Tin Tức và Thời Sự
ngày 06 tháng 03/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Quốc gia phát triển nhưng người nghèo không được hưởng

Quốc gia phát triển nhưng người nghèo không được hưởng.

(UCAN PR9447.0965 6/03/98) - Philippines (Manila) - Mặc dù báo cáo của chính phủ cho thấy, nền kinh tế của Philippines trong năm 1997 vừa qua đã gia tăng nhưng cuộc sống của người nghèo vẫn không thay đổi.

Trên đây là nhận định của các Giám Mục Philippines theo sau báo cáo của Ban Kế Hoạch Kinh Tế cho thấy trong năm 1997, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Philippines tăng 5.1% và tổng sản phẩm quốc gia (GNP) tăng 5.8%. Tuy hai chỉ số này kém hơn so với năm 1996 nhưng cũng đã đạt chỉ tiêu do chính phủ đề ra cho năm 1997. Các Giám Mục Philippines thì cho rằng những thành quả kinh tế này đã không đến tay của người nghèo và cuộc sống của họ cũng vẫn còn chật vật như những năm trước. Dưới chính thể của tổng thống Fidel Ramos, hố chia cách giữa giàu và nghèo tiếp tục gia tăng. Tình cảnh nghèo khó của đa số dân chúng, theo các Giám Mục, phát sinh từ các nguyên do như: chính phủ thiếu thiện chí chính trị nhắm thăng tiến đời sống của người dân, các nhà làm luật đã đặt sai ưu tiên trong các chương trình được chính phủ đưa ra thực hiện.

Ðức Tổng Giám Mục Orlando Quevedo, Tổng Giám Mục Nueva Segovia cho biết Hội Ðồng Giám Mục Philippines sẽ đề cập chi tiết hơn trong lá thư mục vụ về tình hình kinh tế của quốc gia, dự trù sẽ được công bố vào tháng 7 tới đây, không lâu sau khi tân tổng thống lên nhậm chức. Các thống kê mới nhất của chính phủ cho thấy, 40% dân số Philippines vẫn còn đang sống dưới mức nghèo đói, trong khi một cuộc thăm dò khác cho thấy có 60 % gia đình dân Philippines bị liệt kê là ở mức nghèo.


Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu được kêu gọi dành chỗ cho phụ nữ trong thừa tác mục vụ

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu được kêu gọi dành chỗ cho phụ nữ trong thừa tác mục vụ.

(UCAN K09539.0965 6/03/98) - Nam Hàn (Seoul) - Giáo Hội cần phải mở rộng để phụ nữ có thể tham dự vào các lãnh vực trong thừa tác mục vụ, đồng thời tất cả ngành giáo dục và ngôn ngữ của giáo hội cần phải phản ánh sự công bằng giữa nam và nữ.

Trên đây là đề nghị của một tổ chức Nam Hàn mang tên là "Cộng Ðoàn Phụ Nữ Công Giáo trong Một Thế Giới Mới". Ðề nghị này được gửi tới các tham dự viên của diễn đàn về chủ đề "Sự tham dự của giáo dân trong lãnh vực canh tân và tái xây dựng Giáo Hội Á Châu trong Thiên Niên Kỷ thứ 3", diễn ra tại Manila bên Philippines từ ngày 2-6/03/98 vừa qua. Diễn đàn này do Phong Trào Trí Thức Công Giáo Quốc Tế có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ, đứng ra tổ chức. Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn UCAN, cô Susana Youn Soon-Nyo của tổ chức phụ nữ Nam Hàn cho biết, đề nghị trên đây nhắm mục đích giúp cho khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu nắm vững tình hình Giáo Hội Nam Hàn, đặc biệt liên quan tới phụ nữ.

Phụ nữ Công Giáo Nam Hàn nghĩ rằng, tài liệu chuẩn bị "Ðại cương" (Lineamenta) của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu không đề cập tới hay không quan tâm nhiều tới tình cảnh của phụ nữ. Nói một cách khác, ngôn ngữ của Lineamenta vẫn còn mang nặng tâm thức gia trưởng. Các phụ nữ yêu cầu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu nghiêm chỉnh cứu xét tới các đề nghị mà đã bốn lần họ trình bày trước Hội Ðồng Giám Mục Nam Hàn, là để cho phụ nữ có cơ hội dễ dãi hơn trong vấn đề thần học, tham gia vào các nghi lễ phụng vụ, và sinh hoạt của hội đồng giáo xứ. Bởi lẽ trước khi giáo hội rao giảng về công bằng trong thế giới, giáo hội trên hết phải thừa nhận quyền của tất cả những thành viên của những người phục vụ trong giáo hội.


