Tin Tức và Thời Sự
ngày 14 tháng 07/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Sứ Ðiệp của ÐTC cho ngày Quốc Tế Du Lịch năm 1998

Sứ Ðiệp của ÐTC cho ngày Quốc Tế Du Lịch năm 1998.

Tin Vatican (VIS 14/07/98): Ngày 27 tháng 9/1998 tới đây là Ngày Quốc Tế Du Lịch, với chủ đề đã được chọn là: "Sự cộng tác giữa hai lãnh vực công và tư là yếu tố chìa khóa trong công cuộc phát triển và cổ võ ngành Du Lịch". Hội Ðồng Tòa Thánh về Di Dân và Du Lịch đã cho công bố hôm thứ Ba 14/07/98, sứ điệp ÐTC Gioan Phaolô II vừa gởi cho Tổ Chức Du Lịch Quốc Tế, để chuẩn bị mừng Ngày Quốc Tế Du Lịch, như vừa nói trên.

Trong sứ điệp, ÐTC quả quyết rằng: Việc du lịch có thể là điều đáng quý để cổ võ phẩm giá con người, trong khung cảnh của sự gặp gỡ giữa người đi du lịch và kẻ tiếp đón họ, nếu cả hai và mọi người biết kính trọng công việc của các nhân viên trong ngành cũng như kính trọng nhu cầu của khách du lịch cần nghỉ ngơi và giải trí. Tôi mong ước mỗi nguời đều biết tạo dịp cho kẻ khác có thêm kiến thức về thế giới và về con người. Ðặc biệt, tôi mời gọi mọi người Kitô hãy làm cho những sinh hoạt du lịch trở thành như một dịp tốt để sống cởi mở đón nhận kẻ khác và cũng cố sinh hoạt tinh thần của mình."

Hội Ðồng Tòa Thánh cũng đã gởi đến các Giám Mục và các vị giám đốc Văn Phòng Di Dân và Du Lịch tại các quốc gia, tập tài liệu giải thích về những mục tiêu của Ngày Quốc Tế Du Lịch năm 1998, kèm với những huớng dẫn cần thiết để cử hành Ngày nầy một cách tốt đẹp.


Chính phủ Croatia đồng ý trả lại các tài sản cho giáo hội Công Giáo

Chính phủ Croatia đồng ý trả lại các tài sản cho giáo hội Công Giáo.

(AFP 14/07/98) - Croat (Zagreb) - Thứ Ba 14/07/98, chính phủ Croat cam kết sẽ trả lại hoặc bồi thường cho giáo hội Công Giáo những tài sản đã bị chính quyền cộng sản trước kia tịch thu.

Hãng thông tấn Hina trích thuật lời của ông Jure Radic, bộ trưởng Tái Thiết và Phát Triển của Croat, rằng: "Chính phủ Croat sẽ trao trả lại cho giáo hội tất cả những tài sản còn có thể trả lại được, và bồi thường cho những tài sản khác sau khi những tài sản đó đã được định giá". Ông Radic không đưa ra một con số nào về những tài sản của giáo hội Công Giáo bị tịch thu nhưng theo ông thì đa số là những tòa nhà lớn. Vào tháng 10/1998 tới đây, Croat và Tòa Thánh sẽ ký một thỏa ước về kinh tế, thỏa ước này bao gồm cả điều khoản qui định làm lại các chứng thư quyền sở hữu của giáo hội trên các tài sản đó. Ngoài ra với thỏa ước này, chính phủ Croat sẽ chính thức thừa nhận tất cả những sinh hoạt của giáo hội Công Giáo Croat trong các lãnh vực như xã hội, văn hóa và khoa học, đồng thời dành một khoản trợ cấp tài chánh cho giáo hội từ ngân quỹ của bộ văn hóa Croat.

Theo chương trình, ÐTC Gioan Phaolô II sẽ đến viếng thăm Croat từ ngày 2-4 tháng 10/1998 tới đây. Năm ngoái, Tòa Thánh và Croat đã ký thỏa ước về pháp lý và giáo dục.


