ÐHY Basil Hume mở
màn giai đoạn chuẩn bị Ðại
Năm Thánh
Dòng Phanxicô tham gia công
tác chống nạn đói tại Bắc
Hàn
Tòa Thánh và Palestine
thảo luận về quan hệ tương lai
Tổng Thư Ký LHQ quan ngại
về tình hình tại Ðông Timor
Ðức Hồng Y Basil Hume mở màn giai đoạn chuẩn bị mừng Ðại Năm Thánh.
(CNS 30/06/98) - Anh Quốc (Luân Ðôn) - Ðức Hồng Y Basil Hume, Tổng Giám Mục Westminster bên Anh Quốc, đã khai màn giai đoạn chuẩn bị mừng Ðại Năm Thánh 2000 bằng một cuộc tĩnh tâm, với sự tham dự của khoảng 6000 giáo dân.
Cuộc tĩnh tâm diễn ra vào ngày 27/06/98 vừa qua với những buổi cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa. Giảng cho các tham dự viên, Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Westminster ghi nhận rằng được sống trong thời điểm đặc biệt này của lịch sử nhân loại là một đặc ân quí giá, bởi vì trong những thế kỷ vừa qua, đã có những tiến bộ vượt mức trong các lãnh vực khoa học, kỹ thuật và y học, nhiều công trình và kiệt tác đã đạt được trong ngành nghệ thuật, âm nhạc và văn chương. Những tiến bộ này đã và đang mang lại không biết bao nhiều điều lợi ích và thành quả đáng ca ngợi. Tuy nhiên, vẫn còn có mặt trái của vấn đề. Ðức Hồng Y Hume nói như sau: "Tôi đang nghĩ tới những cuộc diệt chủng, hơn nửa triệu người gốc Armenie đã bị người Thổ Nhĩ Kỳ theo chủ nghĩa dân tộc, sát hại dạo năm 1915; có lẽ hàng triệu người đã bị chết vì đói hay bị thủ tiêu dưới thời nhà độc tài Stalin trong những năm của thập niên 30. Gần đây hơn nữa, chúng ta nhớ lại cuộc diệt chủng dưới thời Ðức Quốc Xã, và hàng triệu người Cambốt bị quân Khờ Me Ðỏ sát hại, cuộc diệt chủng tại Rwanda vào năm 1994, ngoài ra còn có những chiến tranh tàn khốc khác." Riêng tại Anh Quốc, Ðức Hồng Y Hume cho biết kể từ khi luật phá thai được hợp thức hóa vào năm 1967, đến nay đã có ít nhất là 5 triệu vụ phá thai được thực hiện tại nước này, và đáng buồn hơn nữa là thảm cảnh mỗi ngày đang có 840 triệu người trên thế giới bị đói.
Ðứng trước những vấn nạn trên đây và ý thức được sự khác biệt giữa các sắc tộc, Ðức Hồng Y Hume đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc bước vào thiên niên kỷ mới trong đó mọi người đều có ý hướng xây dựng hòa bình và công lý. Ngài nói như sau: "Chúng ta phải trở thành những anh chị em có một đức tin mạnh, có tinh thần cầu nguyện và biết phục vụ lẫn nhau. Chúng ta cần phải dấn thân để đảm bảo có được các giá trị tốt lành trong xã hội, các luật lệ luân lý khách quan được tồn tại và được tôn trọng, và chống lại những gì bị coi là thiếu lành mạnh và làm suy giảm phẩm giá con người". Trong lời nhắn gửi sau cùng, Ðức Hồng Y Hume cho biết là ngài đã yêu cầu các giáo xứ trong tổng giáo phận Westminster gia tăng lòng sùng kính sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong thánh thể, để bước vào giai đoạn bắt đầu một thiên niên kỷ mới. Ngài nói: "Mỗi người chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi trước hết, góp phần đánh đổ bức tường của ích kỷ, sợ hãi và thù ghét trong xã hội của chúng ta, những điều có thể gây chia rẽ trong chúng ta cách dễ dàng; và kế đến là chúng ta phải tranh đấu để giành công lý cho mọi người trên thế giới".
Dòng Phanxicô tham gia công tác chống nạn đói tại Bắc Hàn.
