Tin Tức và Thời Sự
ngày 24 tháng 04/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Tòa thượng thẩm Fukuoka giảm án cho một tín hữu công giáo

Tòa thượng thẩm Fukuoka giảm án cho một tín hữu công giáo.

(UCAN JA9869.0972 24/04/98) - Nhật Bản (Tokyo) - Tòa thượng thẩm Fukuoka bên Nhật đã bác bỏ phán quyết của một tòa án quận phạt lao động khổ sai 8 tháng một tín hữu công giáo về tội giúp đỡ trái phép cho người di dân bất hợp pháp. Thay vào đó tòa thượng thẩm chỉ bắt tín hữu này nộp phạt khoảng 2,200 Mỹ Kim.

Ông Yukinobu Aoyagi, giáo viên tại một trường trung học Công Giáo bị bắt ngày 27/09/1993 về tội hoạt động trái phép trong việc giúp những người Peru di dân bất hợp pháp tìm công ăn việc làm. Ông bị cáo buộc là đã nhận tiền trái phép từ các công ty muớn những người di dân này vào làm việc, nhưng trên thực tế thì đó chỉ là tiền để ông trang trải các chi phi giúp những người di dân tìm việc làm mà thôi. Tòa án quận Fukuoka cho rằng ông đã vi phạm luật di dân và thu nhận tiền trái phép.

Văn phòng Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình tại Fukuoka đã ca ngợi phán quyết mới của tòa thượng thẩm và cho rằng phán quyết này là bằng chứng ông Aoyagi vô tội. Ông Kenzo Kimura, tổng thư ký Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình thì khẳng định là ủy ban sẽ tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền, đặc biệt trong hoàn cảnh của những người di dân bất hợp pháp. Về phần mình, Ðức Cha Leo Jun Ikenaga, Tổng Giám Mục Osaka cho rằng, luật pháp vi phạm và chà đạp nhân quyền đã làm mất đi bản chất tự nhiên và chức năng của luật pháp. Quyết định mới của tòa thượng thẩm Fukuoka là cứng rắn, biết nhận xét đúng đắn và không kỳ thị những dữ kiện liên hệ đến vụ án của ông Aoyagi.


Dùng tinh trùng của người quá cố để cho thụ thai là một hành động bất chính

Dùng tinh trùng của người quá cố để cho thụ thai là một hành động bất chính.

Roma [Apic 24/04/98] - Báo người quan sát Roma, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh, cảnh cáo rằng dùng tinh trùng của người quá cố để cho thụ thai là một hành động bất chính.

Trong một số báo ra gần đây, linh mục Gino Concetti, cây viết chuyên về những vấn đề thần học luân lý, đã khẳng định rằng ngay cả khi còn sống, người quá cố có bày tỏ ý muốn bằng văn tự đi nữa, một hành động như thế cũng vẫn bất chính. Hiện nay ngày càng có nhiều phụ nữ muốn thụ tinh nhân tạo nhờ tinh trùng của người chồng quá cố.

Theo linh mục Concetti, có ba lý do khiến Giáo Hội Công Giáo lên án một hành động như thế. Lý do thứ nhất có giá trị cho mọi cuộc thụ thai nhân tạo dựa trên Kinh Thánh và Giáo Huấn nghìn đời của Giáo Hội, theo đó, tách biệt sự kết hiệp vợ chồng với việc sinh sản là một điều bất chính. Lý do thứ hai là: việc sinh sản là kết quả của tình yêu và chọn lựa có ý thức của hai vợ chồng. Cuối cùng, không thể so sánh việc thụ thai sau khi chết với hành động hiến cơ phận. Trong việc hiến cơ phận, các cơ phận được trao hiến vì một sự sống đang hiện hữu, trong khi tinh trùng được lấy ra và xử dụng để sinh ra một sự sống mới. Ðứa trẻ được sinh ra từ việc thụ thai nhân tạo ấy sẽ là con của một người cha đẽ chết trước khi nó được thụ thai trong lòng mẹ.


Giáo Hội Tin Lành Luther Thụy Ðiển soạn ra nghi thức ly dị

Giáo Hội Tin Lành Luther Thụy Ðiển soạn ra nghi thức ly dị.

Copenhague - Ðan Mạch [Apic 24/04/98] - Giáo Hội Tin Lành Luther, vốn là quốc giáo tại Thụy Ðiển, đã cho soạn một nghi thức dành cho việc ly dị.

