Giám Mục
Ấn Ðộ lên tiếng về vụ
tự sát của ÐC Joseph
25 ngàn người đã
tham dự lễ an táng Ðức Cha
Joseph
Giám Mục Trung Quốc ra tù
nhưng bị giam tại gia
Về việc các linh mục
tham gia hoạt động chính trị
Tài liệu về các
nạn nhân của cuộc nội chiến tại
Guatemala
Các Giám Mục Ấn Ðộ lên tiếng về vụ tự sát của Ðức Cha John Joseph.
(UCAN PA0048.0975 11/05/98) - Vatican - Các Giám Mục Ấn Ðộ đang tham dự khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu không thể hiểu được tại sao Ðức Cha John Joseph, Giám Mục Faisalabad, tự kết liễu mạng sống ngày 6/05/98 vừa qua.
Lên tiếng với các ký giả nhân buổi họp báo về khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu hôm thứ Sáu (8/05/98), Ðức Cha Valerian D'Souza, Giám Mục Poona của Ấn Ðộ, cho rằng tuy các Giám Mục Ấn Ðộ không hiểu hết tâm tình của Ðức Cha Joseph, nhưng có một vài yếu tố có thể giải thích hành động của ngài. Một trong các yếu tố đó là bởi vì Ðức Cha Joseph là người con đầu tiên của bang Punjad thụ phong linh mục và sau đó được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Faisalabad, cho nên Ðức Cha Joseph rất nhạy cảm với hoàn cảnh của anh Ayub Masih, một người cũng thuộc bang Punjab như ngài, khi anh bị tòa án tuyên phạt tử hình về tội phạm thượng. Ðức Cha Joseph tin rằng anh Masih bị xử phạt bất công, bởi vì người Hồi Giáo muốn dùng luật phạm thượng để trả thù anh về một vụ tranh giành đất đai. Là một nhà tranh đấu mãnh liệt cho công bằng xã hội, Ðức Cha Joseph sẵn sàng hy sinh, dù luôn cả tính mạng của mình, để đòi công lý.
Ðức Cha D'Souza giải thích thêm rằng vấn đề ở đây không phải hành động tự sát của Ðức Cha Joseph, nhưng chủ yếu người ta phải nghĩ tới luật phạm thượng bất công mà Ðức Cha Joseph đã cực lực lên án, và sự lên án này được biểu hiện qua chính cái chết của ngài.
Trong khi đó, các Giám Mục Pakistan tham dự khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đã kêu gọi các nghị phụ lên tiếng phản đối tình trạng bách hại người Kitô thiểu số tại Pakistan, và đặc biệt đòi chính phủ Pakistan bãi bỏ luật phạm thượng. Lá thư của các Giám Mục Pakistan được công bố ngày 8/05/98, và gửi tới các nghị phụ cũng như các tham dự viên tại khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Hưởng ứng lời kêu gọi này, một số nghị phụ, các vị bề trên cũng như đại diện cho các dòng tu, đã gửi thư cho ủy ban công lý và hòa bình tại nguyên quán, cũng như các hội dòng, yêu cầu chính phủ Pakistan có hành động cụ thể liên quan tới luật phạm thượng ở nước này.
Khoảng 25 ngàn người đã tham dự lễ an táng Ðức Cha phụ tá Faisalabad.
(UCAN PA0048.0975 11/05/98) - Vatican - Bản tin của hãng thông tấn UCAN gửi đi từ Faisalabad hôm thứ Hai 11/05/98 cho biết, khoảng 25 ngàn người đã tham dự lễ an táng Ðức Cha phụ tá Faisalabad. Trong thánh lễ tại làng Khuspur, quê quán của Ðức Cha, Ðức Tổng Giám Mục Renzo Fratini, sứ thần Tòa Thánh tại Pakistan đã đọc điện văn chia buồn của ÐTC Gioan Phaolô II với gia đình của Ðức Cha Joseph và toàn thể cộng đồng tín hữu tại Pakistan. ÐTC bày tỏ hy vọng rằng cuộc đấu tranh đòi công lý và tôn trọng quyền của người dân, sẽ đạt được hoa quả. Về phần mình cựu thủ tướng Pakistan và lãnh tụ đảng đối lập, bà Benazir Bhutto đã gọi Ðức Cha Joseph là một nhà tranh đấu cho nhân quyền vĩ đại. Cái chết của Ðức Cha biểu lộ niềm tuyệt vọng của cộng đoàn kitô thiểu số trước sự lạm dụng luật phạm thượng từ phía người Hồi Giáo cực đoan.
