Tin Tức và Thời Sự
ngày 13 tháng 03/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Giáo Hội Công Giáo tại Paraguay đề nghị một chương trình canh tân xã hội

Giáo Hội Công Giáo tại Paraguay đề nghị một chương trình canh tân xã hội.

Asuncion - Paraguay [Apic 13/03/98] - Các Ðức Giám Mục Paraguay đề ra một chương trình canh tân xã hội.

Ðể hướng dẫn sống năm thứ hai trong chương trình chuẩn bị mừng Ðại Năm Thánh 2000, các Ðức Giám Mục Paraguay đã đưa ra một chiến dịch với chủ đề "Nước Paraguay mà chúng tôi mong muốn". Trong chiến dịch này, các ngài đã gay gắt phê bình nạn tham nhũng đang tràn ngập và bóp nghẹt xứ sở. Những lời tố cáo này đã khiến cho mối quan hệ giữa hàng giáo phẩm và tổng thống Paraguay, ông Juan Carlos Wasmosy trở nên lạnh nhạt.


Các tín hữu Kitô tại Thánh Ðịa lo ngại vì dự án xây dựng một đền thờ Hồi Giáo gần Vương Cung Thánh Ðường Truyền Tin tại Nazareth

Các tín hữu Kitô tại Thánh Ðịa lo ngại vì dự án xây dựng một đền thờ Hồi Giáo gần Vương Cung Thánh Ðường Truyền Tin tại Nazareth.

Nazareth [Apic 13/03/98] - Dự án xây cất một Ðền Thờ Hồi Giáo gần Vương Cung Thánh Ðường Truyền Tin tại Nazareth, đã tạo ra nhiều hoang mang nơi các tín hữu Kitô tại đây. Dự án này do nhóm tranh đấu của Hồi Giáo đề xướng. Ðiều này có thể gây phương hại cho các quan hệ giữa các cộng đồng Kitô và Hồi Giáo tại Nazareth.

Theo tin của tờ "Ðiện Báo Giêrusalem" trong số ra hôm thứ Sáu 13/03/98 vừa qua, đại diện của Tòa Thánh tại Thánh Ðịa là Ðức Cha Andrea Cordero Lanza di Montezemoko, đã tiếp xúc với thủ tướng Benjamin Natayahu để trình bày vấn đề. Vị đại diện của Tòa Thánh cho biết toàn thể cộng đồng Công Giáo tại Nazareth lo ngại về dự án này.

Nhóm tranh đấu Hồi Giáo đã chiếm phần đất bên cạnh Vương Cung Thánh Ðường Truyền Tin, mà thị xã Nazareth đã có ý định xử dụng vào việc xây cất một trung tâm thương mại dành cho khách hành hương vào năm 2000. Nếu được xây cất, Ðền Thờ Hồi Giáo sẽ cao hơn Vương Cung Thánh Ðường, vốn là một trong những dấu hiệu đặc trưng của thành phố. Người phát ngôn của thị xã cho biết phần đất bị chiếm này thuộc quyền quản trị của Isreal.


Các bác sĩ trên thế giới kêu gọi ngăn chặn sự lan truyền của việc giết người êm dịu

Các bác sĩ trên thế giới kêu gọi ngăn chặn sự lan truyền của việc giết người êm dịu.

(Reuters 13/03/98) - Anh Quốc (Luân Ðôn) - Thứ Sáu 13/03/98, khoảng 200 bác sĩ và chuyên gia về đạo dức tham dự Hội Nghị Quốc Tế ở Thủ Ðô Luân Ðôn đã khẳng định rằng, việc giết người êm dịu, hay trợ giúp một bệnh nhân nan y tự tử là điều không thể nào biện minh được (justified) và không nên được hợp thức hóa. Hội nghị kéo dài hai ngày này do hai cơ quan, Liên Hiệp Quốc Tế về Quyền Ðược Sống, và Hiệp Hội Bảo Vệ Các Trẻ Em Chưa Sinh, đứng ra tổ chức. Mục tiêu của hội nghị là giúp các tham dự viên hiểu rõ hơn những vấn đề gây tranh luận liên quan tới trách nhiệm và lòng thương xót khi săn sóc những người tàn tật, các bệnh nhân nan y hay sắp qua đời.

