Tố cáo
chính phủ chưa thỏa mãn nhu cầu
của dân chúng
Quan ngại về xáo trộn
trước ngày bầu cử tại
Senegal
ÐTC gửi phái đoàn
làm sứ giả hòa bình sang Colombia
Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức
Hội Nghị Tôn Giáo
Mêhicô biện hộ cho việc
trục xuất nhà truyền giáo
Thủ Tướng Kohl tham
dự nghi lễ tưởng niệm LM Ðức
Bài suy niệm Ðàng
Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh
Trực tiếp truyền thanh
buổi lần chuỗi do ÐTC chủ tọa
Các Ðức Giám Mục Congo tố cáo chính phủ chưa thỏa mãn nhu cầu của dân chúng.
Krishasa - Congo [Apic 1/03/98] - Các Ðức Giám Mục Công Giáo Congo lên tiếng tố cáo rằng chính phủ của tướng Lauren Kabila chưa thỏa mãn được những nhu cầu cơ bản của người dân trong nước.
7 tháng sau khi ông Kabila lên nắm quyền, dạo cuối tháng Giêng 1998 vừa qua, các Ðức Giám Mục mới có thể tiếp xúc với ông. Theo hảng thông tấn Fides của bộ truyền giáo, trong cuộc gặp gỡ, các Ðức Giám Mục cũng không có cơ hội để bày tỏ cảm nghĩ hay đặt câu hỏi. Trong nguyên một tiếng đồng hồ, ông Kabila độc quyền nói về vai trò của Giáo Hội và của các linh mục. Theo ông, vai trò của linh mục là làm việc trong "phòng thánh" chứ không phải là "làm chính trị".
Ngoài ra, đặc sứ Mỹ về việc thăng tiến dân chủ tại Phi Châu, là mục sư Jessie Jackson cũng không có cơ hội gặp được ông Kabila trong chuyến viếng thăm Krishasa hồi tháng Hai 1998 vừa qua. Theo nguồn tin của các nhà truyền giáo, hiện nay ông Elienne Tshisekedi, người đã từng đối lập với cựu tổng thống Mobulu, đã bị ông Kabila quản thúc tại làng quê của ông trong tỉnh Kasai.
Theo tổ chức Ân Xá Quốc Tế, trong những vi phạm nhân quyền kể từ khi ông Kabila lên nắm chính quyền, phải kể đến việc sát hại hai linh mục Công Giáo.
Hiện nay, Ủy Ban Thường Trực của Hội Ðồng Giám Mục Congo đang chuẩn bị một tài liệu trong đó Giáo Hội Công Giáo sẽ bày tỏ lập trường về tất cả những vi phạm nhân quyền tại Congo.
Quan ngại của Giáo Hội về những xáo trộn trước ngày bầu cử tại Senegal.
Dakar - Senegal [Apic 1/03/98] - Ðức Hồng Y Yachinthe Thiandouin, tổng giám mục Dakar bên Senegal bày tỏ quan ngại về những xáo trộn trước ngày bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 24 tháng 5 năm 1998 tới đây. Sẽ có khoảng 4 triệu cử tri tham gia vào cuộc bầu cử chọn lựa 120 dân biểu quốc hội cho một nhiệm kỳ 5 năm.
Hồi tuần qua, nhân dịp tiếp kiến các nhà lãnh đạo Ðảng Dân Chủ Canh Tân, Ðức Hồng Y Thiandouin đã nói lên quan ngại của ngài về những xáo trộn thường xảy ra trước ngày bầu cử. Những cuộc kiểm phiếu luôn có lợi cho Ðảng Xã Hội, tức Ðảng đang cầm quyền. Từ năm 1988, luôn có những gian lận bầu cử dẫn đến nhiều cuộc bạo động đẫm máu. Những xáo trộn hậu bầu cử trầm trọng nhứt đã diễn ra hồi tháng 5 năm 1993 khiến cho vị phó chủ tịch hội đồng lập hiến bị sát hại.
