Palestine cam kết
bảo đảm quyền của các tín
hữu kitô
ÐHY Ratzinger được
Pháp trao tặng Bắc Ðẩu Bội Tinh
Các Giám Mục Guatemala yêu
cầu đối thoại trực tiếp
Lễ nhậm chức của
tân giáo chủ chính thống Hy Lạp
Ðại Tá Roland Buchs, Vị
chỉ huy mới của Ðoàn Vệ
Binh
Tòa thượng thẩm
đình chỉ án tử hình anh
Ayub Masih
ÐHY Jaime Sin cảnh giác
dân chúng về nguy cơ gian lận
Ðức Cha Zeng Jingmu đang
bị bệnh nặng
Chỉ trích sự hiện
diện của người ngoại quốc
tại Chiapas
Tổ chức An Sinh Xã
Hội Ðại Kết được thành
lập tại Nhật Bản
Chính quyền Palestine cam kết bảo đảm quyền của các tín hữu kitô.
Bethlehem [Apic 12/5/98] - Một thỏa ước được dự trù ký kết giữa chính quyền Palestine và Tòa Thánh trong vòng 6 tháng tới, sẽ bảo đảm qui chế Pháp Lý cho Giáo Hội Công Giáo trong những vùng đất Palestine.
Thị trưởng Bethlehem là ông Hanna Nasser đã cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn công giáo Apic của Thụy Sĩ. Nhưng ông nói rằng hiện vẫn chưa đủ điều kiện để Ðức Thánh Cha có thể thực hiện chuyến viếng thăm tại Thánh Ðịa. Là một tín hữu công giáo, ông Nasser bảo đảm rằng chính quyền Palestine vẫn luôn có những quan hệ tốt với cộng động kitô giáo tại Thánh địa.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông thị trưởng Bethlehem bác bỏ những lời cáo buộc của các nhóm tin lành cực đoan tại Mỹ được các phương tiện truyền thông khai thác. Theo các nhóm tin lành này, chính quyền Palestine có thái độ chống kitô giáo, nhứt là đối với những nguời hồi giáo trở lại với kitô giáo. Thật ra, theo ông thị trưởng Bethlehem, vấn đề không đến từ chính quyền Palestine, mà từ phía xã hội hồi giáo, vốn không chấp nhận cho nguời hồi giáo rời bỏ tôn giáo của mình.
Ðức hồng y Ratzinger được chính phủ Pháp trao tặng Bắc Ðẩu Bội Tinh.
Roma [Apic 12/05/98] - Ðức hồng y Jozef Ratzinger, tổng trưởng bộ giáo lý đức tin, đã được chính phủ Pháp trao tặng Bắc Ðậu Bội Tinh. Hôm 11/05/98 vừa qua, nhân danh tổng thổng cộng hòa Pháp, ông Jean Louis Lucet, đại sứ Pháp bên cạnh Tòa Thánh, đã trao cho đức hồng y Ratzinger huy chương cao quí nhứt của nước Pháp. Nghi lễ đã diễn ra tại Tòa đại sứ Pháp trước sự hiện diện của một số nhân vật cấp cao của Vatican như các Ðức Hồng Y Etchegaray, Gantin, Poupard và Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Tauran, ngọai trưởng của Tòa Thánh. Trong bài diễn văn đáp từ, Ðức Hồng Y tổng trưởng bộ giáo lý đức tin cho biết ngay từ thiếu thời, ngài đã có một lòng mộ mến đặc biệt đối với Nước Pháp. Thi sĩ Paul Claudel là một trong những thi sĩ Pháp đã có một ảnh hưởng lớn trên cuộc đời của vị hồng y Ratzinger. Về mặt thần học, ngài nói rằng Ðức Hồng Y Henri de Lubac là một trong những quà tặng lớn nhứt trong cuộc đời của ngài. Ngài nói về vị hồng y nguời Pháp này như sau: "Nguời tín hữu kitô vĩ đại này đối với tôi là hiện thân của chủ nghĩa nhân bản kitô giáo đích thực có khả năng xây dựng một Âu Châu trong sự thông hiệp huynh đệ với tất cả mọi lục địa".
Các Giám Mục Guatemala yêu cầu đối thoại trực tiếp với chính phủ.
(CWN 12/05/98) - Guatemala (TP Guatemala) - Sau khi từ chối lời mời tham dự vào ủy ban điều tra vụ sát hại Ðức Cha Gerardi Conedera, thứ Hai vừa qua (11/05/98), Hội Ðồng Giám Mục Guatemala đã yêu cầu chính phủ thiết lập một đường giây đối thoại trực tiếp giữa chính phủ và Hội Ðồng Giám Mục Guatemala.