Các tham dự viên cho rằng, đó đây trên thế giới, người ta đang cố gắng hợp thức hóa việc giết người êm dịu này, tuy nhiên điều này có thể được chặn đứng qua giáo dục và dựa trên phán quyết của chính phủ liên bang Australia đảo ngược quyết định hợp thức hóa việc làm cho chết êm dịu của chính quyền Lãnh Thổ Bắc Australia. Bác sĩ John Flemming, người Australia, đã phát biểu về vấn đề này như sau: "Hợp thức hóa việc làm cho chết êm dịu là chối bỏ nguyên tắc cơ bản của nhân quyền quốc tế liên quan tới trách nhiệm. Giữa khi thế giới tưởng rằng, hành động giết người êm dịu có thể được hợp thức hóa và chấp nhận, theo sau quyết định của chính quyền Lãnh Thổ Bắc Australia; thì phán quyết của chính phủ Liên Bang Australia đã đảo ngược tình thế và xác định lại tiêu chuẩn nhân quyền trong vấn đề này, không chỉ riêng cho Australia mà thôi, nhưng còn cho cả thế giới".


Giám Mục Kosovo đổ lỗi cho người Serbia

Giám Mục Kosovo đổ lỗi cho người Serbia.

(CWN 13/03/98) - Vatican - Ðức Cha Marko Sopi, Giám Mục của giáo phận duy nhất tại tỉnh Kosovo bên Serbia đã cáo buộc rằng cuộc bạo động trong vùng này phát sinh do sự can thiệp mạnh tau của chính phủ Serbia.

Kosovo, một tỉnh của Serbia, có khoảng 2 triệu dân, đa số là người gốc Albanie. Không giống những người Serbia theo Chính Thống Giáo, người gốc Albanie đa số theo Hồi Giáo và Công Giáo. Ðức Cha Sopi ghi nhận rằng các vụ giao tranh hiện nay sôi động nhất tại các khu vực của người Hồi Giáo, tuy nhiên có một nhóm phụ nữ và trẻ em Công Giáo đã bị liên lụy trong một vụ tấn công của cảnh sát Serbia hồi gần đây.

Kosovo được các nhà phân tích coi là một tụ điểm nóng có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng, qui mô trong vùng Balkan, kể từ sau khi chính quyền Serbia rút lại quyền tự trị của người dân Albanie và sau đó cấm không cho xử dụng tiếng Albanie tại các trường học. Ðiều này đã gây lòng bất mãn nơi họ. Theo Ðức Cha Sopi, giải pháp hòa bình duy nhất cho các vụ bạo động mới đây chỉ có được khi nào chính quyền Serbia tôn trọng bản sắc văn hóa của người dân Kosovo và cho phép các trường học được xử dụng lại tiếng Albanie.


Giám Mục Chiapas coi thường những lời đe dọa tấn công

Giám Mục Chiapas coi thường những lời đe dọa tấn công.

(CWN 13/03/98) - Mêhicô (Chanal) - Bất chấp lời cảnh cáo của chính phủ Mêhicô, Ðức Cha Samuel Ruiz, Giám Mục San Christobal De Las Casas bên bang Chiapas, đã cử hành thánh lễ tại một thị trấn nơi có một nhà thờ đã bị đóng cửa vào năm 1994 vì bị tình nghi ủng hộ cho chính nghĩa của phiến quân Zapatista.

