Buổi tiếp
kiến chung hằng tuần thứ Tư (25.02.98)
ÐTC chủ sự Lễ
Nghi Làm Phép và Bỏ Tro
Giáo Hội Úc chia rẽ
vì những người đồng
tính luyến ái
Giáo Chủ Chính Thống
Hy Lạp vào nhà thương
Buổi tiếp kiến chung hằng tuần ngày thứ Tư (25.02.98).
Vatican - 25.02.98 - Sáng thứ Tư 25/02/98, trong Thính Ðường Phaolô VI, ÐTC tiếp chung các đoàn hành hương đến từ nhiều nước trên thế giới.
Các đoàn Ý hầu như luôn luôn chiếm đa số. Lần này có 28 đoàn, trong đó đoàn hành hương từ Benevento (mạn nam nước Ý) gồm khoảng 700 người và nhiều đoàn học sinh, sinh viên. Các đoàn hành hương khác đến từ Ba Lan (hơn 300), từ Cộng Hòa Croát (100), Cộng Hòa Slovena (150). Các đoàn hành hương Pháp lần này đông khác thường, đa số là học sinh, sinh viên các trường và các giáo xứ. Từ Thụy Sĩ có 4 đoàn: 2 đoàn nói tiếng Pháp, một tiếng Ý và một đoàn tiếng Ðức. Các đoàn được xếp vào sổ nói tiếng Anh có các đoàn hành hương đến từ Anh Quốc, Na Uy, Thụy Ðiển, Nhật Bản và Hoa Kỳ (đông hơn cả gồm 11 đoàn). Các đoàn nói tiếng Ðức từ Cộng Hòa Liên Bang Ðức (15 đoàn), 2 đoàn từ Bolzano (Cộng Hòa Ý nói tiếng Ðức). Từ Bỉ có hai đoàn. Các đoàn nói tiếng Tây Ban Nha có: Tây Ban Nha (7 đoàn), Argentina (3 đoàn), Mexico (một đoàn gồm 750 người). Từ Bồ Ðào Nha: một đoàn, và một đoàn từ Brazil.
Trong bài giáo lý nhân dịp Ngày đầu Mùa Chay, ÐTC giải thích ý nghĩa của Mùa Phụng Vụ quan trọng này.
Với Phụng Vụ Ngày thứ Tư lễ Tro, lộ trình Mùa Chay bắt đầu và kết thúc trong biến cố trung tâm của Năm Phụng Vụ được cử hành trong Ba Ngày trước Lễ Phục Sinh, kỷ niệm cuộc Tử Nạn và Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô.
Chúa Giêsu qua 40 đêm ngày trong sa mạc, trước khi khởi sự sứ mệnh của Người. ÐTC nói: "Hôm nay đây, chúng ta được mời gọi vào trong Mùa quan trọng của việc suy tư và của cầu nguyện để tiến trên đường lên Ðồi Calvario và để cảm nghiệm niềm vui của Cuộc Phuc Sinh. Khởi sự thời gian sám hối này bằng một cử chỉ ý nghĩa là việc bỏ tro trên đầu. Cử chỉ này, trong khi nhắc nhở chúng ta về sự phù phiếm của đời trần gian, kêu gọi chúng ta nghĩ đến sự cần thiết của một dấn thân quảng đại về tu đức. Qua dấn thân này, phát xuất quyết định can đảm thực hiện không phải ý muốn riêng của mình, mà thánh ý của Cha trên trời, theo gương Chúa Kitô". ÐTC giải thích cử chỉ bỏ tro trên đầu: cử chỉ khiêm nhường này mời gọi chúng ta: "Hãy trở lại và hãy tin vào Phúc Âm", phản lại cử chỉ kiêu ngạo của Adam và Eva không vâng phục: việc bất phục tùng này tiêu diệt mối quan hệ thiết nghĩa vẫn có giữa Thiên Chúa và tạo vật. Dù đã lãnh bí tích Rửa Tội xóa bỏ tội tổ tông, con người vẫn bị cám dỗ sống trong kiêu căng tự lập khỏi Thiên Chúa và luôn luôn chống lại tha nhân. Vì thế ý nghĩa và sự cần thiết của Mùa Chay dẫn đưa chúng ta đến việc trở lại qua cầu nguyện, sám hối và những cử chỉ liên đới huynh đệ, giúp đốt lên, hoặc gia tăng trong đức tin, tình thiết nghĩa với Chúa Giêsu, giải thoát chúng ta khỏi những hứa hẹn hão huyền về hạnh phúc trần gian.