Hội Ðồng Giám Mục Guatemala vừa kết thúc khóa họp khoáng đại thường niên. Một phát ngôn viên của Hội Ðồng Giám Mục giải thích rằng việc các Giám Mục từ chối tham gia vào ủy ban điều tra không có nghĩa là giáo hội không quan tâm tới vụ án, nhưng Hội Ðồng Giám Mục khuyến khích chính phủ tiến hành cuộc điều tra và tìm ra những thủ phạm gây nên tội ác đáng ghê tởm này.
Trong một thông cáo được công bố, các Giám Mục Guatemala nghĩ rằng việc tham gia vào ủy ban điều tra không phải là sứ mạng của giáo hội. Giáo hội không muốn trở thành một thẩm phán hay là người xét xử cung cách hoạt động của một cơ chế dân sự. Trái lại, các Giám Mục tin rằng Ủy Ban điều tra cần hoạt động độc lập và kiến hiệu bởi vì đây là dấu hiệu của sự thăng tiến trong nền dân chủ.
Sau cùng bản thông cáo ghi nhận, mối quan hệ bền vững mà các Giám Mục mong đợi được xây dựng với chính phủ là cách thức tốt đẹp nhứt để trao đổi mối quan tâm chung và mong đợi của cả hai phía liên quan tới vụ sát hại Ðức Cha Gerardi cũng như các vấn đề khác nữa trong tương lai.
Lễ nhậm chức của tân giáo chủ chính thống Hy Lạp.
(CWN 12/05/98) - Hy Lạp (Athens) - Tân giáo chủ chính thống Hy Lạp, đức thượng phụ Chritodoulos đã chính thức nhận tòa trong một nghi lễ diễn ra vào hôm thứ Bảy (9/05/98).
Ðức thượng phụ Chritodoulos, 59 tuổi, lên thay thế Ðức thượng phụ Seraphim, người đã giữ quyền lãnh đạo giáo hội chính thống Hy Lạp trong 24 năm. Trong bài diễn văn tại lễ nhậm chức, vị tân giáo chủ chính thống Hy Lạp cho biết ngài muốn đến với giới trẻ, là thành phần đang chịu nhiều thử thách trong một thời đại thiếu ý thức về luân lý và giá trị. Qua thế đứng vững mạnh của mình trong một xã hội có 98% dân số theo chính thống giáo, giáo hội chính thống Hy Lạp cần phải đối phó với các vấn nạn như bệnh liệt kháng, xử dụng ma túy và kỳ thị. Ðức thượng phụ Christodoulos nói như sau: "Những nhu cầu cải tổ trong giáo hội đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận với những tiến bộ trong thời đại kỹ thuật hiện nay, đồng thời chúng ta nên cảnh giác đừng khép kín chính mình với xã hội bên ngoài.
Ðức thượng phụ Christodoulos cũng bênh vực vị thế của giáo hội trong tư cách là tôn giáo chính của Hy Lạp. Hy Lạp là quốc gia duy nhứt trong cộng đồng Âu Châu có tôn giáo chính là Chính Thống Giáo. Ngài cũng cảnh giác trước những toan tính muốn tách rời chính thống giáo ra khỏi nền văn hóa của Hy Lạp (Hellenism). Mới đây khoảng 50 dân biểu quốc hội đã đề nghị chính phủ ghi thêm vào trong hiến pháp quốc gia điều khoản tách rời chính phủ với giáo hội chính thống (separation of church and state), đồng thời nghiêm cấm các chính trị gia tuyên thệ trung thành với giáo hội.
Ðại Tá Roland Buchs, Vị chỉ huy mới của Ðoàn Vệ Binh Thụy Sĩ tại Vatican.
Vatican - 12.05.98 - Ðại Tá Roland Buchs, được gọi trở lại Vatican để chỉ huy Ðoàn Vệï Binh Thụy Sĩ, thay thế Ðại Tá Estermann, người kế vị Ông, đã bị sát hại cùng với bà vợ, chiều tối mồng 4.05.98 trong Nội Thành Vatican, trước ngày Lễ của Ðoàn Vệ Binh (6.05.98), và cũng là ngày lễ tựu chức của Ðại Tá Estermann và lễ tuyên thệ của các tân binh.
Ðại Tá Roland Buchs cho phổ biến mộât thông cáo về biến cố thê thảm xẩy ra ngày 4.05.98 vừa qua, khi được tái bổ nhiệm giữ chức vụ chỉ huy. Thông cáo được ký ngày mồng 6.05.98 vừa qua, ngày lễ của Ðoàn Vệ Binh Thụy Sĩ và cũng là ngày tuyên thệ của các tân binh, nhưng thông cáo chỉ được phổ biến vào thứ Ba 12.05.98.
