Croat chuẩn bị
tinh thần đón tiếp ÐTC đến
thăm
Hội Ðồng Ðại
Kết các Giáo Hội Kitô chống
lại nạn ô nhiễm
Việc phong chức linh mục
cho những nguời có gia đình
Các nhà thờ Kitô
giáo tại Indonesia vẫn tiếp tục bị
tấn công
Lên án các văn phòng
tuyển mộ công nhân của Ðài
Loan
Các Giám Mục tại CROAT công bố thơ mục vụ kêu gọi tín hữu chuẩn bị tinh thần đón tiếp ÐTC đến thăm vào đầu tháng 10/1998 tới đây.
TIN CROAT (RG 17/08/98): Hôm thứ Sáu vừa qua, ngày 14 tháng 8/1998, Ðức Cha JOSIP BOZANIC, Tổng Giám Mục giáo phận ZAGREB, bên CROAT, đã mở cuộc họp báo tại trụ sở của Văn Phòng Tổng Thư Ký của Hội Ðồng Giám Mục ZAGREB, để giới thiệu bức thơ mục vụ kêu gọi toàn thể tín hữu hãy chuẩn bị tinh thần đón tiếp Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô Ðệ Nhị đến thăm, từ ngày 2 đến 4 tháng 10/1998 tới đây. Thời gian chuẩn bị được bắt đầu ngay, từ ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, hôm thứ Bảy vừa qua 15/08/98. Ngoài ra, bức thơ mục vụ còn đề nghị mẫu gương sống đức tin của Ðức Hồng Y Stepinac, người sẽ được ÐTC tôn phong lên bậc Chân Phước, trong chuyến viếng thăm tới đây. Ðức Hồng Y Stepinac đã dấn thân tranh đấu không biết mệt mõi cho sự tự do cá nhân và tự do tôn giáo, vừa đồng thời cổ võ phong trào đại kết. Chuyến viếng thăm của ÐTC tại CROAT vào tháng 10/1998 tới đây, là chuyến viếng thăm thứ hai, sau chuyến viếng thăm đầu tiên vào tháng 9 năm 1994. Tất cả những bài diễn văn của ÐTC trong chuyến viếng thăm năm 1994, đã được in thành sách, để phổ biến cho các tín hữu.
Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô chống lại nạn ô nhiễm.
Geneve [Apic 17/08/98] - Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô bày tỏ quan ngại về sự gia tăng khí độc thải ra từ xe cộ và máy bay.
Trong một bản phúc trình vừa được công bố, Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô cho biết việc di chuyển bằng đường hàng không thải ra khoảng 15 phần trăm trong tổng số khí độc và tính cho đến năm 2030, con số xe hơi riêng trên thế giới sẽ từ 500 triệu lên đến 2 tỷ 3 chiếc. Tại nhiều nước đang phát triển, những hình thức di chuyển truyền thống như xe đạp và các phương tiện di chuyển công cộng đã nhường chỗ cho xe riêng.
Bản phúc trình cũng đề cập đến những hậu quả tiêu cực của việc gia tăng các phương tiện di chuyển riêng tư , như các tai nạn giao thông, các vấn đề sức khỏe và bất công xã hội. Những nguời già, trẻ em, những nguời khuyết tật và những thành phần kém may mắn, bị lãng quên vì việc sở hữu các phương tiện di chuyển riêng tư ngày càng gia tăng.
Bản phúc trình kêu gọi phong trào đại kết hãy quan tâm nhiều hơn đến các kỷ thuật mới như điện thư và các hội nghị bằng video, hầu tránh các cuộc di chuyển tốn kém. Ngoài ra, việc giảm thiểu các hội nghị quốc tế và các chương trình tại Geneve cũng giúp giới hạn các chi tiêu.
Giáo Hội Công Giáo thuộc nghi lễ Byzantin tại Hoa Kỳ gia tăng việc phong chức linh mục cho những nguời có gia đình.