ÐTC nhắc lại lời Thánh Leo Cả Giáo Hoàng nói lên một trong các bài giảng Mùa Chay của ngài: "Các việc của nhân đức không có, nếu không có thử thách của cám dỗ; không có một đức tin nào mà không có những tương phản; không có cuộc chiến đấu nào mà lại không có thù địch; không có cuộc chiến thắng nào mà lại không phải chiến đấu. Ðời sống của chúng ta đi qua giữa các mưu chước và các cuộc chiến đấu. Nếu chúng ta không muôùn bị lường gạt, chúng ta phải tỉnh thức; nếu chúng ta muốn chiến thắng, chúng ta phải chiến đấu". ÐTC khuyên: "Anh chị em rất thân mến, chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi này! Lời mời gọi này đòi một kỷ luật khắt khe, nhất là trong bối cảnh xã hội ngày nay, thường bị đánh đấu bởi việc không dấn thân và bởi thuyết vô thần thực hành".
Trong Năm dành cho Chúa Thánh Thần, để chuẩn bị Ðại Toàn Xá 2000, ÐTC nhắc lại lời ngài đã viết trong Tông Thư "Tertio Millennio Adveniente" (Ngàn Năm thứ ba gần kề): "Cần phải khám phá Chúa Thánh Thần như Ðấng xây dựng Nước Thiên Chúa trong lịch sử và chuẩn bị cuộc hiển linh hoàn toàn của Người trong Chúa Giêsu Kitô, bằng việc linh hoạt con người nơi nội tâm và bằng việc làm cho mọc lên nơi tâm hồn con người những hạt giống của ơn cứu rỗi, sau cùng, sẽ thực hiện trong ngày tận thế". ÐTC nhấn mạnh: "Vì thế chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong Mùa đặc biệt này; chính Chúa Thánh Thần, để chuẩn bị sứ mệnh của Chúa Giêsu, đã dẫn đưa Người vào trong sa mạc của cám dỗ và của sức mạnh sau này trong giờ thử thách bằng việc theo Người trong Vuờn Cây Dầu cho tới Ðồi Golgotha. Chúa Thánh Thần ở bên chúng ta qua ơn của các Bí Tích. Cách riêng trong Bí tích Hòa Giải Người dẫn đưa chúng ta, trên con đường thống hối và thú tội, tiến đến cánh tay thương xót của Chúa Cha".
Sau cùng ÐTC cầu chúc Mùa Chay trở nên cho mỗi tín hữu Kitô cơ hội thuận tiện cho con đường trở lại: con đường trở lại này là nền tảng và không thể bỏ qua trong Bí Tích Thống Hối. Và việc trở lại là điều kiện để tiến đến một kinh nghiệm thân mật hơn và sâu xa hơn của Tình Yêu Chúa Cha. "Xin Mẹ Maria theo dõi chúng ta trên lộ trình Mùa Chay này!.
