Tin Tức và Thời Sự
ngày 14 tháng 09/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Một phụ nữ Ai Len được thụ phong linh mục Công Giáo

Một phụ nữ Ai Len được thụ phong linh mục Công Giáo.

(Reuters 14/09/98) - Ai Len (Dublin) - Theo chương trình, thì thứ Hai (14/09/98) là ngày một vị Giám Mục Công Giáo Ai Len, có lập trường đối lập với Tòa Thánh, phong chức linh mục cho một phụ nữ 67 tuổi, có ba người con.

Bà Frances Meigh, quốc tịch Anh, từ năm 1994 đã sống như một tu sĩ khổ hạnh. Lễ phong chức của bà do Ðức Cha Pat Buckley chủ sự. Theo tin của hãng thông tấn Reuters, thì Ðức Cha Pat Buckley có quan điểm đi ngược lại với của Tòa Thánh từ 10 năm qua. Giáo Hội Công Giáo Ai Len khẳng định là Ðức Cha Pat Buckley không còn thẩm quyền phong chức linh mục cho bất cứ một ai. Việc phong chức Giám Mục cho Ðức Cha Buckley không được Tòa Thánh nhìn nhận và Ðức Cha đã bị Tòa Thánh phạt vạ tuyệt thông.

Tuy nhiên cả Ðức Cha Pat Buckley cũng như bà Frances Meigh đều cho biết là lễ phong chức linh mục cho bà được tiến hành theo như đã định. Và như vậy bà Frances Meigh và cả Ðức Cha phong chức linh mục cho bà đều bị vạ thuyệt thông.

Ðược biết bà Frances Meigh đã sang làm việc với Mẹ Têrêsa thành Calcutta sau khi hôn phối của bà được hủy bỏ. Bà cho biết là sau đó bà muốn trở thành linh mục. Bà nói như sau: "Tôi nghĩ ước muốn của tôi sẽ gây ra nhiều điều phiền phức. Tôi vẫn hy vọng là ước muốn này sẽ tan biến, nhưng nó lại không. Ðiều mà tôi đang làm bây giờ thực là khó. Thực ra, đó không phải là một sự lựa chọn, nhưng nó là một vấn đề lương tâm". Theo bà Frances Meigh thì bà không coi việc bà làm linh mục là có liên quan tới vấn đề phái tính, nhưng đó là một sự đáp ứng của bà trước ơn gọi làm linh mục.


Linh Mục bị bắt cóc kêu gọi giới hữu trách hãy hòa hoãn trong chiến dịch giải cứu mình

Linh Mục bị bắt cóc kêu gọi giới hữu trách hãy hòa hoãn trong chiến dịch giải cứu mình.

(AFP 14/09/98) - Philippines (Zamboanga) - Vị linh mục người Ý bị các phiến quân Hồi Giáo Philippines bắt cóc vừa gửi tới giới hữu trách một lá thư, yêu cầu quân đội hãy đình hoãn các hoạt động quân sự nhắm giải cứu cha, để hai bên có thể mở cuộc đối thoại.

Cha Luciano Benedetti, 52 tuổi, thuộc dòng Thừa Sai Ngoại Quốc có trụ sở tại Milano bên Ý, bị các phiến quân Hồi Giáo bắt cóc tối thứ Hai tuần trước (8/09/98). Qua lệnh của tổng thống Joseph Estrada, quân đội và một đơn vị đặc biệt đã được gửi đi để giải cứu cha Benedetti. Tin tức ghi nhận từ phía quân đội Philippines nói rằng họ đã tìm ra địa điểm nơi cha Benedetti đang bị giữ và có thể họ sẽ tấn công để giải cứu cha. Tuy nhiên vì sự an nguy của cha, nên giới hữu trách còn đang do dự. Về phần mình, cha Benedetti đã gửi cho nhà dòng của cha tại Zamboanga, miền Nam Philippines, một lá thư viết tay, trong đó cha nói rằng cha được đối xử tử tế, tuy rằng cha cũng như các phiến quân thiếu thực phẩm. Trong thư cha Benedetti đã yêu cầu bề trên của cha là Linh Mục Giulio Mariani, hãy can thiệp với chính phủ Philippines, nhắm hoãn lại việc tấn công vào sào huyệt của các phiến quân. Cha Benedetti viết như sau: "Xin cha bề trên hãy nói với phía quân đội và cảnh sát là hãy khoan tấn công, để hai bên có thể đối thoại. Nếu giao chiến xảy ra thì mọi người đều bị thương tổn".

