Công tố
viện Guatamala trì hoãn việc khai quật
mộ Ðức Cha Gerardi
Cảm nghĩ của các
nhân vật được giải thưởng
Ramon Magsaysay
Ðức Cha Ximenes Belo bày
tỏ tình đoàn kết với
người Hồi Giáo
Dòng do Mẹ Terexa Calcutta sáng
lập đang chuẩn bị cuộc cải tổ
Cảnh cáo về sự
lan rộng của cuộc xung đột tại Congo
Giáo hội thầm lặng
tại Trung Quốc vẫn tiếp tục bị
đàn áp
Công tố viện Guatamala trì hoãn việc khai quật mộ của Ðức Cha Juan Gerardi.
(AFP 2/09/98) - Guatemala (Thủ đô Guatemala) - Công tố viên của chính phủ Guatemala đặc trách cuộc điều tra về vụ sát hại Ðức Cha Juan Gerardi, Giám Mục phụ tá Tổng Giáo Phận thủ đô, đang trì hoãn việc khai quật mộ của Ðức Cha, bởi lẽ điều này không thích hợp và chưa đến lúc phải làm như thế.
Tuần trước, Văn phòng đặc trách về nhân quyền của Tổng Giáo Phận Guatemala đã nộp đơn yêu cầu xác định ngày cho quật mộ của Ðức Cha Gerardi để tìm hiểu xem thi thể của Ðức Cha có những dấu vết bị chó cắn trên cổ và tay hay không. Linh Mục Mario Orantes, làm việc tại tòa Giám Mục Tổng Giáo Phận đang bị giam tù. Ông Otto Ardon, công tố viên của chính phủ cáo buộc cha Orantes là thủ phạm sát hại Ðức Cha Gerardi và đã dùng con chó do vị linh mục này nuôi để tấn công Ðức Cha Gerardi. Thứ Sáu vừa qua 28/08/98, cảnh sát Guatemala cho biết họ sẽ cho quật mộ của Ðức Cha Gerardi để tìm ra chứng cớ về những lời cáo buộc của văn phòng công tố. Tuy nhiên ông Ardon nói điều này không cần thiết và ông sẵn sàng giải thích lý do tại sao trước tòa án.
Văn phòng nhân quyền của Tổng Giáo Phận Guatemala cho rằng bên công tố muốn trì hoãn việc khai quật mộ của Ðức Cha Gerardi bởi vì khi đó người ta sẽ chứng minh được là thi thể của Ðức Cha Gerardi không có dấu vết bị chó cắn, và như vậy sẽ không có lý do gì để truy tố cha Mario Orantes. Thứ Ba vừa qua 1/09/98, cha Orantes đã cho công bố một lá thư khẳng định là cha hoàn toàn vô tội trong vụ án này. Cha cầu nguyện xin cho giới hữu trách tìm ra được thủ phạm đã thực sự ra tay sát hại Ðức Cha Gerardi.
Cảm nghĩ của các nhân vật được trao giải thưởng Ramon Magsaysay.
(UCAN AS0865.0991 2/09/98) - Philippines (Manila) - Các lý tưởng nhân bản là động lực thúc đẩy mọi người dấn thân phục vụ cho anh chị em mình.
Trên đây là cảm nghĩ chung của các nhân vật được trao tặng giải thưởng Ramon Magsaysay năm 1998. Lễ trao tặng giải thưởng đã diễn ra tại thủ đô Manila của Philippines ngày 31/08/98 vừa qua. Ông Sophon Suphapong, một thương gia người Thái đoạt giải thưởng về gương phục vụ công cộng (Public Service) nhấn mạnh về nhu cầu thăng tiến nền công lý xã hội và xây dựng một xã hội vững chắc qua các tổ chức cộng đoàn. Theo ông phục vụ cho anh chị em đang cần đến sự giúp đỡ, đặc biệt những người ít may mắn và trẻ em tại các khu phố nghèo cũng như ở miền quê, là trách nhiệm của mọi người trong tư cách là một con người.