Các Giám Mục Indonesia chọn đề tài năm Chúa Thánh Thần trong sứ điệp Mùa Chay

Các Giám Mục Indonesia chọn đề tài năm Chúa Thánh Thần trong sứ điệp Mùa Chay.

(U9525.0965 6/03/98) - Indonesia (Jarkata) - Bên cạnh lời kêu gọi thống hối và xây dựng tình đoàn kết, đa số các Giám Mục Indonesia đã chọn đề tài về Chúa Thánh Thần trong sứ điệp Mùa Chay năm 1998 để giới thiệu cho các tín hữu trong giáo phận.

Ðức Cha Alexander Djajasiswaja, Giám Mục Bandung ghi nhận trong sứ điệp của Mùa Chay 1998 của ngài rằng cuộc khủng hoảng kinh tế tại Indonesia hiện nay là cơ hội để các tín hữu Công Giáo xây dựng tình đoàn kết với nhau, và đây là một dấu hiệu hoạt động của Chúa Thánh Thần. Sứ điệp trích dẫn lời nhận định của một nhà kinh tế học người Indonesia rằng trong một hoàn cảnh khổ cực và không nơi nương tựa, tình đoàn kết và hợp tác giữa các láng giềng với nhau là điều hết sức cần thiết. Người Công Giáo nên cảm tạ Thiên Chúa và Ngài để cho họ cơ hội phục vụ anh chị em mình và qua đó tỏ lộ các hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Trong khi đó, Ðức Tổng Giám Mục Petrus Turang, Tổng Giám Mục Kupang thuộc Tây Timor, kêu gọi các tín hữu của ngài hãy coi thời gian 40 ngày của Mùa Chay là một cuộc hành trình thống hối được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Các tín hữu nên lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần và đó là cơ hội để họ phát triển trong Ngài, suối nguồn của sự sống và canh tân của con người. Thống hối có nghĩa là trở lại vai trò làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô. Vai trò này đòi hỏi mỗi người phải biết tỏ lòng thương xót anh chị em láng giềng của mình và chia sẻ với họ những gì mình có.


Tòa Thánh đang chuẩn bị cho công bố văn kiện về đại kết

Tòa Thánh đang chuẩn bị cho công bố văn kiện về đại kết.

(CWN 6/03/98) - Vatican - Hội Ðồng Tòa Thánh Hiệp Nhất Kitô đang chuẩn bị cho công bố vào thứ Hai tới này (9/03/98) một văn kiện mới về đại kết trong tác vụ mục vụ. Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết văn kiện gồm các bản ngữ tiếng Anh, Ý, Pháp và Tây Ban Nha, sẽ ra mắt giới truyền thông trong buổi họp báo dưới sự chủ tọa của Ðức Hồng Y chủ tịch Edward Cassidy và Ðức Tổng Giám Mục Pierre Duprey, tổng thư ký của Hội Ðồng Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Thông cáo cũng cho biết thêm là vào ngày thứ Ba 10/03/98, Bộ Giáo Dục Công Giáo và Bộ Giáo Sĩ của Tòa Thánh sẽ công bố một văn kiện chung bao gồm những qui định mới trong việc chuẩn bị các ứng viên tác vụ Phó Tế Vĩnh Viễn. Chủ tọa cuộc họp báo có Ðức Hồng Y Pio Laghi, tổng trưởng Bộ Giáo Dục Công Giáo, và Ðức Hồng Y Dario Castrillon Hoyos, tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ.


Ðức Tổng Giám Mục Algiers chỉ trích cộng đoàn Thánh Egidio

Ðức Tổng Giám Mục Algiers chỉ trích cộng đoàn Thánh Egidio.

(CWN 6/03/98) - Vatican - Ðức Tổng Giám Mục Henri Teissier, Tổng Giám Mục Algiers vừa chỉ trích cộng đoàn Thánh Egidio về việc cộng đoàn này mời một tổ chức khủng bố "cứng đầu" tham dự vào bàn thương thuyết nhắm tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp hiện nay tại Algerie.

