Ðức
Giám Mục Kwangju kêu gọi đề cao
cảnh giác
Tổng Thống Clinton thỏa
hiệp cấm tài trợ phá thai
Giáo Hội Công Giáo
Malaysia tìm hiểu về hoàn cầu hóa
Nữ tu dòng Kín trao
trả tu viện gần trại tập trung Auschwitz
Nữ tu Drexel trở thành
vị thánh thứ tư của Hoa Kỳ
Một Công Giáo, một
Tin Lành bị bắn chết tại Bắc
Ai Len
Phản đối việc biến
một tu viện thành khách sạn
Hàn Lâm Viện Tòa
Thánh về Sự Sống lên án
kỳ thị
Thăng tiến quan hệ giữa
Trung Quốc và Tòa Thánh
ÐTC sẽ tiếp kiến
Ngoại trưởng Hoa Kỳ (7/03/98)
Tuần tĩnh tâm trong Nội
Thành Vatican
Thời sự: Tuần
tĩnh tâm của ÐTC và Giáo Triều
Roma
Ðức Giám Mục Kwangju, Nam Hàn kêu gọi đề cao cảnh giác trước điều được xem là những phép lạ do Ðức Mẹ thực hiện.
Kwangju - Nam Hàn [Apic 3/03/98] - Ðức Cha Victorinus Youn Kong Hi, giám mục giáo phận Kwangju, Nam Hàn, lên tiếng kêu gọi giáo dân đề cao cảnh giác trước những điều được xem là phép lạ của Ðức Mẹ từ 11 năm nay.
Trong một lá thư mục vụ gởi cho toàn giáo phận, Ðức Cha Youn Kong Hi nói rằng, không có bằng chứng nào về nguồn gốc siêu nhiên của những biến cố đã xảy ra tại Naju. Tại đây, bà Julia Youn, một người phụ nữ 50 tuổi có 4 đứa con, nói rằng khi bà rước lễ thì Bánh Thánh biến thành thịt chảy máu trong miệng bà. Ngoài ra, người đàn bà này còn cho biết tượng Ðức Mẹ trong nhà bà chảy nước mắt bằng máu và tỏa ra một mùi thơm đặc biệt.
Trong những năm vừa qua, bà Youn đã cho phổ biến nhiều tài liệu ghi lại những điều mà bà cho là được Ðức Mẹ mạc khải cho riêng bà. Tuy nhiên, theo Ðức Cha Youn Kong Hi, phần lớn các tài liệu này đều là những sao chép từ những cuốn sách tôn giáo khác.
Tổng Thống Bill Clinton phải thỏa hiệp cấm tài trợ phá thai.
(CWN 3/03/98) - Hoa Kỳ (Washington) - Thứ Ba 3/03/98, các nhà làm luật thuộc đảng Cộng Hòa nói rằng nếu tổng thống Bill Clinton muốn hạ viện thông qua dự luật cấp 18 tỉ Mỹ Kim cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, thì ông phải thỏa hiệp bằng cách tu chính các điều khoản cấm xử dụng tiền viện trợ cho mục đích phá thai.
Ðể bổ xung cho dự trữ của Qũy Tiến Tệ Quốc Tế bị thâm thủng do các khoản viện trợ các nước Á Châu đang gặp khủng hoảng tiền tệ, tổng thống Bill Clinton đã yêu cầu quốc hội chấp thuận chi ngân khoản 18 tỉ Mỹ Kim cho tổ chức tài chánh này. Tuy nhiên, theo dân biểu Dick Anney, lãnh tụ phía Cộng Hòa chiếm đa số tại quốc hội, thì tổng thống Bill Clinton phải chấp nhận các điều kiện giới hạn, cấm xử dụng ngân quỹ liên bang để tài trợ cho phá thai cũng như các dịch vụ phá thai ở nước ngoài.
Các nhà lãnh đạo Công Giáo Malaysia tìm hiểu về hoàn cầu hóa.
(UCAN ML 9480.0965 3/03/98) - Malaysia (Kuala Lumpur) - Các giáo sĩ Malaysia gồm Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân đã cùng nhau học hỏi về tiến trình hoàn cầu hóa để chuẩn bị cho khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu sắp tới, và biến cố mừng Ðại Năm Thánh 2000.
