Tôn giáo
phải trợ giúp cho những người
bị thất nghiệp
ÐHY Rivera lên án cuộc
khủng hoảng tại Chiapas
Các Giám Mục Sri Lanka lên
án bạo động gia tăng
Bốn vệ binh quốc gia El
Salvador thú nhận tội
Án tử hình đặt
Hoa Kỳ vào trong số các chế độ
chuyên chế
Tôn giáo phải trợ giúp cho những người bị thất nghiệp.
(UCAN KO9737.0969 3/04/98) - Nam Hàn (Seoul) - Tổng thống Nam Hàn, ông Kim Dac Jung vừa lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo hãy mở một chiến dịch trên toàn quốc nhắm giúp đỡ cho những người bị thất nghiệp. Nam Hàn hiện có khoảng 1 triệu rưỡi người bị thất nghiệp, va con số này đang gia tăng do cuộc khủng hoảng kinh tế.
Ông Kim Dac Jung là vị tổng thống người Công Giáo đầu tiên của Nam Hàn. Trong buổi nói chuyện với các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhân buổi lễ cầu nguyện do các giáo hội Kitô Nam Hàn tổ chức ngày 25/03/98 vừa qua, ông trích dẫn phúc âm thánh Matthêu chương 25 câu 45: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các người không làm việc đó cho một trong những anh chị em hèn mọn này, đó là các ngươi cũng không làm cho Ta". Và ông Kim Dac Jung đã bày tỏ cảm nghĩ như sau: "Tôi hy vọng là quí vị, các nhà lãnh đạo tôn giáo, sẽ mở một chiến dịch cổ động trên toàn quốc để trợ giúp cho những người đang bị thất nghiệp. Một chiến dịch quyên góp quỹ cho mục đích này sẽ là một khích lệ tinh thần lớn lao cho những anh chị em của chúng ta đang lâm vào cảnh khó khăn.
Ðức Hồng Y Rivera của Mêhicô lên án chính trị trong cuộc khủng hoảng tại Chiapas.
(CWN 3/04/98) - Mêhicô (Mehico City) - Giáo Hội Công Giáo luôn mưu tìm hòa bình và hòa giải trong nước, nhưng không bao giờ có dụng ý chính trị trong nỗ lực này.
Trên đây là lời khẳng định của Ðức Hồng Y Norberte Rivera, Tổng giám Mục thủ đô Mêhicô trong bài phỏng vấn với một tạp chí của Ý vào hôm thứ Ba 31/03/98. Ðức Hồng Y Rivera đã đề cập tới cuộc khủng hoảng tại bang Chiapas đồng thời kêu gọi mọi phe phái tìm ra một giải pháp hữu hiệu. Giải thích vê lập trường của giáo hội liên quan tới những toan tính của chính phủ nhắm giới hạn các hoạt động của giáo hội tại bang này, Ðức Hồng Y Rivera nói như sau: "Giáo Hội Công Giáo không có dụng ý chính trị hay bất cứ chiến lược nào. Ðiều mà giáo hội đòi hỏi là kiến tạo những điều kiện thuận lợi cho mục tiêu hòa bình, bởi vì Mêhicô sẽ không thể nào phát triển nếu không có hòa bình. Con đường dẫn tới hòa bình tại Chiapas cần một sự thỏa hiệp liên quan tới chính phủ, các đảng phái chính trị, các cộng đoàn thổ dân và giáo hội Công Giáo".
Vị tổng giám mục thủ đô Mêhicô cũng tin rằng chỉ có đối thoại, hay tu chính hiến pháp không thôi thì chưa đủ. Ðiều quan trọng là làm thế nào để giúp đỡ những người đang lâm vào cảnh nghèo đói cùng cực tại Chiapas cũng như trên toàn quốc. Giáo Hội chỉ muốn thi hành sứ mạng của mình dựa trên Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng luôn quan tâm đặc biệt tới những người nghèo. Cũng trong bài phỏng vấn này, Ðức Hồng Y Rivera lên án vụ thảm sát người thổ dân tại làng Acteal trong bang Chiapas dạo cuối tháng 12 năm 1997. Ngài gọi đây là một tội ác đáng ghê tởm và hành động vô lý, bởi vì không một ai có thể dùng máu của người nghèo để biện minh cho toan tính chính trị. Ðiều quan trọng không chỉ là tìm ra thủ phạm vụ sát hại, nhưng luôn cả những nguyên nhân gây ra cuộc bạo động tại Chiapas. Ðức Hồng Y kêu gọi chính quyền kiến tạo và thực thi tất cả các điều kiện về mặt kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo, để ngăn ngừa các vụ thảm sát tương tự xảy ra trong tương lai.
Các Giám Mục Sri Lanka lên án bạo động gia tăng.
Sri Lanka (Colombo) - Hội Ðồng Giám Mục Sri Lanka đã lên tiếng báo động về các vụ phạm pháp bạo động đang ngày một gia tăng trong nước, phát sinh từ cuộc giao chiến giữa hai sắc tộc Tamil và Sinhala kéo dài từ 15 năm qua.
