập tổ chức, mục sư Kaiser nói rằng ý tưởng về một diễn đàn như thế ngày càng được nhiều người đón nhận.

Theo mục sư tổng thư ký Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô, diễn đàn này sẽ củng cố sự liên lạc và hợp tác giữa tất cả mọi Giáo Hội lớn. Nó sẽ gia tăng sinh khí cho Phong Trào đại kết hiện đang gặp bế tắc từ nhiều năm nay. Mục sư Kaiser cho biết sẽ trình bày đề nghị này trong đại hội của Hội Ðồng Ðại Kết, theo dự trù sẽ diễn ra tại Harare, Zimbabwe vào tháng 12/1998 tới đây.

Mục sự Kaiser cũng cho biết, Giáo Hội Công Giáo, tuy không phải là thành viên của Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô, đang nghiên cứu đề nghị.


Vai Trò của người nữ tận hiến trong thế giới y tế sức khỏe

Vai Trò của người nữ tận hiến trong thế giới y tế sức khỏe.

Tin Vatican (VIS 22/09/98): Trong những ngày từ mùng 1 đến 3 tháng 10/98 tới đây, Hội Ðồng Tòa Thánh đặc trách mục vụ cho những nhân viên y tế, sẽ tổ chức một Ðại Hội trong Nội Thành Vatican, để bàn về vai trò của "Những người nữ tận hiến trong thế giới y tế sức khỏe trước thềm ngàn năm thứ ba". Mục tiêu Ðại Hội nhắm đến là khảo sát về sứ mạng phục vụ cho những anh chị em đau khổ trong ánh sáng của Tin Mừng. Trong số những tham dự viên Ðại Hội, người ta ghi nhận những vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, đứng đầu các cơ quan Tòa Thánh có liên hệ đến những người nữ tận hiến và vấn đề y tế, chẳng hạn như: Ðức Tổng Giám Mục Javier Lozano Barragan, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về mục vụ các nhân viên y tế; Ðức Hồng Y Eduardo Martinez Somalo, Tổng Trưởng Bộ các Dòng Tu và Tu Hội Tông Ðồ; Ðức Hồng Y Estevez, Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.


Bảo Tàng Viện Vatican không lấy tiền khách đến thăm trong ngày Quốc Tế Du Lịch

Bảo Tàng Viện Vatican không lấy tiền khách đến thăm trong ngày Quốc Tế Du Lịch.

Tin Vatican (VIS 22/09/98): Ngày Quốc Tế Du Lịch lần thứ 19, do Tổ Chức Du Lịch Thế Giới cổ võ, sẽ được cử hành trên khắp thế giới vào ngày Chúa Nhật 27 tháng 9/1998 nầy, theo chủ đề: Sự Cộng Tác giữa hai lãnh vực công và tư là yếu tố chìa khóa trong việc phát triển ngành du lịch.

Ðức Ông Piero MONNI, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Tổ Chức Du Lịch Thế Giới, đã giải thích về mục tiêu của Ngày Quốc Tế Du Lịch là phát triển một nền văn hóa có phẩm chất về du lịch, có khả năng khơi dậy mối quan tâm của các chính quyền và các cơ cấu tổ chức đối với hiện tượng du lịch càng ngày càng gia tăng, và kéo theo những ảnh hưởng xã hội và kinh tế sâu rộng.

Hưởng ứng chiến dịch của Tổ Chức Du Lịch Thế Giới yêu cầu các bảo tàng viện, các nơi triển lãm nghệ thuật hãy tiếp đón miễn phí khách đến thăm trong ngày Quốc Tế Du Lịch, Bảo Tàng Viện Vatican ở Roma sẽ mở cửa miển phí suốt ngày Chúa Nhật 27 tháng 9/1998, như vẫn thường làm như vậy trong những năm qua.


Quốc hội Tây Ban Nha tranh luận về dự luật phá thai

Quốc hội Tây Ban Nha tranh luận về dự luật phá thai.

(CWN 22/09/98) - Tây Ban Nha (Madrid) - Thứ Ba 22/09/98, quốc hội Tây Ban Nha đã bắt đầu cuộc tranh luận liên quan tới dự luật hợp thức hóa phá thai theo nhu cầu.

Tây Ban Nha là quốc gia có đa số dân theo Công Giáo và dự luật nói trên đã hai lần bị quốc hội bỏ phiếu bác bỏ. Ðảng Xã Hội chiếm thiểu số một lần nữa đã đệ trình dự luật này ra trước quốc hội. Hội Ðồng Giám Mục Tây Ban Nha đang hợp tác với đảng đương cầm quyền để ngăn cản không cho dự luật này được thông qua. Luật hiện hành của Nhà Nước Tây Ban Nha chỉ cho phép phá thai khi bào thai bị khuyết tật, người phụ nữ bị hiếp dâm, hay trong trường hợp sức khỏe và tâm lý của người mẹ bị đe dọa. Dự luật do đảng Xã Hội đề nghị cho phép phá thai trong 12 tuần lễ đầu mang thai, nếu người mẹ tin rằng đứa con đang mang sẽ tạo ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho riêng cá nhân, gia đình và xã hội. Ðiều khoản này tự nó hợp thức hóa việc phá thai trong 3 tháng đầu.

Cuộc bỏ phiếu liên quan tới dự luật này sẽ được dựa trên lập trường của mỗi đảng chính trị tại quốc hội. Tuy nhiên có khoảng 20 dân biểu đã được phép của đảng mình bỏ phiếu theo lương tâm của họ. Các nhà phân tích cho rằng đây là yếu tố sẽ ảnh hưởng tới kết quả cuộc bỏ phiếu. Chúa Nhật vừa qua 20/09/98, trong bài giảng thánh lễ, các linh mục Tây Ban Nha đã tha thiết kêu gọi các giáo dân tham dự những cuộc biểu tình chống lại dự luật cho phép phá thai này.


Back to Radio Veritas Asia Home Page