Thông qua "tuyên
ngôn chung" về ơn công chính hóa
Quan hệ ngày càng xấu
giữa Công Giáo và Nhà Nuớc
Colombia
Giá trị chứng nhân
của sự hiệp nhất Kitô giáo
ở Thái Lan
ÐTC tiếp kiến Tổng
Thư Ký Liên Hiệp Quốc
ÐTC tiếp tổ chức
Cứu Trợ các Giáo Hội Ðông
Phương
Tông huấn "Giáo Hội
tại Phi Châu" được phổ
biến rộng rãi
Hội đồng Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới đã nhứt trí thông qua "tuyên ngôn chung" với Giáo Hội Công Giáo về ơn công chính hóa.
Geneve [16/06/98] - Hôm thứ Ba ,16/06/98, Hội Ðồng Liên Hiệp Tin Lành Luther thế giới đã nhứt trí thông qua "tuyên ngôn chung" với Giáo Hội Công Giáo về ơn công chính hóa. Ơn công chính hóa là điểm khác biệt giữa hai Giáo Hội kể từ khi nhà cải cách Martin Luther đoạn tuyệt với Giáo Hội Công Giáo và lập ra Giáo Hội Tin Lành. Theo Martin Luther, con nguời được công chính hóa duy chỉ bằng đức tin chứ không dựa vào công nghiệp của mình. Lập trường này đã tạo ra nhiều cuộc tranh cải thần học trong suốt bao nhiêu thế kỷ qua.
Quyết định trên đây của Hội Ðồng Liên Hiệp Tin Lành Luther thế giới đánh dấu một bước quan trọng trong các quan hệ giữa các Giáo Hội Tin Lành Luther và Giáo Hội Công Giáo. Nó chấm dứt một cuộc xung đột kéo dài từ 400 năm nay.
Quan hệ ngày càng xấu giữa Giáo Hội Công Giáo và Nhà Nuớc tại Colombia.
Bogota [Apic 16/06/98] - Hãng thông tấn truyền giáo Misna cho biết trong những năm vừa qua, quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Nhà Nước tại Colombia ngày càng trở nên xấu, mặc dù 95 phần dân số nước này theo đạo Công Giáo.
Tháng 10 năm 1997 vừa qua, Tòa bảo hiến Colombia đưa ra phán quyết rằng các bác sĩ nào thực thi việc làm cho chết một cách êm dịu không còn bị truy tố ra tòa nữa. Quyết định này đã tạo ra một cuộc chống đối mãnh liệt từ phía Giáo Hội Công Giáo. Năm 1993, các thẩm phán Colombia cũng đã hủy bỏ 11 điều khoản trong thỏa ước đã được ký kết giữa chính phủ và tòa thánh Vatican. Các thẩm phán Colombia cho rằng những điều khoản như rao giảng tin mừng cho các thổ dân, phán quyết của Giáo Hội trong việc hủy bỏ hôn phối Công Giáo và việc dạy giáo lý trong các trường công lập, là những điều khoản vi hiến.
Giá trị chứng nhân của sự hiệp nhất Kitô giáo ở Thái Lan.
(UCAN TH0277.0980 16/06/98) - Thái Lan (Udon Thani) - Tình hiệp nhất Kitô giáo có một giá trị chứng nhân nổi bật trong một xã hội có đa số theo Phật Giáo của Thái Lan.
Trên đây là nhận định của Ðức Cha George Phimphisan, Giám Mục Udon Thani và là chủ tịch Hội Kinh Thánh Thái Lan, đưa ra trong một cuộc gặp gỡ đại kết diễn ra hôm 30/05/98, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, tại chủng viện Hoàng Tử của Hòa Bình thuộc Giáo Phận Udon Thani, nằm cách thủ đô Bangkok khoảng 564 cây số về hướng Ðông Bắc. Chủ đề của cuộc gặp gỡ là "Lạy Cha, xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong cha" (Ga 17:21). Khoảng 300 tín hữu Công Giáo và Tin Lành đã đến dự.
