Bác bỏ đề
nghị của chính phủ Indonesia liên quan
tới Ðông Timor
Chính phủ Pakistan thành
lập một ủy ban liên tôn
Giám Mục Nga ra lệnh đốt
một số tác phẩm bị xem là lạc
giáo
Hội đồng đại
kết các Giáo Hội Kitô kỷ niệm
50 năm thành lập
Tổng Thống Pháp kêu
gọi trả tự do cho các tù nhân
chính trị
Bồ Ðào Nha bác bỏ đề nghị của chính phủ Indonesia liên quan tới Ðông Timor.
(Reuters, AFP 9/06/98) - Bồ Ðào Nha (Lisboa) - Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Bồ Ðào Nha cho biết hôm thứ Ba 9/06/98 rằng đề nghị của chính phủ Indonesia, dành một qui chế đặc biệt cho Ðông Timor, không phải là giải pháp cho tương lai của vùng lãnh thổ này.
Ngoại trưởng Ali Alatas của Indonesia vừa loan báo là ông hy vọng sẽ tìm ra được một giải pháp chính trị cho Ðông Timor được cộng đồng quốc tế nhìn nhận; trong khi tổng thống Jusuf Habibie tiết lộ cho phái viên hãng thông tấn Reuters biết là Indonesia sẵn sàng ban một qui chế đặc biệt cho Ðông Timor, như là giải pháp cho vùng lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp này. Tuy nhiên đối với Bồ Ðào Nha, lời loan báo trên đây cho thấy sự thiếu uyển chuyển của Jakarta và nó không cho phép có thêm tiến bộ nào trong vấn đề chủ quyền của Ðông Timor. Phát ngôn viên Horacio Cesar của Bộ Ngoại Giao Indonesia khẳng định rằng: "Bất cứ hành động nào nhắm điều kiện hóa việc sát nhập Ðông Timor vào lãnh thổ của Ðông Timor, đều không phải là căn bản để đối thoại".
Ðông Timor là cựu thuộc địa của Bồ Ðào Nha, đã bị Indonesia xâm chiếm vào năm 1975 và sát nhập và sát nhập vào lãnh thổ Indonesia năm sau đó. Liên Hiệp Quốc không thừa nhận chủ quyền của Indonesia tại Ðông Timor nhưng vẫn công nhận quyền cai quản của Bồ Ðào Nha trên lãnh thổ này. Năm 1983, Liên Hiệp Quốc bắt đầu đứng ra làm trung gian các cuộc đối thoại giữa Indonesia và Bồ Ðào Nha để tìm ra một giải pháp cho qui chế của Ðông Timor. Bồ Ðào Nha ủng hộ lập trường của các phong trào kháng chiến người Ðông Timor đòi để cho người dân tại đây được quyền tự quyết về tương lai của họ qua một cuộc trưng cầu dân ý. Cũng hôm thứ Ba 9/06/98, ngoại trưởng Ali Alatas của Indonesia đã ngỏ ý rằng sau cuộc hội thảo giữa ông với tổng thống Habibie, vấn đề qui chế của Ðông Timor đang có những cơ hội mới để được giải quyết. Ðề cập tới những lời kêu gọi trả tự do cho lãnh tụ kháng chiến người Ðông Timor là ông Xanana Gusmao, ngoại trưởng Alatas xác nhận việc trả tự do cho ông Gusmao sẽ không xảy ra trong lúc này nhưng nó tùy thuộc vào một giải pháp toàn diện và công bằng cho Ðông Timor trong tương lai. Ông Alatas cũng loan báo là trong tuần này chính phủ Indonesia sẽ trả tự do cho khoảng 16 tù nhân chính trị, trong đó có một số là người Ðông Timor.
Chính phủ Pakistan thành lập một ủy ban liên tôn.
(UCAN PA0233.0979 9/06/98) - Pakistan (Islamabad) - Chính phủ Pakistan vừa thành lập một Ủy Ban Ðối Thoại Liên Tôn để lắng nghe những lời phàn nàn của các cộng đoàn thiểu số. Thành viên của ủy ban này được phân chia đồng đều giữa người Hồi Giáo và đại diện các nhóm thiểu số.
Loan báo về việc thành lập Ủy Ban này ngày 25/05/98 vừa qua, ông Raja Zafarul Haq, bộ trưởng đặc trách về tôn giáo và các nhóm thiểu số của chính phủ liên bang, xác định mục tiêu của ủy ban là nhắm cổ võ sự khoan nhượng giữa các cộng đồng tại Pakistan. 20 thành viên của ủy ban là các lãnh tụ tôn giáo, được chia như sau: 10 cho Hồi Giáo, 4 cho Kitô giáo, 2 cho Ấn Giáo, 2 cho đạo Sikh và hai cho các nhóm tôn giáo thiểu số. Ủy Ban được thành lập theo sau cuộc họp giữa một phái đoàn hỗn hợp Hồi Giáo và Kitô giáo với bộ trưởng Raja Zafarul tại thủ đô Islamabad. Các vị đại diện hai tôn giáo đã bày tỏ mối quan tâm về sự lạm dụng luật phạm thượng của Pakistan, cụ thể là những lời cáo gian dẫn tới việc người bị cáo lãnh án tử hình. Ðiều khoản 295-B và 295-C của đạo luật này phạt tử hình những ai xúc phạm tới tiên tri Mohammad và kinh thánh Koran, và trong quá khứ đã gây nên nhiều ảnh hưởng tai hại, đặc biệt cho những người thuộc các nhóm thiểu số. Các vị đại diện người Kitô đã kêu gọi chính phủ Pakistan bãi bỏ luật phạm thượng này.