Sỡ dĩ Giáo Hội Tin Lành Luther Thụy Ðiển làm như thế là vì hiện nay số người cử hành hôn phối ít hơn là số người xin ly dị. Với tỷ lệ 52 phần trăm, Thụy Ðiển là quốc gia có số người ly dị cao nhất tại Âu Châu.

Theo nghi thức, hai người ly dị sẽ ra trước mặt vị mục sư đại diện cho Chúa Kitô để nói lên sự tha thứ cho nhau. Cả hai cám ơn Chúa vì đã cùng nhau đi một đoạn đường chung với nhau và hứa sẽ tha thứ cho nhau cũng như xin Chúa chữa lành những vết thương do việc đổ vỡ gây nên.

Sáng kiến này đã được đón nhận tại các nước lân cận. Tại Ðan Mạch chẳng hạn, các nhà thần học cũng bày tỏ ước mong sớm có được một nghi thức như thế. Một vị mục sư Ðan Mạch đã phát biểu như sau: "Cái chết của tình yêu cũng phải được tống táng".


Giáo Hội cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo quyền của phụ nữ

Giáo Hội cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo quyền của phụ nữ.

(UCAN IB9812.0972 24/04/98) - Ấn Ðộ (Bangalore) - Sự dấn thân của giáo hội tranh đấu cho quyền của phụ nữ chỉ mới bắt đầu và giáo hội cần phải nỗ lực hơn để được thành công.

Ðó là nhận định chung của các buổi thảo luận đại kết diễn ra tại thành phố Bangalore bên Ấn Ðộ từ ngày 19-22 tháng 3/1998 vừa qua. Buổi hội thảo đánh dấu kỷ niệm 10 năm ngày Hội Ðồng Các Giáo Hội Thế Giới công bố chọn giai đoạn từ năm 1988-1998 làm thập niên về chủ đề "Thập Niên Ðại Kết: Các Giáo Hội Trong Tình Ðoàn Kết với Phụ Nữ". Khoảng 40 tham dự viên thuộc các giáo hội Tin Lành và Công Giáo đã chia sẻ các đề tài về quyền và sự tham gia của phụ nữ trong các sinh hoạt của giáo hội. Tháng 11 tới đây là đúng 10 năm ngày đánh dấu thập niên đại kết vừa nói. Bản thông cáo công bố sau đó ghi nhận là trong vòng 10 năm qua, đang bắt đầu có những bước tiến trong vấn đề dành cho phụ nữ quyền được tham dự nhiều hơn vào các sinh hoạt của giáo hội, cụ thể là trong lãnh vực học thần học. Tuy nhiên giáo hội phải dấn thân hơn nữa để làm giảm bớt nạn kỳ thị phái tính, đàn áp và bạo động nhắm vào phụ nữ. Ðây là một cuộc đấu tranh đòi hỏi sự quyết tâm và dấn thân thực sự.

Một nữ tu Công Giáo thuộc dòng Nữ Tử Thánh Phaolô đã chỉ trích về vấn đề không cho phụ nữ được tham gia vào thừa tác vụ linh mục cũng như trong các cơ chế mà họ có quyền quyết định. Nữ tu này tan phiền là giáo hội đã loại bỏ những đóng góp của phụ nữ trong lãnh vực phụng vụ, thần học, linh hướng và giáo luật. Một tham dự viên của Tin Lành cho rằng nền thần học hiện nay và cách giải thích sai lầm về phụ nữ trong kinh thánh là chướng ngại ngăn trở sự phát triển của phụ nữ người Kitô. Do đó, cần phải đọc kinh thánh từ cái nhìn của phụ nữ.


Giới truyền thông Công Giáo phải sửa chữa ảnh hưởng xấu của truyền thông xã hội

Giới truyền thông Công Giáo phải sửa chữa ảnh hưởng xấu của truyền thông xã hội.

(UCAN U9751.0972 24/04/98) - Indonesia (Yogjakarta) - Ngành truyền thông ngày một đóng vai trò quan trọng hơn trong đời sống của Giáo Hội, tuy nhiên những người hoạt động trong ngành truyền thông Công Giáo cần phải sửa chữa những ảnh hưởng xấu của những phương tiện truyền thông xã hội trên các giá trị nhân bản.