Khóa hội thảo về chủ đề: "Học Hỏi về Tình Hiêp Thông và Ðoàn Kết trong Bối Cảnh Hoàn Cầu Hóa", do Hội Ðồng Giám Mục Malaysia, Singapore, Brunei và Hiệp Hội Bề Trên các Dòng Tu, cùng đứng ra tổ chức, đã diễn ra trong hai ngày 10 và 11 tháng Hai năm 1998 vừa qua. Mục đích là để giúp các tham dự viên đào sâu sự hiểu biết về tiến trình hoàn cầu hóa và làm sáng tỏ đáp ứng của Giáo Hội trong vấn đề này.
Các thuyết trình viên tại khóa hội thảo đã đề cập tới những hậu quả về mặt xã hội trong một thế giới không hàng rào biên giới của tự do hóa mậu dịch, bị chi phối bởi kỹ thuật thông tin và những định chế của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới. Cuộc khủng hoảng tài chánh ở Á Châu hiện nay cho thấy mỗi ngày có hàng ngàn tỉ Mỹ Kim chuyển tay giữa các công ty của nhiều quốc gia, qua các trao đổi mậu dịch. Tuy nhiên ở mức độ địa phương, người dân Á Châu xem ra vẫn chưa nắm vững được các cơ cấu của hoàn cầu hóa trong một xã hội rộng lớn hơn, mặc dù trên thực tế đang có sự phát triển nhanh chóng tại nhiều quốc gia. Vì thế, chính phủ và các nhà lãnh đạo cần phải cởi mở (transparent) và lãnh nhận trách nhiệm, để qua đó người dân có thể ý thức về những gì đang xảy ra chung quanh họ.
Một tu huynh dòng La Salle người Malaysia, đã thuyết trình về đề tài: Ðáp ứng của Giáo Hội trước tiến trình hoàn cầu hóa. Tu huynh này cho rằng sự thúc đẩy (impetus) từ Công Ðồng Vatican II trong nỗ lực rút ngắn hố chia cách giữa đức tin và đời sống, giữa Giáo Hội và Thế Giới, đòi hỏi chúng ta không chỉ phân tích về thế giới xung quanh, nhưng cũng cần phải có một sự linh hướng mới từ nội tâm (new spiritual insight), để qua đó chúng ta có một viễn ảnh mới về chính chúng ta và thế giới. Chính sự linh hướng nội tâm này sẽ tăng sức mạnh để chúng ta dấn thân sống Tin Mừng mỗi ngày trong những hoàn cảnh hiện đại của đời sống.
Với những nhận định trên đây, ban tổ chức khóa hội thảo hy vọng là các Giám Mục và các vị Bề Trên các Dòng Tu sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau, và với những cộng tác viên của mình tại địa phương cũng như giữa các quốc gia với nhau, và từ đó, có một cái nhìn chung về tương lai.
Các Nữ tu dòng Kín trao trả lại cho chính phủ tu viện gần trại tập trung Auschwitz.
Varsava - Balan [Apic 3/03/98] - Các nữ tu dòng Kín đã trao trả lại cho chính phủ Balan ngôi nhà họ đã xử dụng làm tu viện gần trại tập trung Auschwitz từ năm 1984, đến năm 1993. Ðây là một ngôi nhà hát cũ nằm bên ngoài khuôn viên trại tập trung, đã từng được Ðức Quốc Xã xử dụng để chứa khí Zyklon B dùng trong các lò hơi ngạt.
Năm 1984, các nữ tu dòng Kín đã biến nhà hát này thành một tu viện với mục đích cầu nguyện cho hòa bình và tôn vinh nữ chân phước Edith Stein, người nữ tu gốc Do Thái bị sát hại tại trại tập trung Auschwitz.
Trước những phản đối của những người Do Thái cho rằng Giáo Hội muốn "Công Giáo hóa" di tích lịch sử này, cho nên năm 1993, tiếp theo nhiều cuộc thương lượng giữa Công Giáo và Do Thái Giáo, các nữ tu đã chấp nhận dọn đến một nơi khác cách trại tập trung Auschwitz khảong 500 thước. Tu viện mới này cũng là trung tâm thông tin, gặp gỡ đối thoại và cầu nguyện.
