Tìm hiểu
ý nghĩa của thảm họa nguyên tử
tại Nagasaki
Du lịch là nguyên nhân
cho nạn mãi dâm tại Philippines
Caritas quốc tế tố cáo
những bất công tại Brasil
Hiệp Hội Kitô Nigeria chống
tướng Abacha
Việc bảo đảm cho việc
học giáo lý trong các trường
học
Phi Châu kết án chủ
nghĩa Tôn Giáo Cực Ðoan
Một tu sĩ dòng Phanxicô người Nhật tìm hiểu ý nghĩa của thảm họa nguyên tử tại Nagasaki.
(UCAN JA9461.0966 12/03/98) - Nhật Bản (Tokyo) - Tìm hiểu ý nghĩa của thảm họa bom nguyên tử tại Nagasaki và chia sẻ kinh nghiệm của hành trình tu đức (spiritual journey) của mình.
Ðó là những gì một tu sĩ dòng Phanxicô người Nhật theo đuổi hầu như suốt cuộc đời mình kể từ sau biến cố Hoa Kỳ dội bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến. Trong những lần gặp gỡ với giới trẻ đang sống tại Nagasaki, tu huynh Thomas Tomei Kozaki kể lại những kinh nghiệm của mình trong những giờ phút đen tối nhất của thành phố này cũng như cho cả nước Nhật. Lúc ấy, mới được 17 tuổi và đang làm việc tại một kho chế tạo đạn dược ở Nagasaki, tu huynh Kozaki cho biết suốt một tháng sau biến cố buồn thương này, tu huynh rảo khắp nơi để tìm tung tích thân mẫu mình và giúp hỏa táng hay chôn cất thi thể của những người bạn hay người quen biết. Tâm trạng của những người còn sống sót sau cuộc dội bom kinh khủng đó, không chỉ là sự đau đớn về mặt thể xác nhưng nói chung là những hậu quả về mặt tâm lý, đâu là ý nghĩa của thảm kịch buồn thương này.
Vuợt thắng được sự buồn khổ của riêng mình, tu huynh Kozaki cho biết đã viếng thăm trại tập trung Auschwitz của Ðức Quốc Xã bên Ba Lan tổng cộng là 7 lần, để tìm hiểu về cuộc đời và cái chết của thánh Maximiliano Kolbe, một linh mục dòng Phanxicô hiển tu. Thánh Maximiliano Kolbe đã chịu chết thay cho một người tù khác mà ngài biết là một người cha trong một gia đình còn có vợ và con. Tu huynh Kozaki đã tìm đến nói chuyện với người tù nhân này. Tu huynh hiện là người quản trị Trung Tâm Tưởng Niệm Thánh Maximiliano Kolbe ở thành phố Nagasaki, và qua kinh nghiệm linh hướng cũng như của chính bản thân, tu huynh đang thực hiện một tập phim tài liệu về thảm kịch tại Nagasaki năm 1945. Tập phim này sẽ được trình chiếu trên đài truyền hình Nhật vào tháng 5/1998 tới đây.
Du lịch là nguyên nhân khiến cho nạn mãi dâm tại Philippines trở nên tồi tệ hơn.
(UCAN PR9568.0966 12/03/98) - Philippines (Manila) - Chính phủ Philippinres cần phải mở một chiến dịch để giúp ngăn chận phát triển của kỷ nghệ mãi dâm tại nước này, khi mà nạn mãi dâm không còn chỉ giới hạn tại những khu vực mệnh danh là "Khu Vực Ðèn Ðỏ", nhưng đã xâm nhập hầu hết mọi góc cạnh của xã hội, trong những cộng đoàn nơi mà nạn mãi dâm cũng theo bước của nghèo đói mà gia tăng.
Trên đây là nhận định của tổ chức Gabriela, chuyên tranh đấu cho quyền của phụ nữ tại Philippines. Trong bản báo cáo về Du Lịch và Nạn Mãi Dâm trong năm 1997 công bố dạo cuối tháng 2/1998 vừa qua, tổ chức Gabriela cho biết trong số gần nữa triệu gái mãi dâm đang hành nghề, có cả trẻ em, nữ sinh còn đang đi học hay đã tốt nghiệp và ngay cả các phụ nữ đang làm nội trợ. Số các em gái hành nghề mãi dâm trong năm 1992 là 60 ngàn nay đã lên tới 100 ngàn và mỗi năm có thêm khoảng trên 30 ngàn em bước vào con đường bán xác thịt để nuôi chính bản thân hay cho cả gia đình.