Thông cáo viết: "Cuộc thảm sát trên đã gây nên đau đớn vô cùng lớn lao và sẽ không ai hiểu được; chỉ có Thiên Chúa biết trả lời cho các vấn nạn của chúng ta mà thôi".
Ðại tá Roland Buchs trước đây đã chỉ huy Ðoàn Vệ binh Thụy Sĩ trong 15 năm. Năm ngoái 1997, ông xin từ chức, để trở về Thụy Sĩ nhận một chức vụ mới do Chính Phủ Liên Bang Thụy Sĩ trao phó cho. Nhưng sau vụ sát hại Ðại Tá Estermnann, Ðại Tá Roland Buchs đã sẵn sàng trở lại chức vụ chỉ huy Ðoàn Vệ Binh nhỏ bé nhất trên thế giới (gồm khoảng 100 người).
Với giọng cương quyết và nghiêm khắc, Ðại Tá Roland Buchs viết: "Trong giờ phút giông tố, Ðoàn Vệ Binh Thụy Sĩ của Ðức Giáo Hoàng ý thức rõ ràng về nhiệm vụ của mình và nhớ lại lời tuyên thệ dưới lá cờ sống lòng trung thành. Mỗi người trong chúng ta, trong sự hoàn toàn tự do và trong cân nhắc cẩn thận, với tinh thần đức tin và phục vụ, đã dành thì giờ và mạng sống để phục vụ ÐTC trong việc bảo vệ Ngài. Chúng ta đã tuyên thệ như vậy". Ðại tá viết tiếp: "Vì lý do này chúng ta ở đây, luôn luôn và cả hôm nay, lúc này đây. Tin tưởng vào sự giúp đỡ của Thiên Chúa, Ðoàn Vệ Binh xiết chặt chung quanh ÐTC với yêu mến, can đảm và trung thành. Trong sự hiến thân hoàn toàn, chúng ta phục vụ để bảo đảm sự an ninh của ÐTC, của các vị cộng tác của Ngài và của nơi ở của Ngài. Với sự phục tùng và trung tín mỗi nguời trong chúng ta vâng phục bề trên của mình và mệnh lệnh lãnh nhận".
Và để kính nhớ cách tốt hơn cả vị chỉ huy của mình đã qua đi, đối với các thành viên của Ðoàn Vệ Binh, Ðại Tá Buchs viết: "Qua việc chu toàn đầy đủ và gương mẫu bổn phận, cách hữu hình và vô hình, ngày đêm, trong cả năm, trong giờ căng thẳng nhiều và trong những giờ phút bình thản, với hãnh diện và can đảm và trong tín nhiệm tuyệt đối, mỗi một thành viên của Ðoàn vệ Binh Thụy Sĩ của Ðức Giáo Hoàng, tưởng nhớ Vị Chỉ Huy chết đi trong phục vụ".
Và sau đây là lời tuyên bố của Ðại Tá Roland Buchs trên đài Phát thanh Vatican ngày 12.05.98:
"Ðoàn Vệ binh Thụy Sĩ sẽ tiếp tục công việc riêng của mình. ÐTC Gioan Phaolô II đã xác nhận, qua Vị Quốc Vụ Khanh của Ngài, là Ðức Hồng Y Angelo Sodano, (xác nhận) sự tín nhiệm hoàn toàn của Ngài và Ngài cảm ơn Ðoàn vệ binh về việc phục vụ trung thành và tận tụy. Ðoàn Vệ Binh Thụy Sĩ sẽ tiếp tục nhiệm vụ của mình như đã làm luôn mãi trước chúng tôi, bởi từng trăm, từng ngàn thanh niên đã phục vụ trong Ðoàn, để bảo vệ an ninh ÐTC và Giáo Hội. Dĩ nhiên nhiệm vụ của chúng tôi sẽ tiếp tục".
Tòa thượng thẩm Pakistan đình chỉ án tử hình anh Ayub Masih.
(AFP, Reuters 12/05/98) - Pakistan (Multan) - Thứ Ba 12/05/98, tòa thượng thẩm tại Multan bên Pakistan đã ra lệnh đình chỉ án tử hình anh Ayub Masih, một tín hữu công giáo bị kết án tử hình về tội xúc phạm tới tiên tri Mohammed của Hồi Giáo. Hai vị thẩm phán ra lệnh đình chỉ án tử hình theo lời yêu cầu của vị luật sư đại diện cho anh Masih, cho đến khi nào phán quyết về đơn kháng án của anh Masih được công bố. Các nguồn tin từ tòa thượng thẩm cho biết đơn kháng án của anh Masih sẽ được cứu xét vào tháng tới.