Một vị giám mục Chính Thống Nga cực kỳ bảo thủ ra lệnh đốt một số tác phẩm bị xem là lạc giáo.
Mascova [Apic 9/06/98] - Một vị giám mục Chính Thống Nga tại Iekaterinburg, ra lệnh đốt một số tác phẩm bị xem là lạc đạo.
Ðức Cha Nikon, vốn là một giám mục Chính Thống cực kỳ bảo thủ, đã đưa ra biện pháp trên đây đối với các tác phẩm của ba nhà thần học nổi tiếng của Chính Thống trong thế kỷ 20 là Alexander Schmemann, qua đời hồi năm 1983, John Meyendorff qua đời năm 1992 và Alexander Men, bị sát hại năm 1990. Alexander Schmemann và John Meyendorff đã từng là khoa trưởng phân khoa Thần Học Chính Thống tại New York. Các tác phẩm của ba nhà thần học này đã bị tịch thu tại chủng viện của giáo phận. Nhiều cuốn sách đã bị đem đốt trước mặt các sinh viên.
Hành động của đức cha Nikon cho thấy ảnh hưởng ngày càng gia tăng của một phong trào ái quốc cực kỳ bảo thủ hiện đang tạo sức ép đáng kể trên hàng giáo phẩm của Giáo Hội Chính Thống Nga. Ðây là lýdo tại sao Ðức Alexis II, thượng phụ Mascova đã do dự và đình hoản các cuộc gặp gỡ với Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II.
Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô mừng kỷ niệm 50 năm thành lập.
Geneve [Apic 9/06/98] - Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô mừng kỷ niệm 50 năm thành lập.
Theo mục sự Konrad Raiser, tổng thư ký của Hội ÂÂÐồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô, sẽ có nhiều nghi lễ diễn ra hoặc tại Geneve hoặc tại Amsterdam để đánh dấu biến cố này. Từ ngày 18/09/98 đến ngày 13/12/98, nhiều buổi thuyết trình, triển lãm và phụng vụ được trực tiếp truyền hình từ Nhà Nguyện của Hội Ðồng, sẽ được tổ chức để mừng 50 năm thành lập Hội Ðồng. Mục sư Konrad Raiser nói rằng đây là dịp để tất cả mọi Giáo Hội Kitô liên kết với nhau để trình bày một cái nhìn mới về phong trào đại kết trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21.
Trong khuôn khổ mừng kỷ niệm, nhiều sinh hoạt khác cũng sẽ được tổ chức tại Amsterdam, vốn là chiếc nôi của phong trào đại kết. Chính tại đây mà ngày 23/08 năm 1948, đại diện của 147 Giáo Hội Kitô đã thành lập Hội Ðồng đại kết các Giáo Hội Kitô với mục tiêu chính là tìm về hiệp nhứt kitô giáo. Nhìn lại 50 năm hiện hữu của Hội Ðồng, mục sư Konrad Raiser nói rằng phong trào đại kết đã cho phép các Giáo Hội không còn nhìn nhau với cập mắt nghi kỵ nữa.
Dù vậy, vị tổng thư ký của hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô cũng nhìn nhận rằng Hội Ðồng đang gặp nhiều khó khăn. Các Giáo Hội Chính Thống không dấu sự bất mãn của họ trước một số hoạt động của Hội Ðồng và dọa sẽ rút tên ra khỏi Hội Ðồng. Các Giáo Hội Chính Thống cho rằng các hoạt động và chính sách cũng như việc phụng tự của Hội Ðồng thường chỉ phản ánh những quan tâm của các thành viên tin lành. Về vấn đề tài chánh, vị tổng thư ký hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô cho biết các nguồn tài chánh đã giảm so với 5 năm trước.
Ngoài ra việc Giáo Hội Công Giáo Roma không tham gia vào Hội Ðồng cũng là một thách đố lớn cho Hội Ðồng, bởi vì 332 Giáo Hội thành viên của Hội Ðồng chỉ chiếm có một phần ba số tín hữu kitô trên khắp thế giới, trong khi dân số Công Giáo lại chiếm đa số.
Tổng Thống Pháp kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị.
(Reuters 9/06/98) - Bồ Ðào Nha (Lisboa) -Tổng Thống Jacques Chirac của Pháp đã gửi thư cho tân tổng thống Indonesia yêu cầu trả tự do cho các tù nhân chính trị người Ðông Timor.
Tối thứ Hai 8/06/98, lên tiếng với các ký giả tại thủ đô Lisboa của Bồ Ðào Nha nơi ông đến để khai mạc một gian hàng của Pháp tại Cuộc Triễn Lãm Thế Giới, thủ tướng Lionel Jospin cho biết là mới đây ông Jacques Chirac gửi một lá thư cho tổng thống Habibie của Indonesia xin trả tự do cho các tù nhân chính trị người Ðông Timor. Tháng Năm 1998, chính phủ Bồ Ðào Nha loan báo một cuộc vận động ngoại giao kêu gọi trả tự do cho lãnh tụ phong trào kháng chiến Ðông Timor là ông Xanna Gusmao và những tù nhân chính trị khác. Ông Gusmao đang chịu án 20 năm tù trong một nhà giam ở thủ đô Jakarta.
Ngoài tổng thống Chirac, tuần trước, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Kofi Annan cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền Indonesia trả tự do cho ông Xanana Gusmao và xúc tiến cuộc đối thoại giải quyết qui chế của vùng lãnh thổ Ðông Timor.