Trong cuộc phỏng vấn trên một đài phát thanh của Ý, Ðức Tổng Giám Mục Teisser cho rằng cộng đoàn Thánh Egidio đã phạm một sai lầm khi đứng ra mời tổ chức khủng bố này vào bàn thương thuyết. Ðược biết ngay sau khi tham dự cuộc họp tại Roma, đại diện của tổ chức khủng bố này đã ra một thông cáo đồng tình với những vụ tấn cống vào những người dân vô tội, trong đó có vụ thảm sát khiến cho 150 người bị thiệt mạng. Theo vị Tổng Giám Mục Algiers, giải pháp cho cuộc khủng hoảng của Algerie chỉ có thể đến từ trong nội bộ Algerie mà thôi.


Người Công Giáo vẫn còn rời bỏ Sarajevo

Người Công Giáo vẫn còn rời bỏ Sarajevo.

(CWN 6/03/98) - Vatican - Các tín hữu Công Giáo Bosnie vẫn còn tiếp tục rời bỏ Sarajevo, bởi vì họ thất vọng trước tình trạng trì trệ trong vấn đề tìm ra một giải pháp chính trị, có thể đảm bảo an toàn cho người Công Giáo tại đây.

Ðức Hồng Y Vinko Puljie, Tổng Giám Mục Sarajevo, đã cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn với nguyệt san "Giêsu" của Ý. Ðức Hồng Y Puljie nói rằng mặc dù thỏa hiệp Hòa Bình Dayton vẫn còn hiệu lực và đang được áp dụng, nhưng thông thường một thỏa hiệp hòa bình không bảo đảm cho tất cả mọi người những quyền lợi như nhau. Do đó, trong số hơn nửa triệu người Công Giáo sống tại thủ đô Sarajevo trước đây, nay chỉ còn lại khoảng 200 ngàn. Vị Tổng Giám Mục Sarajevo bày tỏ hy vọng là các áp lực quốc tế sẽ buộc chính quyền địa phương đối xử công bằng với tất cả dân chúng ở Sarajevo. Hành động tích cực và cụ thể nhất, theo ngài, là việc bắt giữ và mang ra xét xử những tội phạm chiến tranh. Khi nào tay tội phạm chiến tranh này còn được tự do và tiếp tục nắm giữ quyền hành, thì khi đó không thể nào có một giải pháp dứt khoát, và tình trạng thiếu an ninh sẽ tiếp tục.

Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Sarajevo cũng cho biết thêm là trên thực tế, tín hữu Công Giáo tại Sarajevo rất khó tìm được nhà ở và công ăn việc làm. Những gia đình Công Giáo còn ở lại đang phải sống trong những khu phố không có điện và họ tìm đến Giáo Hội để xin được giúp đỡ.


Giáo Hội Châu Mỹ Latinh xử dụng kỹ thuật thông tin hiện đại trong việc truyền giáo

Giáo Hội Châu Mỹ Latinh xử dụng kỹ thuật thông tin hiện đại trong việc truyền giáo.

(CWN 6/03/98) - Vatican - Tất cả các phương tiện truyền thông hiện đại nhất, đặc biệt là kỹ thuật của "mạng lưới siêu thông tin điện tử" (internet), cần phải được xử dụng trong công tác rao giảng Tin Mùng.

Trên đây là điểm chính trong sứ điệp của ÐTC Gioan Phaolô II, gửi cho các tham dự viên Hội Nghị thường niên lần thứ tư, của tổ chức có tên là "Mạng Lưới Thông Tin cho các Giáo Hội tại Châu Mỹ Latinh", diễn ra trong tuần này tại thủ đô Santo Domingo của Cộng Hòa Dominican. Tổ chức này do Hội Ðồng Tòa Thánh đặc trách về Truyền Thông Xã Hội thiết lập với sự cộng tác của Liên Hiệp Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh. Thành viên của tổ chức bao gồm các kỹ thuật viên và chuyên gia về truyền thông đến từ các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha. Mục tiêu của tổ chức là thiết lập một mạng lưới thông tin toàn bộ trong vùng Nam Mỹ, để thăng tiến công cuộc rao giảng Tin Mừng tại đại lục của hy vọng này.

Trong sứ điệp do Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chuyển tới các tham dự viên, ÐTC kêu gọi mọi người hãy mang sứ điệp của Giáo Hội vào trong văn nền văn hóa Châu Mỹ Latinh, qua các phương tiện truyền thông xã hội và cả trên mạng lưới Internet. ÐTC cũng nhắc nhở các tham dự viên rằng sự đóng góp của họ cũng có thể được mở rộng tới các đối tượng đang cần tới sự hiểu biết kỹ thuật chuyên môn. Ðức Hồng Y Nicolas De Jesus Lopez Rodriguez, Tổng Giám Mục Santo Domingo, là người chủ tọa khóa họp trong tuần này. Trong số các nhà lãnh đạo giáo hội đến tham dự, có Ðức Tổng Giám Mục Oscar Rodriguez Maradiaga, Tổng Giám Mục Tegueigalpa của Hondura và cũng là chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ latinh.