Một tòa án địa phương ở thị trấn Sawahil đã phạt tử hình anh Masih ngày 27/04/98 vừa qua và thứ Tư tuần trước, mùng 6/05/98, Ðức Cha John Joseph, Giám Mục Faisalabad, đã tự kết liễu mạng sống ngay tại sân tòa án ở Sawahil để phản đối án phạt cũng như luật phạm thượng ở Pakistan. Ðức Cha Joseph là nhân vật đã tranh đấu quyết liệt đòi bãi bỏ đạo luật này. Cái chết của ngài được coi là một gương hy sinh cho chính nghĩa bảo vệ quyền lợi của người Kitô giáo thiểu số tại Pakistan.
Trong khi đó, cảnh sát Pakistan cho biết là họ đã bắt giữ 26 người Kitô giáo ở thành phố Multan, nằm trong đoàn người biểu tình đòi bãi bỏ luật phạm thượng.
Ðức Hồng Y Jaime Sin cảnh giác dân chúng về nguy cơ gian lận trong giai đoạn đếm phiếu.
(AFP 12/05/98) - Philippines (Manila) - Thứ Ba 12/05/98, Ðức Hồng Y Jaime Sin, Tổng Giám Mục Manila, một lần nữa đã lên tiếng cảnh giác dân chúng về nguy cơ gian lận trong giai đoạn đếm phiếu. Hôm thứ Hai 11/05/98, dân chúng Philippines đã đi bỏ phiếu chọn một vị tổng thống mới. Trong lúc này, cuộc đếm phiếu đang diễn ra và kết quả sơ khởi cho thấy ứng cử viên của phe đối lập là ông Joseph Estrada đang dẫn đầu rất xa so với ứng cử viên do tổng thống Fidel Ramos chọn. Theo dự trù phải mất từ hai tới bốn tuần mới có thể biết rõ ai là người thắng cuộc và giai đoạn đếm phiếu là lúc các vụ gian lận thường hay xảy ra.
Trong một thông cáo đưa ra vào thứ Ba 12/05/98, Ðức Hồng Y Jaime Sin cho rằng nguy cơ gian lận vẫn còn có thể xảy ra, dù rằng cuộc bầu cử đã kết thúc. Ngài kêu gọi chính phủ cũng như dân chúng hãy đảm bảo trật tự và ôn hòa để cuộc đếm phiếu được thực hiện cách công minh. Các cuộc thăm dò dư luận sau cuộc bầu cử cho thấy ông Joseph Estrada dẫn rất xa ửng cử viên của đảng đương cầm quyền là ông Jose de Venecia, cựu chủ tịch quốc hội Philippines. Ông De Venecia đã lên án việc thực hiện các cuộc thăm dò dư luận sau bầu cử, khi mà nó cho thấy chiều hướng là ông sẽ bị thất cử. Theo ông đây là một cách mà phe đối lập đang lợi dụng để gieo vào tâm trí của người dân rằng ông Joseph Estrada sẽ là vị tổng thống kế tiếp của Philippines. Về điểm này, Ðức Hồng Y Sin ghi nhận như sau: "Chúng ta phải luôn luôn bảo vệ quyền được thông tin của dân chúng, tuy nhiên chúng ta cũng phải cảnh giác họ về những thông tin sai lạc, bởi vì lịch sử đã chứng minh rằng đây là cách thức mà các thế lực xấu dùng để phá hoại ý muốn của người dân. Tất cả mọi người cần phải tỉnh thức và kiên nhẫn".
Ðức Cha Zeng Jingmu đang bị bệnh nặng.
(AFP 12/05/98) - Trung Quốc (Bắc Kinh) - Ðức Cha Zeng Jingmu, Giám Mục Du Giang thuộc tỉnh Giang Tây, đang bị bệnh rất nặng sau hai năm chịu án tại một trại cải tạo lao động. Tin tức cho biết nhà cầm quyền Trung Quốc đã trả tự do cho Ðức Cha vào hôm thứ Bảy 9/05/98, nhưng trên thực tế ngài đang bị quản thúc tại gia và nơi ngài đang ở hiện giờ luôn có nhân viên an ninh túc trực.
