Hội Ðồng
đại kết các Giáo Hội Kitô
tổ chức tại Zimbabwe
Vị chỉ huy Ðoàn Vệï
Binh Thụy Sĩ tại Vatican bị sát hại
800 Bề Trên Tổng Quyền
tham dự Hội Nghị Quốc Tế
Một số Giáo Hội Chính Thống tẩy chay một phần của hội nghị do Hội Ðồng đại kết các Giáo Hội Kitô tổ chức tại Zimbabwe.
Geneve [Apic 5/05/98] - Một số Giáo Hội Chính Thống quyết định tẩy chay một phần của Hội Nghị do Hội Ðồng đại kết các Giáo Hội Kitô tổ chức tại Harare, Zimbabwe vào tháng 12/1998.
Trong một cuộc gặp gỡ tại Thessalonica, Hy Lạp, từ ngày 29/04/98 đến 2/05/98 vừa qua, đại diện cấp cao của 15 giáo hội Chính Thống đã yêu cầu các Giáo Hội Chính Thống không nên tham dự vào các buổi phụng vụ và cầu nguyện tại Hội Nghị. Cả 15 Giáo Hội Chính Thống có đại diện trong cuộc gặp gỡ tại Thessalonica đều là thành viên toàn phần của Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô.
Cuộc gặp gỡ tại Thessalonica đã diễn ra tiếp theo sau một năm đầy bất mãn trong các Giáo Hội Chính Thống vì các hoạt động của Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô. Ðối với các Giáo Hội Chính Thống, các hoạt động, đường lối và cách cử hành phụng vụ của Hội Ðồng đại kết thường chỉ phản ánh những quan tâm của các thành viên Tin Lành mà thôi. Việc xử dụng "ngôn ngữ bao gồm", sự hiện diện của các nữ linh mục và nữ mục sư trong các buổi cầu nguyện chung, cũng như việc thảo luận, về các đề tài như đồng tính luyến ái là những lý do tạo ra sự bất mãn nơi các Giáo Hội Chính Thống.
Vị chỉ huy Ðoàn Vệï Binh Thụy Sĩ trong Nội Thành Vatican bị sát hại.
Vatican - 5.05.98 - Tất cả bản tin của Ðài Vatican hôm thứ Ba 5.05.98, dành để nói về vụ sát hại Ðại Tá Alois Estermann, vừa được ÐTC bổ nhiệm hôm thứ Hai 4.05.98 làm Chỉ Huy Ðoàn Vệ Binh Thụy Sĩ.
Vụ sát hại xẩy ra vào lúc 9 giờ tối thứ Hai 4.05.98, giờ Roma, ngay tại nhà của Viên Chỉ Huy trong Nội Thành Vatican. Cùng bị sát hại với Ðại Tá Alois Estermann có bà vợ của Ông, người Venezuela, trước đây là công chức của Sứ Quán Venezuela ở Roma. Bên cạnh hai vợ chồng đại tá, còn có một hạ sĩ quan, Cedric Tornay, nằm chết trên một khẩu súng lục.
Theo cuộc điều tra, thì viên hạ sĩ quan này đã hạ sát hai vợ chồng Ðại Tá Alois Estermann và sau đó anh đã dùng chính vũ khí này để tự tử.
Trong cuộc họp báo sáng thứ Ba 5.05.98, Tiến Sĩ Navarro Valls, Giám Ðốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, tuyên bố: "Luật sư Marrone, vị thẩm phán duy nhất của Quốc Gia Thành phố Vatican, là người chỉ huy vụ điều tra. Vị Thẩm phán đã ra lệnh khám nghiệm ba thi hài. Vì chưa biết rõ các lý do chính xác, vì thủ phạm cũng tự sát, Ông chỉ có thể đưa ra giả thuyết này là: hạ sĩ quan kia "nổi cơn điên", nên đã hành động như vậy, một hành động từ gần 500 năm nay, nghĩa là từ năm thành lập Ðoàn Vệï Binh Thụy Sĩ vào năm 1506, dưới Triều Giáo Hoàng của Ðức Giulio II đến nay, thì chưa bao giờ xẩy ra trong Nội Thành Vatican một vụ ám hại như vậy. Một hành động đã gây xúc động và đau buồn nhiều cho ÐTC, cho thanh danh Ðoàn Vệ Binh Thụy Sĩ tại Vatican, cho Gia Ðình, cho Giáo Hội tại Thụy Sĩ và cho Chính Phủ Liên Bang Thụy Sĩ.
