Kêu gọi người
Công Giáo chống lại sự băng
hoại luân lý
Phủ nhận có sự
chia rẽ vì vấn đề kiểm soát
sinh sản
Kêu gọi huấn luyện
nghiêm chỉnh giáo dân
Tố cáo chính sách
cưỡng bách tuyệt sinh hóa phụ
nữ
Giáo Hội nên nghiên
cứu lại mô hình kinh tế Á
Châu
Ðức Tân Hồng Y Ðài Loan kêu gọi người Công Giáo chống lại sự băng hoại luân lý.
(UCAN TA9527 11/03/98) - Ðài Loan (Hsinchuang) - Ðức Tân Hồng Y Phaolô Ðan Quốc Tỷ của Ðài Loan, (vị vừa được ÐTC bổ nhiệm Hồng Y vào ngày 21/02/98 vừa qua, và đã từng làm Phó Giám Ðốc Tập Viện của Dòng Tên tại Thủ Ðức, Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến 1963, đã lên tiếng kêu gọi các tín hữu Công Giáo trong nước hãy giữ vững các giá trị gia đình và kiến tạo một xã hội mới quan tâm tới người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Trong một thánh lễ tạ ơn cử hành tại Ðại Học Công Giáo Phụ Nhân (Fujen) gần Ðài Bắc ngày 28/02/98 vừa qua, Ðức Tân Hồng Y Ðài Loan khuyến khích các tín hữu hãy phục hồi đời sống gia đình, các giá trị luân lý, nhưng đồng thời cũng nên quan tâm tới các gia đình cha mẹ độc thân và con em của những gia đình bị đổ vỡ. Khoảng 3,000 tín hữu Công Giáo đến từ khắp nơi trong toàn quốc đã tham dự thánh lễ tạ ơn.
Cũng trong thánh lễ, Ðức Hồng Y Phaolô Ðan Quốc Tỷ kêu gọi tăng gia hợp tác giữa các tôn giáo để qua đó kiến tạo một xã hội biết tôn trọng phẩm giá con người, công bằng xã hội, dân chủ và tự do, cũng như biết quan tâm tới những người già lão thiếu sự săn sóc của gia đình, những người sắc tộc, những thành phần di dân lao động, các tù nhân, và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Ðể chuẩn bị cho Thiên Niên Kỷ thứ ba, ngài kêu gọi các người Công Giáo ủng hộ cho Hội Nghị về chủ đề "Tân Thế Kỷ, Tân Truyền Bá" (Thế Kỷ Mới, Công Cuộc Truyền Giáo Mới; Upcoming New Century, New Evangelization Convention). Hội nghị này đã được nói đến trong lá thư mục vụ của Hội Ðồng Giám Mục Ðài Loan công bố dạo tháng 4 năm 1997. Hội nghị nhắm mục đích tìm ra một công thức thích hợp cho công cuộc truyền giáo tại giáo hội địa phương, hầu đáp ứng những nhu cầu trong thời đại mới và đối phó với những vấn đề của người dân.
Các Giám Mục Peru phủ nhận có sự chia rẽ vì các vấn đề kiểm soát sinh sản.
(CWN 11/03/98) - Peru (Liem) - Thứ Sáu vừa qua (6/03/98), Hội Ðồng Giám Mục Peru đã phủ nhận nguồn tin cho rằng đang có sự chia rẽ giữa các Giám Mục vì những vấn đề liên quan tới việc kiểm soát sinh sản.