Những khoản tài trợ của Công Giáo đã giúp ngăn cản được 250 vụ phá thai hồi năm 1997 vừa qua

Những khoản tài trợ của Công Giáo đã giúp ngăn cản được 250 vụ phá thai hồi năm 1997 vừa qua.

Glasgow [Apic 6/03/98] - Sự trợ giúp tài chánh cho các phụ nữ mang thai gặp khó khăn do tổng giáo phận Glasgow, Scotland đảm trách, đã giúp ngăn chặn được khoảng 250 vụ phá thai.

Ðức Hồng Y Thomas Winning, tổng giám mục giáo phận, đã thành lập quỉ trợ giúp này hồi năm ngoái (1997) nhằm ngăn cản những vụ phá thai vì lý do kinh tế. Hiện nay có khoảng 130 phụ nữ đang được giúp đỡ bằng nhiều cách khác nhau. Ðức Hồng Y Winning nói như sau: "Thật là an ủi khi thấy nhiều phụ nữ do dự muốn giết hại con mình, lại được giúp đỡ bằng cách này".

Tỷ lệ phá thai tại Scotland được xem là khá cao. Năm 1996, trên toàn lãnh thổ, có đến 12 ngàn vụ phá thai.


Tuần báo "chứng tá Kitô Giáo" của Pháp thay hình đổi dạng

Tuần báo "chứng tá Kitô Giáo" của Pháp thay hình đổi dạng.

Paris [Apic 6/03/98] - Tuần báo Công Giáo Pháp có tên là "chứng tá Kitô Giáo" đã thay hình đổi dạng kể từ tuần này.

Kề từ thứ Năm 5/03/98 vừa qua, tuần báo này lấy khẩu hiệu mới là "sức mạnh của tình liên đới". Từ nay, tuần báo Công Giáo "thiên tả" này sẽ gồm hai tập: một tập 12 trang dành cho tin tức thời sự và một tập 8 trang dành cho hoạt động và tranh luận. năm 1993, tuần báo này đã phải trải qua một cơn khủng hoảng tài chánh nặng vì không tạo được niềm tin nơi độc giả. Hiện nay, con số độc giả của tuần bào được ổn định ở số 15 ngàn người.


Ngày Chúa Nhật 15 tháng 3 nầy, ÐTC Gioan Phaolô II sẽ phong chân phước cho Giám Mục EUGENIUS BOSSILKOV, vị tử đạo đầu tiên của chế độ cộng sản BULGARI

Ngày Chúa Nhật 15 tháng 3 nầy, ÐTC Gioan Phaolô II sẽ phong chân phước cho Giám Mục EUGENIUS BOSSILKOV, vị tử đạo đầu tiên của chế độ cộng sản BULGARI.

Tin Roma (Apic 6/3/98): Lần đầu tiên, một vị tử đạo của những cuộc bách hại tôn giáo do chế độ cộng sản Bulgari thực hiện trước đây, sẽ được ÐTC Gioan Phaolô II phong chân phước, vào sáng Chúa Nhật 15/03/98, tại Roma. Ðó là Ðức Cha EUGENIUS BOSSILKOV, giám mục giáo phận NICOPOLI, bên BULGARI, bị giết chết ngày 11 tháng 11 năm 1952, vì lý do là Ðức Cha không chịu cộng tác với chế độ cộng sản BULGARI, để thiết lập một Giáo Hội Công Giáo Bulgari tách rời ra khỏi Roma.

Sau nhiều năm giữ im lặng về vụ hành quyết nầy, Tổng Thống của Bulgari, ông TODOR JIVKOV, đã nhìn nhận việc hành quyết Ðức Cha EUGENIUS lần đầu tiên, vào nâm 1975, khi được Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI tiếp kiến. Năm 1994, Ðức Gioan Phaolô II đã ký sắc lệnh nhìn nhận cái chết tử đạo của Ðức Cha Eugenius BOSSILKOV. Trong thánh lễ phong chân phước cho Ðức Cha vào Chúa Nhật 15/03/98, nguời ta sẽ dâng cho Ðức Thánh Cha một miếng vải từ chiếc áo sơ-mi đẩm máu mà Ðức Cha Eugenius đã mặc khi bị hành quyết.


Back to Radio Veritas Asia Home Page