Ngoài cảnh sát, các binh sĩ quân đội trú đóng tại miền Nam, chính phủ Philippines đã gửi một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đến để giải cứu cha Benedetti cũng như 3 người Hồng Kông khác bị bắt cóc sau cha Benedetti. Vị tư lệnh quân đội miền Nam Philippines, trung tướng Angelo Reyes cho biết, các phiến quân đã phân ra nhiều nhóm nhỏ và giới hữu trách chưa rõ rằng nhóm phiến quân nào đang giữ cha Benedetti.


Khóa hội thảo về tài liệu cho các nhân viên y tế do Tòa Thánh ban hành

Khóa hội thảo về tài liệu cho các nhân viên y tế do Tòa Thánh ban hành.

(UCAN TH0845.0993 14/09/98) - Thái Lan (Pattaya) - Giáo Hội Công Giáo lên án giết người êm dịu và phá thai.

Trên đây là lời khẳng định, đã được Ðức Cha Bosco Manat Chuabsamai, Giám Mục Ratchaburi bên Thái Lan, đưa ra trong khóa hội thảo về "Bản hiến chương cho các nhân viên Y Tế" do Tòa Thánh công bố dạo năm 1995. Khóa hội thảo diễn ra tại thành phố Pattaya, cách thủ đô Bangkok khoảng 150 cây số về hướng Ðông Nam, từ ngày 19-22 tháng 8/1998 vừa qua. Khoảng 90 vị linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Lan hoạt động trong ngành y tế đã tham dự. Ðức Cha Bosco Manat Chuabsamai, cũng là chủ tịch Văn Phòng Ðại Kết và Liên Tôn của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, đã nói trong buổi hội thảo như sau: "Giết người êm dịu và phá thai đều bị coi là tội ác và là sự hủy hại phẩm giá con người. Thiên Chúa là chủ tể của sự sống và không một ai khác có quyền cướp đi mạng sống của người khác. Vì thế các nhân viên hoạt động trong ngành y tế cần phải phân biệt rõ ràng giữa việc chuẩn bị cho một linh hồn sắp sửa lìa trần và hành động vô luân qua việc trợ giúp cho các bệnh nhân nan y tự kết liễu mạng sống."

Bản "Hiến chương cho các nhân viên Y Tế" do Hội Ðồng Tòa Thánh đặc trách mục vụ y tế , đề ra cho những người hoạt động trong lãnh vực y tế, Công Giáo cũng như không Công Giáo. Tuy nhiên bản hiến chương này cũng được coi như là một tập hướng dẫn phổ thông trong vấn đề tôn trọng sự sống con người, đồng thời nó cũng đặt ra một mô hình luân lý và đạo đức trong công tác phục vụ sự sống.


Các tín hữu Malaysia dùng sức mạnh cầu nguyện để vượt qua cơn khủng hoảng

Các tín hữu Malaysia dùng sức mạnh cầu nguyện để vượt qua cơn khủng hoảng.

(UCAN ML0925.0993 14/09/98) - Malaysia (Pelating Jaya) - Hơn 10 ngàn tín hữu Công Giáo Malaysia đã cam kết dành trọn một tháng ăn chay và cầu nguyện, cho đất nước và các nhà lãnh đạo quốc gia, đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Các tín hữu Công Giáo nói trên thuộc giáo xứ Thánh Phanxicô Xavier, tại khu ngoại ô Pelating Jaya của thủ đô Kuala Lumpur. Linh Mục Larry Tan, cha xứ, cho biết, một tín hữu trong giáo xứ viết thư cho cha đề nghị dành một ngày ăn chay và cầu nguyện cho mục đích nói trên. Tuy nhiên sau khi đọc trên báo nói về tình trạng khủng hoảng của nền kinh tế tại Malaysia và hàng triệu người dân trong nước đang bị ảnh hưởng nặng nề, cha đã đề nghị các giáo dân dành trọn một tháng ăn chay và cầu nguyện cho đất nước. Cha Larry Tan nói như sau: "Khi chúng ta ăn chay, chúng ta thể hiện lòng thành thực và thực hành cách nghiêm chỉnh lời cam kết của chúng ta. Tôi hy vọng tất cả mọi người đều cầu nguyện, không chỉ riêng cho anh chị em Công Giáo, nhưng còn cho tất cả dân chúng Malaysia đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng hiện nay. Nếu quốc gia không có phương tiện tài chánh để đối phó, thì vũ khí hiệu nghiệm nhất của chúng ta là cầu nguyện".


