Người
Công Giáo Ấn Ðộ giữ Mùa
Chay
Kitô Giáo đáp ứng
tẻ nhạt với tân chính phủ
Ấn Giáo
Các lãnh tụ Do Thái
Giáo sẽ hội kiến ÐTC vào tuần
tới
Phái Giêhôva tại Bỉ
yêu cầu cho miễn giờ đạo
đức
Báo động về sự
bạo động ngày càng gia tăng tại
Chiapas
Chấm dứt các cuộc
tranh luận liên quan tới tướng
Pinochet
ÐTC tiếp các giám
mục Bulgari
ÐTC thiết lập giáo
tỉnh mới tại Myanmar (Miến Ðiện)
Người Công Giáo Ấn Ðộ giữ Mùa Chay.
(UCAN IA9613.0967 18/03/98) - Ấn Ðộ (Calcutta) - Tín hữu Công Giáo tại miền Tây Ấn Ðộ, già cũng như trẻ, đều nghiêm chỉnh giữ luật kiêng thịt và ăn chay hãm mình trong Mùa Chay, đôi lúc còn hơn cả các linh mục và giới tu sĩ.
Ðó là quan điểm mà nhiều linh mục cũng như giáo dân Ấn Ðộ đều đồng ý. Tại Bang Tây Bengal, nhiều tín hữu ăn chay hãm mình bằng cách chỉ uống một ly trà vào buổi sáng và ăn tối rất ít. Tại thành phố Bettiah, một trong vùng có đông người Công Giáo thuộc bang Bihar, một số giáo dân hoàn toàn kiêng thịt từ thứ Tư Mùa Chay cho đến Chúa Nhật Phục Sinh. Giới trẻ trong nhóm tuổi từ 18-20 nhịn ăn một tuần hai lần và kiêng thịt trong suốt Mùa Chay. Và tập quán này đang được các tín hữu Công Giáo ở miền Ðông Ấn Ðộ noi theo.
Ngược lại một số tín hữu thuộc hàng bô lão ở Ấn Ðộ đã bày tỏ cảm nghĩ là nhiều linh mục và tu sĩ không còn giữ các luật lệ của Mùa Chay, hay cả đến việc nhắc nhở các giáo dân của họ tuân giữ việc chay tịnh và hy sinh của Mùa Chay. Thay vì là sống chứng nhân như những vị tông đồ được Chúa Giêsu tuyển chọn, nhiều linh mục tu sĩ đã không sống trọn tinh thần của Mùa Chay. Linh mục Cyprian Pinto, cha xứ Asandol, nằm cách thủ đô New Dehli khoảng 1,200 cây số cũng đồng ý là giáo dân của cha tuân giữ các luật lệ của Mùa Chay nghiêm túc hơn là các giáo sĩ. Hầu hết các giáo dân trong xứ của cha đều tham dự các buổi Ðàng Thánh Giá vào các ngày thứ Sáu Mùa Chay, và họ nhịn ăn suốt ngày cho tới sau khi đã tham dự xong chặng Ðàng Thánh Giá.
Kitô Giáo đáp ứng tẻ nhạt đối với tân chính phủ Ấn Giáo.
(UCAN IA9621.0967 18/03/98) - Ấn Ðộ (New Delhi) - Kitô giáo tại Ấn Ðộ đã đáp ứng một cách lạnh nhạt đối với tân chính phủ Ấn Giáo dưới quyền lãnh đạo của thủ tướng Atal Bihari Vajpayec.
Nhìn cuộc tổng tuyền cử vừa qua, đảng Nhân Dân Ấn Ðộ theo Ấn Giáo đã giành được thắng lợi, tuy vẫn chưa chiếm được đa số tại quốc hội. Ngày 15/03/98 vừa qua, tổng thống Kocheril Naryanan đã bổ nhiệm ông Atal Vajpayee làm vị thủ tướng thứ 14 của Ấn Ðộ. Linh mục George Pereira, một viên chức trong Hội Ðồng Giám mục Ấn Ðộ cho biết là Giáo Hội rất vui mừng vì sau nhiều tuần căng thẳng, Ấn Ðộ nay đã có một chính phủ. Cha Pereira cũng nói rằng các Giám Mục Ấn Ðộ thành thực hy vọng là đảng Nhân Dân Ấn Ðộ sẽ không thực hiện các chương trình nghị sự về tôn giáo mà các chính trị gia của đảng này đã loan báo trước đây. Phe Ấn Giáo từng tuyên bố là một khi lên nắm quyền, họ sẽ ban hành các đạo luật nghiêm cấm các hoạt động truyền giáo của người Kitô.
