Tin Tức và Thời Sự
ngày 11 tháng 06/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Chủ tịch Arafat và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hội kiến với ÐTC

Chủ tịch Arafat và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hội kiến với ÐTC.

Palestine (Gaza City 11/06/09) - Một viên chức chính quyền Palestine cho biết thứ Sáu 12/06/98, chủ tịch Yasser Arafat viếng thăm Italy và tại đây ông Arafat sẽ hội kiến với ÐTC Gioan Phaolô II và các giới chức chính phủ Italia. Ðây sẽ là lần thứ năm chủ tịch Arafat hội kiến ÐTC. Mục đích chuyến viếng thăm lần này của ông Arafat là kêu gọi sự ủng hộ chính trị và tài chánh của Italia cũng như từ phía Tòa Thánh cho Palestine trong tiến trình thương thuyết hòa bình với Israe.

Liên quan tới cuộc hội kiến với ÐTC, được biết ông Arafat sẽ lập lại lời mời ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm thành Bethlehem để mừng biến cố 2000 năm ngày sinh của Ðức Giêsu Kitô. Ngoài ra ông cũng sẽ nêu vấn đề Israel vi phạm thỏa ước hòa bình Oslo, cụ thể là việc thiết lập các khu định cư cho người Do Thái trong vùng lãnh thổ của người Ả Rập ở mạn Ðông thành Jerusalem. Mặc dù ÐTC Gioan Phaolô II đã ngỏ ý là ngài muốn viếng thăm Jerusalem để đánh dấu biến cố Ðại Năm Thánh 2000, tuy nhiên Tòa Thánh vẫn chưa có quyết định chính thức trong vấn đề này. Chuyến viếng thăm của ÐTC còn vướng mắc những vấn đề chính trị phức tạp, nhất là trong vấn đề tranh chấp giữa Israel và Palestine liên quan tới chủ quyền tại vùng lãnh thổ ở mạn Ðông Jerusalem, nơi tọa lạc của Nhà Thờ Mộ Chúa, được coi là di tích thánh thiêng nhất của Kitô giáo.

Và thứ Ba vừa qua (9/06/98), phòng báo chí Tòa Thánh đã loan báo về cuộc hội kiến giữa ÐTC với ông Yasser Arafat, cũng như cuộc gặp gỡ giữa ÐTC Gioan Phaolô II và ông Kofi Annan, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, vào thứ Ba tuần tới (16/06/98).


Indonesia khoan hồng cho 13 tù nhân chính trị người Ðông Timor

Indonesia khoan hồng cho 13 tù nhân chính trị người Ðông Timor.

(AFP, Reuters 11/06/98) - Indonesia (Jakarta) - Thứ Năm 11/06/98, tổng thống Jusuf Habibie của Indonesia đã ký một đạo luật khoan hồng cho khoảng 16 tù nhân chính trị, trong số này có 13 tù nhân người Ðông Timor. Các tù nhân được trả tự do vào sáng thứ Năm 11/06/98, tuy nhiên có 12 tù nhân tại trại tù Becora ở thủ phủ Dili đã chọn ở lại thêm ít nhất là một ngày để tỏ tình liên đới với các bạn tù còn bị giam. Trong số 12 tù nhân ở Becora, có 6 sinh viên người Ðông Timor bị bắt sau vụ đụng độ với các lực lượng an ninh của Indonesia dạo tháng 11 năm ngoái (1997).

Trước đó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Kofi Anan đã hoan nghênh tin nói rằng tổng thống Habibie ký sắc lệnh trả tự do cho các tù nhân chính trị người Ðông Timor. Một thông cáo công bố qua phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc nói như sau: "Tổng Thư Ký Kofi Annan cảm thấy khích lệ bởi sự khởi đầu mà ông hy vọng sẽ là một cuộc đối thoại kéo dài tiến tới một giải pháp cho vấn đề của Ðông Timor, và do bởi những quan điểm đa dạng được tỏ lộ trong bối cảnh cuộc cải tổ chính trị tại Indonesia hiện nay. Tổng thư ký Kofi Annan sẽ tích cực dự phần vào cuộc đối thoại với chính quyền Indonesia và Bồ Ðào Nha, cũng như với các thành phần khác nhau của người Ðông Timor để mưu tìm một giải pháp nhanh chóng, dựa trên một công thức công bằng, toàn diện và được cộng đồng quốc tế thừa nhận".


