Kêu gọi tẩy
chay những buổi cầu nguyện do chính
phủ
Dòng Biển Ðức
được tái lập tại Lituani
Các đài phát thanh
tỏ tình liên đới với
các kitô hữu
60% dân chúng Bắc Ai Len
ủng hộ thỏa ước hòa bình
Clinton kêu gọi Cuba trả tự
do cho tù nhân chính trị
Dân chúng Colombia dành
phút mặc niệm cho hòa giải
Ðức Hồng Y của
Nicaragua kêu gọi ngưng đình công
ÐTC có thể viếng
thăm Hồng Kông vào năm 1999
Liên hiệp kitô giáo tại Nigeria kêu gọi tẩy chay những buổi cầu nguyện do chính phủ tổ chức.
Dakar - Nigeria [Apic 20/05/98] - Liên hiệp kitô giáo tại Nigeria đã kêu gọi các tín đồ trên toàn quốc tẩy chay các buổi cầu nguyện do chính phủ tổ chức từ ngày thứ Tư 13/05/98 đến Chúa Nhựt vừa qua,17/05/98.
Chiếm 36 phần trăm dân số, các Giáo hội kitô tại Nigeria cho rằng 5 ngày cầu nguyện sẽ không giải quyết được các vấn đề mà đất nước đang phải đương đầu. Cuối tuần qua, các đức giám mục công giáo cũng đã công bố một tài liệu trong đó các ngài phê bình chế độ quân phiệt của tướng Abacha, nguời đã cai trị đất nước với bàn tay sắt từ năm 1983 đến nay.
Tổng giám mục Anh giáo Peter Akinola cũng đã lên tiếng chỉ trích chương trình chuyển giao quyền hành được dự trù diễn ra vào tháng 10/1998 tới đây. Lên tiếng trong công nghị giáo phận hồi cuối tuần qua, Ðức Tổng Giám Mục Peter Akinola cho rằng chương trình này không đáp trả lại những quan tâm và nguyện vọng của dân chúng. Ngài gọi đây là một trò hề mà mục đích duy nhứt là nhằm duy trì xứ sở trong tình trạng nô lệ triền miên. Ðức Tổng Giám Mục Anh Giáo cũng đả kích 5 chính đảng được phe quân phiệt chính thức công nhận và xử dụng như công cụ.
Dòng Biển Ðức được tái lập tại Lituani.
Vilnius - Lituani [Apic 20/05/98] - Lần đầu tiên kể từ thế kỷ thứ 19, một tu viện Biển Ðức sẽ được mở cửa trở lại tại Lituani.
Bốn tu sĩ Lituani , gia nhập vào tu viện Solesmes tại Pháp sau khi chế độ cộng sản cáo chung tại Lituani, sẽ lên đường hồi hương cùng với 8 tu sĩ nguời Pháp. Họ sẽ thành lập một tu viện tại Palendriai, trong giáo phận Siaulai.
Cuộc sống tu viện đã biến mất tại Lituani từ đầu thế kỷ thứ 19, khi Nga Hoàng tung ra những cuộc bách hại đối với Giáo hội công giáo. Năm 1918, khi Lituani được độc lập, chỉ có những hội dòng hoạt động mới được mở cửa trở lại.
Các đài phát thanh giáo phận tại Pháp tỏ tình liên đới với các kitô hữu tại Algeri.
Lyon - Pháp [Apic 20/05/98] - Hệ thống liên giáo phận của các đài phát thanh công giáo tại Pháp tỏ tình liên đới với các tín hữu kitô tại Algeri.
Ðể đánh dấu hai năm ngày 7 tu sĩ nguời Pháp bị sát hại tại Tibhirine, các đài phát thanh công giáo của các giáo phận tại Pháp sẽ bày tỏ tình liên đới với các tín hữu tại Algeri bằng một loạt chương trình đặc biệt dự trù sẽ được truyền đi từ ngày 1 đến 7 tháng 6/1998 tới đây.
Trong các chương trình này, một số những bài thơ của tu sĩ Christophe, một trong những 7 tu sĩ bị sát hại, sẽ được một nguời bạn thân là tu sĩ Didier đọc. Ngoài ra, trong mục "nghệ thuật và đức tin", các đài phát thanh giáo phận cũng sẽ giới thiệu tu viện Conques. Ðây là một trong những trạm dừng chân bắt buộc của khách hành hương trên đường đến Saint Jacques de Compostelle, bên Tây Ban Nha.
60% dân chúng Bắc Ai Len ủng hộ thỏa ước hòa bình.
(AFP, Reuters 20/05/98) - Bắc Ai Len (Dublin) - 60% dân chúng Bắc Ai Len ủng hộ thỏa ước hòa bình, được mang ra trưng cầu dân ý vào thứ Sáu 22/05/98.
