Tin Tức và Thời Sự
ngày 15 tháng 06/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Vai trò của giáo dân trong đời sống giáo hội địa phương

Vai trò của giáo dân trong đời sống giáo hội địa phương.

(UCAN SR0102.0980 15/06/98) - Sri Lanka (Colombo) - Giáo xứ là mối liên kết quan trọng giữa cuộc sống hằng ngày của người giáo dân với giáo hội hoàn vũ.

Ðó là ghi nhận của Liên Ðoàn Công Giáo Sri Lanka trong sứ điệp nhân ngày Giáo Dân Toàn Quốc, được cử hành vào hằng năm vào ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm. Sứ điệp của năm nay mô tả giáo xứ như là một cộng đoàn tông đồ, được nối kết với giáo hội hoàn vũ qua nhiều khía cạnh của đời sống nhân bản, như chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, khoa học và truyền thông xã hội. Tuy nhiên người giáo dân không chỉ nên giới hạn các sinh hoạt của họ riêng trong giáo xứ mà thôi nhưng luôn cả trong toàn giáo phận. Họ cũng nên học hỏi và tìm hiểu tường tận giáo huấn xã hội của Hội Thánh để có một cái nhìn thấu suốt hơn trước những vấn đề của xã hội hiện đại và để tìm ra giải pháp cho các vấn đề đó, nếu có thể.

Các tín hữu Sri Lanka được kêu gọi cộng tác chặt chẽ với cha xứ của mình trong tất cả các hoạt động tông đồ của giáo xứ, trong khi sứ điệp cũng nhắc nhở các vị linh mục nên thành lập những hội đồng giáo xứ đặc trách về các công tác mục vụ và xã hội. Giáo hội, nói chung, nên tìm ra những phương thế qua đó người giáo dân có thể tham dự một cách trọn vẹn hơn vào đời sống của cộng đoàn. Những phương thế đó có thể là: việc cho phép người giáo dân đứng ra điều khiển các buổi cầu nguyện phụng vụ, cho rước lễ hoặc cử hành bí tích rửa tội. Sứ điệp cũng đề nghị các Hội Ðồng Giám Mục mưu tìm những đường hướng tham khảo ý kiến và cộng tác với các giáo dân. Ðây là một hình thức thể hiện sự hiệp thông trọn vẹn trong toàn giáo hội.


Caritas Ấn Ðộ cứu trợ các nạn nhân trận gió xoáy (cyclone) tại miền Tây Ấn

Caritas Ấn Ðộ cứu trợ các nạn nhân trận gió xoáy (cyclone) tại miền Tây Ấn.

(UCAN KO0270.0980 15/06/98) - Ấn Ðộ (New Dehlhi) - Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ đang tích cực cộng tác với chính phủ liên bang trong nỗ lực cứu trợ các nạn nhân trận gió xoáy tại bang Gujarat ở miền Tây Ấn. Có ít nhất 800 người bị thiệt mạng trong trận thiên tai xảy ra trong hai ngày 9 và 10 tháng Sáu 1998 vừa qua. Ða số những người bị thiệt mạng là các công nhân làm việc trên các ruộng muối. Chính phủ Ấn Ðộ tuyên bố tình trạng thiên tai và quân đội được gửi tới để di tản các nạn nhân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Bộ trưởng gia cư của Ấn Ðộ, ông Lal Advani dự tính số người bị chết có thể lên đến hơn 1000.

Caritas Ấn Ðộ, cơ quan đặc trách dịch vụ xã hội của Hội Ðồng Giám Mục Ấn đã hợp tác với các giới chức tại giáo phận Rajkot thuộc bang Gujarat thiết lập nhiều lều trại tạm trú cho các nạn nhân. Linh Mục Gregory D'Souza, phụ tá tổng giám đốc Caritas Ấn cho hãng thông tấn UCAN biết là tất cả các trường học và cơ sở của giáo hội trong giáo phận Rajkot đã được trưng dụng làm chỗ ở tạm thời cho những người bị mất nhà cửa. Thực phẩm và thuốc men cũng đang được gửi tới cấp thời. Cha D'Souza gọi đây là một thảm họa quốc gia và nhiều toán cứu trợ đã được gửi tới. Các cơ sở trong giáo phận Rajkot hiện là nơi tạm trú của khoảng 500 gia đình.


Nhà Cầm Quyền Việt Nam giới hạn số người hành hương nhân dịp kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Lavang

Nhà Cầm Quyền Việt Nam giới hạn số người hành hương nhân dịp kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Lavang.