Pittsburg - Hoa Kỳ [CWN 17/08/98] - Các vị lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo thuộc nghi lễ Byzantin tại Hoa Kỳ đã loan báo sẽ tái lập truyền thống phong chức linh mục cho những nguời có gia đình. Quyết định này có thể sẽ tạo ra tranh cải giữa những nguời Công Giáo thuộc nghi lễ Ðông Phương và Tòa Thánh Vatican. Quyết định phong chức linh mục cho những nguời có gia đình là một trong những điểm trọng yếu trong một loạt những qui định mới do tổng giáo phận Công Giáo thuộc nghi lễ Byzantin tại Pittsburg, Hoa Kỳ, đề ra. Những qui định mới này được công bố như một đáp ứng với Bộ Giáo Luật mới dành cho các Giáo Hội thuộc nghi lễ đông phương. Theo bộ giáo luật mới này, các Giáo Hội Ðông Phương được quyền đưa ra những qui chế riêng tuỳ theo hoàn cảnh địa phương. Hội Ðồng Giáo Phẩm của Giáo Hội Công Giáo Byzantin tại Hoa Kỳ giải thích quyết định phong chức linh mục cho những nguời có gia đình bằng cách trích dẫn thông điệp Ánh Sáng Ðông Phương của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Trong thông điệp này, Ðức Gioan Phaolô II cổ võ việc trở về với gia sản nguyên thủy của các Giáo Hội Công Giáo đông phương.
Các giám mục trong Giáo Hội Công Giáo thuộc nghi lễ Byzantin cũng cho biết rằng hiện nay có khoảng 100 linh mục có gia đình đang hoạt động trên khắp nước Mỹ. Phần lớn các linh mục này là những nguời trở lại từ Giáo Hội Trưởng Lão tại Hoa Kỳ. Cũng theo các vị hữu trách trong Giáo Hội Công Giáo Byzantin, việc đón nhận những nguời này vào hàng ngũ giáo sĩ không tạo ra vấn đề gì cho các tín hữu thuộc Giáo Hội Công Giáo Roma.
Tuy nhiên, tại các nước có đa số tín hữu thuộc Giáo Hội Công Giáo Roma, Tòa Thánh đã không tỏ ra mấy hứng khởi trước việc gia tăng phong chức linh mục cho những nguời có gia đình. Hồi tháng 5/1998 vừa qua, Tòa Thánh đã yêu cầu các Giám Mục thuộc Giáo Hội Công Giáo Ukraine chấm dứt việc phong chức linh mục cho những nguời có gia đình để phục vụ tại Ba Lan.
Các nhà thờ Kitô giáo tại Indonesia vẫn tiếp tục bị tấn công.
(UCAN IJ0686.0989 17/08/98) - Indonesia (Jakarta) - Mặc dù đang có chiến dịch cải tổ tại Indonesia, các nhà thờ Kitô giáo trong nước vẫn tiếp tục trở thành mục tiêu bị các thành phần cực đoan tấn công và xâm phạm, nguyên do bởi việc áp dụng luật lệ còn lỏng lẻo. Vụ tấn công mới nhất diễn ra ngày 2/08/98 vừa qua tại một nhà thờ Tin Lành ở thị trấn Depok, thuộc vùng ngoại ô ở phía Nam thủ đô Jakarta. Thủ phạm là những người Hồi Giáo cực đoan tại địa phương và tệ hại hơn là các nhân viên an ninh chỉ đứng nhìn mà không có hành động can thiệp.
Theo ông Gregorius Seto Harianto, một nhà tranh đấu chính trị người Công Giáo, thì những vụ tấn công vào các nhà thờ Kitô giáo chứng tỏ rằng việc áp dụng luật lệ lỏng lẻo như dưới thời của cựu tổng thổng Suharto, vẫn tiếp diễn dưới chính thể hiện giờ của tổng thống Habibie. Ông Hariato qui trách nhiệm về tâm thức chống Kitô giáo của đa số người dân theo đạo Hồi tại Indonesia, do chính sách của cựu tổng thống Suharto muốn duy trì một sự đối nghịch giữa nhóm tôn giáo đa số và thiểu số, hầu làm giảm bớt những mối đe dọa nhắm vào chính thể độc tài do ông lãnh đạo. Với chính sách này ông Suharto hy vọng người Hồi Giáo sẽ nghĩ rằng ông ủng hộ người Hồi Giáo chiếm đa số, trong khi các nhóm tôn giáo thiểu số sẽ luôn luôn cần đến sự bảo vệ của ông.