Nữ tu Katherine Drexel có thể trở thành vị thánh thứ tư của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ (Washington 3/03/98) - Chân phước Katherine Drexel, người Hoa Kỳ, có thể sẽ được phong thánh sau khi hai người bị điếc đã nghe được qua lời cầu nguyện với chân phước.
Nhật báo Inquirer xuất bản tại thành phố Philadelphia vừa cho biết như trên trong số ra hôm thứ Ba 3/03/98. Bản tin cho biết các giới chức giáo hội tại Philadelphia thuộc bang Pennsylvania và Tòa Thánh đang tìm hiểu thực hư việc một em trai bị điếc không chữa được, đã phục hồi thính giác sau khi gia đình của em cầu nguyện với chân phước Katherine Drexel. Ông Alexander Palmieri, người theo dõi tài liệu phong thánh của chân phược tại Tổng Giáo Phận Philadelphia cho biết các viên chức của Tòa Thánh tin rằng việc khỏi bệnh của những người trên đây là phép lạ.
Năm 1988, ÐTC Gioan Phaolô II đã phong nữ tu Katherine Drexel lên bậc chân phước sau khi bộ phong thánh xác nhận trường hợp khỏi bệnh của một thanh niên bị điếc từ 14 năm, qua lời cầu nguyện của gia đình thanh niên này với nữ tu Katherine Drexel. Theo qui lệ, giờ đây cần phải có hai phép lạ nữa được chứng thực trước khi chân phước Drexel được phong thánh. Nữ tu Katherine Drexel sinh năm 1858 trong một gia đình giàu có và là ngauời sáng lập ra Dòng các Nữ Tử của Thánh Thể. Dòng đã xây nhiều trường học cho các em da đỏ và da đen.
Hai người bạn, một Công Giáo, một Tin Lành bị bắn chết tại Bắc Ai Len.
(AFP 3/03/98) - Bắc Ai Len (Poyntzpass) - Tối hôm thứ Ba 3/03/98, hai người bạn, một Công Giáo, một Tin Lành đã bị bắn chết tại một quán rượu ở thành phố Poyntzpass, nằm về phía Tây Nam thủ đô Belfast của Bắc Ai Len. Thủ phạm vụ sát hại này là hai người bịt mặt, mà cảnh sát tin là những người Tin Lành cực đoan chống lại việc trao trả lãnh thổ miền Bắc lại cho Cộng Hòa Ai Len.
Bộ trưởng Anh đặc trách về Ai Len, bà Mo Mowlam đã lên án hành động sát hại hèn nhát này, và cho đây là âm mưu của những kẻ muốn phá hoại tiến trình hòa bình tại Bắc Ai Len. Dân chúng tại Bắc Ai Len cũng hết sức căm phẫn trước vụ bạo động mới nhất này khi mà nạn nhân đều là người Công Giáo cũng như Tin Lành. Trước đó, một tín hữu Công Giáo đã thoát chết trong một vụ mưu sát khác. Chính phủ Anh Quốc đã tạm thời đình chỉ trong vòng vài tuần lễ, không cho hai tổ chức là Sinn Fein, cánh chính trị của Quân Ðội Cộng Hòa Ai Len, và đảng Dân Chủ Ulster của Tin Lành, tham dự cuộc hòa đàm hiện nay, vì cả hai đã vi phạm thỏa thuận ngưng chiến.
Ðức Thượng Phụ Aram I của Cilixi phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ biến một tu viện Chính Thống thành khách sạn.
Geneve - Thụy Sĩ [Apic 3/03/98] - Ðức Thượng Phụ Aram I, Giáo Chủ Chính Thống miền Cilixi thuộc Giáo Hội Armeni, đã viết thư kêu gọi tổ chức Unesco hãy có những biện pháp cần thiết để ngăn cản việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ biến một tu viện Chính Thống tại Saint Markar, phía Bắc Ðảo Chypre, thành một khách sạn.