Trong khi đó, linh mục Joe Antony, dòng Tên và là chủ bút một tạp chí Công giáo đã hoan nghênh việc phe Ấn Giáo nắm chính quyền kiểm soát chính phủ, và đây là dịp để chứng minh xem họ sẽ làm được gì khi quyền hành đã nằm trong tay. Theo ghi nhận của Cha Antony, thì phe Ấn Giáo đã hoàn chỉnh kế hoạch chia rẽ các cộng đoàn từng sống hòa hợp với nhau dù có những khác biệt về mặt tôn giáo. Người Kitô Giáo ở Ấn Ðộ cũng không quên những vụ xáo trộn do phe Ấn Giáo chủ mưu để gây căng thẳng giữa các cộng đoàn Kitô và Ấn Giáo. Tại những vùng được coi là nằm duới quyền kiểm soát của phe Ấn Giáo, những vụ tấn công vào phía người Kitô Giáo vẫn tiếp diễn.
Các lãnh tụ Do Thái Giáo sẽ hội kiến với ÐTC vào tuần tới.
(Reuters 18/03/98) - Hoa Kỳ (Los Angeles) - Các lãnh tụ Do Thái Giáo sẽ hội kiến với ÐTC Gioan Phaolô II vào tuần tới và chắc chắn, văn kiện mới công bố của Tòa Thánh liên quan tới cuộc diệt chủng người Do Thái trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến sẽ được mang ra thảo luận.
Hội Ðồng Do Thái Giáo Thế Giới đã cho biết như trên hôm thứ Tư 18/03/98. Cuộc hội kiến sẽ diễn ra sau cuộc hội thảo giữa các giới chức Tòa Thánh và Do Thái Giáo, bắt đầu vào thứ Hai tuần tới 23/03/98 và kéo dài trong ba ngày. Chương trình cuộc hội đã được định sẵn trước khi Tòa Thánh cho công bố văn kiện nói trên. Trong buổi tiếp kiến phái đoàn hỗn hợp Công Giáo và Do Thái Giáo Hoa Kỳ hôm thứ Tư 18/03/98 vừa qua, ÐTC Gioan Phaolô II cho biết ngài cầu nguyện và hy vọng rằng cuộc đối thoại liên tôn giữa hai tôn giáo sẽ được tiếp tục trong bầu khí cởi mở và tin tưởng. Tổng giám đốc Hội Ðồng Kitô Giáo Thế Giới, ông Elan Steinberg đã bày tỏ cùng một cảm nghĩ với ÐTC Gioan Phaolô II khi ông nói như sau: "Cững giống như lời của ÐTC nói hôm nay, sứ điệp mà chúng tôi muốn nhắn gửi là chúng tôi sẽ gia tăng gấp đôi nỗ lực hiện nay để tăng cường tiến trình đối thoại và làm nổi bật hơn lòng tôn trọng lẫn nhau."
Các tín đồ của Giáo Phái Chứng Nhân Giêhôva tại Bỉ yêu cầu cho con cái họ được miễn giờ giáo lý đạo đức.
Bruxelles - Bỉ [Apic 18/03/98] - Các tín đồ của giáo phái chứng nhân Giêhôva tại Bỉ yêu cầu cho con cái họ được miễn giờ giáo lý đạo đức.