Chính phủ Mêhicô không gây áp lực với Ðức Cha Samuel Ruiz

Chính phủ Mêhicô không gây áp lực với Ðức Cha Samuel Ruiz.

(CWN 11/06/98)- Mêhicô (TP Mêhicô) - Thứ Hai vừa qua (8/06/98), thương thuyết gia đại diện chính phủ Mêhicô đã bác bỏ những lời cáo buộc cho rằng đã có áp lực buộc Ðức Cha Samuel Ruiz, Giám Mục San Cristobal de las Casas, từ chức chủ tịch Ủy Ban Trung Gian Hòa Giải giữa chính phủ Mêhicô và lực lượng phiến quân Zapatista.

Trong một cuộc họp báo, ông Emilio Rabasa đã tuyên bố như sau: "Tôi không bao giờ vô hiệu hóa Ủy Ban Hòa Giải, hay người cầm đầu ủy ban này là Ðức Cha Samuel Ruiz". Loan báo việc từ nhiệm này trong thánh lễ ngày Chúa Nhật trước đó (7/06/98), Ðức Cha Samuel Ruiz cho rằng uy tín của ngài đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi chính phủ Mêhicô cáo buộc là ngài đứng về phía lực lượng Zapatista và các thổ dân tại bang Chiapas, và Ðức Cha là người cổ võ một khuynh hướng thần học bạo động. Vài giờ sau khi Ðức Cha Ruiz loan báo việc từ chức của ngài, Ủy Ban Trung Gian do ngài cầm đầu đã giải thể. Ủy Ban này được thành lập dạo tháng 12 năm 1994 sau cuộc nổi loạn của các nhóm võ trang Zapatista, để làm trung gian hòa giải giữa chính phủ Mêhicô và lực lượng Zapatista.

Về phần mình, Hội Ðồng Giám Mục Mêhicô đưa ra lập trường rằng việc từ nhiệm của Ðức Cha Samuel đã mở một giai đoạn mới cho cuộc đối thoại hòa bình, tuy nhiên Giáo Hội sẽ không giữ vai trò nào trong cuộc tranh chấp tại bang Chiapas. Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Mêhicô, Ðức Tổng Giám Mục Luis Morales Reyes cho biết như sau: "Ủy Ban Hòa Giải đánh dấu một giai đoạn trong cuộc đối thoại giữa chính quyền Mêhicô và phiến quân Zapatista. Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới và chúng tôi tin rằng cả hai bên nên trực tiếp nói chuyện với nhau. Trong giai đoạn mới này, điều mà Giáo Hội Công Giáo có thể làm là hỗ trợ và đóng góp những gì phù hợp với sứ mạng mục vụ của giáo hội". Sứ thần Tòa Thánh tại Mêhicô, Ðức Tổng Giám Mục Justo Mullor cũng cho ra một thông cáo trong đó ngài nói như sau: "Tất cả các Giám Mục Mêhicô, đặc biệt là các vị từ bang Chiapas, sẽ cộng tác ở nhiều mức độ khác nhau mà không cần phải trực tiếp đứng ra làm trung gian. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc tranh chấp bằng võ trang tại bang này sẽ chấm dứt trước ngày ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm Mêhicô vào tháng Giêng năm tới 1999.


Ðức Hồng Y người Argentina kêu gọi nhân bản hóa chính sách kinh tế

Ðức Hồng Y người Argentina kêu gọi nhân bản hóa chính sách kinh tế.

(CWN 11/06/98) - Argentina (Mar de Plata) - Ðức Hồng Y Francisco Primatesta, Tổng Giám Mục Cordoba và chủ tịch Ủy Ban Xã Hội của Hội Ðồng Giám Mục Argentina vừa kêu gọi chính phủ nước này nhân bản hóa các chính sách kinh tế.