Khi được Ðức Cha Stanislao Dziwisz, thư ký riêng báo tin, ÐTC rất đau đớn và hết sức ngạc nhiên. Ngài vào nhà nguyện riêng cầu nguyện cho linh hồn các người đã chết và cho gia đình, cho Ðoàn Vệï Binh Thụy Sĩ và cho tất cả những ai đau đớn về cái chết này. Trong bức điện văn gửi cho cha mẹ của Ðại Tá Alois Estermann, ÐTC bày tỏ sự đau đớn sâu xa của ngài trước một tin hầu như không có thể tin được như vậy.
ÐTC viết thêm: "Trong một tình hình, xét theo phương diện loài người, không thể hiểu được, tôi đem đến trước Tòa Chúa, Chúa của sự sống và sự chết, những câu hỏi và sự đau đớn nơi mọi người trong những ngày này. Trong niềm hy vọng của Phục Sinh, Tôi ban phép lành đặc biệt cho Ông, Bà và cho tất cả những ai cùng đau khổ với Ông, Bà".
Ðức Cha Amédée Grab, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Thụy Sĩ tuyên bố: "Ðây là một sự đau đớn quá lớn lao, trước vụ vừa xẩy ra". Ngài gọi Ðại Tá Alois Estermann là một người ngay thẳng, trung thành và có một đời sống liêm khiết rất đáng cảm phục".
Hội Ðồng Liên Bang Thụy Sĩ, trong một thông cáo, cũng đã cho biết là đã nhận được tin thê thảm kia với sự đau buồn lớn lao và đồng thời gửi điện văn chia buồn với gia đình các nạn nhân và với Ðoàn Vệ Binh Thụy Sĩ tại Vatican. Hội Ðồng Liên Bang Thụy Sĩ khuyên các vệ binh can đảm để lướt thắng thảm kịch vô cùng đau đớn này gây nên cho cả Ðoàn, từ gần 5 thế kỷ này vẫn trung thành phục vụ Ðức Thánh Cha.
Theo Tiến Sĩ Navarro Valls, thì hạ sĩ quan Cedric Tornay ít lâu nay có phàn nàn với các bạn đồng nghiệp về việc Ðại Tá Alois Estermann không quan tâm đến mình. Thứ Hai 4.05.98, anh có nhờ người bạn trong Ðoàn Vệ binh gửi một thư cho gia đình, nhưng không ai biết nội dung. Rồi tháng Hai 1998 vừa qua, Ðại Tá Alois Estermann có gửi cho anh ta một thư cảnh cáo vì ban đêm không trở về trụ sở. Anh Tornay còn phàn nàn với các bạn đồng nghiệp là không được ghi vào sổ những binh sĩ được thăng thưởng trong ngày Lễ của Ðoàn Vệ Binh, ngày lễ đáng lẽ được cử hành vào thứ Tư mùng 6.05.98, ngày Lễ kỷ niệm hằng năm 147 vệ binh đã liều mạng vào năm 1527, để bảo vệ Ðức Clemente VII (1523-1534), khi Thành Roma bị bao vây.
Về thân thế của Ðại Tá Alois Estermann, Tiến Sĩ Navarro Valls, Giám Ðốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết các chi tiết sau đây:
Alois Estermann năm nay 44 tuổi, được ÐTC bổ nhiệm chỉ huy Ðoàn Vệ Binh Thụy Sĩ ngày 4.05.98, thay thế Ðại Tá Roland Buchs, xin về hưu từ tháng 11 năm 1997. Ðại Tá Alois Estermann đã hết sức tiếp cứu cho ÐTC khi vừa bị anh Ali Agca bắn trọng thương ngày 13 tháng 05 năm 1981.
Alois Estermann sinh tại Gunawil, thuộc Bang Lucerne, Thụy sĩ, phục vụ tại Vatican từ 20 năm nay. Nói thành thạo 5 thứ tiếng: Ðức, Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha, thuộc đoàn tùy tùng bảo vệ an ninh cho ÐTC trong 30 chuyến viếng thăm mục vụ quốc tế. Ngoài việc theo các lớp huấn luyện về quân sự và về chỉ huy, Alois Estermann có bằng về Thần Học và là Cáo Thỉnh Viên của vụ làm án phong Chân Phước cho một giáo dân, người cha gia đình. Alois Estermann là một con người có những đức tính khác thường về chuyên nghiệp và về thiêng liêng. Hình ảnh của Ðại Tá sẽ được nhớ mãi trong lịch sử Giáo Hội, bên cạnh vụ mưu sát ÐTC Gioan Phaolô II tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 13.05.1981.