Ðược thiết lập hồi thế kỷ thứ 4, tu viện này là một trung tâm thiêng liêng và văn hóa rất quan trọng đối với cộng đồng Armeni tại đảo Chypre. "Từ năm 1974, khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm phí Bắc đảo này, những người Armeni không còn được lai vãng đến tu viện này nữa. Giáo Hội Chính Thống Armeni, dưới quyền của Ðức Thượng Phụ Aram I, vẫn luôn luôn là chủ của tu viện và 2,000 mẫu đất xung quanh tu viện.
Trong bức thư gởi cho tổ chức Unesco, Ðức Thượng Phụ Aram I cho biết chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang có dự án biến tu viện thành một khách sạn 50 phòng.
Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về Sự Sống lên án việc xử dụng những hiểu biết trong lãnh vực di truyền với mục đích kỳ thị.
Roma [Apic 3/03/98] - Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về Sự Sống lên án việc xử dụng những hiểu biết trong lãnh vực di truyền học với mục đích kỳ thị đối với con người. Lập trường này đã được đưa ra trong thông cáo kết thúc phiên họp khoáng đại lần thứ 4 diễn ra tại Vatican từ ngày 23 đến 25 tháng Hai năm 1998 vừa qua.
Theo Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về Sự Sống, việc sản sinh con người theo phương pháp vô tính là hình thức tận cùng của một sự can thiệp nhằm lèo lái sự cấu tạo của bộ "gien" đơn bội (gen) của con người. Ðây là một sự xúc phạm trầm trọng đối với phẩm giá của con người.
Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về Sự Sống cũng báo động về việc xử dụng việc chẩn đoán trước khi sinh và cấy thai sau khi được thụ thai trong ống nghiệm. Ðây là những hành động có tính kỳ thị đối với những con người không được lành mạnh hay không được hoàn hảo ngay từ những giai đoạn đầu tiên của sự sống.
Các Giáo Hội Á Châu có thể giúp thăng tiến quan hệ giữa Trung Quốc và Tòa Thánh.
(UCAN AS9455.0965 3/03/98) - Nhật Bản (Tokyo) - Giáo Hội Công Giáo ở những quốc gia Á Châu cần phải duy trì mối quan hệ thân thiết với Giáo Hội tại Trung Quốc để giúp cải tiến quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung Quốc. "Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc là một. Ðây là quan điểm mà chúng ta ở bên ngoài cần phải ý thức. Chúng ta nên cộng tác cách nào để không gây thêm chia rẽ nhưng để xây dựng tinh thần hòa hợp và hiệp nhất.
Trên đây là nhận định của Linh Mục Ismael Zuloaga, chủ tịch Hội Ðồng Dòng Tên ở Ðông Á (president of Jesuit Conference of East Asia), trong khóa hội thảo do Ủy Ban Nghiên Cứu về Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc, thuộc Hội Ðồng Giám Mục Nhật Bản, đứng ra tổ chức. Cha Zuloaga cũng là tổng thư ký của Văn Phòng Mục Vụ Công Giáo các người Hoa tại Philippines, có trụ sở tại Manila. Khóa hội thảo diễn ra tại thủ đô Tokyo hôm 12/02/9 vừa qua với sự tham dự của Ðức Cha Stephen Fumio Hamao, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Nhật Bản, và các Linh Mục Tu Sĩ nam nữ.
Một thuyết trình viên khác tại khóa hội thảo là Linh Mục Beda Liu Chia-Cheng, Giáo Tỉnh Dòng Tên bao gồm các giáo phận Hồng Kông, Macau, Ðài Loan và Trung Quốc, Cha Liu Chia-Cheng ghi nhận rằng giáo hội tại Hoa Lục, đặc biệt là tại những giáo phận nghèo, cần có thêm ơn gọi và nên được giúp đỡ về mặt vật chất, tuy nhiên đây không phải là vấn đề mà một cá nhân hay một tổ chức nào thôi có thể đảm nhiệm được. Cha đề nghị thiết lập một mạng lưới bao gồm những người sẵn sàng dấn thân trong công tác này.