(CNS 30/06/98) - Hoa Kỳ (Washington) - Các tu sĩ dòng Phanxicô tại Hoa Kỳ đang dự tính chương trình thiết lập một lò làm mì tại Ahn Joo, thuộc Bắc Hàn. Nỗ lực này nhắm mục đích góp phần chống nạn đói tại miền Bắc.
Tham dự chương trình này còn có các tu sĩ cũng thuộc dòng Phanxicô đến từ Canada và Nam Mỹ, và sẽ do một linh mục Phanxicô, cha Francis Kim, người Nam Hàn đảm nhiệm. Chủ trương của lò làm mì này là vô vụ lợi. Công tác gây quỹ đang được xúc tiến trong các cộng đoàn người Nam Hàn ở Hoa Kỳ, nơi các tu sĩ Phanxicô đang làm việc. Tổng cộng số tiền thu góp được cho đến nay là 100 ngàn Mỹ Kim.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Công Giáo Hoa Kỳ, cha Francis Kim cho biết, với số tiền trên đây, các tu sĩ dòng Phanxicô sẽ đặt mua máy móc và vật liệu làm mì, như bột, men bên Trung Quốc và tất cả sẽ được chở bằng xe lửa tới Ahn Joo. Ahn Joo là một làng nằm trong vùng có một mỏ than, theo cha Francis Kim, nạn đói cũng đang hoành hành tại đây. Một khi lò làm mì được thiết lập, dân cư trong vùng sẽ tình nguyện đảm nhiệm công tác chế tạo mì và sau đó đem phân phối cho người dân trong vùng. Cha Francis Kim, sinh ngày 4/10/49 tại một vùng gần thủ đô Seoul của Nam Hàn và đã sống tuổi thơ ấu của cha tại đây. Cha di dân sang Hoa Kỳ khi còn là một thiếu niên và định cư tại Tổng Giáo Phận Boston. Năm 1984 cha được rửa tội và vào tu dòng Phanxicô năm 1989. Ngày 18/05/96 cha được thu phong linh mục. Cha đã có dịp viếng thăm Bắc Hàn, và tận mắt nhìn thấy cảnh đói của người anh chị em mình, cha Kim bày tỏ cảm nghĩ như sau: "Tại Bắc Hàn, cảnh đói kém của người dân đã cho tôi nhận ra một điều cụ thể mà tôi có thể thực hiện. Và tôi đã nghĩ tới việc xây một lò làm mì". Các viên chức trong chính phủ Bắc Hàn đã ngạc nhiên khi đề nghị này được đưa ra và họ có thái độ hồ nghi tại sao các linh mục Phanxicô ở nước ngoài muốn đến giúp đỡ cho những người mà họ chưa hề quen biết. Về điểm này, linh mục Ronald Stark, cũng thuộc dòng Phanxicô và là bạn thân của cha Francis Kim, đã nói như sau: "Câu trả lời thật là đơn giản. Ðộng lực của chúng tôi là phúc âm. Tôi thừa biết là các viên chức Bắc Hàn muốn tìm hiểu đâu là động lực thúc đẩy chúng tôi trong công tác này, và giải thích vấn đề cho họ quả là điều hết sức khó khăn".
Phái đoàn Tòa Thánh và Palestine thảo luận về quan hệ tương lai.
(AFP 30/06/98) - Bethlehem (Tây Ngạn) - Thứ Ba 30/06/98, phái đoàn Tòa Thánh do Ðức Ông Celestino Migliore cầm đầu, đã mở cuộc thảo luận với các viên chức Palestine nhắm tới việc bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.
