Lào phạt
tù 13 người Kitô giáo dự
buổi học kinh thánh
Ngày Quốc Tang ÐHY Ribeiro,
TGM Lisboa, Bồ Ðào Nha
Các phiến quân Hutu trả
tự do cho 5 nữ tu người Rwanda
Ðức Hồng Y Sodano
nói về cải tổ Giáo Hội thực
sự
Sự giải quyết vấn
đề nợ nần của các nước
nghèo
Dự luật trừng phạt
các quốc gia vi phạm tự do tôn
giáo
Xin ân xá cho những
người đã sát hại đức
cha Clayeri
Chuyến thăm Cuba của ÐTC
thay đổi chính sách Hoa Kỳ
Lào phạt tù 13 người Kitô giáo tham dự buổi học kinh thánh.
Thái Lan (Bangkok) - Thứ Tư 25/03/98 vừa qua, một tòa án tại Lào đã phạt tù từ 1 đến 3 năm, 13 tín hữu Kitô giáo về tội tham dự buổi học kinh thánh trái phép cách đây hai tháng.
Hãng thông tấn AP tường thuật từ Bangkok cho biết 13 người này nằm trong số 44 người tham dự buổi học kinh thánh tại một nhà thờ tư ở Thủ Ðô Viên Chăn, vào ngày 30/01/1998, trong đó có 3 người quốc tịch Hoa Kỳ và một người Pháp gốc Lào. 8 người đàn ông bị phạt 3 năm tù về tội gây chia rẽ và coi thường chính quyền. Một phụ nữ và một đàn ông khác bị phạt một năm tù. Có 3 phụ nữ bị tù treo một năm. Ðược biết 5 trong số 8 người bị án tù 3 năm, là thành viên của một tổ chức tôn giáo có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Ngày Quốc Tang Ðức Hồng Y Ribeiro, Tổng Giám Mục Lisboa, Bồ Ðào Nha.
Lisboa - Bồ Ðào Nha [Apic 25/03/98] - Chính phủ Bồ Ðào Nha đã tuyên bố ngày thứ Tư 25/03/98 vừa qua là ngày quốc tang dành cho Ðức Hồng Y Antonio Ribeiro, Tổng Giám Mục Lisboa, vừa qua đời cách đây hai hôm. Thủ tướng Antonio Guterres đã phát biểu như sau: "Tôi tin rằng mọi người đều cùng với tôi chia sẻ niềm đau vì sự ra đi của khuôn mặt sẽ ghi đậm nét trên cuộc sống của người Bồ Ðào Nha này.
Từ năm 1971, Ðức Hồng Y Ribeiro đã đóng một vai trò quan trọng trong việc vãn hồi nền dân chủ cho đất nước qua cuộc cách mạng hồi năm 1974.
Ðức Hồng Y Ribeiro sinh năm 1928. trước khi được bổ nhiệm làm giám mục, ngài đã từng giữ các chức vụ như giám đốc Công Giáo Tiến Hành trung ương, điều khiển Học Viện Văn Hóa Tôn Giáo tại Lisboa. Ngoài ra, ngài cũng đã chủ biên nhiều chương trình tôn giáo trên đài phát thanh và truyền hình Bồ Ðào Nha.
Ðức Hồng Y Ribeiro đã từng là thành viên của Bộ Giáo Sĩ, Bộ Giáo Dục Công Giáo và Hội Ðồng Tòa Thánh về Văn Hóa.
Các phiến quân Hutu trả tự do cho 5 nữ tu người Rwanda.
(CWN 25/03/98) - Rwanda (Kigali) - Các phiến quân Hutu đã trả tự do cho 5 nữ tu người Rwanda bị bắt cóc vào hôm thứ Hai 23/03/98, nhưng còn giữ lại hai nữ tu khác người Tây Ban Nha.
Hãng thông tấn Rwanda cho biết hai nữ tu Tây Ban Nha là một bác sĩ và một y tá. Họ được giữ lại để săn sóc cho các phiến quân Hutu bị thương trong các cuộc giao chiến giữa phe phiến quân với quân đội chính phủ do phía người Tutsi kiểm soát. Nhiều thường dân vô tội vẫn tiếp tục bị sát hại do cuộc chiến giữa hai nhóm sắc tộc. Hàng ngàn người đã bị thiệt mạng kể từ sau khi khoảng 1 triệu người tị nạn Hutu trở về Rwanda dạo thánh 11 năm 1996. Các phiến quân Hutu trà trộn với người tị nạn và thỉnh thoảng tổ chức những vụ tấn công nhằm mục đích gây rối loạn cho chính phủ của người Tutsi.
Ðức Hồng Y Sodano nói về cải tổ Giáo Hội thực sự.
(CWN 25/03/98) - Vatican - Giáo Hội luôn mang bản chất thánh thiêng, nhưng cần phải được canh tân luôn.