Ðức Hồng Y loan báo rằng, ngài sẽ dùng các bài giảng của ngài để kêu gọi hòa bình.
ÐTC gửi phái đoàn làm sứ giả hòa bình sang Colombia.
Colombia (Bogota) 1/03/98 - Trong tháng 3 này, ÐTC Gioan Phaolô II sẽ gửi một phái đoàn sang Colombia để tìm ra một vai trò trung gian cho Giáo Hội Công Giáo trong cuộc tranh chấp nội bộ kéo dài từ nhiều hơn ba thập niên qua tại Colombia.
Một nhật báo có uy tín, xuất bản tại Colombia, đã trích thuật các nguồn tin từ Tòa Thánh nói rằng phái đoàn sẽ có mặt tại Colombia từ ngày 12-16 tháng 3 năm 1998 và sẽ đàm luận với tất cả mọi phe phái, trong số này có cả các phiến quân cộng sản và các tổ chức bán võ trang thuộc cánh hữu. Giáo Hội Công Giáo Colombia chưa đưa ra lời phê bình nào về tin trên đây.
Cuộc tranh chấp chính trị đẫm máu tại Colombia khởi đầu dạo cuối thập niên 1940 giữa hai đảng Tự Do và bảo thủ. Cuộc nội chiến kéo dài trong vòng 10 năm và được gọi với tên là "Cuộc bạo Ðộng". Trong những năm dạo thập niên 60, ba lực lượng kháng chiến tả khuynh tham gia vòng chiến để lật đổ chính phủ với mục đích thiết lập một chế độ theo chủ nghĩa xã hội. Trong vòng 10 năm qua, có ít nhất 35 ngàn người bị thiệt mạng trong các vụ bạo động và hơn 1 triệu người phải rời nơi cư ngụ để lánh nạn. Hai lực lượng kháng chiến lớn nhất là Lực Lượng Quân Ðội Giải Phóng và Quân Ðội Giải Phóng Quốc Gia đã từ chối tham gia cuộc hòa đàm với chính phủ.
Cho đến giờ, Giáo Hội Công Giáo Colombia chưa hề đóng một vai trò chủ yếu để tìm ra một giải pháp cho cuộc tranh chấp. Tuy nhiên hầu như mỗi ngày, các Linh Mục tại địa phương vẫn đứng ra làm trung gian để thương lượng xin trả tự do cho những người bị bắt giữ sau khi các cuộc bạo động xảy ra.
Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức Hội Nghị Tôn Giáo.
(Reuters 1/03/98) - Thổ Nhĩ Kỳ (Istanbul) - Tháng Năm năm 1998 tới đây, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng ra tổ chức một Hội Nghị Tôn Giáo, nhắm mục tiêu thu hút du khách và hành hương tới nước này, trong giai đoạn chuẩn bị ngày sinh thứ 2000 của Chúa Giêsu Kitô.
Bộ trưởng du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Gurdal, cho biết hội nghị tôn giáo này sẽ quyết định chọn địa điểm nào trong nước để cử hành Ðại Năm Thánh 2000. Là một nước Hồi Giáo nhưng Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số các quốc gia trong vùng có nhiều di tích Kitô Giáo. 99% dân số tại đây theo đạo Hồi. Trong lịch sử, Kitô Giáo được truyền sang Âu Châu qua các ngã quốc gia này, để lại nhiều cứ điểm hành hương nổi tiếng. Thánh Phaolô Tông Ðồ sanh hạ tại Tarsus, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Thánh Gioan, khi về hưu, đã sống tại Ephêsô, thuộc miền Tây duyên hải Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Gurdal cũng bày tỏ lạc quan cho rằng trong giai đoạn từ đây đến năm 2000, sẽ có nhiều du khách tới hành hương tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo dự tính của ban tổ chức, khoảng 200 nhà lãnh đạo Kitô giáo sẽ tham dự hội nghị từ ngày 5-7 tháng 5 năm 1998 tới đây. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Suleyman Demirel cũng đã mời ÐTC Gioan Phaolô II đến thăm nước này để tham dự các biến cố mừng Ðại Năm Thánh 2000.