Báo chí tại Peru trong tuần qua đã tung ra lời đồn đoán này sau khi Ðức Tổng Giám Mục Juan Luis Cipriani dùng những lời lẽ nặng nề để mô tả chương trình kiểm soát sinh sản của chính phủ. Các ký giả trích thuật lời của Ðức Tổng Giám Mục Cipriani nói rằng: "Vị bộ trưởng y tế nên từ chức ngay tức thì, bởi vì ông coi quốc gia Peru như một nông trại đầy những con vật chỉ biết đến chuyện sinh lý mà thôi". Sau đó, nhiều vị giám mục Peru cho rằng lời lẽ của Ðức Tổng Giám Mục Cipriani là không thích hợp. Nhiều tờ báo và các phương tiện truyền thông ủng hộ chương trình kiểm soát dân số của chính phủ đã nhân cơ hội này để phóng đại và cho rằng đang có sự chia rẽ trong hàng lãnh đạo giáo hội Peru.
Trong một thông cáo ngắn với những lời lẽ cứng rắn, Hội Ðồng Giám Mục Peru xác định rằng các Giám Mục Peru đoàn kết chặt chẽ trong niềm xác tín về sự xấu xa của chương trình kiểm soát dân số do chính phủ đề xướng. Thông cáo cũng nói thêm rằng: "Trái với những gì được báo chí đề cập tới, hơn lúc nào hết, Hội Ðồng Giám Mục Peru vẫn giữ vững tinh thần hiệp thông và nhất trí trong vấn đề này, bởi vì nó liên quan tới trọng tâm sứ mạng của các ngài trong tư cách là những vị chủ chăn. Các Giám Mục Peru lập lại một lần nữa sự chống đối mạnh mẽ các biện pháp hạn chế sinh sản vô luân, thiếu nhân bản nhắm vào các thành phần dân nghèo." Về phần mình, Ðức Cha Alberto Diaz Ufano, chủ tịch Ủy Ban Gia Ðình và Sự Sống của Hội Ðồng Giám Mục Peru thì khẳng định rằng không có một bằng chứng nào cho thấy có sự chia rẽ giữa các Giám Mục. Sự khác biệt trong cách xử dụng từ ngữ chỉ có thể được coi là dấu hiệu chia rẽ trong mắt của những người muốn nhắm tới mục tiêu chính trị. Họ muốn được thấy có sự chia rẽ trong giáo hội, nhưng rất tiếc điều này đã không xảy ra".
Ðức Hồng Y Josef Ratzinger kêu gọi huấn luyện nghiêm chỉnh giáo dân.
Roma [Apic 11/03/98] - Ðức Hồng Y Josef Ratzinger, tổng trưởng bộ Giáo Lý Ðức Tin, đã lên tiếng kêu gọi các giám mục và linh mục hãy huấn luyện giáo dân một cách nghiêm chỉnh về giáo lý và mục vụ để tránh điều mà ngài gọi là "Tin Lành hóa" Giáo Hội Công Giáo và "Giáo Sĩ hóa" giáo dân.
Trên báo "Người Quan sát Roma" số ra ngày 11/03/98, tiếp tục loạt bài bình luận về huấn thị liên bộ về sự cộng tác của giáo dân vào thừa tác vụ của linh mục, Ðức Hồng Y Ratzinger trưng dẫn một số sự kiện tại Trung và Bắc Âu cũng như tại Bắc Mỹ và Australia. Ngài giải thích rằng những lạm dụng tại những vùng này có thể lan rộng đến những nơi khác. Ðiều này cho thấy tính thời sự và khẩn trương của huấn thị. Do đó, theo Ðức Hồng Y Ratzinger, cần phải làm sáng tỏ những hình thức cộng tác của giáo dân vào thừa tác vụ của linh mục.
Vị tổng trưởng Bộ Giáo Lý và Ðức Tin giải thích như sau: "Những nguyên tắc và tiêu chuẩn mà huấn thị nhắc đến, đòi hỏi giáo dân dấn thân cộng tác vào tác vụ mục vụ của linh mục cần phải được huấn luyện về thần học và mục vụ một cách đầy đủ và quán triệt". Một sự huấn luyện như thế sẽ giúp tránh nhìn Giáo Hội dưới khía cạnh "công chức", thực tiển và thực dụng.