Trên đây là quan điểm của Ðức Hồng Y Angelo Sodano, quốc vụ khanh Tòa Thánh trong bài diễn thuyết trước một số ký giả tại Ðại Học Giáo Hoàng Laterano hôm thứ Tư 25/03/98 vừa qua. Ðây là một loạt trong các bài diễn thuyết nhắm cổ võ "Tuần Ðại Phúc" tại Roma. Theo Ðức Hồng y Angelo Sodano, các biện pháp cải tổ cần phải được thực hiện cách nào để không gây chia rẽ trong giáo hội. Phân biệt giữa các bên ngoài và thực tại bên trong, Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh ví Giáo Hội như một cây, với thân cây vẫn vững chắc, tuy bên ngoài có nhiều vết sẹo và vỏ tróc. Trải qua các giai đoạn rối đạo, ly giáo và tội lỗi của các tín hữu, Giáo Hội vẫn tiếp tục đứng vững, sinh động từ 2000 năm qua, qua gương chứng nhân của biết bao nhiêu các thánh Tử Ðạo, trong đó có cả hàng triệu người đã chết riêng trong thế kỷ này mà thôi.
Giáo Hội luôn được mời gọi canh tân để qua đó gia tăng thêm hoa quả của bản chất thánh thiêng này. Và Ðức Hồng Y Sodano đã dựa trên những suy luận của thần học gia Yves Congar, dòng Ða Minh, để đưa ra bốn chìa khóa chính cho công cuộc canh tân của Giáo Hội. Thần học gia Yves Congar đã được ÐTC nâng lên hàng Hồng Y vì những đóng góp vô giá của ngài cho nền thần học Công Giáo. Ðức Hồng Y Congar đưa ra bốn nguyên tắc chung như sau: "Thứ nhứt, những người yêu Giáo Hội không nên mưu tìm hay tạo nên một điều gì mới trong Giáo Hội, nhưng hãy cho thấy Giáo Hội với tất cả vẻ đẹp của nó. Thứ hai, canh tân phải bảo toàn và gia tăng sức mạnh cho tình hiệp thông giữa các Giám Mục. Ðức Hồng Y Sodano ghi nhận là tuy sự hiệp thông vẫn còn có những khoảng trống đủ chổ cho những ý kiến cá nhân. Thứ ba, những người chủ trương cải tổ phải kiên nhẫn, cho những nỗ lực của mình, thời gian để trưởng thành. Và thứ tư, cải tổ thực sự luôn bao gồm sự trở lại với các truyền thống của Giáo Hội.
Cuối bài diễn thuyết, Ðức Hồng Y Sodano đưa ra hai kết luận, một cho những người có thiện chí và một riêng cho các tín hữu Công Giáo. Với những người thiện chí, Ðức Hồng Y đề nghị là trước khi đưa ra bất cứ phán xét nào về Giáo Hội, họ cần phải nhìn tới từ mọi khía cạnh và không loại bỏ gương của biết bao chứng nhân trong các thế kỷ qua. Với các tín hữu Công Giáo, Ðức Hồng Y Sodano mời gọi họ hãy yêu mến Giáo Hội nhiều hơn như người mẹ thứ hai của mình.
Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Geneve nêu bật sự khẩn thiết phải giải quyết vấn đề nợ nần của các nước nghèo.
Roma [Apic 25/03/98] - Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Geneve kêu gọi giải quyết vấn đề nợ nần của các nước nghèo.
Hôm thứ Ba 24/03/98 vừa qua, lên tiếng tại khóa họp thứ 54 của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, đức cha Giuseppe Beriello, quan sát viên thường trực và trưởng phái đoàn của Tòa Thánh tại khóa họp, đã nói rằng, việc tha nợ các nước nghèo từ nay cho đến năm 2000 và một cuộc cải cách điền địa bảo đảm một sự phân phối đất đai tốt đẹp hơn là hai cột trụ của "quyền phát triển".
Vị đại diện của Tòa Thánh nhấn mạnh đến sự khẩn thiết phải giải quyết vấn đề nợ nần của các nước đang phát triển và giúp thăng tiến quyền phát triển.
Nhắc lại văn kiện mới đây của Hội Ðồng Tòa Thánh "Công Lý và Hòa Bình" về cải cách ruộng đất, đức cha Bertello nói rằng một công cuộc cải cách ruộng đất đích thực phải quan tâm đến mọi yếu tố, nhứt là yếu tố con người.
Ủy Ban Quốc Hội Hoa Kỳ ủng hộ dự luật trừng phạt các quốc gia vi phạm tự do tôn giáo.
(AFP 25/03/98) - Hoa Kỳ (Washington) - Thứ Tư 25/03/98, Ủy Ban đặc trách về quan hệ quốc tế quốc hội Hoa Kỳ đã tán thành dự luật trừng phạt các quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo.