Giám Mục Trung Quốc ra tù nhưng bị giam tại gia.
Trung Quốc (Bắc Kinh) [11/05/98] - Nhà cầm quyền Trung Quốc vừa trả tự do cho một vị Giám Mục và một Linh Mục thuộc giáo hội thầm lặng, nhưng vị Giám Mục vẫn tiếp tục bị giam tại gia.
Hội Cung Phần Mai đã cho biết như trên trong một điện thư gửi cho các ký giả ngoại quốc ở Bắc Kinh vào thứ Hai 11/05/98. Ðức Cha Zeng Jingmu, 78 tuổi, Giám Mục Du Giang (Yujiang) thuộc tỉnh Giang Tây (Jiangxi), vừa ra khỏi trại cải tạo hôm thứ Bảy vừa qua (9/05/98). Cùng được thả với Ðức Cha có linh mục Lu Genyou, thuộc giáo phận Bảo Ðịnh ở tỉnh Hà Bắc. Bức điện thư của Hội Cung Phần Mai viết như sau: "ÐC Zeng Jingmu knông được phép gặp bất cứ ai ngoại trừ các thân nhân rất gần với ngài. Ngài đang bị bệnh nặng. Sự kiện Ðức Cha được ra khỏi trại cải tạo và chuyển về giam tại gia khó có thể được gọi là một sự trả tự do thực sự."
Ðức Cha Zeng thụ phong linh mục năm 1949 và được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận Du Giang vào năm 1990. Ðức Cha đã bị bắt giam nhiều lần vì các công tác mục vụ của ngài, tính từ năm 1955 cho đến nay Ðức Cha đã ngồi tù tổng cộng 32 năm. Từ năm 1994 đến năm 1998, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt đi bắt lại Ðức Cha nhiều lần. Bức điện thư của Hội Cung Phần Mai nói tiếp: "Chính phủ Trung Quốc phải trả tự do hoàn toàn cho Ðức Cha Zeng trong những năm cuối đời của ngài, để ngài thi hành các bổn phận chủ chăn của ngài mà không gặp phải bất cứ sự can thiệp nào từ chính phủ".
Chúa Nhật vừa qua (10/05/98), các nhà lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ cũng đã loan tin về việc trả tự do cho Ðức Cha Zeng. Rabbi Arthur Schneier của Do Thái Giáo, một trong ba nhà lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ cầm đầu phái đoàn viếng thăm Trung Quốc dạo tháng 2 vừa qua cho biết, Ðức Cha Zeng là một trong các nhân vật hàng đầu của danh sách mà phái đoàn đã trao cho chính quyền Bắc Kinh xin cho họ được trả tự do. Danh sách bao gồm các nhân vật mà phái đoàn tin là bị bắt giữ vì lý do đức tin. Sự kiện nhà cầm quyền Bắc Kinh trả tự cho cho một vị Giám Mục được coi như là một cử chỉ nhắm thoa dịu dư luận ở Hoa Kỳ trước ngày tổng thống Bill Clinton viếng thăm Trung Quốc vào tháng Sáu 1998 tới đây. Về điểm này, Rabbi Schneier ghi nhận như sau: "Bất cứ một tiến bộ nào trong vấn đề tự do tôn giáo, mà phái đoàn chúng tôi đã đề cập với chính quyền Bắc Kinh, đều có tác động tới quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, quan hệ này sẽ đạt cao điểm bằng chuyến viếng thăm của tổng thống Clinton vào tháng 6/1998 tới đây."