Trên đây là kết quả một cuộc thăm dò dư luận được công bố vào hôm thứ Năm. Con số trên đây cho thấy tỉ lệ người ủng hộ thỏa ước hòa bình tăng 4% so với kết quảcuộc thăm dò được thực hiện hồi tuần trước. Cuộc trưng cầu dân ý này được thực hiện cùng một ngày tại Bắc Ai Len với 1,2 triệu cử tri và tại Cộng Hòa Ai Len với 2,7 triệu cử tri. Ðây là thỏa ước hòa bình mà người ta hy vọng là sẽ kết thúc cuộc tranh chấp đẫm máu kéo dài từ gần ba thập niên qua giữa người Công Giáo và Tin Lành tại miền Bắc Ai Len. Thủ tướng Anh Quốc cũng như các lãnh tụ Tin Lành và Công Giáo hy vọng sẽ vận động được ít nhất là 70% tổng số cử tri bỏ phiếu ủng hộ thỏa hiệp này.
Tổng thống Clinton kêu gọi Cuba trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị.
(AFP 20/05/98) - Hoa Kỳ (Washington) - Thứ Tư 20/05/98, tổng thống Bill Clinton của Hoa Kỳ đã kêu gọi Cuba trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị đồng thời cho biết là Hoa Kỳ nhất quyết mưu tìm một cuộc chuyển tiếp sang chế độ dân chủ tại quốc gia cộng sản này.
Trong một sứ điệp đọc trên đài phát thanh Marti (Radio Marti) nhân ngày độc lập của Cuba, ông Clinton bày tỏ cảm nghĩ như sau: "Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm về những người đang gánh chịu cảnh tù đày ở Cuba. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Cuba trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị…. Cuba sẽ không bao giờ được tự do cho đến khi người dân trong nước được tự do phát biểu tư tưởng và tranh đấu cho những cải tổ cơ bản." Ông Clinton cũng ghi nhận thêm rằng Hoa Kỳ đã nới lỏng lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba như là một đáp ứng của Hoa Kỳ sau chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II, nhắm gia tăng viện trợ nhân đạo cho người dân Cuba, ủng hộ vai trò của giáo hội công giáo Cuba và các tổ chức khác trong xã hội dân sự. Ông khẳng định rằng Hoa Kỳ quyết tâm giúp Cuba đạt tới một cuộc chuyển tiếp ôn hòa từ chủ nghĩa cộng sản sang chế độ dân chủ.
Ngoài một đài truyền hình, đài phát thanh Marti là một trong các cơ quan truyền thông của người Cuba lưu vong với các chương trình phát về Cuba. Trụ sở các trung tâm truyền thông này được đặt tại thành phố Miami, thuộc bang Florida của Hoa Kỳ.
Dân chúng Colombia dành phút mặc niệm cho hòa giải dân tộc.
(CWN 20/05/98) - Colombia (Bogota) - Thứ Ba 19/05/98, giáo hội công giáo Colombia và các tổ chức phi chính phủ đã tổ chức một chương trình cổ động cho hòa bình và hòa giải tại nước này , bằng cách kêu gọi người dân Colombia ngưng tất cả một sinh hoạt vào buổi trưa để công khai bày tỏ sự phản đối của họ đứng trước tình trạng bạo động trong nước hiện nay.
Ðức Tổng Giám Mục Pedro Rubiano Saenz đã đưa ra lời kêu gọi như sau: "Chúng ta hãy gửi đi một sứ điệp mạnh và cảm động cho hòa bình, với hy vọng là sứ điệp này sẽ làm rung động tâm hồn những người đang chọn con đường bạo động và hủy hoại". Ða số các trường công giáo trên khắp Colombia đã hưởng ứng chiến dịch hòa bình này qua các cuộc diễn hành ôn hòa trên đường phố. Vào giữa trưa ngày thứ ba, chuông nhà thờ và nhà nguyện đã đổ lên, đánh dấu thời điểm mọi người yên lặng để cầu nguyện cho hòa bình.
Chiến dịch cổ võ cho hòa bình này được phát động theo sau vụ một xướng ngôn viên đài phát thanh, ông Bernabe Cortez, bị các kẻ lạ mặt hạ sát.
Ðức Hồng Y của Nicaragua kêu gọi các nhân viên y tế ngưng đình công.
(CWN 20/05/98) - Nicaragua (Managua) - Thứ Hai 18/05/98, Ðức Hồng Y Miguel Obando y Bravo, Tổng Giám Mục Managua, kêu gọi chính quyền Nicaragua và các nhân viên y tế hãy đối thoại tìm giải pháp để chấm dứt cuộc đình công của các nhân viên y tế. Ðây là cuộc đình công lâu dài nhất của các nhân viên y tế tại Nicaragua.
