Tin Tức và Thời Sự
ngày 27 tháng 03/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Không có tiến triển trong đối thoại với Chính Thống Serbi

Không có tiến triển trong đối thoại với Chính Thống Serbi.

(CWN 27/03/98) - Vatican - Ðức Tổng Giám Mục Franc Perko của Belgrade bên Serbia đã hối tiếc bày tỏ cảm nghĩ rằng ngài không thấy có hy vọng nào cho sự tiến bộ trong cuộc đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo với Chính Thống Giáo trong nước. Ít ra trong lúc này, công cuộc đại kết là điều không thực tế.

Trong bài viết đăng trên nhật báo "Tương Lai" của Ý số ra tuần qua, Ðức Tổng Giám Mục Perko lên tiếng báo động về tình hình dễ bùng nổ tại tỉnh Kosovo. Tuy thừa nhận là cộng đoàn Công Giáo tại đây chỉ là một thiểu số nhỏ, chiếm khoảng 5% và phần lớn thuộc gốc Albanie và Hungary, trong khi người Hồi Giáo chiếm đa số, nhưng vị Tổng Giám Mục Belgrade ngỏ ý rằng ngài vẫn hy vọng có thể đối thoại được với các lãnh tụ Chính Thống Giáo, để một cách nào đó làm giảm bớt tình trạng căng thẳng tại Kosovo. Ngài than phiền về thái độ bất khoan nhượng tỏ hiện rõ ràng từ các cộng đoàn Chính Thống Giáo và ngài kêu gọi mọi người hãy lắng nghe và thực thi tình bác ái. Mặc dù người Công Giáo tại Kosovo chưa phải trải qua những thủ thách như các anh chị em Công Giáo tại Bosnie Herzegovine, vị Tổng Giám Mục Belgrade bày tỏ sự bi quan rằng không ai có thể biết được là tín hữu Công Giáo tại Kosovo sẽ tiếp tục được hưởng tự do đến lúc nào.

Nhận định tổng quát về tình hình trong vùng Balkan, Ðức Tổng Giám Mục Perko lo ngại rằng tình hình có thể bùng nổ dẫn tới bạo động toàn diện. Ngài nói như sau: "Bây giờ thì chưa có chiến tranh. Ðiều này đúng. Nhưng tình hình thật là căng thẳng, tại Bosnie và đặc biệt là ở tỉnh Kosovo.


Bắc Kinh vừa ký một thỏa ước với 24 Ðại Học Công Giáo Mỹ do các linh mục Dòng Tên điều khiển

Bắc Kinh vừa ký một thỏa ước với 24 Ðại Học Công Giáo Mỹ do các linh mục Dòng Tên điều khiển.

Bắc Kinh [Apic 27/03/98] - Dạo trung tuần tháng 3/1998 vừa qua, Ðại Học Bắc Kinh, Trung Quốc, đã ký một thỏa ước với 24 Ðại Học Công Giáo tại Mỹ do các linh mục Dòng Tên điều khiển. Mục đích của thỏa ước là giúp đào tạo cán bộ cho việc tư hữu hóa.

Ðây là lần đầu tiên kể từ khi Cộng Sản lên cầm quyền tại Trung Quốc, các tổ chức văn hóa có liên hệ đến thế giới Công Giáo được mời phụ trách việc giảng dạy tại đây. Thỏa ước cho phép khởi đầu một chương trình giảng huấn không nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước.

Thỏa ước đã được ký kết giữa giáo sư Justin Liu, giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh tế tại đại học Bắc Kinh và giáo sư Ernest Scalberg, khoa trưởng phân khoa quản trị kinh doanh thuộc đại học Fordham, New York.


Giới thiệu cuốn phim "người anh em của Thiên Chúa chúng ta" dựa theo một vở kịch cùng tựa đề do Ðức Thánh Cha sáng tác

Giới thiệu cuốn phim "người anh em của Thiên Chúa chúng ta" dựa theo một vở kịch cùng tựa đề do Ðức Thánh Cha sáng tác.

Roma [Apic 27/03/98] - Cuốn phim có tựa đề "Người anh em của Thiên Chúa chúng ta" dựa theo vở kịch cùng tựa đề do Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II sáng tác lúc còn làm linh mục, đã được giới thiệu tại Vatican hôm thứ Sáu 27/03/98 vừa qua.

Vở kịch này kể lại cuộc đời của họa sĩ Ba Lan Adam Chmielowski, được Ðức Thánh Cha tôn phong chân phước năm 1983 và phong thánh năm 1989. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh, những lời đối thoại trong cuốn phim được chính một vị giáo hoàng soạn. Cuốn phim dự trù sẽ được trình chiếu tại Italia ngày 25 tháng 5/1998 sắp tới.

