Tổng thống
Rumani muốn mời ÐTC viếng thăm
nước này
Bác bỏ việc thành
lập các đảng phái chính trị
tôn giáo
Trình bày Tông Thư
về việc thánh hóa Ngày Chúa
Nhật
Tổng thống Rumani muốn mời ÐTC viếng thăm nước này.
(Reuters 7/07/98) - Vatican - Ông Emil Constantinescu, tổng thống Rumani, sẽ chính thức mời ÐTC Gioan Phaolô II đến viếng thăm nước này vào tháng 5 năm tới 1999, một khi những mối bất hòa giữa Tòa Thánh và giáo hội Chính Thống Rumani được giải quyết xong.
Thủ tướng Rumani, ông Radu Vasile đã cho các ký giả biết như trên sau khi ông được ÐTC tiếp kiến vào sáng hôm thứ Ba (7/07/98). Ông nói như sau: "Tôi đã gửi lời chào của tổng thống Constantinescu đến ÐTC và ngỏ ý định là Rumani sẽ mời ÐTC đến viếng thăm nước này vào tháng 5 năm tới 1999". Tòa Thánh chưa công bố chi tiết nào về cuộc hội kiến giữa ÐTC và thủ tướng Rumani nên người ta chưa rõ phản ứng của ÐTC trước sự ngỏ ý này từ phía chính phủ Rumani.
Nếu chuyến viếng thăm này diễn ra theo như dự tính, thì đây sẽ là lần đầu tiên ÐTC Gioan Phaolô II đặt chân tới một quốc gia, nơi có đa số dân theo Chính Thống Giáo. Những nỗ lực từ phía chính phủ Rumani muốn mời ÐTC đến viếng thăm nước này đều bị phía giáo hội Chính Thống chống đối, tuy nhiên trong thời gian gần đây, lập trường chống đối này đang dịu bớt phần nào. Ngăn trở chính yếu cho chuyến viếng thăm của ÐTC là vụ tranh chấp các tài sản của giáo hội Công Giáo Hy Lạp tại Rumani hiện đang nằm trong tay của phía Chính Thống. Hơn 2,000 nhà thờ Công Giáo đã bị chính quyền cộng sản Rumani tịch thu và giao cho Chính Thống Giáo xử dụng. Cuối tháng Sáu 1998 vừa qua, các nhà lãnh đạo Chính Thống và Công Giáo Rumani đã đồng ý thành lập một ủy ban để cứu xét tới vấn đề trao trả các nhà thờ lại cho giáo hội Công Giáo. Ủy ban này sẽ nhóm họp vào tháng 9/1998 tới đây, và người ta hy vọng, việc giải quyết ổn thỏa vụ tranh chấp tài sản này sẽ mở đường cho chuyến viếng thăm của ÐTC tại Rumani.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo Indonesia bác bỏ việc thành lập các đảng phái chính trị tôn giáo.
(UCAN IJ0327.0983 7/07/98) - Indonesia (Jakarta) - Các nhà lãnh đạo Phật Giáo, Công Giáo, Ấn Giáo, Hồi Giáo và Tin Lành tại Indonesia đã hoan nghênh việc thành lập các đảng phái chính trị mới trong nước, nhưng đồng thời cũng đưa ra lời cảnh cáo tới các đảng phái mang nhãn hiệu tôn giáo hay sắc tộc.
Ðó là quan điểm chung của các lãnh tụ tôn giáo Indonesia trong một cuộc điều trần trước quốc hội dạo trung tuần tháng 6/1998 vừa qua. Ông Hasan Barsi, chủ tịch Hội Ðồng Trí Thức Hồi Giáo Indonesia cho rằng, các đảng phái chính trị mang biểu tượng của bất cứ tôn giáo nào đều có thể tạo nên một khuynh hướng tách biệt đảng phái đó ra khỏi các đảng chính trị khác, và điều này sẽ tạo nên sự căng thẳng. Trong khi đó, Hội Ðồng Giám Mục Công Giáo Indonesia thì nói rằng giáo hội không chống lại việc xử dụng biểu tượng tôn giáo, tuy nhiên mục tiêu mà các đảng phái chính trị này nhắm tới phải là sự mưu cầu lợi ích chung cho mọi người.
