Tin Tức và Thời Sự
ngày 06 tháng 09/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


ÐTC Gioan Phaolô II sẽ lên đường viếng thăm quê hương BRESCIA của Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI

ÐTC Gioan Phaolô II sẽ lên đường viếng thăm quê hương BRESCIA của Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI, trong những ngày 18,19 và 20 tháng 9/1998 nầy.

Tin Vatican (Apic 6/09/98): Sáng thứ Bảy, mùng 5 tháng 9/1998, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chi tiết của chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC Gioan Phaolô II tại CHIAVARI (ki-a-va-ri) và BRESCIA, quê hương của Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô Ðệ Lục, trong các ngày 18, 19, và 20 tháng 9/1998 nầy. Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã qua đời cách đây 20 năm (6/08/1978), và năm 1998 nầy là năm kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Ngài.

Cao điểm của chuyến viếng thăm là thánh lễ phong Chân Phước vào sáng Chúa Nhật 20 tháng 9/1998, cho đầy tớ Chúa là GIUSEPPE ANTONIO TOVINI, tại sân vận động của thành phố BRESCIA. Tân Chân Phước GIUSEPPE ANTONIO TOVINI là một giáo dân dấn thân trong hoạt động xã hội, và mở những trường học cho các trẻ em nghèo. Tân Chân Phước TOVINI qua đời năm 1897.


Số người chết trong vụ thảm sát tại một cộng đồng Công Giáo ở Congo

Số người chết trong vụ thảm sát tại một cộng đồng Công Giáo ở Congo.

(CWN 6/09/98) - Roma - Hơn 600 người đã bị giết chết trong một vụ thảm sát tại một cộng đoàn Công Giáo ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo hồi tháng trước. Con số nầy cao hơn số 37 người đã được tường thuật.

Ngày 24/08/98 hãng thông tấn Misna tại Roma cho biết 37 người, trong số này có một linh mục, 3 nữ tu, một số chủng sinh và người tị nạn, đã bị giết chết sau khi họ bị các phiến quân dồn vào một chỗ. Tuần trước hãng thông tấn Misna đã tăng số người chết trong vụ thảm sát này lên 200 người và nay thì là 633 người.

Các phiến quân đang giao chiến với lực lượng của tổng thống Laurent Kabila đã phủ nhận tin nói họ là thủ phạm vụ sát hại này, nhưng đổ lỗi cho các nhóm cướp trong vùng.


Giáo chủ Chính Thống Nga kêu gọi giải quyết khủng hoảng chính trị

Giáo chủ Chính Thống Nga kêu gọi giải quyết khủng hoảng chính trị.

(Reuters 6/09/98) - Nga (Mascơva) - Chúa Nhật vừa qua (6/09/98), Ðức thượng phụ Alexis II, giáo chủ Chính Thống Nga, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị nước này hãy đưa đất nước ra khỏi vực sâu bằng cách chấm dứt những vụ tranh cãi, đang trì hoãn việc thành lập một chính phủ mới.

Lên tiếng với các tín hữu trong một nghi lễ phụng vụ tại nhà thờ chính tòa "Chúa Kitô, Ðấng Cứu Ðộ", ở thủ đô Mascơva, Ðức thượng phụ Alexis II nói rằng: "Chúng tôi hy vọng các nhà lãnh đạo của Nga sẽ chấm dứt cãi vã và đối đầu nhau, để nhìn tới vực sâu mà họ và cả nước đang sắp sửa bước vào. Nạn nhân trước hết của cuộc khủng hoảng này không ai khác hơn là người dân. Giá cả tăng vọt đang ảnh hưởng tới mỗi một gia đình". Ðây là lần thứ hai trong vòng một tuần lễ, vị giáo chủ Chính Thống lên tiếng phê bình về tình hình chính trị trong nước. Trước đó, Ðức thượng phụ Alexis II cho rằng cuộc đối đầu giữa tổng thống Yeltsin và quốc hội Nga đang gợi lại trong ký ức người dân những thăng trầm của đất nước, cụ thể là vụ đảo chánh ông Mikhail Gorbachev dạo năm 1991, và cuộc cách mạng của các chính trị gia muốn lật đổ ông Yeltsin dạo năm 1993.