Chính phủ Mêhicô cảnh giác Ðức Cha Ruiz rằng ngài có thể bị tấn công và yêu cầu ngài nên hoãn lại việc cử hành thánh lễ tại thị trấn Chanal, tuy nhiên Ðức Cha Ruiz thản nhiên cho rằng, mọi sự trong cuộc sống đều có sự nguy hiểm của nó. Ðể bảo đảm an toàn cho Ðức Cha Ruiz, các nhân viên an ninh của chính phủ liên bang đã hộ tống ngài đến nơi cử hành thánh lễ. Khoảng 300 cảnh sát và binh sĩ trú đóng cũng được bố trí gần khu vực để phòng ngừa bất trắc. Khoảng 700 người đã tham dự thánh lễ tại một nhà riêng và không có chuyện gì xảy ra.

Ðức Cha Samuel Ruiz bị những người chỉ trích ngài tố cáo là có lập trường ủng hộ phiến quân Zapatista. Ðức Cha đã mạnh mẽ bác bỏ những lời cáo buộc này.


ÐTC gửi điện văn chia buồn về cái chết của Ðức Giáo Chủ Karekin II

ÐTC gửi điện văn chia buồn về cái chết của Ðức Giáo Chủ Karekin II.

Vatican - 13.03.98. Ðược tin Ðức Giáo Chủ Arménie thành Constantinopoli, Karekin đệ nhị qua đời, ÐTC Gioan Phaolô II hôm sáng thứ Sáu 13/03/98 vừa qua, đã gửi diện văn chia buồn với cộng đồng tông đồ Arménie tại Thổ nhĩ Kỳ.

Trong điện văn, ÐTC bày tỏ sự đau buồn sâu xa về cái chết của Ðức Giáo Chủ, một nhân vật thuộc hàng giao sĩ cấp cao của Giáo Hội Arménie. ÐTC nhắc lại chuyến viếng thăm mới đây của Ðức Giáo Chủ tại Vatican. ÐTC còn nhắc thêm: "Trong đời sống, Ðức Giáo Chủ Karekin II đã phục vụ một cách chân thành và với tình yêu mến. (phục vụ cho) Giáo hội Arménie. Tôi cầu nguyẹn để giờ đây ngài có thể tìm được niềm an vui đời đời và sự nghỉ yên trong sự hiện diện của Chúa Giêsu, Vị Chủ Chăn nhân lành, mà Ðức Giao Chủ luôn luôn là người phục vụ trung thành".

Ðức Giáo chủ Karekin đệ nhị qua đời thứ Hai 9.03.98 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), sau cơn bệnh lâu dài, thọ 71 tuổi; nhưng tin về cái chết của ngài chỉ được loan báo sau hai ngày. Tháng 6 năm ngoái, (1997), Ðức Giáo Chủ đãù tham dự Khóa Họp Ðại Kết của Châu Âu tổ chức tại Graz (bên Áo Quốc).

Tổng Thống và Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ có gửi điện văn chia buồn. Lễ an táng sẽ được cử hành vào Chúa Nhật tới đây trong nhà thờ kính Ðức Trinh Nữ Maria ở Istanbul; sau đó Ðức Giao Chủ được an áng tại Ðất Thánh của cộng đồng Arménie tại Thủ Ðô Thổ Nhĩ Kỳ. Tòa Giáo Chủ Istanbul loan báo một thời kỳ để tang cho tới khi có vị Giáo Chủ mới.


Các lãnh tụ học sinh Công Giáo cam kết thăng tiến giáo dục về nhân quyền

Các lãnh tụ học sinh Công Giáo cam kết thăng tiến giáo dục về nhân quyền.

(UCAN AS9589.0966 13/03/98) - Hồng Kông - Trong khóa hội thảo tại Hồng Kông từ ngày 24/02/98 đến 2/03/98 vừa qua, các lãnh tụ phong trào Học Sinh Công Giáo Trẻ ở Á Châu (Young Christian Students) cam kết nổ lực thăng tiến giáo dục về nhân quyền trong giới học sinh tại đại lục này. Nguyên do là vì học sinh ngày nay có khuynh hướng coi trọng giá trị của phát triển kinh tế hơn là các giá trị nhân bản.