Ông Emile Jarjou'I, chủ tịch ủy ban đặc trách về tôn giáo vụ của Palestine nói với ký giả của hãng thông tấn AFP tại Bethlehem rằng cuộc thảo luận này chỉ mới là giai đoạn mở đầu để tìm hiểu về tương lai quan hệ giữa Tòa Thánh và Palestine, và hai bên đối thoại trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Gần đây Palestine đã tỏ thái độ bất bình về việc Tòa Thánh và Israel ký kết thỏa ước, bởi vì Palestine hiểu việc ký kết nầy như là việc Tòa Thánh đã chính thức công nhận chủ quyền của Israel tại vùng đất nằm về phía Ðông Thành Jerusalem. Thỏa ước này chính thức thừa nhận chủ quyền tài sản của Giáo Hội Công Giáo tại những địa điểm nằm dưới quyền hành pháp của Israel. Công thức này bao gồm luôn cả phía Ðông Thành Jerusalem, nơi có Nhà Thờ Mộ Thánh, địa điểm thánh thiêng nhất đối với Kitô Giáo. Israel coi toàn vùng Jerusalem là thủ đô thống nhất của nước này, tuy điều này chưa được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Trong khi phía Palestine thì muốn thiết lập vùng lãnh thổ phía Ðông Thành Jerusalem làm thủ đô tương lai.
Về phần mình, Ðức Ông Celestino Migliore, thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, cho biết là các vòng đàm phán giữa Palestine và Tòa Thánh đã diễn ra xuôi chảy. Thỏa ước mà Tòa Thánh đang muốn đạt tới với chính quyền Palestine, nhắm tới việc chính thức thiết đặt sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo trên lãnh thổ Palestine. Tuy nhiên ngài đã tránh không đề ra một thời hạn này để hai bên có thể đạt tới thỏa ước này. Ðức Ông Migliore cũng nói rằng, vấn đề tổ chức các sinh hoạt mừng kỷ niệm Ðại Năm Thánh 2000 tại Bethlehem cũng như việc ÐTC có thể đến viếng thăm Thánh Ðịa, đã không được đề cập tới trong cuộc thảo luận hôm thứ Ba 30/06/98. Ngài ghi nhận thêm là cho đến nay, quốc hội Israel vẫn chưa phê chuẩn thỏa ước mà chính phủ nước này đã ký với Tòa Thánh, đồng thời sự trì trệ trong tiến trình hòa bình tại Trung Ðông, kéo dài từ hơn một năm qua, đang làm cho ÐTC Gioan Phaolô II vô cùng đau buồn. Các nhà quan sát quốc tế tin rằng, sự tan vỡ của tiến trình này có thể là một trong những nguyên do khiến cho ÐTC Gioan Phaolô II không thể thực hiện ý nguyện viếng thăm Thánh Ðịa từ đây cho đến năm 2000.
Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc quan ngại về tình hình tại Ðông Timor.
(Reuters 30/06/98) - Liên Hiệp Quốc (New York) - Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, ông Kofi Anan vừa bày tỏ quan ngại về những vụ bạo động mới đây tại Ðông Timor, và ông kêu gọi chính phủ Indonesia cũng như lãnh tụ các cộng đoàn giúp làm giảm bớt những căng thẳng.
Một phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc đã đọc thông cáo hôm thứ Ba 30/06/98, trong đó ông Kofi Anan nói là ông quan tâm về sự kiện một số thường dân vô tội của Ðông Timor bị thiệt mạng trong những vụ bạo động. Ông hoan nghênh thái độ cởi mở hơn của chính quyền Indonesia liên quan tới vấn đề Ðông Timor mà ông cho là sẽ tạo cơ hội để mở cuộc đối thoại về tương lai của vùng lãnh thổ này, nhưng ông cũng kêu gọi mọi phe phái nên kiềm chế hết sức để đảm bảo sao những đường hướng giải quyết sẽ được thực hiện trong ôn hòa với tinh thần khoan nhượng và tôn trọng các nhân quyền căn bản, tuy rằng mỗi bên đều có những quan điểm khác nhau.
Thông cáo trên đây của tổng thư ký Kofi Anan được đưa ra sau khi có một người Ðông Timor bị thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong cuộc biểu tình tại giáo phận Baucau. Trước đó vào hôm thứ Bảy (27/06/98), một người Ðông Timor khác đã bị thiệt mạng trong vụ xô xát giữa phe ủng hộ và phe chống đối việc sát nhập Ðông Timor vào lãnh thổ của Ðông Timor. Ông Kofi Anan nói rằng ông tiếp tục theo dõi sát những biến chuyển tại Ðông Timor và ông kêu gọi chính phủ Indonesia cũng như các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đoàn nên thi hành trách nhiệm cũng như xử dụng uy tín của họ để làm giảm bớt tình trạng căng thẳng.