Tin Tức và Thời Sự
ngày 31 tháng 03/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Những người Do Thái cực đoan muốn thông qua một đạo luật chống lại việc chiêu mộ tín đồ

Những người Do Thái cực đoan muốn thông qua một đạo luật chống lại việc chiêu mộ tín đồ.

Giêrusalem [Apic 31/03/98] - Khoảng 50 nhóm Tin Lành đã tuyên bố ngưng các hoạt động của họ tại Israel. Họ đang là điểm nhắm của một dự luật mà các dân biểu cực đoan đang vận động để thông qua.

Trong một tuyên ngôn đưa ra hôm thứ Ba 31/03/98 vừa qua, các nhóm Tin Lành cho biết họ quyết tâm chống lại dự luật nhằm ngăn cản việc chiêu mộ các tín đồ. Dự luật mà các dân biểu cực đoan đề ra sẽ phạt đến cả năm tù ở những ai du nhập hay quảng bá "tài liệu bất hợp pháp với nội dung chiêu mộ tín đồ".

Israel là quốc gia dân chủ duy nhất tại Cận Ðông, Ðảng lao động cũng như đảng Israel đang cầm quyền không chấp nhận để cho một dư luật như thế được thông qua.


Ðức Tổng Giám Mục Jakarta hoan nghênh việc tha bổng cho cha Ignatius Sumardi

Ðức Tổng Giám Mục Jakarta hoan nghênh việc tha bổng cho cha Ignatius Sumardi.

(UCAN 0969 31/03/98) - Indonesia (Jakarta) - Ðức Hồng Y Julius Darmaatmadja, Tổng Giám Mục Jakarta bên Indonesia, đã hoan nghênh việc tha bổng cho cha Ignatius Sumardi và người em trai của cha về tội chứa chấp những người tranh đấu cho dân chủ đang bị chính quyền Indonesia truy nã, nhưng đồng thời Ðức Hồng Y cũng kêu gọi cơ quan tư pháp của Indonesia áp dụng những suy xét như trong vụ án của cha Sumardi, cho các can phạm bị cáo buộc với những tội tương tự.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn UCAN hôm thứ Hai tuần trước 22/03/98, Ðức Hồng Y Darmaatmadja cho biết ngài rất vui mừng vì tòa án đã tha bổng cha Sumardi và người em trai của cha dựa trên căn bản rằng hành động của hai người hoàn toàn có dụng ý nhân đạo. Tuy nhiên ngài cảm thấy bị xúc phạm khi thấy những người khác bị mang ra xử trước tòa án chỉ vì họ tranh đấu và lên tiếng thay cho những người nghèo và thành phần bị gạt ra ngoài lề xã hội. Vị Tổng Giám Mục Jakarta trưng dẫn trường hợp của cô Karlina Leksono-Supeli và hai phụ nữ khác bị chính phủ cáo buộc về tội kích động dân chúng. Ðược biết ba người phụ nữ này đã cầm đầu một nhóm các bà mẹ biểu tình ngày 23/03/98 vừa qua để phản đối việc tăng giá cả thực phẩm, đặc biệt là sữa cho trẻ em.

Ðức Hồng Y Darmaatmadja bày tỏ cảm nghĩ như sau: "Vụ án của cha Sandyawan Samardi và em trai của cha là một sự xúc phạm tới ý thức về công lý. Trường hợp của nhóm cô Supeli cũng thế. Tôi thành thật hy vọng là dụng ý nhân đạo được dùng làm căn bản để tha bổng cha Sumardi và người em, cũng sẽ được dùng trong trường hợp nhóm cô Supeli và những người khác nữa". Ðối với riêng cha Sumardi, Ðức Hồng Y đã hết lòng ca ngợi sự can đảm của cha trong suốt thời gian xử án. Ngài mô tả cha như một người đã thực hiện lời dạy của Chúa Giêsu Kitô, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì người khác, yêu thương và không phân biệt đối xử với ai trong bất cứ hoàn cảnh nào.


Các Giám Mục Ấn Ðộ chúc mừng tân chính phủ Ấn Ðộ

Các Giám Mục Ấn Ðộ chúc mừng tân chính phủ Ấn Ðộ.

