Tin Tức và Thời Sự
ngày 05 tháng 03/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Nhờ trung gian của một vị giám mục, các tu sĩ và thiện nguyện viên bị bắt cóc tại Sierra Leone đã được trả tự do

Nhờ trung gian của một vị giám mục, các tu sĩ và thiện nguyện viên bị bắt cóc tại Sierra Leone đã được trả tự do.

Makeni - Sierra Leone [Apic 5/03/98] - Nhờ trung gian của Ðức Cha Georges Biguzzi, giám mục giáo phận Makeni, Sierra Leone, 4 tu sĩ Công Giáo, một dược sĩ và hai thiện nguyện viên thuộc tổ chức "y sĩ không biên giới" đã được trả tự do. Những người này đã bị các binh sĩ trung thành với ông Johnny Paul Koroma bắt cóc hôm tháng 2/98 vừa qua.

Ðức Cha Biguzzi, vốn là một tu sĩ Salesien truyền giáo tại Phi Châu từ năm 1970, và làm giám mục Makeni từ 11 năm qua, cho biết trong suốt cuộc nội chiến, tất cả các giáo xứ đều bị tấn công. Hiện nay miền nam và miền đông Sierra Leone vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của các băng đảng tội phạm liên kết với nhóm đảo chính. Tại các miền này, các nhà truyền giáo phải lẫn trốn trong rừng.


Ðức Hồng Y Korec tố cáo phong trào Thời Ðại Mới

Ðức Hồng Y Korec tố cáo phong trào Thời Ðại Mới.

Vatican [Apic 5/03/98] - Ðức Hồng Y Korec lên tiếng tố cáo Phong Trào Thời Ðại Mới. Trong các bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho giáo triều, Ðức Hồng Y Korec nói rằng, người ta không thể xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa. Ngài đặc biệt nhắm đến Phong Trào được mệnh danh là Thời Ðại Mới hiện đang được phổ biến tái các nước Tây Phương ngày nay.

Trong một bài suy niệm về "mầu nhiệm sự dữ", Ðức Hồng Y Korec kêu gọi đề cao cảnh giác trước cơn cám dỗ muốn kiến tạo một thế giới không có Thiên Chúa mà Phong Trào Thời Ðại Mới đang cổ võ. Vị Hồng Y người Tiệp Khác này nói rằng, chính ngài đã trải qua cơn cám dỗ này trong xứ sở của ngài dưới thời cộng sản. Ngài cho biết dưới chế độ cộng sản đã có đến 97 ngàn người bị giam giữ vì bị xem như kẻ thù của nhà nước, 300 ngàn người bị đày vào các trại lao động khổ sai, một triệu 250 ngàn người bị quản thúc và 250 người bị hành quyết.


Hội Ðồng Giám Mục Thụy Sĩ chào mừng việc bãi bỏ sự phê chuẩn của chính quyền đối với việc thiết lập các tòa giám mục

Hội Ðồng Giám Mục Thụy Sĩ chào mừng việc bãi bỏ sự phê chuẩn của chính quyền đối với việc thiết lập các tòa giám mục.

Berne - Thụy Sĩ [Apic 5/03/98] - Hội Ðồng Giám Mục Thụy Sĩ hân hoan chào mừng việc bãi bỏ sự phê chuẩn của chính quyền đối với việc thiết lập các tòa giám mục. Mới đây, Hội Ðồng Liên Bang đã bỏ phiếu hủy bỏ khoản 84 của Hiến Pháp mới, theo đó cần phải có sự chuẩn của chính quyền liên bang, Giáo Hội mới được phép thiết lập các tòa giám mục.

Ðiều khoản này là một qui định đã có từ năm 1874 và chỉ nhắm đến Giáo Hội Công Giáo mà thôi.

Trong phiên họp khoáng đại diễn ra từ hôm thứ Hai đến thứ Tư 2-4/03/98 vừa qua, các Ðức Giám Mục Thụy Sĩ đã nhiệt liệt chào mừng quyết định của Hội Ðồng Liên Bang và xem đó như một bước tiến trong cố gắng chấm dứt sự kỳ thị đối với Giáo Hội Công Giáo.

Ngoài ra, cũng trong phiên họp khoáng đại, các Ðức Giám Mục Thụy Sĩ đã bàn đến việc đào tạo linh mục trong các chủng viện. Chương trình huấn luyện hiện hành đã được phê chuẩn từ năm 1988 và được đem ra thử nghiệm trong một thời gian 6 năm. Việc huấn luyện chủng sinh tại Thụy Sĩ có nhiều đặc điểm mà người ta không tìm thấy tại các nước khác. Tại một số chủng viện chẳng hạn, chủng sinh sống chung với các sinh viên thần học giáo dân gồm cả nam lẫn nữ.