Một linh mục Colombia bị bắn chết trong lúc cử hành thánh lễ

Một linh mục Colombia bị bắn chết trong lúc cử hành thánh lễ.

(CWN 14/09/98) - Colombia (Bogota) - Thứ Sáu vừa qua (11/09/98), hai kẻ lạ mặt đã xông vào nhà thờ và bắn chết vị linh mục đang cử hành thánh lễ.

Vụ sát hại xảy ra tại làng Puerto Caicedo thuộc miền Tây Nam Colombia. Vị linh mục bị bắn chết là cha Alcides Jimenez. Một phụ nữ tham dự thánh lễ cũng bị bắn trọng thương sau khi bà chạy lên bàn thờ để giúp cha Jimenez. Cha Jimenez đã phục vụ tại giáo xứ của làng Puerto Caicedo từ 20 năm nay và mới đây cha cầm đầu một cuộc biểu tình ủng hộ chương trình đối thoại hòa bình với các phiến quân, do tân chính phủ Columbia khởi xướng. Cảnh sát Colombia tình nghi các tay súng theo cánh hữu là thủ phạm của vụ sát hại này.


Một Giám Mục Chính Thống người Belarus bị phạt ba năm tù

Một Giám Mục Chính Thống người Belarus bị phạt ba năm tù.

(CWN 14/09/98) - Belarus (Minsk) - Tuần trước, hãng thông tấn của viện Keston loan tin, một vị Giám Mục Chính Thống người Belarus đã bị phạt 3 năm tù trong trại cải tạo về hành động bất chính có chủ ý giễu cợt và thiếu thận trọng.

Ðức Cha Petro Huscha, 43 tuổi và là lãnh tụ của giáo hội Chính Thống độc lập . Giáo hội này tách rời khỏi giáo hội Chính Thống Nga nhưng không được chính phủ Belarus chính thức thừa nhận. Ðược biết Ðức Cha Huscha bị bắt dạo tháng 3/1998 vừa qua sau khi cảnh sát cáo buộc vị Giám Mục này là có ý chọc ghẹo hai thiếu nữ. Tuy nhiên Ðức Cha Huscha khẳng định là ngài vô tội và cáo buộc của cảnh sát là ngụy tạo nhắm làm cho các giáo hội khác nản lòng, không cạnh tranh với giáo hội Chính Thống Nga.

Kể từ sau khi tách rời khỏi Liên Bang Sô Viết, chính quyền Belarus vẫn ve vãn chính phủ Nga để hai bên có thể duy trì mối quan hệ chặt chẽ. Các nhà quan sát tin rằng lời cáo buộc nhắm vào Ðức Cha Huscha hoàn toàn là để lấy lòng chính phủ cũng như giáo hội Chính Thống Nga, bởi vì cả giáo hội Chính Thống Nga cũng như chính phủ nước này đều không hài lòng trước những hoạt động tôn giáo độc lập tại Belarus.


Chính Thống và Công Giáo Hy Lạp Rumani tranh chấp tài sản

Chính Thống và Công Giáo Hy Lạp Rumani tranh chấp tài sản.

(CWN 14/09/98) - Rumani (Bucharest) - Mới đây, giáo hội Chính Thống và Công Giáo Hy Lạp tại Rumani đã tranh chấp mạnh mẽ về chủ quyền một nhà thờ tại miền Tây Bắc Rumani.