(UCAN IA9731.0969 31/03/98) - Ấn Ðộ (Varanasi) - Các Giám Mục Ấn Ðộ đã lên tiếng chúc mừng tân chính phủ Ấn Ðộ, do đảng Ấn Giáo cầm đầu và đảm bảo lời cầu nguyện của các ngài để chính phủ được thành công trong công tác cai quản đất nước.

Trong sứ điệp gửi cho tân thủ tướng Ấn Ðộ, ông Atal Beharl Vajpayee, các Giám Mục Ấn Ðộ bày tỏ lời mừng chân thành và đảm bảo với thủ tướng rằng các Giám Mục sẽ tiếp tục với truyền thống cầu nguyện cho các vị lãnh đạo quốc gia. Theo Ðức Tổng Giám Mục Alan da Lantic, tân chủ tịch Hội Ðồng các Giám Mục Công Giáo Ấn Ðộ (Assembly of Catholic Bishops of India), Giáo Hội kính trọng quyền hành như là đến từ Thiên Chúa. Ðặc biệt trên danh nghĩa của tôn giáo, các Giám Mục Ấn Ðộ cầu nguyện xin cho tân chính phủ biết tôn trọng hiến pháp Ấn Ðộ. Ðảm bảo tự do và công lý cho tất cả mọi người; dấn thân chấm dứt nạn nghèo đói, tham nhũng và kỳ thị.

Sứ điệp được công bố theo sau khóa họp bán niên của các Giám Mục Ấn Ðộ, diễn ra từ ngày 21-28 tháng 3/1998 vừa qua tại Varanasi, miền Bắc Ấn. Cũng trong khóa họp này, các Giám Mục Ấn Ðộ đã quyết định đổi tên của Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ và từ nay trong giáo hội sẽ được biết với tên là Hội Ðồng Các Giám Mục Công Giáo Ấn Ðộ. Tuy nhiên tên cũ cũng vẫn được giữ lại để tiện việc xử dụng về mặt dân sự.


Một linh mục da đen được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá giáo phận Salvador da Bahia, Brazil

Một linh mục da đen được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá giáo phận Salvador da Bahia, Brazil.

Savador - Brazil [Apic 31/03/98] - Một linh mục da đen được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá giáo phận Salvador da Bahia, Brazil.

Vị tân giám mục phụ tá này là đức cha Gilio Belicio, năm nay 49 tuổi. Ngài cho biết sẽ đề cao các truyền thống của người da đen trong công tác mục vụ của ngài. Sở dĩ việc bổ nhiệm Ðức Cha Belicio được giới truyền thông chú ý tới là bởi vì ngài là một trong năm vị giám mục da đen trong tổng số 400 giám mục tại Brazil, trong khi đó 50 phần trăm dân số Brazil lại là người da đen hoặc lai da đen. Trong tổng số 14 ngàn linh mục trên toàn quốc, cũng chỉ có 500 linh mục da đen.


Người con gái của vị đại giáo trưởng Do Thái Roma trong thời đệ nhị thế chiến đã lên tiếng bênh vực Ðức Cố Giáo Hoàng Piô XII

Người con gái của vị đại giáo trưởng Do Thái Roma trong thời đệ nhị thế chiến đã lên tiếng bênh vực Ðức Cố Giáo Hoàng Piô XII.

Roma [Apic 31/03/98] - Người con gái của vị đại giáo trưởng Do Thái tại Roma trong thời đệ nhị thế chiến đã lên tiếng bênh vực đức cố Giáo Hoàng Piô XII.

Bà Myriam Zolii, một nhà phân tâm học đang sống tại Roma, nói rằng đức cố giáo hoàng Piô XII đã liên lạc rất chặt chẻ với thân phụ bà là giáo trưởng Israele Zolii để cứu thoát người Do Thái khỏi cuộc bách hại của Ðức Quốc Xã.

Bà Zolii còn cho biết rằng tình bạn giữa hai người đã khiến thân phụ bà trở lại với Công Giáo hồi năm 1945. Vì cuộc trở lại này mà ông Zolii đã bị cộng đồng Do Thái ruồng bỏ.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo "Il Giornale" xuất bản tại Roma ngày 31/03/98 vừa qua, bà Zolii nhắc lại lời của cha bà như sau: "Rồi con sẽ thấy, người ta sẽ biết đức Piô XII thành một oan dương để trút lên đó tất cả sự thinh lặng của thế giới trước tội ác của đức quốc xã".