Tổng thống Yeltsin đã giải tán chính phủ của ông Kiriyenko và bổ nhiệm lại ông Viktor Chernomyrdin vào ghế thủ tướng. Quốc hội đã phủ quyết việc bổ nhiệm này trong lần bỏ phiếu đầu tiên hồi tuần trước và điện Cẩm Linh đang điều đình để quốc hội chấp nhận ông Chernomyrdin trong lần bỏ phiếu thứ hai và có thể sang lần thứ ba. Nếu sau ba lần bỏ phiếu mà việc bổ nhiệm ông Chernomyrdin không được thông qua, ông Yeltsin có quyền giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử mới. Tuy nhiên viễn ảnh này sẽ đưa Nga vào một cuộc khủng hoảng mà nhiều người cho rằng có thể dẫn đến nội chiến, xét vì nền kinh tế của đất nước đang bước vào tình trạng suy thoái. Quốc hội Nga, với đa số ghế do phe Cộng Sản nắm giữ, đã yêu cầu ông Yeltsin nên đề cử một nhân vật khác làm thủ tướng, một điều mà ông Yeltisn cho đến nay vẫn nhất mực từ chối.


Trong không đầy 50 năm nữa, một nửa dân số Brasil sẽ theo Tin Lành

Trong không đầy 50 năm nữa, một nửa dân số Brasil sẽ theo Tin Lành.

Brasilia - Brasil [Apic 6/09/98] - Từ đây cho đến năm 2054, một nửa dân số Brasil sẽ làtín hữu Tin Lành.

Trên đây là dự đóan của Viện Ðịa Lý và thống kê Brasil. Theo kết quả của một cuộc thống kê do viện này đưa ra, hiện nay trên tổng số dân là 160 triệu, có khoảng 20 triệu nguời theo Tin Lành. Mức gia tăng con số tín hữu của cộng đồng Tin Lành là hai lần nhanh hơn tỷ lệ gia tăng dân số tại Brasil. Những cuộc kiểm kê mới nhứt cho thấy hồi năm 1970, số tín hữu Tin Lành tại Brasil chỉ có khoảng 4 triệu 8, năm 1990 tăng lên 7 triệu 9 và năm 1991, con số này đã lên tới 13 triệu 7. Theo đà này, vào năm 2000 ,cộng đồng Tin Lành sẽ có tới 22 triệu và vào khoảng năm 2045, số tín hữu Tin Lành sẽ chiếm 50 phần trăm dân số Brasil.


Ðại hội các tổ chức phụ nữ Công Giáo Âu Châu tại Thụy Sĩ

Ðại hội các tổ chức phụ nữ Công Giáo Âu Châu tại Thụy Sĩ.

Lucerne - Thụy Sĩ [Apic 6/09/98] - Một đại hội qui tụ hàng trăm phụ nữ Công Giáo đến từ khắp Âu Châu đã diển ra tại Lucerne, Thụy Sĩ từ ngày thứ Tư [2/09/98] đến Chúa Nhựt [6/09/98] vừa qua. Mục đích của cuộc gặp gỡ là để khẳng định chỗ đứng của nguời phụ nữ trong thế giới, vốn là "chìa khóa của một cuộc phát triển đích thực".

Tham dự đại hội là thành viên của Liên Hiệp thế giới các tổ chức phụ nữ Công Giáo, phân bộ Âu Châu. Họ muốn đào sâu điều mà Ðại Hội phụ nữ thế giới tại Bắc Kinh hồi năm 1995 đã gọi là "thăng tiến phụ nữ".

Ðược chia thành 8 nhóm, các tham dự viên đã thảo luận về đề tài "phụ nữ - thế giới - những cái nhìn". Ðại hội bày tỏ xác tín rằng một sự phát triển lâu bền tại mọi quốc gia trên thế giới chỉ có thể thực hiện được nhờ sự tham gia của phụ nữ mà thôi, nhưng với điều kiện là phụ nữ phải được đối xử bình đẳng với nam giới trong mọi lãnh vực.Theo các tham dự viện đại hội, nhờ được đào luyện trong mọi địa hạt, nguời phụ nữ dần dần tự tin hơn. Một khi đã xác tín về khả năng của mình, nguời phụ nữ sẽ đảm nhận các trách nhiệm của họ.


Back to Radio Veritas Asia Home Page