La vang - 15.06.98 - Bản tin của Ðài Vatican ngày 15.06.98 cho hay: Nhà Cầm Quyền Việt Nam chủ ý giới hạn số người hành hương tại Ðền Thánh La Vang, nhân dịp kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại đây, một địa điểm thuộc miền Trung Việt Nam. Các lễ mừng kỷ niệm được khai mạc ngày mồng một tháng Giêng 1998 vừa qua, bằng thánh lễ long trọng với sự tham dự của thật đông tín hữu công giáo. Cao điểm của Năm Thánh Ðức Mẹ LaVang là lễ Mừng Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời vào ngày 15 tháng 8 năm 1998 tới đây.

Bản tin của Ðài Vatican cho biết rằng: Ông Tổng Thư Ký Ðảng Cộng Sản Việt Nam, Ông Lê Khả Phiêu, nói rằng: chỉ có một số giới hạn các tín hữu sẽ được thông công các lễ nghi mừng kỷ niệm vào dịp 15tháng 8/1998 tới đây, vì lý do "khả năng giới hạn của Ðền Thánh"; chớ không phải vì lý do chính trị. Nhưng thực tế, các quan sát viên không tin như vậy. Chính phủ xem ra không muốn để lễ mừng 200 năm này gây tiếng vang rộng lớn trong cả nước. Nhưng các Giám Mục Việt Nam dạo tháng 10 năm ngoái đã gọi đây là một biến cố tôn giáo quan trọng nhất trong năm tại Việt Nam.


ÐTC bổ nhiệm tân chủ tịch của Hội Ðồng Tòa Thánh về Di Dân

ÐTC bổ nhiệm tân chủ tịch của Hội Ðồng Tòa Thánh về Di Dân.

Vatican - 15.06.98 - Sáng thứ Hai 15/06/98, ÐTC bổ nhiệm Ðức Cha Stephen Fumio Hamao, hiện là Giám Mục Giáo Phận Yokohama, bên Nhật, làm Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Di Dân và Du Mục, đồng thời cất nhắc ngài lên bậc Tổng Giám Mục.

Ðức Cha Hamao, sinh tại Tokyo, ngày mồng 9 tháng 3 năm 1930; thụ phong linh mục ngày 27.12.1957 ; tấn phong giám mục phụ tá 29.4.1970; được bổ nhiệm làm giám mục chính tòa Yokohama ngày 30.10.1979. Yokohama là một cửa biển lớn; nhờ đó ngài có nhiều kinh nghiệm mục vụ về các người di dân và về công việc tông đồ hàng hải. Ðức Cha Hamao sẽ thay thế Ðức Hồng Y Giovanni Cheli, về hưu; nhưng Ðức Hồng Y sẽ còn giữ chức vụ tạm thời, cho tới khi vị tân chủ tịch đến Roma nhậm chức.


ÐTC tiếp Công Chúa Tây Ban Nha và phu quân

ÐTC tiếp Công Chúa Tây Ban Nha và phu quân.

Vatican - 15.06.98 - Sáng thứ Hai 15/06/98, trong Ðền Vatican, ÐTC tiếp Công Chúa Cristina de Borbone và phu quân Inaki Urdangarin. Công Chúa Cristina là con gái thứ hai của Vua Juan Carlos và Hoàng Hậu Sophia nước Tây Ban Nha. Công Chúa lập gia đình với Inaki Urdangarin ngày mồng 4 tháng 10 năm ngoái (1997). Lễ nghi hôn phối được cử hành tại Barcelona, thành phố lớn thứ hai của Tây Ban Nha, sau thủ đô Madrid. Vua Juan Carlos và Hoàng Hậu Sophia có ba người con: hai người con gái đã lập gia đình và một con trai: Hoàng tử Filipe, chưa lập gia đình, sẽ kế vị làm Vua Tây Ban Nha.


ÐTC tiếp các Giám Mục Hoà Lan đến Roma viếng Toà Thánh

ÐTC tiếp các Giám Mục Hoà Lan đến Roma viếng Toà Thánh.

Vatican 15/06/98 - Sáng thứ Hai 15/06/98, ÐTC tiếp các Giám Mục Hòa Lan đến Roma viếng Tòa Thánh, do Ðức Hồng Y Adrianus Johannes Simonis hướng dẫn. Hội Ðồng Giám Mục Hòa Lan gồm 8 vị: Ðức Hồng Y Simonis, Tổng Giám Mục giáo phận Ultrecht và 5 vị giám mục chính tòa của các giáo phận Groningen, Haarlem, Roermond, Rotterdam và Bresa, hai giám mục phụ tá, một trong hai vị này giữ chức vụ Tổng Uyên Úy Quân Ðội Hòa Lan.

