Các trường
Công Giáo có thể dạy môn tôn
giáo khác
Sự hiện diện của
Thánh Giá tại trại tập trung Auschwitz
Nạn nhân đầu tiên
của luật cho phép tự tử tại
Oregon
Ðại Hội lần thứ
30 của các tín hữu Tin Lành
Baptist
Israel mở ngôi làng
cổ, nơi Chúa Giêsu làm phép
lạ
Ngoại trưởng Tòa
Thánh viếng thăm Jordanie và Ả Rập
Kết thúc chuyến thăm
Cuba của ÐTGM Paul Cordes
Các trường Công Giáo có thể dạy môn tôn giáo khác.
(UCAN II9654.0968 26/03/98) - Indonesia (Jakarta) - Thể theo điều lệ mới của chính phủ, buộc các em học sinh phải được dạy môn tôn giáo của riêng các em, Ủy Ban Giáo Dục Hội Ðồng Giám Mục Indonesia đã đồng ý để các trường Công Giáo tại Indonesia dạy các môn tôn giáo khác cho học sinh của trường.
Theo linh mục Ignatius Sumaryo, dòng Tên và là chủ tịch Ủy Ban, trên nguyên tắc các trường Công Giáo có thể chấp hành điều lệ mới này, vì đây là một hành động tôn trọng nhân quyền, các em học sinh được tự do tiếp thu kiến thức về tôn giáo của các em. Tuy nhiên cha cũng ghi nhận có một vấn đề cụ thể khác, đó là tìm giáo lý viên để dạy cho các em. Có 5 tôn giáo chính được hiến pháp Indonesia thừa nhận, và như thế mỗi trường Công Giáo phải kiếm thêm 4 giáo lý viên khác nữa ngoài Công Giáo. Ðây lại là một gánh nặng tài chánh thêm nữa cho nhà trường.
Vị chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục của Hội Ðồng Giám Mục Indonesia đề nghị, mở những lớp dạy môn tôn giáo ở ngoài trường cho các em học sinh không phải là Công Giáo và như thế việc dạy các môn tôn giáo khác sẽ không phải là trách nhiệm của trường Công Giáo. Cha Sumaryo không nghĩ rằng điều lệ mới này sẽ ảnh hưởng tới sứ mạng truyền giáo của các trường Công Giáo, bởi vì dù các em học sinh không phải Công Giáo không tham dự các lớp học giáo lý, các trường Công Giáo vẫn không bị mất giá trị của nó, nếu tiếp tục duy trì được môi trường và các giá trị Công Giáo trong học đường.
Trong khi đó, một nhà giáo dục người Công Giáo, ông Johanes Riberu bày tỏ cảm nghĩ rằng, điều lệ mới này của chính phủ hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Công Ðồng Chung Vatican II trong công tác dạy giáo lý cho trẻ em. Trong tinh thần Kitô giáo, các trường Công Giáo phải dạy các môn tôn giáo theo đức tin của các em học sinh, và làm như thế sẽ xóa tan được những nghi kỵ từ phía người Hồi Giáo rằng các trường Công Giáo được dùng để chiêu dụ tín đồ. Các trường Công Giáo sẽ trở nên nới mở và khoan nhượng hơn đối với các tôn giáo khác. Tất cả đều là những giá trị tích cực cần được cổ võ.
Tiếp tục tranh luận về sự hiện diện của Thánh Giá tại trại tập trung Auschwitz.
Versava - Balan [Apic 26/03/98] - Ðại giáo trưởng Do Thái tại Ba Lan là ông Menuliem Joskowicz, một lần nữa, đã lên tiếng yêu cầu cất cây thánh giá khỏi cổng ra vào của trại tập trung Auschwitz.
Lời kêu gọi trên đây đã được đưa ra như một phản ứng về những lời tuyên bố mới đây của Ðức Hồng y Josef Glemp, theo đó thánh giá này không phải là "đối tượng để mặc cả" và phải được ở ngay tại vị trí nó đã dựng lên. Mới đây, hằng trăm người dân Auschwitz đã biểu tình để yêu cầu giữ cây thánh giá lại vị trí này. Ðây là cây thánh giá đã được dựng lên nhân chuyến viếng thăm Ba Lan đầu tiên ủa Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II hồi năm 1979. Trong một lá thư gởi cho thủ tướng Jerzy Buzek, những người biểu tình đã yêu cầu tôn trọng và khoan nhượng đối với các xác tín tôn giáo của họ.