Cuộc đình công bắt đầu cách đây ba tháng với phía các nhân viên y tế đòi được tăng lương 500%. Cuối tuần qua, cuộc thương lượng giữa đại diện chính phủ và phe đình công đã thất bại. Cũng từ tuần qua, cuộc đình công đã bước vào giai đoạn bạo động, với sự ủng hộ của mặt trận Sandino, thuộc cánh tả. Chính phủ Nicaragua đã bắt giam bác sĩ Jose Gutierrez, một trong các lãnh tụ của phe đình công, về tội phá hoại. Cả hai phía đều mời Ðức Hồng Y Obando Bravo đứng ra làm trung gian hòa giải.
Cuộc đình công của các nhân viên y tế trong 3 tháng vừa qua đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động trong ngành y tế của chính phủ. Ðức Hồng Y Obando đưa ra lời kêu gọi như sau: "Ðiều cần nhất là vấn đề đòi tăng lương cần phải được giải quyết nội trong tuần này, bởi vì người dân nghèo và các bệnh nhân không thể chờ đợi thêm nữa". Trong lời nhắn gửi tới những người đình công, vị Tổng Giám Mục Managua xin họ hãy tránh bạo động. Ngài nói: "Nếu quí vị muốn bày tỏ lập trường của quí vị, thì hãy đình công một cách ôn hòa. Quí vị không cần bạo động và tất cả mọi cuộc đình công cũng đều phải tôn trọng quyền lợi của những người khác. Liên quan tới vấn đề một lãnh tụ của nhóm đình công bị bắt giữ, Ðức Hồng Y Obando yêu cầu chính phủ để cho ông này được săn sóc và điều trị tử tế vì có tin nói rằng bác sĩ Guetierrez mang bệnh và ông đang bị ngược đãi trong nhà giam.
ÐTC có thể viếng thăm Hồng Kông vào năm 1999.
(AFP 20/05/98) - Hồng Kông - Các chuyên gia về tình hình tôn giáo ở Trung Quốc đã hoan nghênh tin nói rằng ÐTC Gioan Phaolô II có thể sẽ viếng thăm Hồng Kông vào năm tới. Tại đây, ÐTC sẽ công bố kết quả của khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu vừa kết thúc tại Roma ngày 14/05/98.
Nữ tu Beatrice Lương Khiết Phân, giáo sư tại trường đại học Lingnan của Hồng Kông đã bày tỏ cảm nghĩ như sau: "Nếu Trung Quốc cho phép ÐTC đến Hồng Kông thì đây sẽ là một bước nhảy vọt trong quan hệ giữa TòaThánh và Trung Quốc. Sau mười năm thương lượng, giờ đây đang có bước tiến mới". Trung Quốc và Tòa Thánh không có quan hệ ngoại giao từ 4 thập niên qua, và nếu chuyến viếng thăm thực sự xảy ra thì đây quả là một biến cố vượt bực. Ông Daniel Overmyer, phụ tá phân khoa trưởng về tôn giáo tại một trường đại học ở Hồng Kông thì nói như sau: "Tôi hy vọng là ÐTC sẽ đến Hồng Kông. Tôi nghĩ rằng những gì có thể làm được để giải quyết tình trạng hiện nay giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, từ đó dẫn tới việc Trung Quốc cho phép người dân được quyền tự do tôn giáo, đều là tốt cả. Ông Overmyer cũng ghi nhận là chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba cũng như ở Ba Lan đều mang lại những cải tiến trên phương diện tôn trọng nhân quyền.
Trong khi đó bà Mary Yuen, thuộc Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình ở Hồng Kông, thì cho rằng, mặc dù Bắc Kinh mới đây đã trả tự do cho anh Wang Dan, một sinh viên bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Trung Quốc, nhưng nói chung thì các nhà lãnh đạo tôn giáo vẫn còn bị giam giữ. Tuy nhiên, chuyến công du của ÐTC sang Hồng Kông sẽ là động lực gia tăng tinh thần cho cộng đoàn công giáo tại Trung Quốc, cho dù chưa có tiến bộ cụ thể trong quan hệ chính thức giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh. Bà Mary Yuen ghi nhận thêm: "Giáo hội công giáo có ảnh hưởng rất lớn tại Âu Châu, trong khi Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với các nước Âu Châu. Ðây có thể là yếu tố sẽ được cứu xét tới.
Tin về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Hồng Kông chưa được chính thức xác nhận vì thế, hàng lãnh đạo giáo hội công giáo Hồng Kông cũng như Ủy Ban đặc trách về ngoại vụ của Trung Quốc tại Hồng Kông, chưa đưa ra lời phê bình nào về tin này.