Nhà thờ này đang được cả hai giáo hội xử dụng chung. Tuy nhiên, các tín hữu Công Giáo nghi lễ Ðông Phương đến dự thánh lễ đã giận dữ sau khi họ phát hiện cửa vào nhà thờ đã bị khóa. Họ tìm gặp vị linh mục Chính Thống để đòi mở cửa nhà thờ. Và vụ tranh cãi đã dẫn đến cuộc đụng độ giữa nhóm tín hữu của hai giáo hội. Cảnh sát Rumani cho biết không có ai bị thương hay bị bắt sau vụ đụng độ này.

Chủ quyền của nhà thờ nói trên hiện đang được tòa án quyết định. Vấn đề chưa được giải quyết về các tài sản của giáo hội Công Giáo Hy Lạp bị cựu chính quyền Cộng Sản giao cho giáo hội Chính Thống xử dụng. Kể từ sau khi chế độ cộng sản sụp đổ dạo năm 1989, các tín hữu Công Giáo được tự do thực hành đạo, tuy nhiên giáo hội này muốn đòi lại các tài sản trước kia, nhưng bị giáo hội Chính Thống phản đối. Ðây là nguyên do chính khiến cho chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II sang Rumani chưa thể thực hiện trong lúc này.


Ðại chủng viện tại Vilnius, Lituani, được khánh thành

Khánh thành một đại chủng viện tại Vilnius, Lituani.

Vilnius - Lituani [Apic 14/09/98] -Một đại chủng viện mới vừa được long trọng khánh thành hôm thứ Hai [14/09/98] vừa qua tại Vilnius, thủ đô Lituani.

Ðức Hồng Y Pio Laghi, tổng trưởng bộ giáo dục Công Giáo đã làm phép cơ sở đại chủng viện trước sự hiện diện của Ðức Cha Audrys Backis, Tổng Giám Mục Vilnius và nhiều vị giám mục Lituani khác. Ðại chủng viện cũ đã bị chính quyền Sô Viết tịch thu hồi năm 1945, liền sau thế chiến thứ hai.

Từ ngày đất nước thu hồi độc lập, các tín hữu Công Giáo Lituani hằng mơ ước được xây một chủng viện mới, nhưng không có đủ tài chánh. Trong ba năm qua, chính nhờ sự giúp đỡ của Tổ Chức "Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ" mà ước mơ của các tín hữu Công Giáo Lituani đã thành sự thật. Ðại chủng viện mới có thể đón nhận 100 sinh viên thần học. Hiện nay có 68 chủng sinh đang theo học.


Các Ðức Giám Mục Ba Lan yêu cầu chính phủ cấm các sản phẩm dâm ô

Các Ðức Giám Mục Ba Lan yêu cầu chính phủ cấm các sản phẩm dâm ô.

Varsava- Balan [Apic 14/09/98] - Các Ðức Giám Mục Ba Lan yêu cầu chính phủ nước này hãy triệt để cấm các sản phẩm dâm ô.

Các Ðức Giám Mục Ba Lan đưa ra lời kêu gọi trên đây trong một lá thứ mục vụ gởi toàn thể Dân Chúa. Thư mục vụ có đoạn viết như sau: "Dâm ô làm tổn thương nhân phẩm và hạ phẩm giá con người khi thúc đẩy họ trở thành đồ vật để mang lại khoái cảm".


Kể từ năm 1991, Nga có đến 13 ngàn giáo phái khác nhau

Kể từ năm 1991, Nga có đến 13 ngàn giáo phái khác nhau.

Mascova - Nga [Apic 14/09/98] - Các thống kê chính thức của Nhà Nước Nga ghi nhận kể từ năm 1991 đến nay có đến 13 ngàn giáo phái mới trong nước.

Trên đây là khẳng định của bà Svetlana Romaniouk, chủ tịch của một tổ chức chuyên lo cho các nạn nhân của các giáo phái tại Mascova. Theo phòng thông tin của Tổ Chức "cộng tác của các Giáo Hội Tin Lành và truyền giáo" có trụ sở tại Bale, Thụy Sĩ, bà Sverlana Romaniouk giải thích rằng sự lan rộng của các giáo phái, phát xuất từ "sự trống rỗng tôn giáo" hiện nay tại Nga. Bà Sletvana Romaniouk cũng nêu bật sự kiện là các giáo phái công khai chiêu mộ tín đồ ngay trong các trường công lập và các cơ sở đào tạo.