Trên đây là lời kêu gọi của Ðức Cha Andreas Henrisoesanto, Giám Mục Tanjungkarang, miền Nam Sumatra. Lên tiếng với các thành viên người Indonesia thuộc Hội Truyền Thanh Truyền Hình và Phim Ảnh Công Giáo Quốc Tế (UNDA/OCIC). Ðức Cha Henrisoesanto đã nói như sau: "là những nhà truyền thông Công Giáo, anh chị em được mời gọi sản xuất những chương trình phát thanh và truyền hình với nội dung phong phú về các giá trị nhân bản, được dựa trên giáo huấn Kitô giáo. Ðây là nỗ lực nhắm chống trả lại những ảnh hưởng tiêu cực do các phương tiện truyền thông ngoài xã hội gây ra.

Về phần mình, ông Anselmus Kaluge, chủ tịch Hiệp Hội phân bộ Indonesia ghi nhận rằng việc chính phủ Indonesia thừa nhận quyền tự do của các tôn giáo chính trong nước và cho phép các chương trình tôn giáo được phát trên đài phát thanh và truyền hình của chính phủ là rất ích lợi cho giáo hội. Các chương trình này được phát miễn phí vì thế các nhà truyền thông công giáo không có lý do gì để không nỗ lực cải tiến phẩm chất của chương trình, đặc biệt trong việc thăng tiến tình đoàn kết dân tộc đứng giữa cuộc khủng hoảng trong nước hiện giờ.


Tòa Thánh Xác Nhận chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại Mêhicô và Hoa Kỳ vào tháng Giêng 1999

Tòa Thánh Xác Nhận chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại Mêhicô và Hoa Kỳ, từ ngày 22 đến 25 tháng Giêng năm 1999.

Tin Vatican (Apic 24/04/98 và VIS 24/04/98): Sáng thứ Sáu 24/04/98, Tiến Sĩ Navarro Valls, người phát ngôn của Tòa Thánh và cũng là Giám Ðốc Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, đã công bố xác nhận về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Mêhicô vào tháng Giêng năm tới 1999.

Về chuyến viếng thăm Mêhicô, Tiến sĩ Navarro Valls đã xác nhận như sau: tôi có thể xác nhận rằng, vào cuối chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC Gioan Phaolô II tại Mêhicô, được dự trù từ ngày 22 đến 25 tháng Giêng năm 1999, thì ÐTC cũng sẽ viếng thăm Tổng Giáo Phận Saint Louis, Hoa Kỳ; đây là địa điểm mà ÐTC đã không thể viếng thăm được trong những chuyến viếng thăm trước đây của ngài tại Hoa Kỳ.

Ðược biết mục đích của chuyến viếng thăm mục vụ sắp tới của ÐTC tại Mêhicô là để công bố Văn Kiện Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục của Khóa Họp đặc biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu, đã được tổ chức tại Roma vào tháng 11 năm 1997 vừa qua.


Tòa Thánh Xác Nhận về sự đau buồn của ÐTC vì sự thi hành các bản án tử hình tại Hoa Kỳ và Rwanda

Tòa Thánh Xác Nhận về sự đau buồn của ÐTC vì sự thi hành các bản án tử hình tại Hoa Kỳ và Rwanda.

Tin Vatican (Apic 24/04/98 và VIS 24/04/98): Sáng thứ Sáu 24/04/98, Tiến Sĩ Navarro Valls cho biết là ÐTC rất đau buồn vì việc thi hành các bản án tử hình tại Hoa Kỳ và tại Rwanda, Phi Châu. Tại Hoa Kỳ, hôm 22 tháng 04/1998, đã có ba người bị thi hành án tử hình, mặc dù có lời xin khoan hồng của ÐTC. Trong khi đó, thì tại Rwanda bên Phi Châu, đã có 33 người bị thi hành án tử hình một cách công khai, hôm thứ Sáu 24/04/98. ÐTC cũng đã can thiệp xin khoan hồng hôm ngày 23/04/98, nhưng không có kết quả gì. Mặc dù sách Giáo Lý mới của Giáo Hội Công Giáo không tuyệt đối chống lại án tử hình, ngoại trừ vài trường hợp, nhưng ÐTC đã luôn lên tiếng xin khoan hồng cho các can phạm sắp bị thi hành án tử hình.


Back to Radio Veritas Asia Home Page