Lễ an táng Ðại Tá sẽ được cử hành lúc 17 giờ thứ Tư 6.05.98 trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, do Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, chủ sự.
Lịch sử về Ðoàn Vệï Binh Thụy Sĩ phục vụ trong Nội Thành Vatican. Khách du lịch hứng thú nhiều về binh phục mầu sắc: vàng, đỏ, xanh da trời của các Vệï binh Thụy Sĩ do họa sĩ Michelange vẽ mẫu, từ gần 5 thế kỷ nay không thay đổi. Nhiều người xin chụp hình giữ làm kỷ niệm. Tuy biết xử dụng vũ khí tối tân (hầu như hoàn toàn là vũ khí Thụy Sĩ), các Vệ Binh vẫn cầm cây giáo dài, trong việc canh gác và trong các lễ nghi. Ðây thực là một Ðoàn quân vũ trang với những phương tiện tối tân, tuy bé nhỏ nhất trên thế giới, để bảo vệ an ninh cho ÐTC và giữ trật tự trong Nội Thành Vatican và trong lúc cử hành các lễ nghi, các buổi tiếp kiến.
Sự hiện của Ðoàn Vệ Binh Thụy Sĩ trong Vatican có từ năm 1300; nhưng ngày 26 tháng Giêng năm 1506 mới được Ðức Giulio II (1503-1513) chính thức thành lập thành đội quân. Và đây là đội quân duy nhất còn lại trong Vatican, sau những cải tổ của Công Ðồng Vatican 2 và tùy thuộc trực tiếp ÐTC. Lễ quan trọng hơn cả của Ðoàn Vệ Binh Thụy Sĩ được cử hành vào ngày mồng 6 tháng 5 mỗi năm, để nhớ lại 147 Vệï Binh đã hy sinh mạng sống năm 1527 để cứu sống Ðứùc Clemente VII, lúc Roma bị bao vây.
Ðoàn Vệ Binh Thụy sĩ gồm khoảng 100 tự nguyện đến từ các Bang của Thụy Sĩ, trong số này có 4 sĩ quan, 23 hạ sĩ quan và hơn 70 binh sĩ, một vị tuyên úy. Qui luật ấn định như sau: các thanh niên công giáo Thụy Sĩ tuổi từ 19 đến 30 có thể xin gia nhập Ðoàn Vệ Binh. Mỗi năm tuyển một lần. Sau khi luyện tập về chuyên môn, về thiêng liêng, các tân binh sẽ tuyên thệ vào ngày mồng 6 tháng 05, ngày Lễ của Vệ Binh. Nhưng năm nay, vì biến cố đau buồn vừa xảy ra, nên không cử hành lễ kỷ niệm nầy.
800 Bề Trên Tổng Quyền tham dự Hội Nghị Quốc Tế tại Roma.
(Avvenire 5.05.98) - Roma - 5.05.98 - Trong ba ngày từ mồng 4 đến mồng 7 tháng 05/1998, tám trăm Bề Trên Tổng quyền ngành Nữ tham dự Khóa Họp khoáng đại hằng năm do Liên Hiệp quốc tế các Bề Trên Tổng Quyền tổ chức tại Roma. Ðề tài của Khóa Họp là: "Các Nữ Tu, những người xây dựng một con đường tương lai tiến đến tình liên đới mới". Ngoài việc củng cố giây liên kết giữa nhau, các Nữ Tu tham dự sẽ suy tư về những thách đố mới của mục vụ và cùng chia sẻ những kinh nghiệm về việc chuẩn bị Ðại Toàn Xá năm 2000.
Trong các đề tài được thảo luận, các Bề Trên Tổng Quyền còn bàn đến việc tổ chức cuộc gặp gỡ thế giới cho các Tu Sĩ trẻ. Cuộc gặp gỡ đầu tiên năm 1997 tại Roma đã thành công mỹ mãn. Số tham dự đông đảo, trên một ngàn. Ðây là dấu hiệu của sự lưu ý lớn lao đến cuộc gặp gỡ, để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm về đời sống tận hiến và là một cơ hội gia tăng việc trưởng thành về cá nhân cũng như về cộng đồng.