Sau đó, ÐTC lược tóm bài giáo lý bằng các tiếng Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, rồi ngài chào một số đoàn hành hương. Trước khi kết thúc buổi tiếp kiến chung, ÐTC nói đến tình hình tại Sierra Leone. Ngài nói: "Các tin tức gây lo lắng nhiều đến từ nhiều miền Châu Phi, cách riêng từ Sierra Leone, vẫn tiếp tục được gửi về Tòa Thánh. Tại Sierra Leone những phe đối lập đang chiến đấu chống nhau, gây nên những đau khổ trầm trọng cho các dân tộc yêu quí tại đây". ÐTC nói tiếp: "Tôi nghĩ ngay đến 5 tu sĩ bị bắt cóc: các vị này là những nhà truyền giáo có nhiều công nghiệp thuộc Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa và Dòng Thánh Augustino. Tin tức về số phận của 10 Tu Sĩ và Nữ Tu trong Giáo Phận Makeni, được phú thác cho việc chăm sóc mục vụ của Ðức Cha Biguzzi, thuộc Tu Hội Truyền Giáo Saveriano, cũng đáng lo ngại như vậy". ÐTC kết thúc: "Ước gì sự bảo đảm lời cầu nguyện và tình liên đới của tôi cũng như của toàn Giáo Hội đến với các nhà truyền giáo này và dân tộc Sierra Leone".
ÐTC chủ sự Lễ Nghi Làm Phép và Bỏ Tro tại Ðền Thờ Thánh Nữ Sabina trên đồi Aventino.
Roma - 25.02.98 - Lúc 16g30, Ngày đầu Mùa Chay, trong Ðền Thờ Thánh Nữ Sabina trên đồi Aventino, ÐTC chủ sự Lễ Nghi Làm Phép và Bỏ Tro trên đầu các Vị Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục thuộc hai Dòng Thánh Ða Minh và thánh Biển Ðức, một số đại diện Nữ Tu và anh chị em giáo dân.
ÐTC không cử hành Thánh Lễ. Ngài chỉ giảng, làm phép và bỏ Tro; cuối Thánh Lễ ngài ban phép lành. Thánh lễ do Ðức Hồng Y Joseph Tomko, tước hiệu Ðền Thờ Thánh Sabina, chủ sự.
Giảng trong Thánh lễ, ÐTC nói đến việc thống hối. Ngài trưng lại lời tiên tri Gioele (bài đọc nhất Phụng Vụ hôm nay): "Hãy trở lại với Ta hết lòng". Rồi lời Thánh Vịnh 50 của Vua Davit công nhận tội lỗi mình và xin ơn tha thứ của lòng thương xót Chúa: "Con đã chống lại Chúa, con đã phạm tội chống lại Chúa mà thôi... Con đã sinh ra trong tội lỗi; mẹ con đã thụ thai con trong tội lỗi. Lạy Chúa xin rửa sạch con khỏi mọi tội lỗi. Con nhận biết tội lỗi của con; tội lỗi của con luôn luôn ở trước mắt con. Lạy Chúa, xin thương xót con theo lòng từ bi của Chúa; trong tình yêu thương vô bờ bến của Chúa, xin xóa tội lỗi của con".
ÐTC khuyên mọi người hãy dùng Mùa Chay, cơ hội thuận tiện, để trở về với Thiên Chúa, để chuẩn bị trong 40 ngày hồng ân Lễ Phục Sinh. "Lạy Chúa, xin tạo nên cho con một tâm hồn mới, một tinh thần mới. Xin rửa sạch con và con sẽ trở nên trắng như tuyết".
Ðền Thờ Thánh Sabina là một trong các đền thờ cổ kính của Roma và được bảo tồn nhiều hơn cả trong kiến trúc nguyên thủy. Ðược xây cất thế kỷ thứ năm, dưới Triều Giáo Hoàng của Ðức Celestino đệ nhất (giữa những năm 422 và 432). Từ năm 595, Ðền Thờ này được chỉ định là "Statio quaresimalis" (Chặng Mùa Chay thứ nhất) của Roma, khi Ðức Thánh Gregorio Cả Giáo Hoàng đưa Mùa Chay lên trước ít ngày (vào thứ Tư), để Mùa Chay thực sự gồm 40 ngày Chay và chính Thánh Giáo Hoàng chỉ định Ðền thờ Sabina làm "Chặng thứ nhất của Mùa Chay.