Chính Phủ Mêhicô biện hộ cho việc trục xuất nhà truyền giáo người Pháp.
(AFP 1/03/98) - Mêhicô (Mêhicô City) - Chính quyền Mêhicô vừa lên tiếng bào chữa cho hành động trục xuất một nhà truyền giáo người Pháp làm việc tại bang Chiapas, giữa lúc các nhà quan sát quốc tế bày tỏ mối quan tâm về tình cảnh của người thổ dân tại bang này.
Trong một cuộc họp báo tại thủ đô Mêhicô, thứ trưởng nội vụ Guillermo Jimenez cho các ký giả biết là Linh Mục Michel Chanteau, người bị trục xuất về Pháp hôm thứ Năm tuần trước (26/02/98), không có giấy phép của chính phủ để làm mục vụ trong tư cách là một linh mục, ngoài ra cha Chanteau đã can dự vào chuyện nội bộ của Mêhicô qua việc cha công khai chỉ trích chính phủ trên đài truyền hình. Ông Jimenez cho biết cha Chanteau chỉ có giấy phép làm thông ngôn viên cho người thổ dân nói tiếng Maya, và vào ngày 15/02/98 vừa qua, cha đã tuyên bố trên đài truyền hình rằng vụ thảm sát 45 người tại làng Acteal bang Chiapas dạo cuối tháng Giêng năm 1998 vừa qua là do các lực lượng quân sự thân chính phủ chủ mưu. Lời phê bình này vi phạm hiến pháp của Mêhicô. Vị thứ trưởng nội vụ Mêhicô cũng nhấn mạnh là các tổ chức tôn giáo và các nhà truyền giáo ngoại quốc đang hoạt động tại nước này không cần phải quan ngại về vấn đề trục xuất, bởi vì chính phủ Mêhicô thừa biết là đa số đều ủng hộ các biện pháp và chính sách của nhà nước.
Trong khi đó các nhà quan sát quốc tế vừa bày tỏ sự quan ngại về số phận của các thổ dân trong bang Chiapas đang bị xâu xé do cuộc tranh chấp giữa phiến loạn quân Zapatista và chính phủ. Tổ chức nhân quyền có tên là Ủy Ban Quan Sát Dân Sự Quốc Tế vừa kết thúc chuyến viếng thăm tại bang Chiapas trong vòng hai tuần lễ. Bà Angelika Feliadi, một thành viên của tổ chức này đã phát biểu như sau: "Chúng tôi đã tận mắt quan sát thực tại của bang Chiapas và tình hình nghiêm trọng hơn chúng tôi nghĩ. Hoàn cảnh của hàng ngàn người thổ dân bị lạc cư vì các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Mêhicô và các phiến quân thật là đáng lo ngại. Ðược biết thành viên của tổ chức nói trên là các nhà quan sát đến từ Hoa Kỳ và Âu Châu. Họ đã thâu thập được nhiều hình ảnh, phim Video và các cuộc phỏng vấn, và những tài liệu này sẽ được dùng để đúc kết một bản báo cáo, theo dự trù sẽ được công bố trong vài tuần nữa.
Thủ Tướng Helmut Kohl tham dự nghi lễ tưởng niệm Linh Mục Ðức.
(Reuters 1/03/98) - Pháp (Paris) - Chúa Nhật 1/03/98 vừa qua, thủ tướng Ðức, ông Helmut Kohl, đã đến thành phố Chartres bên Pháp để tham dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày qua đời của cha Franz Stock, một linh mục người Ðức đã giúp đỡ cho những người bị Ðức Quốc Xã lên án tử hình.