Lên tiếng trong cuộc họp báo hồi đầu tuần này (thứ Hai 8/06/98), tại Mar De Plata, nơi các Giám Mục Argentina đang nhóm họp để bàn luận về các vấn đề xã hội trong nước, Ðức Hồng Y Primatesta nêu bật nhu cầu đòi chính phủ Argentina duyệt xét va nghiên cứu lại các chương trình kinh tế, dành ưu tiên cho các vấn nạn như nghèo đói thật nghiệp và sự mất tin tưởng của người dân đối với hệ thống của chính phủ hiện nay. Ðức Hồng Y Primatesta nói như sau: "Chúng tôi, các Giám Mục Argentina, rất quan ngại về tình trạng nghèo đói trong nước bởi vì người dân nghèo không thể chờ đợi những giải pháp dài hạn. Hoàn cảnh của những người không thể chờ đợi được nữa có thể bùng nổ thành những vấn nạn xã hội nghiêm trọng. Bạo động có thể phát sinh do sự thiếu vắng các giá trị luân lý, tuy nhiên các vấn đề xã hội không được giải quyết có thể tạo ra những hoàn cảnh đặc biệt trong đó những hành vi bạo động chắc chắn sẽ nẩy nở".

Tổng thống Carlos Menem của Argentina nhất mức cho rằng chính phủ của ông đã giảm bớt được nạn nghèo đói, tuy nhiên một nhật báo xuất bản trong nước đã cho công bố các thống kê cho thấy 25% dân chúng đang sống dưới mức nghèo đói, có nghĩa là 9 trong tổng số 36 triệu dân Argentina là người nghèo. Về điểm này, Ðức Hồng Y Primatesta nhận định như sau: "Chính phủ phải nhận biết rằng kinh tế không thể đứng độc lập khỏi các nhu cầu liên quan tới nhân phẩm. Người dân cần phải có công ăn việc làm và kiếm đủ tiền trang trải cho cuộc sống của họ".


Liên hiệp các tín hữu kitô Nigeria đòi hỏi phải tái lập dân chủ

Liên hiệp các tín hữu kitô Nigeria đòi hỏi phải tái lập dân chủ.

Lagos - Nigeria [Apic 11/06/98] - Liên hiệp các tín hữu kitô Nigeria đã kêu gọi tân tổng thống của nước này là tướng Abdulsalam Abubakar hãy lật qua trang sử "không mấy sáng sủa" của nguời tiền nhiệm của ông là tướng Sani Abacha, qua đời đột ngột vì bệnh tìm hồi đầu tuần.

Nhà lãnh đạo Nigeria đã được các tướng lãnh bầu lên hôm thứ Ba 9/06/98 vừa qua, chỉ vài giờ sau cái chết của tướng Abacha.

Sau một phiên họp tại thủ đô Lagos, liên hiệp các tín hữu kitô Nigeria đã yêu cầu bãi bỏ tức khắc một chương trình chuyển giao dân chủ do các tướng lãnh đưa ra. Theo chương trình này, một chế độ pháp quyền sẽ được thiết lập vào tháng 10/1998 tới đây sau cuộc bầu cử tổng thống dự trù diễn ra vào tháng 8 tới. Chương trình này chỉ cho phép thành lập tối đa là 5 đảng phái chính trị mà thôi.

Liên hiệp các tín hữu kitô Nigeria cũng yêu cầu thành lập một chính phủ liên hiệp được điều khiển bởi nguời đã được tuyên bố đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 12/06 năm 1993 là ông Moshood Abiola, một doanh nhân đã bị tướng Abacha giam tù từ đó cho đến nay.

Ðược điều khiển bởi các quân nhân từ tháng 10 năm 1985, Nigeria được xem là một trong những chế độ hà khắc nhứt tại miền Tây Phi Châu.


Back to Radio Veritas Asia Home Page