Hội Ðồng Giám Mục Philippines phê bình cựu tổng thống Fidel Ramos

Hội Ðồng Giám Mục Philippines phê bình cựu tổng thống Fidel Ramos.

Philippines (Manila) - Cựu tổng thống Philippines, ông Fidel Ramos, đã làm hư hại nền kinh tế của Philippines và giờ đây đương kim tổng thống Joseph Estrada phải bỏ nhiều công sức để đưa nền kinh tế của quốc gia trở lại con đường phát triển.

Trên đây là quan điểm của Hội Ðồng Giám Mục Philippines mà các nhà phân tích đã đọc được qua lá thư mục vụ dày 20 trang vừa được các Giám Mục cho công bố. Một bản sao của lá thư mục vụ liên quan tới nền kinh tế quốc gia đã được gửi lên tổng thống Joseph Estrada. Nội dung của lá thư mục vụ được đúc kết trong khóa họp khoáng đại của Hội Ðồng Giám Mục Philippines kết thúc hồi tuần trước. Các Giám Mục Philippines cho rằng mô hình kinh tế dưới chính thể của ông Fidel Ramos là một mô hình thiếu nhân bản, duy vật nếu không nói là thiên về chủ nghĩa tiêu thụ. Bên cạnh cuộc khủng hoảng kinh tế ở Á Châu, căn bản chính sách kinh tế của cựu tổng thống Ramos bị các Giám Mục đánh giá là yếu và có nhiều sai sót.

Cựu tổng thống Ramos trước khi từ nhiệm đã bày tỏ sự hài lòng trước những thành quả kinh tế của quốc gia, từ một nước có nền kinh tế èo uột dạo đầu thập niên 90 và nay Philippines là một trong các quốc gia ở Á Châu có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn so với các nước láng giềng. Tuy nhiên những số liệu mà chính phủ đương nhiệm vừa công bố cho thấy, ngân quỹ quốc gia trong năm 1998 này sẽ bị thâm thủng một ngân khoản tương đương với hơn 1 tỉ rưỡi Mỹ Kim và 45 tỉ Mỹ Kim tiền nợ nước ngoài. Các Giám Mục Philippines cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế và tiền tệ ở Á Châu đang mở ra các cuộc tranh luận về mô hình phát triển kinh tế mà các chính phủ trong vùng đang theo đuổi, tuy nhắm tới mức tăng trưởng kinh tế mạnh, nhưng lại tùy thuộc rất nhiều tiền mượn nợ từ các ngân hàng ngoại quốc. Ngoài ra các Giám Mục cũng ghi nhận thêm là mô hình kinh tế của Tây Phương, chú trọng nhiều tới mậu dịch tự do và khuyến khích cạnh tranh, đặc biệt dưới chiếc dù của cái gọi là hoàn cầu hóa, đã được chứng minh là không có hiệu quả. Tựu chung, những mô hình phát triển kinh tế được đặt căn bản với cái nhìn về một xã hội duy vật và tiêu thụ nhiều hơn.

Và để tránh những chính sách kinh tế sai lầm của chính thể cũ, các Giám Mục đề nghị tổng thống Joseph Estrada nên theo đuổi một chính sách kinh tế trong đó chú trọng nhiều tới nhân phẩm của mỗi một người dân, đồng thời nuôi dưỡng tình đoàn kết quốc gia trong đó có giải pháp cho tình cảnh của đa số người dân nghèo. Trong số các đề nghị được các Giám Mục đưa ra, cụ thể gồm những điểm sau đây:

- Các chương trình hành động xã hội nhắm giải quyết tình trạng an ninh, các mối quan tâm về kinh tế, cải cách ruộng đất, nạn lạm dụng và khai thác người phụ nữ, các công nhân làm việc ở nước ngoài, trẻ em và giới trẻ.

- Tiết kiệm trong các khoản chi tiêu của ngân sách quốc gia, và tạo điều kiện dễ dàng để cho người nghèo có thể mượn tiền vốn làm ăn.

- Gia tăng đầu tư vào ngành y tế và giáo dục.


Back to Radio Veritas Asia Home Page