Ðức Cha George Phimphisan đã kể cho các tham dự viên kinh nghiệm của cá nhân ngài về sự hiệp nhất Kitô giáo qua những tiếp xúc với các anh chị em Tin Lành. Về phần mình, các tham dự viên bày tỏ cảm nghĩ là cuộc gặp gỡ đại kết này giúp họ ý thức được rằng, dù có những khác biệt, người Công Giáo và Tin Lành có thể đến với nhau như anh chị em trong sự hiệp nhất để cùng cầu nguyện và tôn thờ Thiên Chúa.
ÐTC tiếp kiến Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc.
Vatican - 16.06.98 - Sáng thứ Ba,16/06/98, ÐTC đã tiếp kiến riêng Tiến Sĩ Kofi Annan, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, đến Roma để khai mạc Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về việc thành lập Tòa Án Hình Sự quốc tế để xét xử những tội ác chống lại nhân loại. Có đại biểu của 185 quốc gia trên thế giới tham dự Hội Nghị này tại trụ sở FAO ở Roma.
Trưa Chúa Nhật 14.06.98, trong giờ đọc kinh Truyền Tin với dân chúng tụ họp tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ÐTC đã bảo đảm sự đóng góp tích cực của Tòa Thánh vào Hội Nghị nầy. Ngài cầu chúc Hội nghị tạo nên một giai đoạn lịch sử trên con đường tiến đến việc hiểu nhau giữa các dân tộc. Ngài cũng cầu chúc cho công việc của Hội Nghị được hướng dẫn bởi ý muốn bảo vệ cách tương xứng các quyền căn bản và không thể di nhượïng được của con người.
Tiến Sĩ Kofi Annan sinh tại Ghana, năm nay 60 tuổi, thuộc gia đình quí tộc giầu truyền thống và kinh nghiệm ngoại giao. Ông được bầu làm Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc ngày 17 tháng 12 năm 1996 và nhậm chức ngày mồng một tháng Giêng năm 1997. Từ 20 năm nay ông làm việc tại Trụ Sở Liên Hiệp Quốc. Trước khi được bầu giữ chức vụ cao nhất của Tổ Chức Quốc Tế này, ông đã giữ những chức vụ quan trọng như: Phụ Tá Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc phụ trách về kế hoạch, rồi Phó Tổng Thư Ký, phụ trách về các cuộc hành quân bảo vệ hòa bình tại Somalia, Bosnia sau thỏa ước Dayton.
Sau cuộc tiếp kiến riêng, Phát Ngôn Viên Tòa Thánh, Tiến Sĩ Navarro Walls đã cho biết như sau: Sau khi gặp ÐTC, Ông Kofi Annan đã gặp Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh và Ðức Tổng Giám Mục Tauran, phụ trách về các quan hệ với các quốc gia. Phát Ngôn Viên Tòa Thánh nói thêm: "Trong cuộc gặp gỡ, ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã gợi lại công việc của Hội Nghị của các nhà ngoại giao để thành lập một Tòa Án Hình Sự quốc tế. Ông Tổng Thư Ký cảm ơn ÐTC về sự lưu ý của ngài đối với sáng kiến của Liên Hiệp Quốc. Cũng trong cuộc gặp gỡ này, đã có một sự trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế hiện nay tại Châu Âu, Châu Phi và Trung Ðông".
ÐTC tiếp 80 thành viên tham dự Cuộc Họp hằng năm của các tổ chức Cứu Trợ các Giáo Hội Ðông Phương.
Vatican - 16.06.98 - Sáng thứ Ba, 16/06/98, ÐTC đã tiếp 80 thành viên tham dự cuộc Hội Nghị hằng năm của các tổ chức Cứu Trợ Giáo Hội Ðông Phương do Ðức Hồng Y Achille Silvestrini, Tổng Trưởng Bộ các Giáo Hội Ðông Phương hướng dẫn.
Trong diễn văn, trước hết ÐTC cầu mong có một giải pháp công bình và hòa bình cho các căng thẳng xẩy đến trong những tuần vừa qua giữa Eritrea và Ethiopia. Ngài nói: "Xin Thiên Chúa soi sáng các vị trách nhiệm của hai quốc gia anh em và soi sáng tất cả những ai đang hoạt dộng cách quảng đại trong việc tìm kiếm một sự giàn xếp ổn thỏa về các đòi hỏi của hai bên".