BàZolii cũng nhắc đến sự kiện tòa thánh Vatican đã nộp vàng cho cộng đồng Do Thái tại Roma để chuộc mạng cho những người Do Thái tại khu Porto d' Ottavia.


Các Giám Mục Myanmar kêu gọi tín hữu Công Giáo giúp người nghèo

Các Giám Mục Myanmar kêu gọi tín hữu Công Giáo giúp người nghèo.

(UCAN MY9716.0969 31/03/98) - Myanmar (Yangoon) - Trong lá thư mục vụ mùa chay năm nay, Hội Ðồng Giám Mục Myanmar, trước gọi là Miến Ðiện, đã kêu gọi các tín hữu Công Giáo trong nước hãy canh tân đức tin và đời sống của họ, đặc biệt trong công tác giúp đỡ những người nghèo và đấu tranh cho công lý.

Lá thư do tân chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục, Ðức Cha Matthias U Shwe, Tổng Giám Mục Taunggi và Ðức Cha Sotero Phanio Phein Myini, tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục ký tên, các Giám Mục Myanmar kêu gọi tín hữu Công Giáo hãy tích cực sống kinh nghiệm thiếu thốn và đau khổ với người nghèo. Lá thư có đoạn ghi như sau: "Mùa Chay là dịp thuận tiện để canh tân đức tin Kitô giáo, chúng tôi hy vọng là các tín hữu Kitô trong nước cũng sẽ tham gia vào nỗ lực canh tân này như các anh chị em của chúng ta trên thế giới đang làm, với sự lưu tâm đặc biệt tới hoàn cảnh của riêng chúng ta hiện nay.

Thư mục vụ đưa ra hai định nghĩa về người nghèo trong nước: thứ nhứt, những người nghèo về mặt vật chất, vô gia cư, thiếu ăn, thiếu việc làm và cũng thiếu phương tiện được săn sóc về mặt y tế và giáo dục. Thứ hai, những người nghèo về mặt tinh thần và linh hồn đang chịu nhiều đau khổ. Thư mục vụ mời gọi tất cả tín hữu công giáo Myanmar hãy lắng nghe nỗi thống khổ của họ, giúp đỡ và hòa giải với họ bằng bất cứ cách nào có thể. Khi được trải qua kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, họ sẽ có lý do để hy vọng và phục hồi được giá trị và nhân phẩm trong tư cách là những con cái của Thiên Chúa.

Ðức bác ái, các Giám Mục Myanmar nhấn mạnh, cần phải đi kèm với sự ý thức về công lý. Dựa theo sứ điệp về Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 1998, của ÐTC Gioan Phaolô II, các Giám Mục xác định rằng những anh chị em nghèo đang cần được giúp đỡ, thường là nạn nhân của sự bất công. Nếu không có công lý thì cũng sẽ thiếu hòa bình, và hậu quả là tranh chấp, bạo động và căng thẳng. Trong bối cảnh này, thư mục vụ cũng đề cập tới Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế được công bố cách đây 50 năm, trong đó nhân quyền của mọi người dân đều được công nhận như nhau. Các Giám Mục Myanmar bày tỏ hy vọng rằng trong tư cách một quốc gia đã ký tên vào bản tuyên ngôn nhân quyền này, ý thức về trách nhiệm và bổn phận tôn trọng nhân quyền của Myanmar sẽ ngày một trở nên mạnh hơn. Tuy nhiên, trước mắt mọi người, nạn kỳ thị dựa trên màu da, ngay cả trong một chính thể được cai trị bằng công lý. Trong hoàn cảnh như thế, các Giám Mục Myanmar khẳng định rằng tín hữu Kitô có bổn phận đặc biệt bảo vệ nhân phẩm của mỗi một con người, bởi vì chúng ta tin nơi Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hóa, và tin Chúa Giêsu Kitô, Ðấng mời gọi chúng ta khao khát công lý.


Back to Radio Veritas Asia Home Page