Tin Tức và Thời Sự
ngày 04 tháng 08/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Quốc hội Ấn Ðộ thừa nhận những vụ tấn công người Kitô giáo gia tăng

Quốc hội Ấn Ðộ thừa nhận những vụ tấn công người Kitô giáo gia tăng.

(UCAN IA0645.0987 4/08/98) - Ấn Ðộ (New Delhi) - Chính phủ Ấn Ðộ thừa nhận những vụ tấn công người Kitô giáo tại quốc gia này đang gia tăng trong những tháng gần đây, sau khi phe đối lập đưa vấn đề ra bàn thảo tại quốc hội, đồng thời yêu cầu đảng Nhân Dân của Ấn Giáo, đương cầm quyền, giải thích lý do tại sao chính phủ chưa đưa ra biện pháp nào nhắm ngăn ngừa những vụ tấn công người Kitô giáo tại những bang nơi mà đảng Nhân Dân đang nắm quyền kiểm soát chính quyền địa phương.

Trong phiên họp ngày 28/07/98 vừa qua, ông Maneka Gandhi, bộ trưởng An Sinh Xã Hội của chính phủ liên bang, cho các dân biểu tại hạ viện biết là nạn tội phạm nhắm vào người Kitô giáo và luôn cả người Hồi Giáo tại hai bang Gujarat và Maharashtra đang gia tăng. Một vị dân biểu khác thuộc phe đối lập, ông Vayalar Ravi cho biết riêng tại bang Gujarat, chỉ trong vòng 9 ngày, người ta ghi nhận có 24 vụ tấn công vào người Kitô và Hồi giáo. Cụ thể là vụ các nhóm Ấn Giáo cực hữu đã tấn công một trường học và đốt 300 quyển Kinh Thánh của trường này. Kế đến họ đã đến quật mộ của một tín hữu Tin Lành Methodist nhưng cảnh sát đã không can thiệp. Dân biểu này kêu gọi chính quyền liên bang hãy can thiệp để chấm dứt những vụ bạo động nhắm vào các tín hữu thuộc tôn giáo thiểu số.

Các nhật báo xuất bản tại Ấn Ðộ đã lên án thái độ bất khoan nhượng này từ phía những người Ấn Giáo cực đoan, và cho rằng những hành vi bạo động đó đang làm suy giảm uy tín của đảng Nhân Dân đương cầm quyền. Các bài bình luận đăng trên báo chí cũng nêu bật sự kiện là những người Ấn Giáo cực đoan đừng nghĩ rằng, vì phe Ấn Giáo đương cầm quyền nên họ có thể làm những gì họ muốn mà không sợ bị truy tố. Những vụ tấn công như thế là hèn nhát và càng đáng hổ thẹn hơn khi chúng được thi hành trên danh nghĩa của Ấn Giáo, bởi vì Ấn Giáo là một tôn giáo cổ võ chân lý và tinh thần khoan nhượng, ngoài ra giáo thuyết của tôn giáo này dạy các tín hữu của mình cách sống trong một môi trường đa tôn giáo.


Ðức Hồng Y Kitbunchu của Thái Lan kêu gọi các linh mục ngăn ngừa sự lan tràn của ma túy

Ðức Hồng Y Kitbunchu của Thái Lan kêu gọi các linh mục ngăn ngừa sự lan tràn của ma túy.

(UCAN TH0632.0987 4/08/98) - Thái Lan (Nakhon Pathom) - Ðức Hồng Y Michael Michai Kitbunchu, Tổng Giám Mục Bangkok, vừa lên tiếng yêu cầu các Lih Mục trong Tổng Giáo Phận đề ra các biện pháp để bảo vệ trường học và nhà thờ khỏi các tệ nạn phát sinh từ ma túy. Nạn nghiện ngập ma túy đang gia tăng ở mức nghiêm trọng tại Thái Lan mà nhiều người cho đó là hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước.

Trong một cuộc tĩnh tâm với các Linh Mục dạo trung tuần tháng 7/1998 vừa qua, Ðức Hồng Y Kitbunchu ghi nhận là nạn tội phạm đang ngày một gia tăng bởi vì có nhiều người bị thất nghiệp. Vị Tổng Giám Mục Bangkok tiết lộ là ngài đã nhận được nhiều thư từ cảnh giác ngài rằng những tay buôn ma túy đang nhắm vào các trường học và một số nhà thờ làm địa điểm bán hàng, và khuyên các Linh Mục như sau: "Ðừng để cho ma túy xâm nhập vào các nhà thờ và trường học của chúng ta bởi vì nó sẽ gây tiếng xấu cho giáo hội và nhất là ma túy sẽ hủy hại tương lai của giới trẻ".