Thứ Tư Lễ Tro ngày 24.02.1221, Thánh Ða Minh và các Thày Dòng của Ngài đón tiếp Ðức Giáo Hoàng Honorio đệ Tam trong nhà thờ Thánh Sabina, được chính Ðức Honorio ban tặng Thánh Nhân năm trước, để làm Trụ sở của Dòng. Truyền thống ÐTC khai mạc Mùa Chay tại Ðền thờ Sabina bị gián đoạn một số lần trong lịch sử: trong những năm các vị Giáo Hoàng bị đầy tại Avignon (1305-1376), một thời gian ngắn thế kỷ 16 và sau khi Ðức Celmente 13 cử hành lần sau cùng năm 1769. Ðức Gioan 23 lấy lại truyền thống này năm 1960 và từ đó Ðức Phaolô VI và Gioan Phaolô II vẫn tiếp tục truyền thống tốt đẹp này cho đến ngày nay.
Giáo Hội Úc chia rẽ vì cuộc diễn hành của những người đồng tính luyến ái.
(AFP 25/02/98) - Australia (Sydney) - Thứ Tư vừa qua, một vị mục sư thuộc Giáo Hội Hiệp Nhất (Uniting Church) của Australia đã cảnh cáo sẽ dẫn đưa hàng trăm tín hữu rời bỏ giáo hội này, sau khi 15 vị mục sư khác quyết định sẽ tham dự cuộc diễn hành hằng năm của tổ chức của những người đồng tính luyến ái.
Giáo Hội Hiệp Nhất là một Giáo Hội Tin Lành lớn hàng thứ 3 tại Australia với khoảng 1,2 triệu tín hữu. Cuộc diễn hành của tổ chức đồng tính luyến ái nói trên là một trong các biến cố màu mè nhất của Australia với sự tham dự của hàng chục ngàn người đồng tính luyến ái đến từ các nước trên thế giới, và được nhiều người theo dõi.
Mục sư Fred Nile, một dân biểu đại diện bang New South Wales, đã gọi cuộc diễn hành này là sự phô trương quang cảnh thô tục (obscene spectacle). Năm ngoái, cũng chính vì mục sư này đã tổ chức một buổi canh thức cầu nguyện trước ngày diễn hành để xin Thiên Chúa tha thứ cho Australia vì những điều thô tục như vậy.
Trong những tháng gần đây, Giáo Hội Hiệp Nhất của Australia đã có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi giữa một bên ủng hộ và bên chống đồng tính luyến ái, và các nhà lãnh đạo Giáo Hội này e ngại rằng vấn đề này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho tình đoàn kết giữa các tín hữu với nhau.
Giáo Chủ Chính Thống Hy Lạp vào nhà thương.
(AFP 25/02/98) - Hy Lạp (Athens) - Giáo Chủ Chính Thống Hy Lạp, Ðức Thượng Phụ Seraphim Tikas, 84 tuổi, đã được đưa vào nhà thương hôm thứ Ba 24/02/98 sau khi ngài có dấu hiệu bị sốt cao và nhiễm phổi.
Một nguồn tin từ bệnh viện cho biết, Ðức Thượng Phụ bị bệnh thận trong vòng 4 năm qua và việc ngài vào nhà thương cũng là để ngăn ngừa biến cố có thể xảy ra. Tổng Giám Mục Chính Thống Hy Lạp nói rằng, sức khỏe của ngài đã ổn định lại sau khi máu trong cơ thể ngài được lọc bằng máy. Ðức Thượng Phụ Seraphim được coi là một nhà ái quốc bảo thủ và cứng rắn. Ngài lên giữ chức lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp kể từ năm 1974. 95% tổng số dân Hy Lạp theo Chính Thống Giáo.