Sau đó, ÐTC mời gọi tất cả Giáo Hội rải rắc trên thế giới tiếp tục dấn thân trong việc giúp đỡ và ủng hộ cách riêng Thánh Ðịa. Về Thánh Ðịa, ÐTC nhấn mạnh rằng: nhờ qua mỗi một tổ chức, Bộ các Giáo Hội Ðông Phương, cùng với Ủy Ban bảo vệ Thánh Ðịa, chu toàn vai trò tổng hợp và liên kết việc thực thi đức ái của mọi tổ chức tham dự vào chương trình trợ giúp cho Thánh Ðịa nầy. ÐTC nói thêm rằng: "Nhân danh Cộng Ðồng Kitô, anh chị em có bổn phận hiện diện, và nâng đỡ đời sống Giáo Hội, và trợ giúp cho các nhu cầu xã hội văn hóa của những nơi vẫn được coi là quí giá đối với tất cả những ai tin vào Ngôi Lời nhập thể."
Sau cùng ÐTC nghĩ đến hai Chân Phước của miền Trung Ðông. Trước hết Chân phước Tử Ðạo Giám Mục Eugenio Bossilkov, được tôn phong ngày15 tháng 3 năm 1998: cũng như nhiều nạn nhân khác của chế độ cộng sản vô thần muốn hủy diệt Giáo Hội, Ngài đã hy sinh tại Bulgari và tại các nơi khác; ngày nay ngài trở nên hình ảnh gương mẫu và sáng chói cho cả việc lo lắng về hiệp nhất các tín hữu Kitô. Rồi Ðan Sĩ người Liban, Nimatullah Kassab Al-Hardini, được tôn phong Chân Phước ngày 10 tháng 5/1998 vừa qua. Hình ảnh của Chân Phước mời gọi Liban hãy trở nên một miền Ðất, trong đó nảy sinh công lý, hòa bình và cuộc chung sống huynh đệ.
Tông huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu có tựa đề là Giáo Hội tại Phi Châu ("Ecclesia in Africa") được phổ biến rộng rãi.
Vatican - 16.06.98 - Tống huấn "Ecclesia in Africa" (Giáo Hội tại Châu Phi) do ÐTC công bố ngày 15.09.1995 tại Yaoundé, bên Cameroun, như thành quả cụ thể của Khóa Họp khoáng đại Thượng Hội Ðồng Giám Mục đặc biệt về Châu Phi, đang dược phổ biến rộng rãi và tạo nên nhiều sáng kiến khác nhau về mục vụ và truyền giáo trong toàn lục địa.
Khóa họp khoáng đại của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Phi đã được khai mạc trong Nội Thành Vatican ngày 10.04.1994 và bế mạc ngày 8.05.1994, và là Khóa Họp đầu tiên trong 5 Khóa đặc biệt dành cho Năm Châu, trong bối cảnh chuẩn bị Năm Ðại Toàn xá 2000.
Sau Khóa về Châu Phi (1994), đến Khóa về Châu Mỹ (1997) và Khóa về Châu Á (1998) . Khóa về Châu Ðại Dương và về Châu Âu sẽ được triệu tậïp trong năm 1998 và 1999.
Qua việc cứu xét tại Tổng Văn Phòng Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới trong phiên họp vừa qua về các con số, các tin tức liên hệ đến những phản ứng, các cơ quan thực hiện, các dự án, các chương trình mục vụ giáo phận và quốc gia, việc thành lập các hội đoàn, việc cổ võ các sáng kiến về huấn luyện, thì mọi người đều thấy có những dấu hiệu cụ thể rất đáng khích lệ. Ngoài ra, có một việc liên kết đã được thiết lập giữa tình hình hiện nay của các Giáo Hội tại Châu Phi và Năm Ðại Toàn Xá 2000 sắp đến; việc tiếp nhận này một cách nào đó, được coi như là một thành công lớn lao của phong trào thi đua thực hiện Tông Huấn của ÐTC.