ÐTC sẽ tiếp kiến Ngoại trưởng Hoa Kỳ vào sáng thứ Bẩy 7/03/98.
Vatican - 3.03.98 - Phòng báo chí Tòa Thánh chưa có thông cáo nào về cuộc tiếp kiến này, nhưng Hãng Thông Tấn APIC (Agence Presse Internationale Catholique) trong bản tin ngày 3.03.98 loan báo: Sáng thư Bẩy 7.03.98, ÐTC sẽ tiếp kiến Bà Madeliene Albright, Ngoại Trưởng Hòa Kỳ trong Ðền Vatican. Hãng thông tấn minh xác: đây là nguồn tin của Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh. Bản tin nói rõ: trong cuộc gặp gỡ chắc chắn các vấn đề Irak, Cuba, Trung Ðông và các món nợ quốc tế sẽ được thảo luận giữa ÐTC và Bà Ngoại Trưởng.
Theo phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông James Rubin, Bà Ngoại Trưởng sẽ nêu lên vấn đề Irak và Cuba. Từ nhiều năm Tòa Thánh đã yêu cầu bãi bỏ lệnh cấm vận cho hai nước này. Riêng đối với Cuba, chuyến viếng thăm cuối tháng Giêng năm 1998 vừa qua của ÐTC Gioan Phaolô II, được các đài truyền hình Hoa Kỳ truyền đi khắp nước, đã gây nên ảnh hưởng lớn lao trên dư luận quần chúng Hoa Kỳ. Về Trung Ðông, ÐTC vẫn luôn luôn chủ trương dùng đường lối ngoại giao để giải quyết các căng thẳng tại miền này. Chiến tranh năm 1991 tại vùng vịnh BaTư, ÐTC đã cực lực phản đối. Lần này Tòa Thánh cũng dùng mọi đường lối ngoại giao để tránh chiến tranh tại miền này. Chúa Nhật 1/03/98 vừa qua, trong giờ đọc kinh Truyền Tin, ÐTC đã gợi lại Thỏa ước được ký kết tại Bagdad giữa Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc và Chính phủ Irak. Ngài nói rõ: "Ðây là một thắng lợi của Cộng Ðồng Quốc Tế"; nhưng ngài cũng công nhận rằng không phải mọi sự đã được giải quyết, và Ngài nói thêm: "Tình hình vẫn còn khó khăn và phức tạp; nhưng niềm hy vọng vẩn còn mạnh mẽ".
Cũng trong buổi đọc kinh Truyền Tin, một lần nữa, ÐTC Gioan Phaolô II yêu cầu Cộng Ðồng Quốc Tế cứu xét nghiêm chỉnh vấn đề nợ nần quốc tế của các nước nghèo. Dĩ nhiên trong cuộc gặp gỡ tới đây giữa ÐTC và Bà Ngoại Trưởng, Hoa Kỳ sẽ được yêu cầu hành động trong mục tiêu này.
Trong dịp này, ông James Rubin, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhấn mạnh đến vai trò của ÐTC Gioan Phaolô II trong việc bênh vực các quyền con người và bênh vực tự do. Vì thế Hoa Kỳ lưu ý nhiều đến việc đánh giá về tình hình mà ÐTC đã có thể làm trong chuyến viếng thăm của ngài tại Cuba. Sau đó, chính phủ có thể cứu xét đến vấn đề bãi bỏ lệnh cấn vận cho Cuba.
Tuần tĩnh tâm trong Nội Thành Vatican.
Vatican - 3.03.98 - Tuần tĩnh tâm của ÐTC và của các giáo sĩ cấp cao trong Giáo Triều tiếp tục.
Trong hai bài suy tư chiều thứ Hai 2/03/98, Ðức Hồng Y Korec, vị giảng thuyết, đã trình bày về: mầu nhiệm của sự dữ mà chúng ta gọi là tội lỗi. Với sự lỗi phạm, con người phản Thiên Chúa và muốn trở thành Thiên Chúa. Tội lỗi đã và còn đang gây nên biết bao hậu quả khốc hại trên thế giới và trong lịch sử, cách riêng trong thế kỷ 20 này, khi hai "kẻ độc tài" , tức tội lỗi và người phạm tội phản bội), bắt đầu coi mình như là một vì Thiên Chúa cùng với bao hậu quả: phòng giết người bắng khí đốt, nha tù, trại tập trung, vân vân...