Cha Franz Stock là người cầm đầu một dòng tu của Ðức tại Paris trước Thế Chiến Thứ Hai bắt đầu dạo năm 1939. Năm 1940 cha trở lại Pháp khi quân đội Ðức Quốc Xã chiếm đóng nước này. Cha đến làm mục vụ tại một trại tù, nơi giam giữ những người bị Ðức Quốc Xã kết án tử hình. Khi Thế Chiến II kết thúc, cha ở lại và tình nguyện đến giúp đỡ cho các tù nhân chiến tranh người Ðức, cho đến khi họ được trả về nước. Cha qua đời vào năm 1948 và được chôn cất cùng với các tù nhân, và sau đó hài cốt ngài được đưa về chôn tại thành phố Chartres, nằm cách thủ đô Paris khoảng 50 dặm về phía Tây.
Tổng Thống Pháp, ông Jacques Chirac đã không tham dự lễ tưởng niệm, nhưng ông đã gửi cho thủ tướng Kohl một lá thư, trong đó có đoạn ghi như sau: "Cha Franz Stock đã đề ra cho chúng ta thế nào là dấu chứng của hy vọng, ngay cả trong thời điểm đen tối nhất của Âu Châu. Ngài là người đầu tiên hiểu được hòa giải ngự trị trong tinh thần là điều cần phải được thực hiện hằng ngày. Nó không ngừng lại vì những thất bại trong quá khứ nhưng ít ra từ đó bài học để vượt qua. Hơn khi nào hết, Pháp và Ðức đều cần tới nhau. Riêng với Âu Châu, sự phát triển và hòa bình tại đại lục này cần tới tình hữu nghị và cảm thông giữa hai quốc gia.
Bài suy niệm Ðàng Thánh Giá Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay (1998) được ủy thác cho nhà thần học Chính Thống Giáo người Pháp, giáo sư Olivier Clément.
Roma [Apic 1/03/98] - Từ nhiều năm nay, việc gẫm đàng Thánh Giá do ÐTC chủ tọa vào mỗi thứ Sáu Tuần Thánh tại hí trường Coliseo ở Roma, nêu bật tính đại kết. Thông thường, ÐTC nhờ một nhà lãnh đạo của các Giáo Hội Kitô khác soạn bài suy niệm. Năm nay, tác giả của bài suy niệm là nhà thần học Chính Thống người Pháp, giáo sư Olivier Clément.
Vào giữa lúc Thượng Hội Ðồng Chính Thống Mascơva tẩy chay cuộc gặp gỡ giữa Ðức Thượng Phụ Alexis II và ÐTC Gioan Phaolô II, việc ủy thác việc soạn thảo bài suy niệm cho một nhà thần học Chính Thống có ý nghĩa đại kết đặc biệt: Ðức Thánh Cha đã nhiều lần tái khẳng định rằng đối thoại đại kết là một trong những ưu tiên của các tín hữu Kitô trên con đường tiến tới Năm 2000.
Trực tiếp truyền thanh về Pháp Quốc và Balan buổi lần chuỗi do ÐTC chủ tọa.
Roma [Apic 1/03/98] - Buổi lần chuỗi do ÐTC chủ tọa vào ngày 7/03/98 tới đây tại Ðài Phát Thanh Vatican sẽ được trực tiếp truyền thanh về Paris, Pháp uốc và Krakow, Balan. Các sinh viên tại đại học Sorbonne ở Paris và đại học Lageileri, Krakow sẽ cùng hiệp ý cầu nguyện với ÐTC trong buổi lần chuỗi này.
Ngoài ra, trong khuôn khổ chuẩn bị mừng năm thánh 2000, một cuộc gặp gỡ của các tuyên úy sinh viên các đại học Âu Châu sẽ diễn ra tại Roma từ ngày 30 tháng 4 đến 3 tháng 5 năm 1998 tới đây với chủ đề "mục vụ trong môi trường đại học, con đường của công cuộc truyền giảng Tin Mừng mới: vai trò của các tuyên úy sinh viên đại học".