Là một anh hùng trong cuộc chiến đấu chống lại quân đội Nga hồi thế kỷ 19, Adam Chmielowski đã từ bỏ sự nghiệp họa sĩ để dấn thân hoạt động cho người nghèo. Trở thành tu sĩ với tên dòng là Alberto, thánh Adam Chmielowski đã thành lập hai tu hội chuyên phục vụ người nghèo. Thánh nhân là một gương mặt nỗi bật đã đánh dấu cuộc hành trình thiêng liêng của vị giáo hoàng tương lai. Nhân ngày kỷ niệm 50 năm chịu chức linh mục, Ðức Thánh Cha đã nói như sau: "Ðối với tôi, thánh Alberto đã đóng một vai trò quyết định. Nơi ngài, tôi đã tìm được điểm tựa thiêng liêng và một tấm gương giúp tôi từ bỏ nghệ thuật, văn chương và sân khấu để dứt khoát chọn lựa ơn gọi linh mục".


Tuyên ngôn liên tôn của các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Pháp lên án Mặt Trận Quốc Gia

Tuyên ngôn liên tôn của các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Pháp lên án Mặt Trận Quốc Gia.

Paris [Apic 27/03/98] - Mới đây, các vị lãnh đạo tôn giáo tại Pháp đã đưa ra tuyên ngôn lên án một Ðảng chính trị Pháp có chủ trương phân biệt chủng tộc, bài ngoại và bài Do Thái. Tuy tuyên ngôn không nêu đích danh, ai cũng hiểu rằng các vị lãnh đạo tôn giáo tại Pháp nhắm vào Mặt Trận Quốc Gia của ông Jean Marie de Pen.

Tuyên ngôn mang chữ ký của Ðức Cha Louis Marie Billé, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Pháp và của tất cả đại diện của các Giáo Hội và tôn giáo tại Pháp. Các nhà lãnh đạo tôn giáo kêu gọi dân chúng Pháp phải tuyệt đối tìm lại những giá trị nền tảng của dân chủ, mà cơ bản nhất là tuyệt đối tôn trọng phẩm giá của mỗi người.


Giáo Hội Công Giáo Slovak xin lỗi Do Thái Giáo

Giáo Hội Công Giáo Slovak xin lỗi Do Thái Giáo.

(AFP 27/03/98) - Slovak (Bratislava) - Giáo Hội Công Giáo Slovak đã lên tiếng xin lỗi cộng đồng Do Thái Giáo về vai trò của phía người Công Giáo Slovak trong vụ thảm sát người Do Thái trong thời Thế Chiến thứ hai.

Trong một thông cáo công bố tại thủ đô Bratislava hôm thứ Năm 26/03/98, các giám mục Slovak ghi nhận rằng họ không thể chối bỏ sự kiện việc trục xuất và sát hại người Slovak gốc Do Thái ngay tại quốc gia này với sự tham dự của một số người theo Ðức Quốc Xã, và người Slovak chỉ thinh lặng đứng nhìn. Bản thông cáo bày tỏ hy vọng rằng lời xin lỗi này sẽ được người Do Thái chấp nhận như là một cử chỉ thống hối. Năm 1990 trước khi Cộng Hòa Czech và Slovak tách rời nhau, Hội Ðồng Giám Mục Tiệp Khắc lúc đó cũng bày tỏ sự thống hối qua một thông cáo tương tự.

Ông Josef Weiss, một lãnh tụ Do Thái Giáo tại Slovak cho rằng hành động mới này của các giám mục Slovak là một bước đi theo đúng đường hướng. Ngoài ra ông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ và kính trọng đối với các tín hữu Kitô Giáo Slovak đã hy sinh tánh mạng, sự an toàn của riêng họ cũng như của gia đình, để cứu những người Do Thái khỏi tay Ðức Quốc Xã thời đó.


Ðức Thánh Cha trao quyền quyết định về phụng vụ cho Giáo Hội Công Giáo Syro Malabar của Ấn Ðộ

Ðức Thánh Cha trao quyền quyết định về phụng vụ cho Giáo Hội Công Giáo Syro Malabar của Ấn Ðộ.

(UCAN IA9693.0968 27/03/98) - Ấn Ðộ (Varanasi) - Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Syro Malabar bên Ấn Ðộ đã bước thêm một bước nữa tới qui chế tự trị hoàn toàn sau khi ÐTC Gioan Phaolô II quyết định trao quyền quyết định về phụng vụ cho các Giám Mục của Giáo Hội này.

Ðức Hồng Y Achille Silvestrini, chủ tịch Bộ Các Giáo Hội Ðông Phương của Tòa Thánh đã thông báo cho 23 Giám Mục của Giáo Hội Syro Malabar quyết định trên đây của ÐTC theo lời đề nghị của Bộ Các Giáo Hội Ðông Phương. Năm 1992, ÐTC đã trao cho giáo hội Syro Malabar quyền tự trị qua việc yêu cầu giáo hội này tự thành lập Giám Mục đoàn để cai quản giáo hội, tuy nhiên Tòa Thánh vẫn giữ lại quyền quyết định về nghi lễ phụng vụ trong giáo hội Syro Malabar cũng như quyền bổ nhiệm các Giám Mục.

