Tin Tức và Thời Sự
ngày 02 tháng 03/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


ÐTC gửi sứ điệp cho Trung Tâm nghiên cứu về Ðiều Hòa Sinh Sản Tự Nhiên

ÐTC gửi sứ điệp cho Trung Tâm nghiên cứu về Ðiều Hòa Sinh Sản Tự Nhiên.

Vatican - 2.03.98 - Nhân dịp kỷ niệm 30 năm (25.7.1968-1998) công bố Thông Ðiệp "Humanae Vitae" (sự sống con người) của Ðức Phaolô VI, ÐTC Gioan Phaolô II gửi một sứ điệp cho Nữ Giáo Sư Anna Cappella, Giám Ðốc Trung Tâm Học Hỏi và Nghiên Cứu về Phương Pháp Tự Nhiên của Truyền Sinh, thường được gọi là phương pháp Billings.

Ðể kỷ niệm Thông Ðiệp bất hủ này, giáo sư Anna Cappella cho tổ chức một Ðại Hội với sự tham dự của 900 người và sự hiện diện của hai Ông Bà Billings, từ nhiều năm phổ biến phương pháp tự nhiên về truyền sinh và được Giáo Hội chấp nhận. Ðại hội được tổ chức tại Bệnh Viện Bách Khoa Gemelli ở Roma, từ ngày 28.02.98 đến hết ngày mồng 1 tháng 3 năm 1998.

Trong Sứ Ðiệp, trước hết ÐTC ca ngợi những nỗ lực mà Trung tâm đã thực hiện trong những năm vừa qua để bênh vực sự sống con người. Ngài gửi lời chào thăm đến tất cả các vị tham dự Ðại Hội, các thuyết trình viên. Ngài cầu chúc cho tất cả, trong những ngày học hỏi, đào sâu một cách hữu ích giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về "chân lý của hành động tình yêu", qua đó đôi vợ chồng được gọi tham dự vào công việc tạo dựng của Thiên Chúa. Sau đó, ÐTC giải thích ý nghĩa hành động của tình yêu này phát xuất bởi sự trao tặng cho nhau giữa hai vợ chồng, một sự trao tặng hoàn toàn. Vì thế việc trừ thai là một hành động bất hợp pháp, vì nó giới hạn việc trao tặng hoàn toàn, bằng cách cắt đứt "mối liên kết không thể tách biệt" giữa hai yêu tố của hành động tình yêu vợ chồng, tức là "yếu tố hiệp nhất và yếu tố sinh sản". Ðây là điều đã được Ðức Phaolô VI nói rõ ràng trong Thông Ðiệp của ngài về Sự Sống Con Nguời, nơi số 12 (Humanae viate, 12).

Sau đó, ÐTC giải thích sự khác biệt giữa "phương pháp trừ thai và những phương pháp tự nhiên"; phương pháp tự nhiên này nhằm đi đến việc truyền sinh một cách có trách nhiệm. Giáo Hội ý thức rõ ràng về những khó khăn của vợ chồng trong nhiều khía cạnh, cách riêng trong bối cảnh xã hội ngày nay. Vì thế Giáo Hội, như người mẹ, luôn luôn gần gũi họ, để giúp họ trong các khó khăn, nhưng đồng thời cũng để nhắc nhở cho họ biết rằng: con đường giải quyết các vấn đề của họ không thể không qua sự tôn trọng sự thật về tình yêu của họ, như Ðức Phaolô VI đã nhắc trong Thông Ðiệp của ngài. "Không làm giảm bớt giáo lý của Chúa Kitô, đó là cách thức cao cả để thực hiện đức ái đối với các linh hồn" (Humanae Vitae, 29).

Vì thế, ÐTC mời gọi các vị chủ chăn của Giáo Hội thông cảm đối với các đôi vợ chồng, để họ hiểu rõ chân lý của tình yêu của họ. ÐTC khuyến khích học hỏi, nghiên cứu thêm mãi để làm cho việc truyền sinh trách nhiệm được trở nên đễ dàng hơn và chắc chăn hơn, qua việc học biết những những giai đoạn có thể mang thai hay không thể mang thai.

Thông Ðiệp Humanae Vitae (về sự sống con người) được công bố ngày 25.7.1968. Lúc đó, thông điệp này đã gây nên nhiều phản ứng mạnh mẽ và tiêu cực trên cả thế giới, không những trong giới chính trị, kinh tế, xã hội, mà cả nơi một sốù người trong Giáo Hội nữa. Nhưng sau thời gian, thì nay người ta mới nhận ra rằng: Ðức Phaolô VI là "một vị tiên tri của thời đại" và là vị đại ân nhân của nhân loại.