Tại vùng Flandre, vì giáo phái Giêhôva chưa được thừa nhận, cho nên con cái họ không buộc phải theo giờ giáo lý của một trong sáu tôn giáo được thừa nhận tại Bỉ, là Công Giáo , Tin Lành, Anh Giáo, Chính Thống, Do Thái Giáo và Hồi Giáo. Thay cho giờ giáo lý có nội dung tôn giáo, các học sinh phải theo học đạo đức. Nhưng các chứng nhân Giêhôva lại cho rằng cưỡng bách phải theo học một giờ đạo đức, dù là đạo đức không thuộc tôn giáo nào, cũng là hành động đi ngược lại với Qui Ước Âu Châu về nhân quyền đã được Bỉ phê chuẩn năm 1955.
Hiện nay, tại Bỉ có khoảng 25 ngàn tín đồ thuộc giáo phái chứng nhân Giêhôva và trên toàn lãnh thổ có khoảng 220 nơi thờ phượng.
Ủy Ban trung gian hòa giải lên tiếng báo động về sự bạo động ngày càng gia tăng tại Chiapas.
Mehico [Apic 18/03/98] - Ủy Ban trung gian giữa Phong Trào Giải Phóng Zapatista và chính phủ Mehicô, đã lên tiếng báo động về sự bạo động ngày càng gia tăng tại Chiapas.
Phát biểu hôm thứ Ba 18/03/1998 vừa qua, đức cha Samuel Ruiz Garcia, giám mục giáo phận Cristobal de las Casas, chủ tịch Ủy Ban trung gian hòa giải, đã lên tiếng tố cáo sự gia tăng của hoạt động quân sự trong vùng Ðông Nam Mehico này. Ngài cho biết hiện nay có hơn 70 ngàn binh sĩ và nhiều nhóm quân sự đang hiện diện trong vùng.
Theo ủy ban trung gian hòa giải, năm 1995, bang Chiapas chỉ có 74 căn cứ quân sự, nay con số này đã hơn 200. Trong ba tháng vừa qua, quân đội chính phủ đã mở ít nhất 104 cuộc hành quân trong những vùng nằm dưới sự kiểm soát của phong trào giải phóng Zapatista.
Vế phần mình, ủy ban thống nhứt và hòa bình quốc gia, gồm các dân biểu, tuyên bố rằng những nổ lực qui tụ các phiến quân và các lãnh tụ chính trị vào bàn hội nghị cho tới nay đều thất bại.
Theo Giáo Hội Công Giáo, chính sự hiện diện quân sự trong vùng là nguyên nhân gia tăng bạo động trong vùng Chiapas. Nỗi lo sợ của người dân càng dâng cao khi các nhóm bán quân sự tùy tiện sát hại thường dân như trường hợp đã xảy ra tại Acteal ngày 22 tháng 12 năm 1997 vừa qua: Trên 45 nông dân, mà phần lớn là phụ nữ, người già và trẻ em, bị các lực lượng bán quân sự cấu kết với Ðảng Cách Mạng định chế đang cầm quyền, sát hại.
Các Giám Mục Chilê kêu gọi chấm dứt các cuộc tranh luận liên quan tới tướng Pinochet.
(CWN 18/03/98) - Chilê (Samiago) - Chúa Nhật vừa qua 15/03/98, Ðức Cha Javier Prado, tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Chilê đã kêu gọi người dân trong nước, vì lợi ích quốc gia, hãy chấm dứt các cuộc tranh luận liên quan tới tướng Chilê, Pjugiuto Pinochet.
Vị tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Chilê khẳng định rằng, cuộc sống của người dân Chilê không thể đứng lại được, vì sự hiện diện của nhà độc tài này tại quốc hội. Ngày 10/03/1998 vừa qua, tướng Pinochet đã được tuyên thệ để trở thành vị thượng nghị sĩ vĩnh viễn của Chilê. Ông Pinochet đã cầm đầu quân đội đảo chánh vào 1973 và đã cai trị Chilê trong tư cách là người cầm đầu chính quyền quân nhân từ 17 năm qua. Sự hiện diện của ông tại thượng viện Chilê đang gây chia rẽ trầm trọng giữa phe ủng hộ và những người chống lại ông Pinochet mà họ coi là một nhà độc tài. Dân chúng Chilê thuộc mọi giới cũng đang bàn tán sôi nổi về vụ này, ngoài ra còn có những vụ biểu tình bạo động để phản đối sự hiện diện của ông Pinochet tại thượng viện.
