Chỉ trích
những vụ xử tử hình kiểu
đội quân tử thần
Nam Hàn kêu gọi chính
phủ thả tù nhân chính trị
Ðặc Sứ LHQ về
nhân quyền sẽ viếng thăm Việt
Nam
Giáo Hội Công Giáo Honduras chỉ trích những vụ xử tử hình kiểu đội quân tử thần.
(Reuters 6/07/98) - Honduras (Tegucigalpa) - Thứ Hai 6/07/98, Giáo Hội Công Giáo Honduras đã bày tỏ mối quan ngại trước chiều hướng gia tăng của những vụ xử tử hình kiểu đội quân tử thần nhắm vào thành viên các băng đảng thiếu niên trên đường phố. Các tổ chức tư nhân ước tính trong năm 1998, tính đến nay đã có ít nhất 47 thiếu niên bị giết chết bởi một nhóm người bí mật. Gia đình các nạn nhân đổ lỗi cho cảnh sát còn tại chức hay đã về hưu, là phe chủ mưu những vụ sát hại đó. Lời cáo buộc này đã bị cảnh sát Honduras bác bỏ.
Lên tiếng về vấn đề này, Ðức Tổng Giám Mục Oscar Rodriguez, Tổng Giám Mục thủ đô Tegucigalpa đã nói như sau: "Không phải qua những vụ sát hại không xét xử như thế mà Honduras sẽ có được hòa bình. Một số người cho rằng những thiếu niên trong các băng đảng phải bị trừng phạt và đây là điều tệ hại nhất khi xã hội phải đương đầu với một vấn đề như thế. Nó là vấn đề mà chúng ta cần phải đối đầu để giải quyết. Những thiếu niên này cần được cải huấn, trợ giúp về mặt tâm lý và một hướng đi mới trong cuộc sống, nhưng đặc biệt là các em cần có cơ hội kiếm được công ăn việc làm và khả năng mưu sinh một cách chân chính".
Dạo cuối tháng Sáu 1998 vừa qua, một nhóm tự xưng với tên mà chúng tôi xin tạm dịch là "Nhóm Biệt Kích" (Father Commando) đã ra một thông cáo với lời đe dọa là nhóm này sẽ thủ tiêu thành viên của các băng đảng trên đường phố. Mục tiêu của nhóm biệt kích này là để chặn đứng làn sóng phạm pháp đang gia tăng, mà nguyên nhân phát sinh từ các băng đảng này. Trong vòng hai tuần vừa qua, người ta đã tìm thấy nhiều xác mang đầy vết đạn trên người tại những khu xóm nghèo ở thủ đô Tegucigalpa cũng như tại thành phố thứ hai của Honduras là San Pedro Sula. Thứ Sáu tuần trước (3/07/98), gia đình các nạn nhân đã tự đứng ra thành lập một nhóm có tên là Ủy Ban Gia Ðình Những người bị bắt giữ và mất tích, gọi tắt là Cofadeh. Họ đã gửi một lá thư yêu cầu tổng thống Carlos Flores của Honduras can thiệp để chấm dứt nạn thủ tiêu thành viên các băng đảng.
Một nhóm Linh Mục Nam Hàn kêu gọi chính phủ thả tù nhân chính trị.
(AFP 6/07/98) - Nam Hàn (Seoul) - Thứ Hai 6/07/98, một nhóm linh mục người Nam Hàn đã kêu gọi chính phủ nước này thả tất cả các tù nhân chính trị nhân dịp chính phủ loan báo sẽ ban hành một lệnh ân xá đặc biệt vào tháng 8/1998 tới đây.
Trong một thông cáo được công bố, nhóm linh mục mệnh danh là Hiệp Hội Các Linh Mục Công Giáo tranh đấu cho công lý đã nói như sau: "Trước hết, tất cả các tù nhân chính trị phải được trả tự do trong lệnh ân xá đặc biệt nhân dịp Nam Hàn mừng ngày Ðộc Lập vào ngày 15/08/1998". Bản thông cáo cũng kêu gọi chính phủ bãi bỏ đạo luật về an ninh quốc gia. Luật này có điều khoản nghiêm cấm bất cứ một sự liên lạc nào với phía chính quyền cộng sản Bắc Hàn, hoặc viếng thăm miền Bắc, mà không có phép của chính phủ Nam Hàn. Ngoài ra hiệp hội linh mục vừa nói cũng tổ chức một buổi lễ cầu nguyện cho đất nước. Dưới thời cựu tổng thổng Kim Young Sam, nhóm linh mục này vẫn thường xuyên tổ chức những buổi cầu nguyện, nhưng đây là buổi cầu nguyện đầu tiên kể từ sau khi ông Kim Dae Jung lên làm tổng thống.
Ðặc Sứ Liên Hiệp Quốc về nhân quyền sẽ viếng thăm Việt Nam.
Việt Nam (Hà Nội) - Trong một cử chỉ cởi mở hiếm có, Việt Nam đã đồng ý để cho một báo cáo viên đặc biệt thuộc Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam để tìm hiểu vấn đề khoan nhượng tôn giáo tại đây.
Hãng thông tấn Reuters, trong bản tin gửi đi từ Hà Nội cho biết, một nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã nói trong một thông cáo như sau: "Với thiện chí, chúng tôi đã mời ông Abdelfattah Amor đến viếng thăm Việt Nam qua đó ông có được các điều kiện để tìm hiểu một cách tường tận hơn về chính sách và luật lệ cũng như hoàn cảnh thực sự của tôn giáo tại Việt Nam". Chuyến viếng thăm này dự trù sẽ diễn ra vào tháng 10/1998 và thông cáo cũng nói thêm rằng nó hoàn toàn không nằm dưới một sự ủy thác nào (mandate) của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, và như thế không rõ là Việt Nam có đặt ra điều kiện nào cho chuyến viếng thăm này hay không.
Báo cáo viên đặc biệt về vấn đề khoan nhượng tôn giáo hoạt động dưới Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, và sau khi đã tìm hiểu về tình hình, báo cáo viên này sẽ gửi bản phúc trình lên Ủy Ban Nhân Quyền và Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, và mỗi cơ quan này sẽ đưa ra một kiến nghị. Hồ sơ tại Liên Hiệp Quốc ghi nhận là, lần đầu tiên, báo cáo viên của Ủy Ban Nhân Quyền, xin được viếng thăm Việt Nam, là dạo năm 1995.