Cũng trong thời gian này, khoảng 400 cựu tù nhân tại trại tập trung Auschwitz đã ký vào một thỉnh nguyện thư yêu cầu dời thánh giá đi nơi khác. Chính phủ Ba Lan hy vọng sẽ đạt được một thỏa hiệp với những người Do Thái, chẳng hạn dựng lên một cây thánh giá nhỏ hơn và ở một chỗ khuất hơn. Từ nay, duy trì hay dời thánh giá đi chỗ khác là trách nhiệm của chính phủ Ba Lan, bởi vì các nữ tu dòng kín từng sống tại đây đã trao các cơ sở lại cho sở ngân khố nhà nước.
Nạn nhân đầu tiên của luật cho phép tự tử tại bang Oregon.
(CWN 26/03/98) - Oregon (Portland) - Thứ Ba 24/03/98 vừa qua, một phụ nữ thuộc lứa tuổi 80 và đang mang bệnh ung thư, đã trở thành người đầu tiên lợi dụng luật tại Bang Oregon, cho phép tự tử qua sự trợ giúp của bác sĩ.
Trong lời từ biệt được thu âm, phụ nữ này nói rằng bà mong đợi được kết liễu mạng sống mình vì không muốn thấy mình sống những tháng còn lại trong cuộc đời với những bệnh nan y. Sự kết liễu mạng sống sẽ giúp bà thoát khỏi được những căng thẳng. Ðức Cha John Vlazny, Tổng Giám Mục Portland thuộc bang Oregon cho biết ngài rất đau buồn về tin này. Trong một thông cáo được công bố, Ðức Cha Vlazny nói rằng, sự tự tử của phụ nữ này chỉ mang lại thêm đau đớn cho những người đang chống lại luật cho phép tự tử với sự trợ giúp của bác sĩ tại bang Oregon. Giáo Hội Công Giáo đã mạnh mẽ chống lại việc thông qua luật này.
Bang Oregon ban hành luật cho phép giết người êm dịu vào năm 1994 nhưng luật này đã gặp phải sự chống đối từ phía các phong trào bảo vệ sự sống cho đến khi các cử tri bang Oregon đã thông qua đạo luật trong một cuộc trưng cầu dân ý dạo tháng 11 năm 1997. Oregon là tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ có luật cho phép tự tử với sự trợ giúp của bác sĩ.
Ðại Hội lần thứ 30 của Liên Hiệp các tín hữu Tin Lành Baptist tại Nga.
Mascơva [Apic 26/03/98] - Ðại Hội lần thứ 30 của Liên Hiệp các tín hữu Tin Lành Thánh Tẩy tại Nga đã diễn ra từ hôm 17 đến 20 tháng 3/1998 vừa qua tại một khách sạn nằm ở Tây Nam thủ đô Mascơva. Ðại Hội đã qui tụ 374 đại biểu và hơn 200 quan khách, phần đông là các mục sư thuộc Giáo Hội Thánh Tẩy.
Liên Hiệp các tín hữu Tin Lành Thánh Tẩy là Giáo Hội Tin Lành lớn nhất tại Nga. Trong kỳ đại hội vừa qua với chủ đề "Xin cho Nước Cha trị đến", các tham dự viên đã bày tỏ nguyện vọng là được chính phủ Nga tôn trọng ngang hàng như Giáo Hội Chính Thống. Luật Tôn Giáo vừa được ban hành bị nhiều người xem như một đe dọa cho tự do lương tâm và kỳ thị đối với các Giáo Hội thiểu số.
Mục sư Pyoti Konovalchik, được đại hội tái cử vào chức vụ chủ tịch của Liên Hiệp, cho rằng luật tôn giáo mới không nhắm vào các Giáo Hội Thánh Tẩy và như vậy vi phạm tự do tôn giáo của các Giáo Hội này.
Trong sứ điệp gởi cho tổng thống Boris Yelsin, các mục sư thuộc các Giáo Hội Thánh Tẩy tái khẳng định lòng trung thành với tổng thống và nước Nga, đồng thời cũng lấy làm tiếc là quyền ự do lương tâm và bình đẳng của các Giáo Hội không được chính quyền tôn trọng. Qua lời than phiền này, các mục sư Thánh tẩy ám chỉ đến việc chính phủ đã không cho phép các giáo hội thiểu số được có chương trình trên đài phát thanh hay truyền hình cũng như không cho phép xây cất hoặc trả lại một số nơi thờ phượng.