Hòa lan có 15 triệu rưởi dân cư, trong số này có khoảng 6 triệu người công giáo. Tuy bị cơn khủng hoảng trầm trọng sau Công Ðồng chung Vatican II, Giáo hội Hòa Lan hiện nay không đến nỗi thiếu thốn nhân sự mục vụ: 4,500 linh mục Giáo Phận và Dòng Tu; 200 Thày Sáu vĩnh viễn; 1,800 tu sĩ không có chức linh mục và hơn 14 ngàn Nữ Tu. Giáo Hội Hòa Lan có hơn 900 trường học: mẫu giáo, tiểu học và trung học với 200 ngàn học sinh. Ngoài ra Giáo Hội còn điều khiển khoảng 40 bệnh viện, nhà dưỡng lão và người tàn tật. Trước đây, ÐTC Gioan Phaolô II đã triệu tập Khóa Họp khoáng đại riêng thứ nhất của Thựong Hội Ðồng Giám Mục thế giới trong Nội Thành Vatican từ ngày 14 đến 31 tháng Giêng năm 1980, để cứu xét tình hình mục vụ của Giáo Hội tại Hòa Lan, theo giáo huấn của Công Ðồng Vaticanô II. Nhờ vậy, Giáo Hội Hòa Lan ngày nay được coi là yên ổn.


Hơn hai triệu người hành hương đến kính viếng Khăn Liệm thánh tại Torino

Hơn hai triệu người hành hương đến kính viếng Khăn Liệm thánh tại Torino.

Torino - 15.06.98. Với Thánh Lễ trọng thể kính Mình và Máu Thánh Chúa, hôm Chúa Nhật 14/06/98, Ðức Hồng Y Giovanni Saldarini, Tổng Giám Mục giáo phận Torino (bắc nước Ý), đã kết thúc cuộc trưng bày Khăn Liệm Thánh trong Nhà Thờ Chính Tòa, sau hai tháng trời, cho khách hành hương kính viếng.

Trong hai tháng từ 18 tháng 4/1998 cho đến hết ngày Chúa Nhật 14.06.1998, số người hành hương ghi tên lên tới 2,105,631 người. Ngoài con số chính thức ghi tên xin được kính viếng, còn khoảng 300 ngàn người hành hương không ghi tên. Những người này chỉ có thể thấy Khăn Liệm Thánh từ xa, không được đi qua trước Khăn Liệm Thánh. Việc ghi tên trước được coi như bắt buộc, để ban tổ chức xếp đặt và ấn định ngày giờ cho các đoàn hành hương. Con số hơn hai triệu người hành hương được chia như sau:

65% đến từ các nước Tây Âu và miền Ðịa Trung Hải; 20% từ các nước Ðông Âu; 10% từ Bắc Mỹ và 3% từ Trung và Nam Mỹ; 2% từ Á châu và Châu Ðại Dương. Ngoài ra còn có một số tín hữu Maronites đến từ Liban và một nhóm Hồi Giáo đến từ Thổ Nhĩ Kỳ; rồi gần 43 ngàn học sinh, sinh viên đến theo đoàn thể và khoảng 22 ngàn bệnh nhân.


Ðức Cha Carlos Ximenes Belo kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị

Ðức Cha Carlos Ximenes Belo kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị.

(Reuters 15/06/98) - Ðông Timor (Dili) - Tất cả các tù nhân chính trị người Ðông Timor phải được trả tự do và "qui chế đặc biệt" mà Indonesia đề nghị cho vùng lãnh thổ này chỉ là giải pháp tạm thời.