Với 81 phiếu thuận và 5 phiếu chống, các thành viên của Ủy Ban này cho thấy lập trường các nhà làm luật của Hoa Kỳ, chống lại bất cứ một hình thức đàn áp tự do tôn giáo nào tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy Tòa Bạch Ốc chống lại dự luật này nhưng các nhà quan sát cho rằng nó sẽ được thông qua dễ dàng tại lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ. Dự luật bao gồm các điều khoản xử dụng biện pháp trừng phạt kinh tế và mậu dịch với các quốc gia như: Trung Quốc, Myanmar, Cuba, Iran, Pakistan, Ả Rập Saudi, Sudan và Lào vì không cho phép người dân được quyền tự do tôn giáo.
Chủ tịch Ủy Ban đối ngoại của hạ viện, dân biểu Benjamin Gilman đã bày tỏ cảm nghĩ của ông như sau: "Dự luật này nhắm gửi tới các quốc gia có thành tích đàn áp tôn giáo là những sự đàn áp như thế, nếu tiếp diễn, sẽ không tránh khỏi những phản ứng từ Hoa Kỳ". Ông cũng nói thêm rằng "những tín hữu Kitô bị bách hại tại Bắc Hàn, Cuba, Lào, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Sudan và các quốc gia khác sẽ cảm thấy được khích lệ".
Các Ðức Giám Mục Algeri xin ân xá cho những người đã sát hại đức cha Clayeri.
Alger - Algerie [Apic 25/03/98] - Các Ðức Giám Mục Algeri đã xin ân xá cho 7 người Hồi Giáo bị kết án tử hình vì đã sát hại đức cha Pierre Claveris, giám mục Oran, hồi năm 1996.
Trong một thông cáo được công bố hôm thứ Ba 24/03/98 vừa qua, các vị hữu trách của giáo phận Oran cho biết đã xúc động sâu xa trước bản án dành cho các can phạm. Bản thông cáo của các đức giám mục Algeri viết như sau: "Nhân danh Giáo Hội và cá nhân chúng tôi, chúng tôi hy vọng bản án sẽ không bị đem ra áp dụng một cách cứng nhắc và lời yêu cầu ân xá sẽ được chấp nhận". Gia đình cũng như bạn hữu của Ðức Cha Claverie đều lên án mọi ý tưởng trả thù, và đã xin ân xá cho những kẻ đã dùng bom sát hại ngài và người tài xế của ngài.
Chuyến viếng thăm Cuba của ÐTC làm thay đổi chính sách của Hoa Kỳ.
(CWN 25/03/98) - Vatican - Lên tiếng với các ký giả tại Roma, hôm thứ Tư 25/03/98, bà Madaleine Albright, ngoại trưởng Hoa Kỳ xác nhận rằng chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại Cuba là yếu tố khiến cho Hoa Kỳ thay đổi nới lỏng một số biện pháp cấm vận kinh tế với Cuba chứ không phải do bất cứ điều gì từ chủ tịch Cuba, ông Fidel Castro. Tuy nhiên, bà Madaleine Albright cũng nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì lệnh cấm vận kinh tế mặc dù Tòa Thánh đã nhiều lần kêu gọi bãi bỏ biện pháp trừng phạt kinh tế này đối với Cuba.
Trong khi đó, Ðức Tổng Giám Mục Paul Cordes, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Ðồng Tâm, đã nói rằng, Cuba cần phải được bên ngoài giúp đỡ để vuợt khỏi những khó khăn về mặt kinh tế hiện nay. Tin về việc nới lỏng lệnh cấm vận với Cuba được đưa ra giữa lúc Ðức Tổng Giám Mục Codres đang viếng thăm Cuba và ngài đã hoan nghênh quyết định mới này. Theo vị chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Ðồng Tâm, bất cứ một hình thức gia tăng viện trợ nào cho Cuba đều là một tin mừng. Ðức Tổng Giám Mục Codres cũng ghi nhận là chuyến viếng thăm của ÐTC đang mang lại một sức sinh lực mới tại Cuba, gia tăng sự can đảm cho người dân vượt thắng những hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Hoa quả quí giá nhất mà người dân Cuba gặt hái được từ chuyến viếng thăm của ÐTC chính là sự ý thức rằng họ không bị cô lập hay bị bỏ rơi.
(Reuters 25/03/98) - Trong khi đó, một nguồn tin từ Bộ Ngoại Giao Cuba cho biết hôm thứ Tư 25/03/98, rằng bộ trưởng nước này, ông Roberto Robaina, đang công du Âu Châu, có cuộc hội kiến với ÐTC vào thứ Sáu 26/03/98, đề tài thảo luận giữa ông Robaina và ÐTC xoay quanh những biến chuyển theo sau chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba dạo cuối tháng Giêng 1998 vừa qua.