Ðức Cha Johannes Hadiwikarta, tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Indonesia bày tỏ cảm nghĩ như sau: "Ðiều quan trọng trong những sinh hoạt của một đảng phái chính trị là phục vụ cho lợi ích của công chúng. Cũng có thể có những đảng chính trị không xử dụng một biểu tượng tôn giáo nào, nhưng chỉ tranh đấu cho quyền lợi của riêng một nhóm nào mà thôi. Theo Ðức Cha Hadiwakarta, sự kiện có nhiều đảng phái chính trị ra đời tại Indonesia hiện này là do sự kiềm chế của chính thể dưới quyền lãnh đạo của cựu tổng thống Suharto. Ðiều này không có gì là ngạc nhiên bởi vì người dân, đã từ lâu bị áp bức, nay họ cảm thấy được tự do bày tỏ nguyện ước và căn cước chính trị của họ. Trả lời cho câu hỏi về vai trò của các nhà lãnh đạo tôn giáo theo sau cuộc nổi loạn của dân chúng tại Indonesia dạo tháng 5/1998 vừa qua, Ðức Cha Hadiwakarta nói như sau: "Sứ mạng của chúng tôi là đưa tôn giáo trở lại vai trò căn bản của tôn giáo, đó là giúp cho mọi người khám phá ra các giá trị nhân bản và suy gẫm các giá trị này trong đời sống hằng ngày. Ðức Cha tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Indonesia không quên ghi nhận thêm là nhiều người Indonesia đã từ bỏ các giá trị tôn giáo để thay thế vào đó bằng những tiêu chuẩn nhắm mưu cầu lợi ích cho riêng cá nhân hay cho người thân và các phe nhóm của họ. Ðể vượt qua tâm thức ích kỷ này, mọi người cần phải xây dựng một ngôn ngữ tôn giáo qua đó tình yêu và sự hiệp nhất được thông truyền, không phải qua lời nói nhưng là bằng hành động, giữa mỗi người với nhau.
Cuộc họp báo trình bày Tông Thư "Dies Domini" về việc thánh hóa Ngày Chúa Nhật.
Vatican - 07.07.98 - Sáng thứ Ba ,7/07/98, lúc 11:30 trưa, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Ðức Hồng Y Jorge Arturo Medina Estevez, Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, trình bày Tông Thư "Dies Domini", (Ngày của Chúa), về việc thánh hóa ngày Chúa Nhật. Hiện diện trong buổi trình bày văn kiện mới, có Ðức Cha Geraldo Agnelo Majella, Tổng Thư Ký Bộ và Ðức Cha Piero Marini, phụ trách về các lễ nghi phụng vụ do ÐTC cử hành.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 5.07.98 vừa qua, ÐTC đã loan tin về Văn Kiện mới này. Ngài nói: "Thứ Ba tới đây, mồng 7 tháng 7/1998, Tông thư "Dies Domini" về thánh hóa Ngày Chúa Nhật sẽ được công bố. Tôi đã ký văn kiện này ngày 31 tháng 5/1998, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, để nhấn mạnh rằng: đây là một thành quả riêng của năm nay, năm được dành riêng cho việc suy tư về Chúa Thánh Thần, trong bối cảnh chuẩn bị gần cho năm Ðại Toàn Xá".
ÐTC cũng nói rõ mục đích của Văn Kiện mới như sau: "Với Tông thư này - tôi muốn trước hết nói với các Vị Chủ Chăn, và chia sẻ với các ngài sự chăm sóc mục vụ nền tảng về Ngày Chúa Nhật. Hơn nữa, tôi còn muốn, trong một ý nghĩa nào đó, đối thoại một cách cởi mở với tất cả và mỗi một tín hữu, như tôi thường làm trong các chuyến viếng thăm tại các giáo xứ Roma. Tôi sẽ trở lại đề tài này trong các buổi gặp gỡ ngày Chúa Nhật trong giờ đọc Kinh Truyền Tin".