Tổng công hội của Dòng Tận Hiến Trái Tim Ðức Mẹ Vô Nhiễm

Tổng công hội của Dòng Tận Hiến Trái Tim Ðức Mẹ Vô Nhiễm.

Roma [Apic 14/09/98] - Tổng Công Hội Dòng Tận Hiến Trái Tim Ðức Mẹ Vô Nhiễm đã khai diễn tại Roma từ đầu tháng 9/1998 này.

Một trong những mục đích chính của Tổng Công Hội lần này là bầu lên vị tổng quyền mới thay thế cho Cha Marcello Zago, người vừa chấm dứt nhiệm kỳ hai và được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Tổng Thư Ký của Bộ Truyền Giáo. Tổng Công Hội lần này qui tụ 113 đại diện của Dòng đến từ 45 nước trên thế giới. Những cuộc hội thảo xoay quanh chủ đề "Loan báo Tin Mừng cho người nghèo vào ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba" sẽ kéo dài cho đến đầu tháng 10 tới đây. Ðược thánh Eugene de Mazenod, giám mục Marseille, Pháp, thành lập hồi năm 1816, Dòng Tận Hiến Trái Tim Ðức Mẹ Vô Nhiễm hiện nay có khoảng 4,900 tu sĩ hiện diện tại 68 quốc gia. Ngoài hoạt động truyền giáo, các tu sĩ của Dòng còn hiện diện trong công tác giáo dục, tuyên úy và truyền thông xã hội.


Các Ðức Giám Mục Brasil chống lại chính sách xã hội của chính phủ

Các Ðức Giám Mục Brasil chống lại chính sách xã hội của chính phủ.

Brasilia- Brasil [Apic 14/09/98] - Hội Ðồng Giám Mục Brasil vừa động viên hằng trăm ngàn nguời chống lại chính sách xã hội của chính phủ.

Kể từ năm 1995, các Ðức Giám Mục Brasil yêu cầu nguời dân Brasil mừng "Ngày Ðộc Lập" hay "Ngày Tổ Quốc" vào ngày 7/09 hằng năm một cách khác với các tổ chức của chính phủ.

Năm nay, Hội Ðồng Giám Mục Brasil đã tổ chức những cuộc biểu tình để ủng hộ cho Phong Trào những nguời nông dân không đất đai, trung ương độc nhứt của thợ thuyền và trung ương các phong trào bình dân.

"Tiếng kêu của những nguời bị loại trừ": các Ðức Giám Mục Brasil đã chọn khẩu hiệu này để tố cáo tình trạng xã hội nghiêm trọng của đất nước. Những cuộc biểu tình đã diễn ra tại trên 1,300 thành phố trên khắp nước. Cuộc tập trung đông đảo nhứt, qui tụ trên 80 ngàn nguời, đã diễn ra gần Trung Tâm Thánh Mẫu Aparecida do Norte trong bang Sao Paolo. Những cuộc biểu tình khác tại thủ phủ của các bang cũng đã qui tụ nhiều nguời đến từ các vùng thôn quê. Nơi nào đoàn nguời biểu tình đi qua, họ giải thích cho dân chúng hiểu sự khẩn thiết phải có những thay đổi chính trị và xã hội trong nước. Cải cách ruộng đất, y tế, giáo dục và thất nghiệp là những đề tài nóng bỏng đối với các đoàn biểu tình. Các bài diễn văn của các nhân viên mục vụ, các lãnh tụ nghiệp đoàn, những nguời hữu trách trong các cộng đồng cơ bản và ngay của các giám mục, đều xoay quanh các chủ đề như lên án việc trả nợ cho các nước ngoài và tư hữu hóa các xí nghiệp quốc doanh. Các diễn giả cũng không ngần ngại để lên tiếng chỉ trích tổng thống Fernando Cardoso. Vào giữa lúc đang chuẩn bị cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội sẽ diễn ra vào đầu tháng 10 tới đây, chắc chắn những cuộc biểu tình trên đây không làm hài lòng chính phủ đương nhiệm.


Back to Radio Veritas Asia Home Page