Do đó, các giám mục và linh mục có bổn phận phải huấn luyện giáo dân một cách nghiêm chỉnh về mặt giáo thuyết để họ có được "cảm thức về Giáo Hội".
Giáo Hội tại Mêhicô tố cáo chính sách cưỡng bách tuyệt sinh hóa các phụ nữ.
Mehico [Apic 11/03/98] - Tổng Giáo Phận Mehico đã cực lực phê bình chính sách cưỡng bách việc tuyệt sinh hóa phụ nữ hiện đang được thực thi trên qui mô toàn quốc.
Bài xã luận của tờ báo giáo phận có tên là "Desde la Fe", trong một số ra gần đây, đã viết như sau: "Ðây là một chế độ bạo chúa tinh vi, cũng độc ác không kém gì các chế độ Ðức Quốc Xã và Stalinit. Người ta muốn thống trị nhân dân bằng việc kiểm soát sinh sản."
Theo tờ báo, hiện nay chính phủ Mehico đang mở chiến dịch cưỡng bách các phụ nữ nghèo phải tuyệt sinh hóa. Tờ báo kết luận: Nhà nước cũng như bất cứ tổ chức tư nhân nào, không có quyền xen vào việc quyết định số con của cha mẹ.
Giáo Hội nên nghiên cứu lại mô hình kinh tế Á Châu.
(UCAN AS9557.0966 11/03/98) - Philippines (Quezon City) - Giáo Hội cần phải xét lại (re-examine) mô hình kinh tế ở Á Châu, là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tiền tệ đang gây nên những tai hại nặng nề cho người dân.
Trên đây là nhận định chung kết của diễn đàn liên quan tới Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu tổ chức tại thành phố Quezon bên Philippines từ ngày 2-6/03/1998 vừa qua. Diễn đàn này do Phong Trào Trí Thức và Văn Hóa Công Giáo Quốc Tế, có trụ sở bên Geneve, Thụy Sĩ, đứng ra tổ chức. Khỏang 55 người gồm giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đến từ Á Châu, Australia và Âu Châu đã đến tham dự. Trong tuyên ngôn được công bố, các tham dự viên cho rằng mô hình kinh tế ở Á Châu ngày nay được dựa trên sự cạnh tranh tàn nhẫn, tham lợi, khai thác con người và gây nên những gánh nặng xã hội cho người dân nghèo. Bản tuyên ngôn cho rằng, cơ cấu bệnh hoạn dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế ở Á Châu bao gồm các nguyên nhân như: sự phát triển kinh tế nhanh chóng và thiếu kiểm soát, luôn cả trong lãnh vực đầu tư nước ngoài, thiếu sự trông nom từ chính phủ trong các cơ chế tư nhân cũng như của chính phủ, tham nhũng và nạn bao che dung túng cho người thân thuộc (nepotism) nơi những người nắm giữ quyền hành. Tuy nhiên, nạn đầu cơ tích trữ ngoại tệ cũng phải chịu phần trách nhiệm lớn, trong khi các điều kiện kiểm soát khắt khe do những tổ chức tài chánh thế giới như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế GIới áp đặt đã khiến cho sự soi mòn trong chủ quyền chính trị và kinh tế trở nên trầm trọng hơn.
Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay vừa là một thách đố vừa là cơ hội cho giáo hội trong tiến trình trở lại (conversion) thành một giáo hội mới. Sự trở lại của giáo hội Á Châu có nghĩa là giáo hội phải thực sự trở thành một giáo hội của người nghèo. Nó cũng có nghĩa là cởi bỏ chính mình (self-emptying), cởi bỏ đường hướng đế quốc văn hóa (cultually imperalistic) trong sứ mạng rao gảing Tin Mùng, và nhận thức được dấu chân của Thiên Chúa trong số các dân tộc Á Châu, trong các truyền thống, văn hóa và tôn giáo của họ.