Về phần mình, cựu tổng thống Philippines, bà Cory Aquino đã gợi lại cuộc cách mạng lật đổ chính thể độc tài của ông Ferdinand Marcos dạo năm 1986 và nói rằng, thay mặt người dân Miến Ðiện nhận giải thưởng trao tặng, bởi vì người dân nước này đang phải đi qua một con đường cách mạng đẫm máu và tốn nhiều thời gian hơn là kinh nghiệm mà người dân Philippines đã trải qua. Cụ thể hơn, bà nhận giải thưởng thay mặt cho những người vẫn còn dám và tiếp tục đấu tranh với sức mạnh của người dân, tuy là không phải tất cả đều thành công. Ðược trao tặng giải thưởng Ramon Magsaysay vì đã có công thăng tiến tình thông cảm quốc tế, bà Cory Aquino không quên nhắc đến tính khiêm nhường của lãnh tụ Mahatma Gandhi bên Ấn Ðộ, gương can đảm của một người vô danh đã dám đối diện với hàng xe tăng tại quảng trường Thiên An Môn dạo năm 1989, và cuộc đấu tranh không mệt mỏi của tổng thống Nelson Mandela của Nam Phi chống lại chính sách kỳ thị chủng tộc.
Ðức Cha Ximenes Belo bày tỏ tình đoàn kết với người Hồi Giáo tại Aceh.
(UCAN ET0862.0991 2/09/98) - Ðông Timor (Dili) - Ðức Cha Carlos Ximenes Belo, giám quản tông tòa Ðông Timor, đã bày tỏ tình liên đới của ngài với các nạn nhân tại Aceh, thuộc miền Bắc Sumatra, đã bị quân đội Indonesian đàn áp từ 15 năm qua.
Trong một thư ngỏ gửi cho các người Hồi Giáo tại Aceh ngày 28/0/988 vừa qua, Ðức Cha Belo cho biết ngài đã theo dõi các báo cáo về việc khám phá hồi gần đây các ngôi mộ tập thể tại nhiều địa điểm nằm trong tỉnh Aceh. Người ta cho rằng các ngôi mộ tập thể này là mồ chôn những người được báo cáo là bị mất tích và quân đội Indonesia là kẻ chủ mưu những vụ bắt cóc, tra tấn và sau đó thủ tiêu nạn nhân. Ðây là bằng chứng cho thấy quân đội Indonesia đã áp dụng nhiều thủ đoạn đáng ghê tởm để đặt quyền kiểm soát trên lãnh thổ này. Aceh là một tỉnh tự trị nằm trong lãnh thổ của Indonesia, với dân số khoảng 3 triệu rưỡi dân. 98% là người Hồi Giáo, số còn lại theo Tin Lành, Phật Giáo, Công Giáo và Ấn Giáo.
Trong lá thư ngỏ, Ðức Cha Belo đã viết như sau: "Tôi xin chia buồn và bày tỏ tình liên đới với các anh chị em đang sống trong vùng tự trị Aceh, với các gia đình có con em hoặc thân nhân bị mất tích hay bị sát hại. Trong tư cách là một vị Giám Mục Công Giáo và là một con người, tôi không thể không lên án những hành động man rợ mà người ta vẫn còn làm được trong giai đoạn cuối thế kỷ 20 này. Trong sự đau khổ này, tôi xin tỏ tình liên đới với anh chị em. Tôi cầu nguyện và hỗ trợ anh chị em trong cuộc đấu tranh đòi công lý và hòa bình, cho tương lai của anh chị em. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa, Ðấng mà chúng ta tin, xin Ngài, với tình thương bao la, tha thứ cho những hành vi tội lỗi, cho linh hồn của những người đã đổ máu cho quê hương, cho các quả phụ, trẻ em mồ côi, cho các gia đình bị phá hủy bởi chiến tranh và sự độc ác của các binh sĩ trong quân đội."
Bản sao lá thư ngỏ của Ðức Cha Belo đã được gửi tới Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tới Tòa Sứ Thần tại Indonesia, tới các nhà lãnh tại Hồi Giáo của tỉnh Aceh cũng như Hội Ðồng Giám Mục Indonesia.
Dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Terexa Calcutta sáng lập đang chuẩn bị các cuộc cải tổ.
Calcutta [Apic 2/09/98] - Một năm sau khi Mẹ Terexa Calcutta qua đời, Dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ sáng lập đang chuẩn bị các cuộc cải tổ. Hội dòng sẽ được chia thành nhiều tỉnh dòng tự trị . Những luật mới dành cho các nữ tu nhiều tự do hơn cũng sẽ được soạn thảo.
Dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Terexa Calcutta thành lập năm 1950. Hiện nay Hội dòng có khoảng 4,000 nữ tu và 400 cơ sở trực thuộc nhà Mẹ tại Calcutta.
Các nữ tu mong ước được nhiều tự do hơn, chẳng hạn như được ở ngoài tu viện dễ dàng hơn và đối với các nữ tu đến từ nước ngoài, có thể về thăm nhà đều đặn hơn. Một số qui luật về đời sống hằng ngày cũng cần phải được sửa đổi, chẳng hạn như luật cấm không được xử dụng quạt máy trong phòng ngủ.
Vấn đề thu nhận ơn gọi cũng sẽ được cứu xét. Luật dòng không nhận những thiếu nữ chưa xong trung học, nhưng Mẹ Terexa vẫn có luật trừ. Kể từ khi Mẹ qua đời, dĩ nhiên ơn gọi chưa sút giảm, nhưng cũng cần phải tiên liệu đến một lúc nào đó ơn gọi sẽ ít dần.
Về việc tôn phong chân phước cho Mẹ, Ðức Tổng Giám Mục Calcutta là người có thẩm quyền để tiến hành việc lập hồ sơ. Ngài đã kêu gọi các nữ tu thu thập các tài liệu và chứng từ về Mẹ.
Hội đồng các Giáo Hội tại Namibia cảnh cáo về sự lan rộng của cuộc xung đột tại Congo.
Windhoek - Namibia [Apic 2/09/98] - Hội đồng các Giáo Hội tại Namibia phản đối việc chính phủ đưa quân sang Congo để giúp tổng thống Laurent Kabila đẩy lui cuộc tấn công của phiến quân.
Phản ứng của hội đồng các Giáo Hội Kitô Namibia hoàn toàn đối nghịch lại với lập trường của Hội đồng các Giáo Hội Kitô Zimbabwe. Hồi cuối tháng 8/1998 vừa qua, Hội Ðồng các Giáo Hội Kitô tại Zimbabwe tuyên bố ủng hộ việc chính phủ nước này đưa quân vào Congo.
Hiện nay cả ba nước Zimbabwe, Angola và Namibia đều đưa quân sang Congo để yểm trợ cho tổng thống Kabila.
Lập trường trên đây của hội đồng các Giáo Hội Kitô Namibia là một đòn nhắm vào bộ trưởng ngoại giao của nước này. Thật thế, trên báo "nguời Namibia" số ra ngày 1/09/98 vừa qua, bộ trưởng ngoại giao nước này là ông Theo Ben Gurirab đã kêu gọi mọi nguời Namibia hãy ủng hộ quyết định can thiệp bằng quân sự của chính phủ.
Giáo hội thầm lặng tại Trung Quốc vẫn tiếp tục bị đặt duới sức ép của Nhà nước.
Bắc Kinh [Apic 2/09/98] - Chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục đàn áp các tín hữu Công Giáo tại tỉnh Hebei. Ðức Cha Julius Jia Zhiguo, nguời đã bị quản thúc tại gia từ ngày 25 tháng 6 đến 3 tháng 7/1998 vừa qua nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc của tổng thống Hoa Kỳ, Bill Clinton, vẫn tiếp tục bị công an theo dõi chặt chẽ. Ngoài ra một cô nhi viện dành cho các em khuyết tật do Giáo Hội thầm lặng điều khiển, cũng bị đóng cửa.
Theo tin của Tổ Chức "Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ", chính quyền Trung Quốc ngăn cấm không cho đức cha Jia Zhiguo được có bất cứ sinh hoạt tôn giáo nào. Sau khi cô nhi viện bị đóng cửa, vì bị xem như cơ sở bất hợp pháp được điều khiển bởi một cộng đoàn tu sĩ không được Nhà nước nhìn nhận, các nữ tu lo ngại về tương lai của các em cô nhi. Chính sách "mỗi gia đình một con" do Nhà nước ban hành đã khiến cho phần đông các cha mẹ phải vứt bỏ những đứa con khuyết tật, nhưng đồng thời cũng không tín nhiệm nơi các cô nhi viện do Nhà nước quản lý.
Ðức Cha Jia Zhiguo đã bị giam tù 20 năm. Ngài được xem như một trong những vị giám mục dấn thân phục vụ một cách đặc biệt người nghèo và những người vô gia cư.