Trong bài giảng trước các tín hữu tại thủ đô Santiago, Ðức Cha Javier Prado xác định rằng bạo động chỉ có thể dẫn tới bạo động và sẽ không bao giờ giải quyết được chuyện gì. Quốc gia Chilê có nhiều mục tiêu khác, nhiều thách đố và mong đợi, cho nên người dân Chilê nên tập trung vào những vấn đề quan trọng hơn là sống với quá khứ.
ÐTC tiếp các giám mục Bulgari.
Vatican - 18.03.97 - Sau buổi tiếp kiến chung các đoàn hành hương tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ÐTC tiếp ba Giám Mục Bulgari, đến Roma dự lễ Phong Chân Phước vào Chúa Nhật 15/03/98 vừa qua của Ðức Cha Eugenio Bossilkov, tử đạo năm 1952, dưới chế độ cộng sản vô thần: Ðức Cha Petko Christov, giám mục giáo phận Nicopoli (cũng là giáo phận của Chân Phước Bossilkov). Ðức Cha Gheorghi Ivanov Jovcev, giám mục giáo phận Sophia và Ðức Cha Christo Provkov, giám mục giáo phận phụ trách các tín hữu công giáo thay mặt Tòa Thánh, thuộc lễ nghi Bizantin-Slavo.
ÐTC thiết lập giáo tỉnh mới tại Myanmar (Miến Ðiện).
Vatican - 18.03.98 - ÐTC vừa thiết lập giáo tỉnh mới Taunggyi, bằng việc cất nhắc giáo phận Taunggyi lên hàng Tổng Giáo Phận, với các giáo phận phụ thuộc là Kengtung, Loikaw, và Taungngu. Ðồng thời ÐTC bổ nhiệm Ðức Cha Matthias U Shwe, hiện là giám mục Taunggyi, làm Tổng Giám Mục.
Tổng giáo phận Taunggyi rộng 52,740 cây số vuông, với 1,709,956 dân cư, trong số này có 37,377 người Công Giáo. Nhân sự mục vụ và truyền giáo gồm 28 linh mục giáo phận, 4 linh mục Dòng (tất cả đều thuộc Hội Truyền Giáo ngoại quốc Milano (PIME), 2 Tu huynh, 95 Nữ tu, 25 đại chủng sinh, 148 giáo lý viên. Ngoài các giáo lý viên, còn có 155 "Tiểu Huynh đệ Truyền Giáo" (Little Evangelizers). Ðây là một hội truyền giáo giáo dân được thành lập năm 1987, để làm việc truyền giáo tại miền rừng núi nơi các sắc tộc Lahus, Akhas và Lians sinh sống.
Giáo Hội Công Giáo Myanmar hiện có 538,471 tín hữu, trong tổng số 51,249,300 dân cư, tức 1,06%, được chia thành 252 giáo xứ dưới sự hướng dẫn mục vụ của 401 linh mục Giáo phận và 27 linh muc Dòng, với sự cộng tác của 65 Tu Huynh, 1,049 Nữ Tu, 2,097 giáo lý viên, 204 đại chủng sinh và 601 tiểu chủng sinh.
Taunggyi là Giáo tỉnh thứ ba được thành lập tại Myanmar, sau Giáo tỉnh Yangon và Mandalay. Giáo tỉnh Yangon (gồm ba giáo phận phụ thuộc: Mawlamyine - Pathein - Pyay, có 164,553 tín hữu Công Giáo trong số 28,248,886 dân cư - Giáo tỉnh Mandalay cũng gồm ba giáo phận phụ thuộc: Hakha - Lashio - Myitkyina, có 196,006 tín hữu Công Giáo (trong số 17,513,417 dân cư) và Giáo Tỉnh mới Taunggyi cũng gồm ba giáo phận phụ thuộc: Kengtung - Loikaw - Taungngu, có 177,912 tín hữu Công Giáo (trong số 5,487,397 dân cư).