Tin Tức và Thời Sự
ngày 15 tháng 07/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Bộ Ngoại Giao Việt Nam lên tiếng cho biết là Nhà Nước không hề từ chối mời ÐTC Gioan Phaolô II đến thăm Việt Nam

Bộ Ngoại Giao Việt Nam lên tiếng cho biết là Nhà Nước không hề từ chối mời ÐTC Gioan Phaolô II đến thăm Việt Nam.

Tin Tổng Hợp (Apic 15/07/98 và AFP 14/07/98): Trước nguồn tin cho rằng Ông Phan Văn Khải, Thủ Tướng Việt Nam, đã từ chối không chấp nhận chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô Ðệ Nhị tại Việt Nam, nhân dịp lễ mừng kỷ niệm 200 Năm Ðức Mẹ Hiện Ra tại La Vang, thì người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã cho biết rằng Nhà Nước Việt Nam không hề từ chối chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha, vì lý do dễ hiểu là cho đến nay, chưa có lời yêu cầu chính thức nào được gởi đến các thẩm quyền liên hệ.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam nhìn nhận rằng Một Chức Sắc cao cấp của Giáo Hội Việt Nam đã bày tỏ cho Nhà Nước biết ước nguyện muốn ÐTC đến thăm Việt Nam trong một dịp thuận tiện.

Trong lần mới đây về Roma viếng thăm Tòa Thánh theo luật định, và trong bài diễn văn chào mừng Ðức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung các Giám Mục Việt Nam, Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Hà Nội đã bày tỏ nguyện ước là, một ngày nào đó trong tương lai, ÐTC có thể đến thăm Việt Nam.

Liên quan đến lễ mừng kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại LaVang, nhất là dịp lễ trọng Kính Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngày 15 tháng 8/1998 tới đây, trong khi khắp nơi trong cũng như ngoài nước Việt Nam, nhiều cá nhân và cộng đoàn Công Giáo muốn và chuẩn bị hành hương về LaVang mừng lễ Mẹ, thì hôm tháng 5/1998 vừa qua, Ông Lê Khả Phiêu, Tổng Thư Ký đảng Cộng Sản Việt Nam, đã lên tiếng báo trước là sẽ có biện pháp kiểm soát cuộc lễ mừng nầy.


Tổ chức Serra, chiếc cầu nối giữa các nền văn hóa địa phương nhắm cổ võ ơn gọi tại Á Châu

Tổ chức Serra, chiếc cầu nối giữa các nền văn hóa địa phương nhắm cổ võ ơn gọi tại Á Châu.

(UCAN AS0513.0984 15/07/98) - Thái Lan (Bangkok) - Serra là tên một tổ chức quốc tế muốn trở thành chiếc cầu nối giữa các nền văn hóa địa phương nhắm mục đích cổ võ ơn gọi linh mục và tu sĩ ở Á Châu. Tổ chức Serra đặt theo tên của chân phước Junipero Serra, một tu sĩ người Tây Ban Nha thuộc dòng Phanxicô, ra đời tại thành phố Seattle bên Hoa Kỳ năm 1935. Chân phước Junipero Serra cũng là người đứng ra thành lập nhiều trung tâm truyền giáo (missions) tại Mehicô và tiểu bang California của Hoa Kỳ, trong thế kỷ 18.

Serra hiện có mặt tại 36 quốc gia trên thế giới, trong số này có một số quốc gia ở Á Châu như Hồng Kông, Macau, Philippines, Nam Hàn, Ðài Loan và Thái Lan. Anh Chainarong Monthienvichienchai, giám đốc trường đại học Thánh Giuse ở Thái Lan, và là thành viên của Serra đặc trách vùng Á Châu đã cho hãng thông tấn UCAN biết về tổ chức này như sau: "Mục tiêu của Serra là nhắm cổ võ ơn gọi linh mục và tu sĩ và hy vọng là trong năm nay, chiến dịch cổ động của chúng tôi tại Á Châu sẽ bắt đầu. Tại mỗi nơi Serra có mặt chúng tôi đều trực thuộc vị Giám Mục địa phương, vì thế chúng tôi hy vọng sẽ được Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu hỗ trợ trong việc mở rộng phạm vi hoạt động sang các quốc gia khác ở Á Châu, đồng thời chúng tôi cũng hy vọng là mỗi đơn vị tại địa phương sẽ trở thành chiếc cầu nối giữa các nền văn khóa khác nhau của lục địa này. Nhiều vị Giám Mục tại Sri Lanka và Malaysia đã chú ý tới các hoạt động của Serra và hy vọng là đến năm 2000 sự hiện diện của chúng tôi tại các nước Á Châu sẽ gia tăng.