Trong khóa họp khoáng đại từ ngày 9-11 tháng 3/1998 vừa qua tại Nawara Eliya, miền Trung Sri Lanka, các giám mục gọi cuộc tranh chấp này là một vấn đề nghiêm trọng đối với quốc gia, đồng thời kêu gọi tổng thống cũng như các đảng chính trị đối lập nên hợp tác để tìm ra một giải pháp trung hòa. Các Giám Mục ghi nhận hố chia cách ngày một sâu rộng giữa hai đảng phái chính trị lớn nhất của Sri Lanka trong vấn đề quyền tự trị của người Tamil, những vụ bạo động chính trị ở miền Nam nước này và nạn phạm pháp đang có chiều hướng gia tăng trên toàn lãnh thổ. Tất cả đều là những yếu tố khiến cho cuộc sống của người dân càng bị mất an ninh hơn.
Và mới đây, Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka đã khánh thành một trung tâm cộng đồng dành cho các phụ nữ là nạn nhân của các cuộc giao chiến giữa quân đội chính phủ và phiến quân Hổ Tamil. Ðức Cha Oswald Gomis, Giám Mục Anuradhapura và là chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục đã làm phép trung tâm. Tại buổi lễ khánh thành, một đại diện của chính phủ địa phương đã bày tỏ lòng biết ơn đối với giáo hội vì sự quan tâm cho những người vô phương thế tự vệ bất luận họ thuộc tôn giáo nào. Ðiều đáng mừng nữa là trung tâm này được thiết lập qua sự đóng góp của cả phía Phật Giáo. Một Hội phụ nữ Phật Giáo Sri Lanka đã tặng miếng đất nơi dựng trung tâm mới này trong khi giáo hội Công Giáo tự xuất tài chánh để xây và lập một ngân quỹ để huấn luyện nghề nghiệp cho các nạn nhân.
Bốn vệ binh quốc gia El Salvador thú nhận tội.
(AFP 3/04/98) - Hoa Kỳ (Washington) - Bốn vệ binh quốc gia người El Salvador đang chịu án tù về tội sát hại ba nữ tu người Mỹ và một giáo dân dạo năm 1980 vừa thú nhận là họ nhận chỉ thị từ cấp trên của họ để giết các nữ tu, tuy nhiên họ không biết rõ ai là người trực tiếp ra lệnh giết ba nữ tu.
Tờ New York Times số ra ngày thứ Sáu 3/04/98 vừa qua, nói rằng bốn vệ binh tiết lộ chi tiết nói trên trong một cuộc phỏng vấn với hai thành viên của Ủy Ban các Luật Sư Thanh Ðấu cho Nhân Quyền. Tổ chức này đại diện cho các nạn nhân để điều tra về vụ án.
Các giới chức Hoa Kỳ cũng như El Salvador lúc đó đều xác nhận rằng bốn vệ binh này tự ý sát hại các nữ tu, trong khi các tổ chức nhân quyền và thân nhân các nữ tu đều cho rằng họ hành động theo lệnh của cấp trên.
Ðược hỏi về tin trên đây, phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ, ông James Rubin nói rằng việc mở lại cuộc điều tra về vụ án tùy thuộc quyết định của bộ tư pháp El Salvador. Tuy nhiên bất cứ bằng chứng mới nào được đưa ra cũng cần phải được điều tra kỹ càng. Bốn vệ binh này bị kết tội 30 năm tù vào năm 1984. Ngoài ba nữ tu người Hoa Kỳ, nhiều vị tu sĩ người El Salvador cũng bị sát hại trong giai đoạn xảy ra chiến tranh tại El Salvador, giữa quân đội chính phủ và các phiến quân khunh tả. Nổi tiếng nhất trong số các vị bị sát hại này là Ðức Tổng Giám Mục Oscar Romero, Tổng giám Mục San Salvador.
Án tử hình đặt Hoa Kỳ vào trong số các chế độ chuyên chế.
(AFP 3/04/98) - Thụy Sĩ (Geneve) - Thứ Sáu 3/04/98, Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vừa thông qua một nghị quyết chống lại án tử hình, và như thế cũng đặt Hoa Kỳ vào trong danh sách các quốc gia chuyên chế vẫn còn duy trì án tử hình như trung Quốc và Iran.
Nội dung bản nghị quyết kêu gọi các quốc gia trên thế giới còn duy trì án tử hình hãy tạm ngưng thi hành những vụ hành quyết. Với ý định xóa bỏ án tử hình hoàn toàn, 64 quốc gia, đứng đầu là Ý, đã ủng hộ nghị quyết này. Con số này cao hơn so với số quốc gia ủng hộ nghị quyết tương tự dạo năm 1997 là 18 quốc gia. Trong số 53 quốc gia thành viên Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, chỉ có 26 thành viên bỏ phiếu thuận, 13 nước bỏ phiếu chống, trong số này có Hoa Kỳ, 12 nước bỏ phiếu trắng, và 2 nước không gửi đại diện tham dự khóa họp.