Cũng liên quan đến vấn đề chủng viện, các Ðức Giám Mục Thụy Sĩ đã thảo luận về việc huấn luyện các linh mục tương lai biết cộng tác không những với các nhân viên mục vụ, mà còn với tất cả mọi giáo dân dấn thân trong đời sống Giáo Hội.


Vài suy niệm của Ðức Hồng Y Korec dành cho Tuần Tĩnh Tâm của ÐTC và của các viên chức Giáo Triều Roma

Vài suy niệm của Ðức Hồng Y Korec dành cho Tuần Tĩnh Tâm của ÐTC và của các viên chức Giáo Triều Roma.

Vatican - 5.3.98 - Chiều thứ Tư, 4/03/98, Ðức Hồng Y Korec, vị giảng thuyết, đã trình bày về đề tài: "Bên cạnh nhiều khổ cực của thế giới này và bên cạnh cả những khó khăn của Giáo Hội, Chúa vẫn luôn khơi động lên trong Giáo Hội những chứng nhân được linh động bởi Tình Yêu".

Ðức Hồng Y nói tiếp:
"Giáo hội luôn luôn cần đến những chứng nhân trưởng thành và có xác tín về sự hiện diện sống động của Chúa Kitô giữa thế giới ngày nay. Những chứng nhân không sợ hãi, những chứng nhân biết chống lại những áp lực và những cám dỗ quyến rũ của đời sống tân tiến ngày nay, với sức mạnh hiệu nghiệm của đức tin, một đức tin được linh động bởi tình yêu và bởi niềm hy vọng. Chúa Kitô đã mạc khải Thiên Chúa như Người Cha luôn luôn lo lắng về người lành cũng như kẻ dữ. Người tín hữu không được trốn tránh khỏi thế gian, nhưng phải lo lắng đến con người và hoạt động để xây dựng một thế giới bằng đức tin và bằng tình yêu thương."

Ðức Hồng Y nói đến dấn thân truyền giáo: công việc truyền giáo phải được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện: "Các con hãy chiếu dọi ánh sáng trước mặt mọi người". Hành động với tư cách là một vị tông đồ, theo Ðức Hồng Y, tức là chiếu dọi ánh sáng. Nhưng việc truyền giáo phải bắt nguồn từ việc cầu nguyện. Con người không phải chỉ là người anh em vui tính, dễ thương hoặc một người chị em yêu quí thuộc nhóm nhỏ bé riêng của mình. Con người cũng là một người ích kỷ, cũng tự kiêu tự cao, cũng có thể là một Giuda phản bội nữa. Vì thế, sức riêng của mình không đủ. Chỉ mình Thiên Chúa có thể giúp đỡ chúng ta và có thể yêu thương con người. Chúa Giêsu đã nói rõ: "Không có Cha các con không thể làm được gì cả". Ngài đã nói một lần cho tất cả mọi lần và lời Ngài có giá trị mọi thời đại. Những việc hoàn toàn có tính cách loài người: diễn văn, chương trình, văn phòng, tổ chức... không có giá trị gì cả, nếu không có việc tiếp xúc với Mầu Nhiệm, nếu không có mối liên hệ thân mật với Chúa Kitô, Ngài là Tình Yêu và là Sự sống. Minh chứng Chúa như những người được sai đi, như những tông đồ, chúng ta có thể làm được, chỉ nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà thôi.

Sáng thứ Năm 5/03/98, trong bài suy niệm thứ nhất, Ðức Hồng Y đã trình bày về đề tài: "Thiên Chúa là Ðấng làm cho mọc lên". Ðức Hồng Y nói: Rao giảng Tin Mừng là một cuộc tranh đấu với sự dữ và với Tà Thần: từ bao ngàn năm nó phá hủy nhân loại bị thương tích bởi tội lỗi, dưới những hình thức khác nhau: kiêu ngạo, thù ghét... Người lãnh Bí Tích Rửa Tội không tức khắc trở nên thánh thiện. Cả những người đã được rửa tội rồi cũng vẫn con yếu đuối và tội lỗi, vì thế phải chiến đấu chống lại sự dữ và cộng tác với ơn thánh Chúa.