Nên nhớ rằng: Thông điệp này đã được soạn thảo trong bốn năm trời với sự tham dự của 70 chuyên viên nổi tiếng khắp thế giới. Sự kiện này cho thấy Giáo Hội là Mẹ và là Thầy dạy một cách nghiêm chỉnh. Giáo Hội rao giảng chân lý của Thiên Chúa cho mọi người với tất cả tình yêu thương, dù bị chống đối, dù bị bách hại.


ÐTC mời các tôn giáo lớn thế giới gặp nhau tại Roma năm 1999

ÐTC mời các tôn giáo lớn thế giới gặp nhau tại Roma năm 1999.

Vatican - 2.03.98 - Thứ hai 2.03.98 Phòng báo chí Tòa Thánh cho phổ biến thông cáo về cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo lớn thế giới tại Roma vào năm 1999.

Thông cáo viết như sau: "ÐTC trong Tông Thư Tertio Millennio Adveniente" (Ngàn Năm Thứ Ba) chỉ định năm 1999 là năm dành cho cuộc gặp gỡ các tôn giáo. Chính trong bối cảnh của các sáng kiến chuẩn bị cử hành Năm Ðại Toàn Xá 2000, Ủy Ban Trung Ương của Năm Thánh 2000 đã ủy thác cho Hội Ðồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn Ðứng ra tổ chức Khóa họp giữa các tôn giáo".

Thông cáo viết tiếp: "Ðược sự chấp thuận về dự án, giờ đây là lúc loan báo là: vào trung tuần tháng 10 năm 1999, tại Roma một Khóa Họp giữa các tôn giáo sẽ được triệu tập, để học hỏi về đề tài: "Trước ngưỡng cửa của Ngàn Năm thứ Ba, sự cộng tác giữa các tôn giáo".

Thông cáo viết thêm: "Cuộc gặp gỡ được chia thành những khoảng cách khác nhau: sẽ có những khóa họp khoáng đại, công việc làm từng nhóm, một ngày hành hương, rất có thể là Assisi và một ngày kết thúc cầu nguyện: ngày cầu nguyện gồm có chay tịnh, cầu nguyện tại các địa điểm khác nhau dành cho mỗi cộng đồng tôn giáo và một lễ nghi bế mạc được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô với sự hiện diện của ÐTC.


ÐTC gửi điện văn chia buồn về cái chết của Ðức Tân Hồng Y Jean Balland

ÐTC gửi điện văn chia buồn về cái chết của Ðức Tân Hồng Y Jean Balland.

Vatican - 02.03.98 - Sáng thứ Hai 02.03.98, ÐTC gửi điện văn chia buồn về cái chết của Ðức Hồng Y mới Jean Balland, Tổng Giám Mục giáo phận Lyon, xẩy ra lúc 4 giờ sáng Chúa Nhật 01.03.98 tại bệnh viện Thành phố, sau một cơn bệnh nặng.

ÐTC cho biết Ngài xúc động nhận được tin về cái chết của Ðức Hồng Y , vừa được tấn phong hôm 21 tháng 2 vừa qua.

Ðức Cố Hồng Y là "một người phục vụ Giáo Hội cách trung thành và không biết mỏi mệt"; sau khi làm Giám Mục giáo phận Dijon và Tổng Giám Mục giáo phận Reims, ngài đã khám phá ra Tổng Giáo Phận mới Lyon của ngài với nhiệt thành và quảng đại; nâng đỡ các linh mục và chủng sinh với tình yêu thương của vị chủ chăn". ÐTC bày tỏ sự gần gũi sau xa của ngài với các người trong gia đình của Ðức Cố Hồng Y, với Hàng Giáo Sĩ và với tất cả các tín hữu của Tổng Giáo Phận Lyon.

Ít hàng tiểu sử Ðức HY Jean Balland, TGM Lyon:

Sinh tại Bue (quận Cher) trong Tổng Giáo Phận Bourges,
ngày 26.07.1934. Ngài là con thứ năm của một gia đình chuyên nghề trồng nho.
Từ năm 1946 đến 1953, ngài học tại Tiểu chủng viện Bourges.
Sau đó được gửi đến Chủng Viện Pháp ở Roma, để theo học Ðại Học Gregoriana.
Công việc học ở Roma bị gián đoạn từ tháng 9 năm 1957 đến năm 1959, vì nghĩa vụ quân dịch tại Pháp và tại Algérie.
Sau khi mãn thời hạn quân dịch, ngài theo học tại Ðại học Sorbonne ở Paris và đậu ba Tiến sĩ tại Ðại học này: Triết học, Thần học và Văn chương.
Thụ phong Linh mục ngày mồng 3 tháng 9 năm 1963 và gia nhập giáo phận Bourges.
Ngày mồng 6 thang 11 năm 1982, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Dijon và được chính ÐHY Albert Decourtray phong chức giám mục ngày 12/12 cũng năm 1982.
Trước khi làm giám mục, Cha Jean Balland đã giữ nhiều chức vụ, cách riêng làm giáo sư Triết Lý trong nhiều năm tại Tiểu Chủng Viện Bourges và Ðại Chủng Viện miền ở Tours, và Ðại chủng viện Poitiers.
Từ năm 1973 trở đi Cha Balland lo mục vụ trong miền thôn quê của Quận Cher (thuộc Tổng Giáo Phận Bourges). Năm 1974, cha được bổ nhiệm làm Ðại Diện Ðức Giám Mục phụ trách giới nông thôn và kiêm Tuyên Úy Phong Trào C.M.R. (Chrétiens dans le monde rural,) Tín hữu Kitô trong giới nông thôn.
Năm 1980, cha làm Tổng đại diện.
Ngày 6.11.1982 (như vừa nhắc trên đây), Cha được bổ nhiệm làm giám mục Giáo phận Dijon.
Ngày 8.8.1988, thăng Tổng Giám Mục giáo phận Reims và ngày 27.5.1995, ÐTC bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục giáo phận Lyon, và cũng là Tòa Giáo Chủ nước Pháp.
Từ năm 1992 đến 1994, Ðức Cha Balland được Bộ Giáo Dục Công Giáo Roma trao trách nhiệm "viếng thăm các chủng viện nước Pháp".
Năm 1995, ngài là thành viên của Bộ Giám Mục.
Trong Hội Ðồng Giám Mục Pháp, từ năm 1983 đến 1988, ngài là thành viên của Ủy Ban giám mục phụ trách các Học Ðường và Ðại Học.
Từ năm 1986 đến 1988, thành viên của Ủy Ban Giám Mục về Giáo Huấn Tôn Giáo.
Từ 1988 đến 1994, thành viên của Ủy Ban Giám Mục về Giáo Sĩ và Chủng Viện. Năm 1990, thành viên của Ban Thường Vụ Hội Ðồng Giám Mục Pháp miền Bắc.

Với cái hết của Ðức Hồng Y Jean Balland, Viện Hồng Y nay còn 163 vị, trong số này có 120 vị duới 80 tuổi và 43 vị trên 80 tuổi. Trong một tháng, ba vị Hồng Y (cả ba dưới 80 tuổi) qua đời: Ðức Hồng Y Eduardo Francisco Pironio (Argentina), cựu chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách Giáo Dân, qua đời ngày 5.2.98, 77 tuổi; Ðức Hồng Y Antonio Quarracino, người Argentina, Tổng Giám Mục giáo phận Buenos Aires, qua đời 28.2.98, 74 tuổi và Ðức Hồng Y Jean Balland, người Pháp, Tổng Giám Mục giáo phận Lyon, 63 tuổi.


Tuần tĩnh tâm của ÐTC và Giáo Triều Roma

Tuần tĩnh tâm của ÐTC và Giáo Triều Roma.

Vatican - 02.03.98 - Từ chiều Chúa Nhật 01 đến thứ Bảy 7 tháng 3 năm 1998, ÐTC và các Giáo Sĩ cấp cao trong Giáo Triều Roma tham dự Tuần Tĩnh Tâm, do Ðức Hồng Y Chryzostom Korec, người Slovak, giảng.

Truyền thống của Tuần Tĩnh tâm trong Vatican có từ thời Ðức Pio XI (1922-1939). Ngày 20.12.1929, Kim Khánh Linh Lục của ÐTC, ngài cho công bố Thông Ðiệp "Mens Nostra", trong đó, sau khi suy tư về sự quan trọng của việc tĩnh tâm, ngài đã quyết định hằng năm trong Vatican phải có một tuần tĩnh tâm. Và từ đó, tuần tĩnh tâm được diễn ra vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng.

Năm 1962, thay vì Tuần Tĩnh Tâm chung, Ðức Gioan 23 tự tĩnh tâm một mình trong Tháp San Giovanni trong Vườn Vatican, để chuẩn bị Công Ðồng chung Vatican 2. Ðức Phaolô VI ấn định lại Tuần tĩnh tâm tại Vatican vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, và vẫn giữ như vậy cho tới nay.


Back to Radio Veritas Asia Home Page