Tin Tức và Thời Sự
ngày 23 tháng 05/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Thỏa hiệp hòa bình cho miền Bắc Ái Nhĩ Lan được đa số ủng hộ

Thỏa hiệp hòa bình cho miền Bắc Ái Nhĩ Lan được đa số ủng hộ.

(AFP 23/05/98) - Bắc Ái Nhĩ Lan (Belfast) -Thứ Bảy 23/05/98, kết quả đếm phiếu cuộc trưng cầu dân ý tại Bắc Ái Nhĩ Lan cho thấy có hơn 71% cử tri ở Bắc Ái Nhĩ Lan đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa hiệp hòa bình được ký kết ngày 10/04/98. Ðây là thỏa hiệp sẽ thiết định một cơ chế chính trị mới cho miền Bắc Ái Nhĩ Lan và người ta hy vọng nó sẽ giúp chấm dứt giai đoạn tranh chấp bằng võ lực kéo dài từ ba thập niên qua.

Các thăm dò dư luận thực hiện vào thứ Bảy 23/05/98, cũng cho thấy từ 70 đến 73% cử tri được hỏi trả lời là họ đã bỏ phiếu thuận. 96% cử tri công giáo ủng hộ thỏa hiệp trong khi có 50% cử tri người Tin Lành đã bỏ phiếu thuận. Tỉ lệ 70% hay cao hơn là tỉ lệ mà thủ tướng Tony Blair của Anh Quốc cũng như lãnh tụ các đảng phái Tin Lành và Công Giáo ở Bắc Ái Nhĩ Lan hy vọng đạt được. Với tỉ lệ này, thỏa hiệp hòa bình có nhiều cơ may không bị những người Tin Lành cực đoan viện cớ là không được đa số ủng hộ, để phá hoại.

Lên tiếng vào thứ Bảy 23/05/98, thủ tướng Tony Blair đã gọi đây là một ngày vui mừng vì sự ủng hộ của đa số cử tri tại Bắc Ái Nhĩ Lan cho thỏa hiệp hòa bình đánh dấu một bước tiến tới hy vọng và hòa bình trong tương lai. Tuy nhiên ông cũng xác định là còn nhiều điều cần phải được thực hiện để đạt tới mục tiêu hòa bình. Ông Tony Blair cho rằng công tác hiện nay là làm thế nào để thuyết phục được những người bỏ phiếu chống thỏa hiệp này trút bỏ những mối nghi ngờ của họ đối với thỏa hiệp, bởi vì kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan cũng như tại miền Bắc rõ ràng đã gửi đi một sứ điệp rằng bạo động không còn chỗ đứng trong chính trường tại miền Bắc Ái Nhĩ Lan.


Liên Hiệp Quốc gây áp lực tân tổng thống Indonesia giải quyết vấn đề Ðông Timor

Liên Hiệp Quốc gây áp lực tân tổng thống Indonesia giải quyết vấn đề Ðông Timor.

(CWN 23/05/98) - Tin từ Trụ Sở Liên Hiệp Quốc - Giữa lúc ông Jusuf Habibie vừa lên làm tổng thống Indonesia theo sau việc ông Suharto từ chức, trong tuần này Liên Hiệp Quốc đang bắt đầu tạo áp lực lên ông Habibie liên quan tới vấn đề qui chế của vùng lãnh thổ Ðông Timor.

Các giới chức Liên Hiệp Quốc cho biết, vị tân tổng thống Indonesia có thể dùng động lực cải tổ chính trị hiện nay để cam kết tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của Ðông Timor, tuy nhiên Liên Hiệp Quốc cũng e ngại rằng ông Habibie không có đủ ý chí để thực hiện điều này. Ðông Timor là cựu thuộc địa của Bồ Ðào Nha đã bị Indonexia xâm chiếm vào năm 1975 và năm sau đó, 1976, ông Suharto đã sát nhập Ðông Timor vào lãnh thổ của Indonesia. Liên Hiệp Quốc cũng như Tòa Thánh chưa hề công nhận chủ quyền của Indonesia trên vùng lãnh thổ này, nơi có đa số người công giáo sinh sống.

Indonesia bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Ðông Timor. Trong thông cáo chính thức mới đây về cuộc khủng hoảng tại Indonesia, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Kofi Anan không đề cập tới vấn đề Ðông Timor, tuy nhiên các giới chức Liên Hiệp Quốc đã ngỏ ý riêng rằng cộng đồng quốc tế muốn nhắn gửi tới tân chính phủ Indonesia một sứ điệp là, việc giải quyết qui chế của Ðông Timor sẽ giúp ích rất nhiều cho việc cộng đồng quốc tế thừa nhận và ủng hộ tân chính phủ tại Indonesia. Liên Hiệp Quốc vẫn giữ vai trò trung gian trong các cuộc thương lượng giữa Indonesia và Bồ Ðào Nha về tương lai của Ðông Timor, tuy nhiên các vòng đàm phán trước đây đã bị thất bại.


Các nhà lãnh đạo tôn giáo Bosnia thảo luận về các mục tiêu của đất nước

Các nhà lãnh đạo tôn giáo Bosnia thảo luận về các mục tiêu của đất nước.

(CWN 23/05/98) - Hoa Kỳ (New York) - Thứ Tư vừa qua (20/05/98), các nhà lãnh đạo tôn giáo của Bosnia-Herzegovina đã hội kiến với ông Kofi Annan, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tại New York, để bàn về những phương cách giúp thăng tiến hòa bình và hòa giải tại vùng lãnh thổ bị xâu xé vì cuộc tranh chấp chủng tộc kéo dài hơn ba năm. Tham dự cuộc họp còn có Rabbi Arthur Schneier, chủ tịch Hiệp Hội Tiếng Gọi Lương Tâm (Appeal to Conscience).

Ngỏ lời với các đại diện của Công Giáo, Chính Thống Giáo, Hồi Giáo và Do Thái Giáo Bosnia Herzegovina, Rabbi Schneier đã nói như sau: "Chúng tôi đón chào các vị lãnh đạo tôn giáo của Bosnia Herzegovina đến đây, bởi vì quí vị là những người can đảm, những người mà sau cuộc đổ máu tàn khốc của quê hương, đang bỏ ra công sức để chữa lành các vết thương và xây dựng hòa giải."

Trong cuộc họp báo sau đó, các nhà lãnh đạo tôn giáo Bosnia Herzegovina, trong số này có Ðức Hồng Y Vinko Puljic, cho biết, mục tiêu đang được nhắm tới là thăng tiến tinh thần hòa giải dân tộc, được ghi rõ trong thỏa hiệp hòa bình Dayton năm 1995, kết thúc chiến tranh. Chìa khóa để đi tới hòa bình là việc những người tị nạn chiến cuộc được trở lại quê quán của họ cách an toàn, cuộc tái sinh của đời sống tôn giáo, đánh dấu bởi việc xây dựng lại những nhà thờ, đền thờ đã bị tàn phá trong chiến tranh.


Back to Radio Veritas Asia Home Page