Giải thích về đường hướng hoạt động của Serra nhắm cổ võ những người trẻ theo đuổi ơn gọi, ông Chainarong giải thích như sau: "Chúng tôi biết mình phải tôn trọng nền văn hóa địa phương, vì văn hóa của mỗi đại lục đều khác nhau, đặc biệt là tại Á Châu, lục địa có nền văn hóa đa dạng và phong phú. Ðiều mà chúng tôi tìm hiểu trước tiên là căn tính của những vùng nơi Serra hoạt động. Thí dụ tại Á Châu, nhiều người trẻ làm việc với chúng tôi bày tỏ cảm nghĩ là họ không cảm thấy việc đi ăn cơm trưa hay ăn cơm tối là một phần trong chương trình của buổi họp. Quan điểm này hoàn toàn khác hẳn so với tại Hoa Kỳ. Ngay cả việc dùng tên gọi Serra là một câu lạc bộ, cũng được hiểu theo một nghĩa tiêu cực, do đó tại một vài quốc gia, khi nói về Serra, chúng tôi dùng một từ khác chẳng hạn như "nhóm".

Giải thích về cách thức cổ động ơn gọi của tổ chức Serra, ông Chainarong cho biết thêm như sau: "Giới trẻ, đặc biệt là ở Á Châu, thường muốn sống với gia đình để chăm sóc cho cha mẹ, chúng tôi luôn cố gắng giải thích để họ hiểu được rằng, nếu chúng ta hy sinh cuộc sống của mình cho Thiên Chúa, thì Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta hay cha mẹ của chúng ta. Ðiều mà giới trẻ cần là sự cố vấn và khuyến khích. Một số các em có thể đang nghĩ tới ơn gọi, và khi đề cập tới ơn gọi này, các em thường có một sự hứng thú khác thường. Chúng tôi muốn hợp tác với giáo hội địa phương để tìm ra những phương cách tốt nhất giúp cho giới trẻ nuôi dưỡng và theo đuổi ơn gọi của các em."


Ðức Cha Carlos Belo kêu gọi đặc sứ Liên Hiệp Quốc đình hoãn chuyến đi Ðông Timor

Ðức Cha Carlos Belo kêu gọi đặc sứ Liên Hiệp Quốc đình hoãn chuyến đi Ðông Timor.

(AFP 15/07/98) - Indonesia (Jakarta) - Thứ Tư 15/07/98, Ðức Cha Carlos Ximenes Belo, giám quản tông tòa Ðông Timor, đã kêu gọi đặc sứ Liên Hiệp Quốc, ông Jamsheed Marker, nên đình hoãn chuyến đi thăm Ðông Timor, dự trù diễn ra vào tuần này. Lý do là vì bạo động có thể bộc phát tại Ðông Timor, đặc biệt khi có sự hiện diện của một đại diện Liên Hiệp Quốc.

Thông tấn xã Antara của Indonesia đã trích thuật lời của Ðức Cha Belo nói với một ký giả Indonesia tại thủ phủ Dili như sau: "Tôi đã gọi điện cho đặc sứ Jamsheed Marker và yêu cầu ông đình hoãn chuyến đi Ðông Timor vì tình hình căng thẳng cũng như bầu khí chính trị không thuận lợi hiện giờ. Hơn nữa thế đối đầu giữa hai bên ủng hộ và chống lại việc sát nhập Ðông Timor vào lãnh thổ của Indonesia, đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của giới hữu trách. Tôi nghĩ tháng 9 hoặc tháng 10/1998 sẽ là thời điểm thuận tiện hơn. Chuyến viếng thăm của vị đặc sứ Liên Hiệp Quốc sẽ có ích gì nếu nó có thể trở thành ngòi làm bộc phát bạo động giữa người Ðông Timor với nhau? Hoàn cảnh chính trị và trật tự công cộng tại đây không thuận tiện cho một chuyến viếng thăm như vậy".

Thứ Ba vừa qua (14/07/98), một phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc cho biết từ trụ sở ở New York rằng ông Jamsheed Marker sẽ bắt đầu chuyến viếng thăm Indonesia kéo dài một tuần, bắt đầu vào ngày thứ Năm, 16/07/98, và trong khi lưu lại Indonesia, ông Marker sẽ đi quan sát tình hình tại Ðông Timor. Các nhà ngoại giao Tây Phương tại Indonesia cho biết thêm là bộ ngoại giao nước này cũng hy vọng là ông Jamsheed Marker sẽ đình chuyến viếng thăm này lại, đặc biệt là theo sau những vụ bạo động tại Ðông Timor, trong lần ba đặc sứ của Liên Hiệp Âu Châu có mặt tại đây.


Back to Radio Veritas Asia Home Page