Bà Liza Maza, tổng thư ký của tổ chức nói trên cho biết, với tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay, nạn sa thải nhân công, đồng lương thấp, cơ hội kiếm được công ăn việc làm ngày càng khó khăn hơn, và giá cả nhu yếu phẩm và các mặt hàng tiêu thụ đang gia tăng, trong khi các dịch vụ xã hội của chính phủ cũng như từ các tổ chức vô vụ lợi ngày một ít đi... Tất cả những yếu tố này đang tạo nên một hoàn cảnh trong đó nhiều phụ nữ chỉ còn một giải pháp duy nhất để kiếm sống là hành nghề mãi dâm. Các kế hoạch của chính phủ nhắm biến Philippines thành một trong những tụ điểm thu hút du khách nhiều nhất trong vùng Á Châu Thái Bình Dương cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho nạn mãi dâm tại nước này gia tăng nhanh chóng.
Bản báo cáo kêu gọi, bên cạnh việc mở chiến dịch ở những cộng đoàn chống lại nạn mãi dâm, chính phủ cần phải đề ra các chương trình song song để giúp các chị em phụ nữ kiếm công ăn việc làm. Bởi vì đối phó với nạn mãi dâm cách hữu hiệu là phải nhắm vào các nguyên nhân cội rễ gây ra nạn nghèo đói, và đồng thời chọn lựa các điều kiện khả dĩ để giúp ngăn chận sự lan tràn của những tệ nạn này.
Ðức Cha Alfonso Felippe Gregory, chủ tịch Caritas quốc tế, tố cáo những bất công tại Brasil.
Fribourg - Thụy Sĩ [Apic 12/03/98] - Ðức Cha Alfonso Felippe Gregory, Giám Mục giáo phận Imperatriz tại Brasil, kiêm chủ tịch Caritas quốc tế, đã lên tiếng tố cáo những bất công tại Brasil. Ngài hiện đang được mời tham gia chiến dịch Mùa Chay có tên là "Ðô Thị Liên Ðới" tại Thụy Sĩ.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hảng tin Công Giáo Thụy Sĩ Apic, Ðức Cha Gregory cho biết Giáo Hội Công Giáo tại Brasil luôn lên tiếng tố cáo các bất công và cổ võ việc cải cách điền địa. Trong hoàn cảnh hiện tại, Giáo Hội vẫn còn là một sức mạnh tinh thần có uy tín đối với người dân. Ðức Cha Gregory nói rằng phần lớn đất đai tại Brasil đều nằm trong tay các chính trị gia hoặc được tậu mãi nhờ vào ảnh hưởng chính trị.
Theo Ngân Hàng Thế Giới, hiện nay tại Brasil không đầy một phần trăm các địa chủ chiếm đến 43 phần trăm diện tích trồng trọt. 23 triệu người làm công và nông dân sống dưới mức nghèo. 5 triệu gia đình không có lấy một tấc đất. Và 40 triệu người phải lâm cảnh túng đói trong một đất nước mà nông sản có thể nuôi một dân số gấp hai lần dân số Brasil. Nhiều diện tích tương đương với cả Tây Âu bị các địa chủ chiếm giữ nhưng lại bỏ hoang hoặc chỉ để chăn nuôi.
Hiệp Hội Kitô Nigeria chống tướng Abacha.
Nigeria - Lagos [12/03/98] - Hiệp Hội Kitô Nigeria vừa lên tiếng chống lại chiến dịch nhắm đưa tướng Abacha, người cầm đầu chính quyền quân nhân tại nước này, ra làm ứng cử viên tổng thống dân sự, trong kỳ bầu cử dự trù sẽ diễn ra vào đầu tháng 8/1998 tới đây.
Trong một thông cáo công bố vào hôm thứ Năm 12/03/98, Hiệp Hội Kitô Nigeria gọi toan tính này là sai lầm về mặt luân lý cũng như dân chủ. Tướng Abacha đã cầm đầu cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền dân sự dạo tháng 11 năm 1993 và sau đó nắm quyền lãnh đạo quốc gia. Khi lên nắm quyền, ông đã cam kết sẽ vãn hồi chính quyền dân sự sẽ được bầu lên theo đường lối dân chủ vào tháng 10 năm 1998. Ông chưa chính thức công bố là ông sẽ ra tranh cử. Tuy nhiên cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông tại Abuja, thủ đô liên bang Nigeria, trong tuần vừa qua cùng với chiến dịch kêu gọi ông ra tranh cử, trong tư cách một ứng cử viên dân sự, là những dấu hiệu cho thấy ông vẫn còn tham vọng nắm giữ quyền hành.