Các đức giám mục Brasil không nhứt trí về việc các linh mục tham gia hoạt động chính trị.
Sao Paolo [Apic 11/5/98] - Theo một bảng báo cáo mới đây của Ủy Ban Giáo Sĩ toàn quốc, hiện ngày càng có nhiều linh mục Brasil tham gia vào các hoạt động chính trị. Trên toàn quốc có trên 50 linh mục đang giữ những chức vụ như phường, xã trưởng, dân biểu của Bang hoặc ngay cả của Liên Bang. Hiện cũng đã trên 50 linh mục khác đang tham khảo ý kiến của giám mục liên hệ để ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 tới đây.
Theo linh mục Valderi da Rocha, chủ tịch của Ủy Ban Giáo Sĩ toàn quốc, vấn đề này gây nhiều tranh cải sôi nổi không những nơi các linh mục mà ngay cả giáo dân. Một số nguời cho rằng chính trị không phải là nơi để linh mục dấn thân vào. Một số khác lại không thấy có bất cứ ngăn trở nào cho hoạt động chính trị của linh mục. Vấn đề cũng đã được các đức giám mục Brasil đem ra thảo luận tại khóa họp thường niên hồi cuối tháng 4/1998 vừa qua tại Itaici, gần Sao Paolo.
Ngay từ đầu phiên họp, Ðức Cha Murilo Krieger, chủ tịch ban thư ký của bang Parana, vốn là bang có nhiều linh mục hoạt động trong các đảng phái chính trị nhứt, đã hứa trình bày một tài liệu về việc tham gia chính trị của các linh mục. Các Ðức giám mục Parana đã không tán thành hoạt động chính trị của các linh mục. Lập trường của các đức giám mục bang Parana cũng được sự hậu thuẩn của Ðức Cha Alfio Rapisarda, sứ thần Tòa Thánh tại Brasil.
Tuy nhiên, khi biểu quyết, các đức giám mục Brasil đã không nhứt trí về việc cấm các linh mục tham gia hoạt động chính trị. Nhiều vị yêu cầu để cho mỗi giám mục được tự do quyết định cho hay không cho phép linh mục của mình được họat động chính trị. Nhiều giám mục trích dẫn số 285 và 287 về việc cấm các linh mục không được nắm giữ các chức vụ công quyền hay tham gia trong các đảng phái chính trị, tuy nhiên lại nói rằng Giáo luật vẫn tiên liệu trường hợp đặc biệt khi công ích đòi hỏi, giáo quyền có thể cho phép linh mục tham gia chính trị.
Tài liệu về các nạn nhân của cuộc nội chiến tại Guatemala được đức Cha Gerardi công bố trước khi bị sát hại.
Guatemala [Apic 11/5/98] - Tài liệu về các nạn nhân của cuộc nội chiến tại Guatemala đã được đức cha Gerardi Conedera cho công bố hôm 24/04/98 vừa qua, trước khi bị sát hại hai ngày sau đó.
Với tự đề "Guatemala: đừng bao giờ tái diễn nữa", tài liệu ghi lại 30 năm khủng bố tra tấn mà nạn nhân chính là các thường dân. Trong hơn 30 năm nội chiến, đã có khoảng 150 ngàn nguời bị sát hại và hơn 50 ngàn nguời bị mất tích.
Vài giờ trước khi chết, Ðức Cha Gerardi, giám mục phụ tá tổng giáo phận Guatemala đã đọc một vài đoạn trích dẫn từ tài liệu nói trên trong nhà thờ chính tòa thủ đô. Trong tài liệu, đức cha Gerardi đã tố cáo các vụ bắt cóc, buôn bán ma túy do giới quân nhân chủ trương.
Tài liệu được Ðức Cha thu thập trong vòng ba năm gồm 1,700 trang, với chứng từ của trên 5000 nguời và 37 ngàn vụ bạo động từ năm 1960 đến năm 1996.