Trên đây là nhận định của Ðức Cha Carlos Ximenes Belo, giám quản tông tòa Ðông Timor và người cùng được giải Nobel Hòa Bình năm 1996. Sau thánh lễ tại Dili hôm Chúa Nhật vừa qua (14/06/98), được các ký giả hỏi về việc trả tự do cho lãnh tụ phong trào kháng chiến Ðông Timor, ông Xanana Gusmao, cũng như về tương lai của Ðông Timor, Ðức Cha Belo trả lời như sau: "Ðiều cần thiết là tất cả các tù nhân chính trị người Ðông Timor phải được trả tự do. Về tương lai của Ðông Timor, chúng ta hãy chờ xem. Chúng ta nên lạc quan. Tôi muốn thấy đề nghị, để cho người Ðông Timor được quyền tự trị, được mang ra áp dụng. Không phải chỉ là lời hứa suông mà thôi. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một giải pháp trong giai đoạn chuyển tiếp mà thôi, chứ không hẳn sẽ là giải pháp vĩnh viễn." Ðức Cha Belo cho biết thêm là mặc dù đang có những lời kêu gọi chính quyền Indonesia nên để cho người Ðông Timor tự quyết định tương lai của họ qua một cuộc trưng cầu dân ý, ngài cũng ý thức là đang có sự chia rẽ giữa người dân Ðông Timor về vấn đề này. Tuy nhiên một cuộc trưng cầu dân ý nếu có, cần phải được thảo luận và chuẩn bị kỹ lưỡng. Vấn đề của Ðông Timor nên được giải quyết cách ôn hòa, công bằng và trong danh dự.

Mới đây, tổng thống Jusuf Habibie ngỏ ý là chính phủ Indonesia sẵn sàng dành cho Ðông Timor một qui chế đặc biệt, tuy ông không giải thích rõ ràng qui chế đặc biệt này là như thế nào. Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Kyodo của Nhật hôm thứ Bảy vừa qua (13/06/98), ông Habibie đã loại bỏ vấn đề tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại Ðông Timor. Tổng thống Habibie cho rằng việc sát nhập Ðông Timor vào lãnh thổ của Indonesia xảy ra cách đây đã 20 năm với sự đồng ý của người dân Ðông Timor và giờ đây Indonesia sẽ không trở lại bàn về vấn đề này nữa. Về phần mình, thứ Hai 15/06/98, ngoại trưởng Ali Alatas của Indonesia khẳng định rằng tổ chức trưng cầu dân ý để định đoạt tương lai của Ðông Timor là điều Indonesia không thể nào chấp nhận được.


Hội Ðồng Giám Mục Philippines ủng hộ chương trình tư hữu hóa của tân chính phủ

Hội Ðồng Giám Mục Philippines ủng hộ chương trình tư hữu hóa của tân chính phủ.

(Philippines Press 15/06/98) - Philippines (Manila) - Hội Ðồng Giám Mục Philippines vừa bày tỏ sự ủng hộ chương trình của tân chính phủ nước này nhắm tư hữu hóa các công ty của nhà nước, nhưng đồng thời cũng cảnh cáo về việc tư hữu hóa các cơ sở đã trở thành di sản quốc gia, hay các cơ sở nào mà một khi được tư hưu hóa, thì sẽ khiến cho người dân mất đi nhiều quyền lợi.

Ðức Tổng Giám Mục Oscar Cruz, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Philippines, đưa ra nhận xét rằng để tránh đi tới tình trạng bị phá sản hoàn toàn, các công ty nằm dưới quyền quản lý của nhà nước nên được tư hữu hóa. Giáo Hội Công Giáo Philippines ủng hộ chương trình tư hữu hóa này bởi vì một số công ty hiện do nhà nước đứng làm chủ, nguyên thủy là những cơ sở do các tay tài phán thân với nhà độc tài Ferdinand Marcos, nắm quyền điều khiển. Vị chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Philippines cũng ca ngợi ý định của tân tổng thống Joseph Estrada rằng tiền thu từ các tài sản bán đi sẽ được dùng cho các chương trình phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, Ðức Cha Chủ Tịch cũng lưu ý tân chính phủ Philippines là không nên bán các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cho công chúng, chẳng hạn như bệnh viện. Những cơ sở đó, dù là do nhà nước làm chủ hay là bán công, đều có thể là những cơ sở không kiếm ra được lợi tức cho chính phủ, vì chúng cung cấp các dịch vụ miễn phí cho công chúng nhiều hơn, và điều này rất có ý nghĩa nhất là đối với dân nghèo.

Ngoài ra Ðức Tổng Giám Mục Oscar Cruz cũng không quên nhắc nhở chính phủ sắp kế nhiệm của Philippines là làm thế nào để các công nhân làm việc tại các công ty sắp được tư hữu hóa, sẽ không bị mất việc làm. Sự kiện tiền bán các công ty này sẽ được chi dùng cho các chương trình phát triển nông nghiệp, là điều rất tốt, nhưng cũng là điều đáng buồn và mâu thuẫn nếu có những người mà cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng vì bị mất công ăn việc làm.


Back to Radio Veritas Asia Home Page