Lịch sử của dấn thân tông dồ không phải là lịch sử của những chiến thắng huy hoàng. Mà là lịch sử của biết bao hy sinh và của đức ái, là lịch sử của Tử Ðạo. Vinh danh của Giáo Hội không ở tại những chiến thắng liên tiếp của con cái mình, mà ở trong sự trung thành liên lỉ của họ. Vinh danh của Giáo Hội là tình yêu sống động của Giáo Hội, cùng với tình yêu này Giáo Hội nỗ lực phục vụ như người trung gian trong việc cứu rỗi các quốc gia, dân tộc. Các tín hữu Kitô, nhất là các linh mục, phải nhìn vào thế gian và vào con người với con mắt của Chúa Kitô và yêu thương họ với tình yêu thương của Ngài. Trong thế giới ngày nay không phải chỉ có sự dữ hoành hành, nhưng còn có Thần Khí của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần, Thần Chân Lý và Sức Mạnh. Cả ngày nay nữa, lời của Chúa Giêsu vẫn có giá trị: "Các con hãy tín nhiệm, vì Cha đã chiến thắng thế gian".

Trong bài suy niệm thứ hai, cũng vào sáng thứ Năm 5/03/98, Ðức Hồng Y Korec giải thích "Mầu Nhiệm Con Người của Chúa Kitô". Luôn luôn trong mọi thời đại người ta lưu ý nhiều đến "Con Người của Chúa Kitô", cả ngày nay cũng vậy. Thậm chí các người vô thần cũng tự đặt những câu hỏi về Ngài. Ðây là đấu hiệu nói lên rằng Chúa Kitô hiện diện trong nền văn hóa của chúng ta và Ngài can thiệp vào đời sống của chúng ta. Không ai như Ngài đã dám nói với thế giới: "Ta là Cây nho, các người là cành nho... Các người hãy ở lại trong tình yêu của Ta". Vì thế, giới hạn Chúa Giêsu vào tầm mức hoàn toàn nhân loại của một nguời tốt lành, thì quả thật là nói quá ít, không đủ.

Nếu có những nhà thần học nghĩ như vậy, thật là đáng tiếc, đáng than phiền. Ðức Hồng Y kết thúc: Nhân loại đã sống hai trận bão kinh khủng của lịch sử (đệ nhất và đệ nhị thế chiến) và các dân tộc tự hỏi: mai đây sẽ ra sao? Các vị lãnh đạo các quốc gia họp nhau, thảo luận, ký thỏa ước. Nhưng một tiếng nói duy nhất sẽ có thể đem lại hòa bình và bảo vệ hòa bình trên thế giới này là tiếng nói của Chúa Giêsu. Ngài đã nói: "Ta là Ðường Ði, là Sự Thật và là Sự Sống". Ðây là chính tiếng nói của Ðấng đang ở giữa chúng ta và trong chúng ta, trong Giáo Hội của Ngài".


Tổng thống Mandela và lãnh tụ Anh Giáo Nam Phi hội kiến

Tổng thống Mandela và lãnh tụ Anh Giáo Nam Phi hội kiến.

(AFP 5/03/98) - Nam Phi (Cape Town) - Thứ Năm 5/03/98, tổng thống Nelson Mandela và Ðức Tổng Giám mục Winston Ndungane, thủ lãnh Anh Giáo Nam Phi, đã hội kiến nhắm giải quyết những bất đồng đang âm ỉ giữa nhà nước và giáo hội có thể là yếu tố tác động cho cuộc bầu cử vào năm tới.

Ðức Tổng Giám Mục Ndungane đã yêu cầu được hội kiến với ông Mandela sau khi ông này bác bỏ những lời chỉ trích của vị Tổng Giám Mục Anh Giáo nhắm vào nhà nước. Tin tức từ Nam Phi cho biết Ðức Tổng Giám Mục Ndungane chỉ trích tổng thống Mandela là đã không giữ đúng lời hứa hẹn của ông với dân chúng, và chính phủ của ông Mandela đã lãng quên những người nghèo. Ðược biết tổng thống Mandela rất nhạy cảm trước những lời chỉ trích nhắm vào chính phủ, nhất là trong lãnh vực nạn tội phạm và nghèo đói.

Ðứng trước sự ủng hộ của người dân đối với giáo hội, một phát ngôn viên phủ tổng thống Nam Phi đã bác bỏ những lời đồn đoán về tình trạng đối đầu giữa giáo hội và chính phủ. Trong thời kỳ chống kỳ thị tại Nam Phi, Giáo Hội Anh Giáo và đảng Quốc Ðại do ông Nelson Mandela cầm đầu là hai đồng minh cực lực chống lại chính phủ của người da trắng. Người ta e ngại rằng, sự đối đầu này, diễn ra khi mà cuộc tổng tuyển cử chỉ còn cách hơn một năm mà thôi, là điều không tốt cho chính phủ của ông Mandela. Và có dấu hiệu là phe đối lập đang khai thác tình thế này để chống lại ông Mandela.


Back to Radio Veritas Asia Home Page