Trong lá thư gửi cho các Giám Mục Syro Malabar đề ngày 16/03/98, Ðức Hồng Y Silvestrini nói rằng quyết định mới này của vị chủ chăn Giáo Hội Hoàn Vũ, chứng tỏ rằng ÐTC tin tưởng rất nhiều vào kiến thức sâu rộng của các giám mục liên quan tới giáo lý và sự cẩn trọng trong trách nhiệm mục vụ. Ðây cũng là một phần trong các nỗ lực của Tòa Thánh nhắm giải quyết những tranh chấp giữa các thành viên trong Giáo Hội Syro Malabar của Ấn Ðộ, với một bên muốn trở lại với truyền thống nghi lễ phụng vụ Chalđê, và một bên theo nghi lễ Latinh.


Ðức Giám Mục Alan de Lastic, tân chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ

Ðức Giám Mục Alan de Lastic, tân chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ.

(UCAN IA9704.0968 27/03/98) - Ấn Ðộ (Varanasi) - Trong khóa họp khoáng đại tổ chức tại thành phố Varanasi hôm thứ Năm 26/03/98 vừa qua, các Giám Mục Ấn Ðộ đã bầu Ðức Tổng Giám Mục Alan de Lastic, Tổng Giám Mục New Delhi, là chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục với nhiệm kỳ 2 năm. Ðức Tân Tổng Giám Mục, năm nay 69 tuổi, kế nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Joseph Powathil, Giám Mục Changanacherry theo nghi lễ Syro Malabar. Ðức Tổng Giám Mục Powathil đã giữ chức chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục kể từ năm 1994.

Trước đó, Ðức Tổng Giám Mục Alan de Lastic là một trong hai vị phó chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ. Ngài cũng là cố vấn cho Bộ Truyền Giáo (Congregation for Evangelization of Peoples) của Tòa Thánh và là thành viên của Hội Ðồng Tòa Thánh đặc trách về Giáo Dân cũng như thành viên của Văn Phòng Giáo Dân của Liên Hiệp Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Cũng trong khóa họp, Ðức Cha Oswald Gracias, Giám Mục Phụ Tá Bombay được bầu làm tân tổng thư ký của Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ.


Học sinh Công Giáo Nam Hàn và Nhật Bản thăng tiến tình đoàn kết giữa hai quốc gia

Học sinh Công Giáo Nam Hàn và Nhật Bản thăng tiến tình đoàn kết giữa hai quốc gia.

(UCAN JA9647.0968 27/03/98) - Nhật Bản (Tokyo) - Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản đã kêu gọi các học sinh Công Giáo Nam Hàn và Nhật Bản góp phần trong các nỗ lực nhắm thăng tiến tình đoàn kết giữa hai quốc gia.

Trong trại hè tổ chức từ ngày 24-26/02/98 vừa qua tại Trung Tâm Công GiáoYokohama, nằm về phía Tây Nam thủ đô Tokyo, 38 em học sinh Nhật và 25 em học sinh Nam Hàn đã gặp lại nhau. Năm 1997, các em đã hội ngộ tại Lộ Ðức bên Pháp cũng nhân dịp trại hè. Trong bài diễn văn khai mạc trại hè tại Nhật năm nay, Ðức Cha Stephen Phunio Hamao, Giám Mục Yokohama và là chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Nhật đã bàn tới đề nghị của các Giám Mục Nam Hàn, là các em học sinh giúp các ngài trong nỗ lực tạo sự cảm thông và đoàn kết dựa trên lịch sử chung của hai dân tộc. Ám chỉ tới sự kiện Nhật đô hộ Nam Hàn trong quá khứ, Ðức Cha Stephen Hamao bày tỏ cảm nghĩ rằng các thế hệ trước các em sẽ khó lòng xóa bỏ được những kinh nghiệm đau thương do lịch sử để lại trong ký ức. Tuy nhiên ngài hy vọng rằng thế hệ mới sẽ là chiếc cầu nối kết tình huynh đệ và xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia.

Về phần mình, Linh Mục Peter Chung, chủ tịch Ủy Ban đặc trách về Giáo Dục của Hội Ðồng Giám Mục Nam Hàn kêu gọi các em học sinh đừng nên nhìn vào những khác biệt giữa hai dân tộc, nhưng những gì hai bên có chung. Các em học sinh Công Giáo nên góp phần xây dựng tính cảm thông vì hai dân tộc Nhật và Nam Hàn đều cùng chia sẻ một di sản lịch sử và nền văn hóa giống nhau.


Back to Radio Veritas Asia Home Page