Ðức Hồng Y Cung Phần Mai, Giám Mục Thượng Hải, hiện đang sống lưu vong bên Hoa Kỳ, đã cho hãng thông tấn AFP biết như trên qua một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại. Ðức Hồng Y Cung Phần Mai cho biết thêm kể từ sau khi ngài bị bắt lại vào năm 1995, Ðức Cha Zeng Jingmu đã bị sưng phổi và bệnh đường ruột rất nghiêm trọng. Mặc dù không biết rõ thực hư bệnh trạng của Ðức Cha Zeng trong lúc này nhưng Ðức Hồng Y Cung Phần Mai được thông báo là sức khỏe của Ðức Cha Zeng đang trong tình trạng nguy kịch.
Theo tin ghi nhận Ðức Cha Zeng được ra khỏi trại cải tạo sớm hơn gần một năm về điểm này, các giới chức tại trại cải tạo nói rằng Ðức Cha Zeng được miễn lao động vì tình trạng sức khỏe của ngài nhưng án tù của ngài chưa hết, và như thế ngài sẽ tiếp tục bị giam tại gia cho đến hết án tù. Án tù 3 năm của Ðức Cha sẽ kết thúc vào tháng 3/1998 năm tới.
Ðức Tổng Giám Mục người Mêhicô chỉ trích sự hiện diện của người ngoại quốc tại bang Chiapas.
(CWN 12/05/98) - Mêhicô (Mehico City) - Ðức Tổng Giám Mục Emilio Berlie Belaunzaran, Tổng Giám Mục Yucatan bên Mehicô vừa lên tiếng chỉ trích sự hiện diện của những người mà ngài cho là đã "tự xưng mình là các nhà quan sát ngoại quốc", tại bang Chiapas.
Trong thời gian gần đây, chính phủ Mêhicô đã trục xuất nhiều người ngoại quốc, đa số từ Hoa Kỳ và Âu Châu, vì đã vi phạm lệnh cấm tới bang Chiapas. Họ là những nhà quan sát quốc tế đến để theo dõi tình hình cuộc tranh chấp giữa lực lượng Zapatista và chính phủ Mêhicô. Bộ nội vụ Mêhicô cáo buộc rằng các nhà quan sát quốc tế này đang can dự vào chuyện nội bộ của quốc gia. Chúa Nhật vừa qua (10/05/98), một nhóm 70 người Ý đã bị chính quyền Mêhicô trục xuất.
Ðức Tổng Giám Mục Emilio Belaunzaran lên tiếng bênh vực việc trục xuất này khi ngài nói như sau: "Luật di trú của Mêhicô rất rõ ràng và luật này phải được áp dụng đối với những du khách nước ngoài đến Mêhicô với những lý do khác hơn là những gì đã được ghi trong chiếu khán hay giấy thông hành của họ. Một số người đã tự xưng mình là những nhà quan sát quốc tế. Họ đến để dạy chúng tôi phải tổ chức điều hành đất nước như thế nào, cho dù họ không có chút hiểu biết nào về vấn đề này. Ðúng ra họ phải ở lại quê hương và giúp giải quyết những vấn đề ngay tại quốc gia của họ".
Ðức Tổng Giám Mục Belaunzaran khẳng định rằng ngài không chống đối những nhà quan sát quốc tế chính hiệu đến để theo dõi tình hình tại bang Chiapas, tuy nhiên họ phải là những người có thực chất, thẩm quyền luân lý và được nể trọng theo đúng vai trò của họ.
Tổ chức An Sinh Xã Hội Ðại Kết được thành lập tại Nhật Bản.
(UCAN JA9872.0975 12/05/98) - Nhật Bản (Tokyo) - Một tổ Chức An Sinh Xã Hội Ðại Kết vừa được thành lập tại Nhật Bản. Số thành viên của tổ chức khoảng hơn 100, thuộc 11 giáo hội Kitô tại Nhật, trong số này có cả đại diện trong Ủy Ban An Sinh Xã Hội của Hội Ðồng Giám Mục Nhật.
Tổ chức nói trên lấy tên là "Hội Ðồng Kitô Giáo về An Sinh Xã Hội trong thế kỷ 21". Trong nghi lễ tổ chức lại Trường Ðại Học Tin Lành Luther ở thủ đô Tokyo ngày 14/03/98 vừa qua, các tham dự viên đã lắng nghe bài thuyết trình của Linh Mục Koichi Kasuya, mang tựa đề "Dùng cho thế 21 những gì chúng ta học được từ Mẹ Têrêsa thành Calcutta". Theo Linh Mục Kasuya, trọng tâm của công tác an sinh xã hội là sự xác quyết rằng chính chúng ta cũng là những người cần được chữa lành. Bất cứ một hoạt động xã hội nào bắt đầu với ý tưởng là để cứu vớt những người đáng thương, sẽ bị thất bại.