Ðức Hồng Y Kitbunchu cho biết ngài sẽ tham khảo với hội đồng Linh Mục của Tổng Giám Phận để tìm ra các biện pháp ngăn ngừa và đồng thời Hội Ðồng Giám Mục Thái Lan cũng sẽ bàn thảo về vấn đề này xét vì nạn ma túy cũng đang lan tràn trên toàn quốc.


ÐTC bổ nhiệm các giám mục mới

ÐTC bổ nhiệm các giám mục mới.

Vatican - 04.08.98 - Tại Pháp, ÐTC vừa bổ nhiệm Cha Nicolas Aubertin, Viện phụ Ðan viện Lérins, làm Giám Mục giáo phận Chartres. Cha Nicolas năm nay 51 tuổi; thụ phong linh mục năm 1972, lúc còn thuộc Hội Truyền giáo Phi Châu, thường được gọi là Hội các Cha Dòng Trắng. Cha đậu Tiến Sĩ Thần Học và Giáo Luật, và là một chuyên gia về Hồi Giáo. Cha đã làm giám đốc một trung tâm do các Cha Dòng Trắng lập ra ở Paris, để đón tiếp các người di cư miền Bắc Phi. Sau đó, Cha xin vào tu tại Ðan Viện Xitô ở Lérins, nằm trên Ðảo Saint Michel, kế thành phố Marseille. Cha đã làm Bề Trên nhà và sau đó được bầu làm Viện Phụ.

Và tại Guyane thuộc Pháp, ÐTC bổ nhiệm Linh Mục Louis Sankalé, hiện là Cha sở tại Marseille, làm giám mục giáo phận Cayenne, thuộc Guyane Pháp. Ðức tân Giám Mục là người Sénégal (Châu Phi) , năm nay 58 tuổi; đã học tại Ðại Học Gregoriana ở Roma. Thụ phong linh mục năm 1976 và gia nhập Tổng Giáo Phận Marseille. Sau nhiều năm thi hành thừa tác vụ tại giáo xứ, cha được bổ nhiệm làm đại diện giám mục phụ trách về đời sống tận hiến và các cộng đồng mới. Giáo phận Cayenne gồm toàn lãnh thổ Guyane Pháp, rộng 90 ngàn cây số vuông với 150 ngàn dân cư, đa số là người Công Giáo. Giáo phận Cayenne được chia thành 26 giáo xứ do 34 linh mục hướng dẫn, trong số này chỉ có 3 linh mục người địa phương, phần còn lại là các linh mục truyền giáo, với sự cộng tác của sáu Thầy Sáu vĩnh viễn, 85 nữ tu và 530 giáo lý viên.


ÐTC thành lập giáo phận mới tại Ấn Ðộ

ÐTC thành lập giáo phận mới tại Ấn Ðộ.

Vatican - 04.08.98 - Thứ Ba 4.08.98 ÐTC đã cho thành lập giáo phận mới tại Ấn Ðộ: Giáo Phận Bettiah, với lãnh thổ cắt chia từ giáo phận Muzaffapur. Giáo Phận mới là giáo phận phụ thuộc Giáo Tỉnh Ranchi.

Ðồng thời, ÐTC bổ nhiệm linh mục Victor Henry Thakur, thuộc hàng giáo sĩ giáo phận Raipur, hiện là thư ký của Ðức Giám Mục, làm giám mục tiên khởi của Giáo Phận mới.

Cha Victor Henry Thabur sinh năm 1954 trong giáo phận mới Bettiah, thụ phong linh mục năm 1984. Sau đó được bổ nhiệm làm cha phó và giáo sư tại Tiểu Chủng Viện Raipur. Năm 1987, cha được gửi sang Roma học tại Ðại học Thánh Toma của Dòng Ða-Minh, và đậu tiến sĩ về Thần Học Ðại Kết. Năm 1992, trở về giáo phận Raipur, cha được bổ nhiệm làm thư ký của Ðức Giám Mục, và giám đốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo tại giáo phận kiêm giám đốc phong trào đại kết, cổ võ ơn kêu gọi và giáo sư Tiểu Chủng Viện.

Lý do thành lập giáo phận mới Bettiah, là vì giáo phận Muzaffarpur quá rộng, với diện tích là 44,449 cây số vuông và có hơn 33 triệu dân cư, nhưng người Công Giáo chỉ có hơn 10 ngàn.

Giáo phận Bettiah, phần đất cắt chia từ giáo phận Muzaffarpur, rộng 18,748 cây số vuông, với 11 triệu rưởi dân cư, trong số này có 5 ngàn rưởi người Công Giáo, chia thành 18 giáo xứ do 23 linh mục triều và 25 linh mục dòng hướng dẫn. Không có một nữ tu, thầy Sáu hay giáo lý viên nào cả.