Ðức Hồng Y giảng thuyết kể lại những hậu quả kinh khủng tại Tiệp Khắc của ngài từ năm 1948 đến 1988: 97 ngàn người bị giam tù bị coi là kẻ thù của chế độ và Nhà Nước; 300 ngàn trong các trại khổ sai; một triệu 200 ngàn bị tra vấn; 250 ngàn bị xử. Trong các người bị giam tù có 200 linh mục, 6 giám mục, bị xử đãi cách tàn nhẫn.
Ngày nay - Ðức Hồng Y Korec nói - cám dổ về xây một thời đại mới ("New Age") không có Thiên Chúa, đang trở lại.
Trong bài giảng sáng thứ Ba 3/03/98, Ðức Hồng Y trình bày mầu nhiệm của đời sống Chúa Kitô. Nơi Chúa Kitô, chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa được thực hiện. Tình yêu Thiên Chúa trở nên hữu hình nơi Chúa Giêsu, bằng lời nói và việc làm. Các hoạt động của Chúa Kitô không phải chỉ thuộc về quá khứ, mà tiếp tục mãi mãi trong Giáo Hội và trong các Bí Tích.
THỜI SỰ . Tuần tĩnh tâm của ÐTC và Giáo Triều Roma.
Theo truyền thống từ đời Ðức Pio XI (1922-1939) , Tuần tĩnh tâm của ÐTC và của các vị Giáo sĩ cấp cao trong Giáo Triều, từ lúc thành lập đến nay, đã được ấn định vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Nhưng rồi sau đó, Ðức Phaolô VI (1963-1978) dời vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay và kết thúc vào sáng thứ Bảy tiếp theo. Trong tuần tĩnh tâm, tất cả các buổi tiếp kiến riêng và buổi tiếp kiến chung hằng tuần ngày thứ Tư đều đình chỉ.
Vị giảng tuần tĩnh tâm do chính ÐTC lựa chọn trong các vị giáo sĩ nổi tiếng về thông thái và nhân đức từ nhiều nơi trên thế giới. Mỗi ngày 4 bài suy niệm: sáng hai bài, chiều hai bài, và bằng tiếng Ý. Năm ngoái (1997), Ðức Hồng Y Roger Etchegaray được chọn để hướng dẫn tuần tĩnh tâm. Chính Ðức Karol Wojtyla, khi còn làm Tổng Giám Mục giáo phận Cracovia, đã được Ðức Phaolô VI mời giảng tuần tĩnh tâm cho Giáo Triều. Năm nay Ðức Hồng Y Chryzostom Korec, người Slovak, Giám mục Giáo Phận Nitra, một giáo phận cổ kính nhất của miền Trung-Ðông Âu, được thành lập từ thế kỷ thứ IX, (Ðức Hồng Y Korec) được chỉ dịnh giảng tuần tĩnh tâm tại Vatican về đề tài "Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và đời đời vẫn là một" (Thư gửi cho người Do thái 13, 8). Tuyên bố trên đài Vatican, Ðức Hồng Y Korec nói: "Bổn phận của Giáo Hội, của Giáo Triều Roma, của mỗi một người trong chúng ta cũng là một: đó là chiếu dọi bằng lời nói và minh chừng bằng đời sống cho chân lý này là: Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và đời đời vẫn là một, cho các dân tộc mà chúng ta tiếp xúc".
Ðức Hồng Y Chryzostom Korec, thuộc Dòng Tên, năm nay 74 tuổi. Cuộc đời của ngài là một cuộc đời "ba chìm bẩy nổi chín lênh đênh" dưới chế độ cộng sản vô thần tại Tiệp Khắc (lúc Tiệp Khắc vẫn còn là một nước, chưa chia thành hai quốc gia như hiện nay: Cộng Hòa Tchèque và Cộng Hòa Slovak). Ngài được phong giám mục "chui" (thầm kín) từ năm 1951. Trong 39 năm trời, lúc ở tù, khi tại ngoại với những công việc làm không ai lưu ý đến.