Israel mở ngôi làng cổ, nơi Chúa Giêsu làm phép lạ.
(AFP 26/03/98) - Israel (Bethsda) - Trong tuần này, chính quyền Israel đã cho mở ngôi làng cổ Bethesda cho những người hành hương Ðất Thánh và khách du lịch. Bethesda hay Bethsaida theo tiếng Do Thái, được kinh thánh trình thuật là nơi Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện những phép lạ như đi trên mặt nước, hóa bánh và cá ra cho nhiều người ăn.
Các viên chức Israel cho biết Bethesda nằm về bờ mạn Bắc của sông Galilê. Các nhóm khảo cứu từ Israel và trường đại học Nebraska của Hoa Kỳ đã khám phá ra vết tích của làng này dạo năm 1987 và đây là địa điểm du lịch đầu tiên được mở cửa cho công chúng trong chương trình chuẩn bị Ðại Năm Thánh 2000. Các cơ quan chính phủ Israel đã hợp tác với nhiều tổ chức Kitô giáo để phục hồi quang cảnh của làng theo như được ghi lại trong kinh thánh. Bethesda là một làng đánh cá quan trọng trong thời Vua Ðavid và đã bị phá hủy trong một trận động đất và lụt. Theo truyền thống Kitô Giáo, Bethesda là một trong những địa điểm hoạt động chính của Chúa Giêsu Kitô trong vùng Galilê, suốt thời gian Ngài đi rao giảng Tin Mừng.
Bộ Du Lịch Israel hy vọng, làng này cũng như một địa điểm khác là thành Capharnaum, gần đó, sẽ thu hút được khoảng 4 triệu tín hữu hành hương, dự trù sẽ viếng thăm Thánh Ðịa từ nay cho đến năm 2000.
Ðức Tổng Giám Mục Jean Tauran, ngoại trưởng Tòa Thánh viếng thăm Jordanie và Cộng Hòa Ả Rập Yemen.
Vatican - 26.03.98 - Sáng thứ Năm 26/03/98, Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Tuaran, Ngoại Trưởng Tòa Thánh, lên đường viếng thăm Vương Quốc Jordanie. Chiều thứ Năm, tại Amman, thủ đô Jordanie, Ngoại Trưởng làm việc với một số nhân vật trong Chính Phủ. Ngày thứ Sáu 27/03/98, Ngoại Trưởng Tòa Thánh viếng thăm chính thức Cộng Hòa Ả Rậïp Yemen. Theo chương trình, tại Sana'a, thủ đô của Yemen, Ðức Tổng Giám Mục sẽ gặp cộng đồng Công Giáo và các nhân viên mục vụ và truyền giáo tại đây.
Tại Cộng Hòa Yemen có khoảng 3 ngàn người Công Giáo, tất cả là người ngoại quốc; có 4 linh mục, 26 Nữ tu hoạt động trong lãnh vực nhân đạo và y tế. Người dân Yemen theo Hồi Giáo. Trong những buổi gặp gỡ với nhà cầm quyền Yemen, các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Ả Rập Yemen sẽ được thảo luận, cách riêng về việc có thể xây cất một trung tâm Công Giáo tại thủ đô Sana'a, hiện chưa có nơi phụng tự cho các tín hữu Kitô. Việc trao trả một nhà thờ tại Aden cũng dược đề cập đến. Nhà thờ này bị tịch thu năm 1973, do chính phủ lúc đó là chính phủ của Cộng Hòa Nhân Dân Dân Chủ Yemen, theo chế độ Mácxít-Lênin.
Yemen trước đây là hai nước: Cộng Hòa Yemen miền Bắc (1962) không cộng sản, và Cộng Hòa Nhân Dân Dân Chủ Yemen miền Nam (dưới quyền bảo hộ Anh quốc) độc lập năm 1967, do Ðảng xã hội Yemen theo chế độ Mác-Lê, cai trị. Năm 1994, sau vụ tranh chấp đẫm máu, miền Bắc thắng miền Nam, Yemen thống nhất, theo chế độ dân chủ. Hiến pháp mới được tuyên ngày 29.09.1994, công nhận Hồi Giáo là quốc giáo.