Với việc thành lập giáo phận mới, giáo phận Mẹ Muzaffarpur vẫn rộng hơn giáo phận Bettiah, nhưng số giáo dân (gần 5 ngàn) - linh mục triều (18) và linh mục dòng (13) thua kém giáo phận mới. Vấn đề nhân sự là một trong các lo lắng chính của hai vị chủ chăn giáo phận cũ cũng như giáo phận mới.


Ðại Hội Quốc Gia giới trẻ Công Giáo tại Rumani

Ðại Hội Quốc Gia giới trẻ Công Giáo tại Rumani.

Tin Roumani - 4.08.98 - Trong tuần vừa qua, cuộc gặp gỡ quốc gia lần thứ hai của giới trẻ Công Giáo Rumani được tổ chức tại Cluj, với sự tham dự của hơn ba ngàn thanh niên nam nữ, đến từ các giáo phận trong toàn quốc, hầu hết do các giám mục hướng dẫn. Sáng kiến này của các giám mục Rumani có mục đích đề cao sự lưu ý của Giáo Hội đến giới trẻ, như ÐTC đã khuyến khích trong suốt Triều Giáo Hoàng của ngài. Các giám mục muốn tổ chức cuộc gặp gỡ có tính cách quốc gia cho giới trẻ cứ hai năm một lần. Ðây là dịp suy tư, huấn luyện, cầu nguyện , chia sẻ và cũng là những ngày lễ liên hoan . Ðề tài của cuộc gặp gỡ lần thứ hai này là: "Ơn gọi nên thánh", Và chương trình diễn tiến của mỗi ngày như sau:

Ban sáng có bài giáo lý về những khía cạnh của ơn gọi nên thánh. Sau đó họp nhóm để đào sâu và thảo luận về đề tài vừa được trình bày. Thánh lễ hằng ngày được thay đổi theo nghi thức Latinh và nghi thức Hy Lạp Công Giáo. Cả hai nghi thức nầy vẫn được xử dụng tại Rumani. Ban chiều có những cuộc gặp gỡ với các chứng nhân, với các người có những kinh nghiệm khác nhau, để giúp giới trẻ dấn thân nhiều hơn trong đời sống Kitô.

Ban tối có giờ cầu nguyện chung và chầu Thánh Thể suốt đêm thứ Năm sang thứ Sáu. Ngắm Ðàng Thánh giá chiều thứ Sáu. Chiều thứ Bẩy: ca nhạc kịch. Có giải thưởng cho bài hát hay hơn cả. Bài hát này sẽ trở nên như một kỷ niệm của một tuần lễ chung sống trong cầu nguyện, suy tư , học hỏi và trong tình huynh đệ.


Giáo hội Công Giáo tại Algérie sau cái chết của Ðức Cha Claverie

Giáo hội Công Giáo tại Algérie sau cái chết của Ðức Cha Claverie.

Oran - 4.08.98 - Ngày mồng 1 tháng 8 cách đây 2 năm (1996), Ðức Cha Pierre Claverie, giám mục giáo phận Oran, bên Algérie, bị sát hại cùng với người tài xế ngay lúc vừa về tới Tòa Giám Mục, khoảng 8 giờ tối.

Nhân dịp kỷ niệm cái chết đau thương của một vị chủ chăn luôn luôn trung thành với nhiệm vụ đối thoại với người Hồi Giáo và luôn luôn gắn bó với miền Magreb, miền gồm các nước Bắc Phi , cha Justo Lacunza, người bạn thân của Ðức Cha Claverie và là chuyên viên về vấn đề Hồi Giáo, tuyên bố trên đài Vatican như sau: "Sứ Ðiệp của Ðức Cha Claverie là: Giáo hội phải ở lại Algérie, nơi đang có những bạo động, chiến tranh, và những hiểu lầm... để có thể xây dựng một chiếc cầu, để có thể gặp gỡ mọi người nam nữ thuộc các nền văn hóa, các tín ngưỡng và các khuynh hướng chính trị khác nhau, để đem đến những giải pháp cụ thể cho xã hội".

"Ngày nay, Giáo Hội tại Algérie đã lấy lại sức mạnh, đã tìm được một đà tiến mới và lớn lao, qua sự sống và còn hơn nữa, qua máu của các vị tử đạo. Trước đây, có sự sợ hãi và, vì sự sợ hãi này, có lẽ một số người cũng muốn ra đi khỏi đây; nhưng ngày nay không còn sự cám dỗ này nữa".


Back to Radio Veritas Asia Home Page