Năm 1970, Ðức Hồng Y bị án tù 12 năm và luôn luôn bị công an kiểm soát. Ngài đã phải làm những công việc rất tầm thường, như sửa chữa thang máy. Ngài tự hào rằng: dù trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ngài đã có thể phong chức "chui" được 150 linh mục thuộc các Dòng Tu. Ðức Hồng Y nói: "Cuộc bách hại và đàn áp tại Tiệp khắc, cách riêng tại miền Slovak (nơi có đông người Công Giáo hơn các miền khác của Tiệp Khắc) dữ dội hơn cả sánh với các nước Ðông Âu khác cũng đưới chế độ cộng sản.
Ðức Hồng Y Korec nhấn mạnh rằng: chế độ Mác xít đã giáo dục hai thế hệ về thuyết vô thần, không những đã phá hủy nền giáo dục và truyền thống Công Giáo, mà còn hủy diệt con người trong tận thâm tâm. Ngài nói: "Trong các cuộc chất vấn của công an, tôi đã nhắc lại với họ nhiều lần rằng: Kitô giáo không phải là một cơ chế, hay một lý thuyết, mà là một biến cố của sự sống và sự chết; và chỉ có đức tin mới có thể đem lại câu trả lời chính xác mà thôi".
Ðức Hồng Y còn thuật lại những giờ phút suy tư, cầu nguyện lâu dài trong những năm sống trong nhà giam: trò chuyện với các bạn đồng nghiệp, dâng thánh lễ "lén lút"; rượu và bánh thánh được gửi đến cách "lén lút" và bằng nhiều cách khác nhau . Dĩ nhiên thánh lễ không thể kéo dài như một buổi lễ cử hành công khai theo đúng phụng vụ. Lời truyền phép là phần cốt yếu của thánh lễ. Trong những năm được tại ngoại, Ðức Cha cư ngụ tại một căn phòng nhỏ ở thành phố Bratislava (thủ đô Slovak hiện nay). Ngài tiếp xúc lén lút giới trẻ, các gia đình và các giáo lý viên; an ủi và khích lệ họ can đảm trong đức tin. Ngài cho biết: nhiều lần để tránh sự kiểm soát của công an, ngài dùng một ống dài, để nói với các người muốn gặp ngài, hoặc mở máy phát thanh nho nhỏ, để cản trở việc ghi âm của công an. Bằng cách này, cách khác, ngài đã có thể giúp đỡ tinh thần và củng cố đức tin của nhiều người.
Ðối với những người bách hại, đàn áp Giáo hội, Ðức Hồng Y tuyên bố: "Ngài nuôi dưỡng tâm tình tha thứ, và tha thứ thành thực. Không một giận dữ, thù ghét nào cả. Tôi luôn luôn cầu nguyện cho họ, vì họ đã làm cho tôi nên giống cách nào đó với Chúa Giêsu chịu đau khổ."
Năm 1989 và 1990, chế độ cộng sản Trung-Ðông Âu và bức tường Berlin sụp đổ, Ðức Cha Korec được hoàn toàn tự do. ÐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục giáo phận Nitra và năm 1991 vinh thăng Hồng Y. Tháng 7 năm 1995, ÐTC đã viếng thăm mục vụ Cộng Hòa Slovak. Giáo Hội Slovak, sau những năm bị bách hại, nay là một Giáo Hội có thể nói đang thời kỳ phục hưng mạnh mẽ, nhiều ơn kêu gọi linh mục và tận hiền hơn các quốc gia miền Trung-Ðông Âu.
Trong giờ đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật đầu Mùa Chay, ÐTC đã xin cầu nguyện cho Tuần Tĩnh Tâm. Ngài nói: "Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi và tôi cũng khuyên mọi người, là tùy các dấn thân của việc làm và gia đình, hãy tìm ra những giờ phút yên lặng và tĩnh tâm, để lắng nghe tiếng Chúa; tiếng Chúa có thể liều bị bóp nghẹt trong quay cuồng của công việc hằng ngày".