Kể từ khi lên nắm quyền, tướng Abacha đã nhiều lần bị cộng đồng quốc tế lên án vì những hành động vi phạm nhân quyền cũng như việc ông thẳng tay đàn áp các nhà đối lập và bất đồng chính kiến. Chế độ của ông đã tạm thời bị trục xuất khỏi ghế thành viên của khối thịnh vượng chung và Nigeria cũng đang gánh chịu nhiều biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế vì thành tích vi phạm nhân quyền. Nigeria là quốc gia đông dân số nhất ở Châu Phi với hơn 100 triệu dân. 45% tổng số này theo đạo Hồi, và người Kitô Giáo cũng chiếm tỷ lệ tương tự. Theo chương trình, ÐTC Gioan Phaolô II sẽ viếng thăm Nigeria vào ngày 21-23/03/1998.
Giáo Hội Công Giáo Tây Ban Nha e ngại rằng chính phủ mới không xem trọng những cam kết trong việc bảo đảm cho việc học giáo lý trong các trường học.
Madrid - Tây Ban Nha [Apic 12/03/98] - Các Ðức Giám Mục Tây Ban Nha e ngại rằng chính phủ của thủ tướng Jose Maria Aznar không tôn trọng các cam kết liên quan đến các lớp giáo lý trong các trường học.
Năm 1994, Hội Ðồng Bộ Trưởng trong chính phủ cũ đã ban hành sắc lệnh cưỡng bách việc học giáo lý trong các trường trung học, nhưng xác định rằng học sinh có thể chọn lựa những môn tương đương khác. Một cách cụ thể, trong hai năm trung học và một năm tú tài, những học sinh nào không ghi danh học giáo lý buộc phải tham dự vào các sinh hoạt văn hóa liên quan đến tôn giáo.
Nhưng kể từ tháng 9 năm 1995, trong danh sách những sinh hoạt nhiệm ý có liên quan đến tôn giáo, người ta không thấy có bất cứ nội dung nào có liên quan đến tôn giáo. Trong nhiều trường, sinh hoạt nhiệm ý này chỉ còn là một giờ giải trí.
Ủy Ban Giám Mục về Giáo Dục và Huấn Giáo của Hội Ðồng Giám Mục tây Ban Nha gọi đây là một hành động không nghiêm chỉnh.
Theo một cuộc thăm dò thực hiện tại 58 giáo phận trên toàn lãnh thổ Tây Ban Nha, 85 phần trăm trẻ em và giới trẻ ghi danh theo học các lớp giáo lý. Tỷ lệ này lên đến 98 phần trăm trong các trường Công Giáo. Tỷ lệ học sinh theo học giáo lý trong các trường công lập cũng lên đến 84 phần trăm.
Liên Minh Nhân Quyền Phi Châu kêu gọi Liên Hiệp Quốc kết án chủ nghĩa Tôn Giáo Cực Ðoan.
Dakarta - Senegal [Apic 12/03/98] - Liên Minh Nhân Quyền và các dân tộc Phi Châu đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc lên án chủ nghĩa Tôn Giáo Cực Ðoan và nạn khủng bố.
Trong một lời kêu gọi được gửi tới Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm 12/03/98 vừa qua. Liên Minh đã kêu gọi Ủy Ban hãy dành kỳ họp tới để lên án chủ nghĩa Tôn Giáo Cực Ðoan và nạn khủng bố dưới mọi hình thức. Hiện nay Liên Minh này đã có các chi nhánh tại khoảng 20 quốc gia Phi Châu.
Trong một cuộc họp báo nhân dịp kết thúc một tuần viếng thăm tại Sénégal, chủ tịch của Liên Minh, ông Khalfallah Bechir, người Algeri, đã bày tỏ mong ước là Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc hãy đòi hỏi các nước Âu Châu hãy chấm dứt việc dung túng và tài trợ cho các tổ chức khủng bố, hầu ngăn chặn các hoạt động, trong các quốc gia của họ. Ông Bechir nói rằng dung túng cho các mạng lưới khủng bố là che chở cho những người gieo rắc hận thù và cỏ lùng.