Khóa hội thảo mang chủ đề "Thăng Tiến Nhân Quyền trong Môi Trường Học Ðường" diễn ra trong khuôn khổ mừng kỷ niệm 50 năm ngày công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế, và cũng để gây ý thức cho các học sinh về vai trò của họ trong một thế giới đang có nhiều thay đổi. Ðể thực hiện công tác này, các tham dự viên đề nghị tổ chức các buổi suy tư và tìm hiểu về nhân quyền trong xã hội, in ấn các tài liệu tham khảo bằng các thứ tiếng Á Châu, vận dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Trong tuyên ngôn chung kết sau khóa hội thảo, các tham dự viên ghi nhận rằng, với tham vọng bắt kịp đà tiến của các nước kỹ nghệ tân tiến, nhiều chính phủ Á Châu đã ban hành những biện pháp cải tổ kinh tế. Các biện pháp này vi phạm và chối bỏ nhân quyền của con người. Tình trạng này xảy ra mặc dù tại các quốc gia đó có những cơ quan, tư nhân cũng như chính phủ, chuyên đặc trách về công tác bảo vệ quyền lợi của người dân. Ngoài ra, cũng có những quan điểm sai lầm về nhân quyền, chẳng hạn như, nhân quyền phát xuất từ tư tưởng Tây Phương: nhân quyền là yếu tố gây rối loạn trật tự xã hội và là chuyện của người lớn mà thôi. Bản tuyên ngôn cũng ghi nhận thêm rằng tôn giáo không phải là yếu tố gây cản trở cho việc thăng tiến nhân quyền. Các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới luôn bảo vệ tính cách thánh thiêng của sự sống và tín hữu các tôn giáo này đều được mời gọi bước theo chân của đấng sáng lập.


Các nhà văn Kitô Giáo của Bangladesh được kêu gọi góp phần phục vụ đất nước

Các nhà văn Kitô Giáo của Bangladesh được kêu gọi góp phần phục vụ đất nước.

Bangladesh [Dhaka 13/03/98] - Các nhà văn Kitô Giáo của Bangladesh nên góp phần của mình để giúp các phương tiện truyền thông xã hội đáp ứng vai trò làm công cụ thay đổi bộ mặt xã hội.

Lên tiếng tại buổi hội thảo về vai trò của giới truyền thông Kitô Giáo mới đây, Ðức Cha Theotinius Gmez, Giám Mục phụ tá Tổng Giáo Phận Dhaka bày tỏ cảm nghĩ rằng, ngành truyền thông trong thế giới hiện đại đang phát triển ngoài sức tưởng tượng, tuy nhiên, sứ điệp thực sự, con tim của truyền thông, vẫn chưa phát triển như mong đợi. Ngài kêu gọi các nhà văn Kitô Giáo, những người đang sống giữa lòng xã hội, hãy nêu gương bằng cách sống đời cầu nguyện và mạnh bạo bày tỏ những tư tưởng Kitô Giáo của mình qua các phương tiện in ấn. Linh Mục Daniel Rozario, Giám Ðốc Trung Tâm Truyền Thông Kitô Giáo tại Bangladesh thì cho rằng Giáo Hội luôn cởi mở trong việc dùng các phương tiện truyền thông để đề cao sự phát triển của giáo hội tại Bangladesh.

Về phần mình, bộ trưởng thông tin của Bangladesh, ông William Atul Kuluntunu đã nhắc nở các tham dự viên rằng cải tiến xã hội qua nhiều phương tiện khác nhau của ngành truyền thông là trách nhiệm luân lý của những người hoạt động trong lãnh vực này. Một cách gián tiếp, giới truyền thông là thành phần lãnh đạo trong xã hội, bởi vì tiếng nói của họ thường khi có hiệu quả nhiều hơn là tiếng kêu la của các chính trị gia trước quần chúng. Tuy người Kitô Giáo chỉ là một thiểu số tại Bangladesh, nhưng họ có thể giữ một vai trò quan trọng trong việc chuyển đạt các giá trị bổ ích được đăng trên các nhật báo và được hàng triệu độc giả theo dõi mỗi ngày.


Back to Radio Veritas Asia Home Page