Ông Gregorius Harianto hiện đang giữ chức tổng thư ký của một đảng chính trị vừa được thành lập bởi một nhóm trí thức người Công Giáo và Tin Lành. Ông cho biết là thủ phạm của những vụ tấn công vào các nhà thờ Kitô giáo ít khi nào bị truy tố ra tòa. Nếu có bị cảnh sát bắt giữ thì cùng lắm là họ chỉ bị thẩm vấn và sau đó được trả tự do. Ðây là một trong các lý do khiến cho họ sẵn sàng tái phạm. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Kitô giáo cũng không muốn nộp đơn kiện các thủ phạm vì e ngại rằng điều này sẽ làm gia tăng thêm cuộc tranh chấp giữa hai tôn giáo.
Ông Benedictus Nahut Marbun, một thành viên người Công Giáo thuộc Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Gia cho biết, ủy ban này vẫn gửi báo cáo về những vụ tấn công vào các nhà thờ Kitô giáo lên Bộ Tôn Giáo của chính phủ, kèm với lời yêu cầu xin Bộ này duy trì điều khoản bảo đảm quyền tự do tôn giáo được ghi trong hiến pháp. Tuy nhiên lời yêu cầu của ủy ban cho đến giờ vẫn chưa được Bộ Tôn Giáo đáp ứng.
Giáo hội Công Giáo Philippines lên án các văn phòng tuyển mộ công nhân của Ðài Loan.
(UCAN AS0695.0989 17/08/98) - Philippines (Manila) - Ủy Ban đặc trách về người lao động và di dân của Hội Ðồng Giám Mục Philippines vừa lên tiếng kêu gọi ban hành các biện pháp bảo vệ các công nhân của nước này, trước việc các văn phòng tuyển mộ công nhân của Ðài Loan áp đặt lệ phí quá cao, cho những ai muốn đến làm việc tại Ðài Loan.
Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi các viên chức chính phủ Philippines thất bại trong nỗ lực thuyết phục các văn phòng này giảm lệ phí tìm việc làm cho các công nhân. Trong bản báo cáo mới đây của Ủy Ban, Ðức Cha Ramon Arguelles, chủ tịch và tổng tuyên úy quân đội Philippines, lên án sự kiện các công nhân Philippines phải trả những khoản lệ phí cắt cổ để được sang làm việc ở Ðài Loan. Ngài cho rằng mức lệ phí này là bất công và rõ ràng là một hình thức lạm dụng. Tổng cộng các khoản lệ phí mà một công nhân Philippines phải trả trước khi được sang Ðài Loan, có thể lên tới khoảng 3,500 Mỹ Kim. Theo Ðức Cha Arguelles, các khoản lệ phí này hạn chế đồng lương mà một công nhân có thể kiếm được và trong nhiều trường hợp họ bị buộc phải đi vay tiền trước để trả.
Nhưng các văn phòng tuyển mộ công nhân có trụ sở tại Ðài Loan lập luận rằng lệ phí nói trên là hợp lý xét về các điều kiện của thị trường Ðài Loan. Hơn thế nữa, các công nhân từ Thái Lan cũng như Indonesia đều phải đóng những khoản lệ phí tương tự, để được nhận sang làm việc tại Ðài Loan, mặc dù mức lệ phí thấp hơn đôi chút so với lệ phí áp dụng cho các công nhân người Philippines. Các cơ quan bảo vệ quyền lợi của các công nhân đã yêu cầu tổng thống Estrada can thiệp để ngăn chặn tình trạng bóc lột sức lao động và lạm dụng đối với các công nhân di dân tại Ðài Loan cũng như ở các nước khác. Bộ Lao Ðộng Philippines cho biết, tính từ quí một của năm này (từ tháng 1-tháng 3), có 181,841 công nhân Philippines được gửi ra nước ngoài làm việc, 11,5 % trong số này đến làm việc ở Ðài Loan.