Cả hai miền Nam-Bắc Yemen gồm 485 ngàn cây số vuông - Dân số khoảng hơn 10 triệu.
Kết thúc chuyến viếng thăm của Ðức Tổng Giám Mục Paul Cordes tại Cuba.
Vatican - 26.3.98 - Phái đoàn Tòa Thánh, do Ðức Tổng Giám Mục Paul Cordes, chủ tịch Hội Ðồng Ðồng Tâm (Cor Unum), hướng dẫn, đã trở về Roma, sau chuyến viếng thăm 5 ngày tại Cuba.
Tuyên bốù trên Ðài Phát Thanh Vatican, trong buổi phát thứ năm 26.03.98, Ðức Tổng Giám Mục cho biết: "Tại Thủ Ðô La Havana, cảnh nghèo nàn không thấy rõ lắm, nhưng tại Santiago de Cuba và Santa Clara (cả hai nơi này đã được ÐTC viếng thăm) , chúng tôi thấy người dân rất nghèo, nghèo đến nỗi cùng cực. Thí dụ các người già chỉ lãnh hai Mỹ Kim tiền hưu một tháng. Như vậy họ chỉ ăn mỗi ngày có một bữa và ăn cũng một món mãi: đậu và cơm. Dân Cuba đang sống nhờ những giúp đỡ đến từ ngoài. Nếu đình chỉ các viện trợ này, chắc chắn họ còn khổ cực hơn nữa". Ðức Tổng Giám Mục nói thêm: "Tôi phải nhấn mạnh rằng Hội Caritas và các tổ chức nhân đạo khác của Giáo Hội phải tiếp xúc trực tiếp với các giám mục, không đi thẳng với Nhà Nước; nhưng Nhà Nước lãnh nhận phân phát các viện trợ Giáo Hội thu được từ nước ngoài cho dân Cuba. Như vậy, Giáo Hội không độc lập. Ðiều quan trọng phải nhấn mạnh và ai cũng thấy rõ ràng vai trò của Giáo Hội đảm nhận trong lúc này và đối với dân tộc Cuba."
Nói đến mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Giáo Hội Công Giáo và Nhà Nước Cuba, Ðức Tổng Giám Mục Cordes, Chủ tịch Hội Ðồng Cor Unum cho biết: Quyết định mới đây của Chính Phủ Hoa Kỳ về việc giảm bớt biện pháp trừng phạt kinh tế và cho phép chuyên chở bằng máy bay các viện trợ từ Hoa kỳ đến Cuba, là hậu quả rõ ràng của chuyến viếng thăm của ÐTC. Ðây là lý do vui mừng lớn lao cho người dân Cuba và cho các đại diện của Giáo Hội địa phương.
Ðức Tổng Giám Mục nói: "Chúng tôi đã có thể thấy những thành quả của chuyến viếng thăm này: thành quả, dĩ nhiên về tính cách vật chất và chính trị, nhưng nhất là còn về phương diện tinh thần nữa. Chúng tôi đã thấy tái sinh nghị lực của dân tộc này, một dân tộc sau nhiều năm bách hại và đàn áp, đã cảm thấy mình được nâng đỡ và nhìn về tương lai với nhiều hy vọng hơn. Thực sự, thù địch lớn lao của phát triển là tính cách thụ động, thoái chí; nhưng chuyến viếng thăm của ÐTC đã cho thấy dân tộc này không bị cô lập, dân tộc này có những đồng minh hùng mạnh bên ngoài Ðảo này và việc này đã đem lại nghị lực mới, niềm an vui mới, đà thúc đẩy mới".
Ðức Cha Cordes kết thúc: "Tôi thiết nghĩ chuyến viếng thăm của ÐTC đã đem đến một thúc đẩy khuyến khích, nhưng cũng để lại một lời kêu gọi rao giảng Tin Mừng. Các giám mục đã hiểu rằng phải ra khỏi Ghetto (hầm trú ẩn), ghetto này nhiều khi bị cưỡng ép, để tìm đến với những ai chưa biết Thiên Chúa và những ai có thể tìm thấy trong Thiên Chúa con đường sống đích thực như Phúc Âm dạy chúng ta sống".