Giám Mục
của Chiapas bảo vệ các Linh Mục ngoại
quốc
Tại Sudan vẫn còn chế
độ nô lệ
Kinh nghiệm của Cuba qua chuyến
thăm của ÐTC
Phái đoàn Tòa Thánh
lên đường đi Việt Nam
Tường thuật Nghi Lễ
tấn phong 20 Hồng Y mới ngày 21/02/98
Kết thúc khóa họp
của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế
Giám Mục của Chiapas cam kết bảo vệ các Linh Mục ngoại quốc khỏi bị trục xuất.
(AFP 22/02/98) - Mêhicô (Mehico City) - Ðức Cha Samuel Ruiz, Giám Mục Cristobal De Las Casas bên Mêhicô vừa công khai tuyên bố rằng ngài cam kết sẽ ngăn ngừa không cho chính phủ nước này trục xuất các Linh Mục ngoại quốc đang làm việc tại bang Chiapas.
Vừa từ tây Ban Nha trở về Mêhicô hôm thứ Bảy 21/02/98 vừa qua, Ðức Cha Ruiz cho biết ngài sẽ không cho phép chính phủ đối xử tệ hại với các Linh Mục ngoại quốc đang giúp ngài săn sóc mục vụ cho các tín hữu trong giáo phận Chiapas. Vào hôm thứ Sáu 20/02/98, chính phủ Mêhicô loan báo có ít nhất là 12 Linh Mục sẽ bị trục xuất vì những hoạt động chính trị trái phép tại Chiapas. Có 3 Linh Mục người Hoa Kỳ đã bị trục xuất trước đó. Ðức Cha Ruiz cảnh cáo rằng nếu bất cứ vị Linh Mục phụ tá nào của ngài nằm trong số 12 Linh Mục nói trên bị trục xuất, ngài sẽ kiện chính phủ Mêhicô về tội vu cáo và đưa vấn đề ra trước diễn đàn quốc tế, Ðức Cha nói ngài sẵn sàng đối đầu với mọi thử thách vì các Linh Mục này.
Chính phủ Mêhicô đưa ra lời đe dọa trên đây sau khi có hàng trăm quan sát viên ngoại quốc từ Hoa Kỳ và Âu Châu đặt chân tới bang Chiapas nhân kỷ niệm thứ hai thỏa ước ngưng chiến giữa chính quyền Mêhicô và lực lượng phiến quân Zapatista. Sự chú ý của chính quyền tới hoạt động của các linh mục ngoại quốc được coi là một trong những chiến lược mới nhắm đối phó với cuộc tranh chấp tại bang Chiapas theo sau vụ thảm sát 45 người thổ dân dạo cuối tháng 12 năm ngoái (1997).
Tại Sudan vẫn còn chế độ nô lệ.
Thụy Sĩ (Bern) - [Apic 22/02/98) - Mặc dù chính phủ Hồi Giáo Khartoum chối bỏ, chế độ nô lệ vẫn còn được duy trì tại Soudan.
Tổ chức không chính phủ có tên là Liên Ðới Kitô Quốc Tế, đã đưa ra lời tuyên bố trên đây hôm thứ Sáu 20/02/98 vừa qua. Trong một thỉnh nguyện thư gởi cho ông Flavio Cotti, cố vấn liên bang Thụy Sĩ, gần 30 ngàn người đã ký tên yêu cầu tôn trọng tự do tôn giáo và chấm dứt nạn nô lệ tại Soudan.
Sau một chuyến viếng thăm nhân đạo tại miền Nam Soudan, một thành viên của tổ chức cho biết đã chuộc được 132 thiếu niên bị bán làm nô lệ. Mỗi một nô lệ thường được bán với giá 100 đô la. Tổng cộng, tổ chức Liên Ðới Kitô Quốc Tế đã chuộc được 800 thanh niên bị bán làm nô lệ tại Miền Nam Soudan.
Trong một cuộc nội chiến từ năm 1983 đến nay, trên một triệu rưỡi người đã bị sát hại và 5 triệu người phải đi lánh nạn. Với khẩu hiệu "một xứ sở, một ngôn ngữ, một tôn giáo", chế độ Hồi Giáo tại Soudan muốn áp đặt Hồi Giáo lên toàn thể nhân dân Soudan. Nạn nhân chính của chính sách này là người dân miền núi Nuba cũng như các tín hữu Kitô và những người thờ Vật Linh.
Các Ðức Giám Mục Cuba rút tĩa được những bài học kinh nghiệm qua chuyến viếng thăm của ÐTC.
Cuba (Havana) - [Apic 22/02/98] - "Chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II hiển nhiên là một dấu chân của Chúa Giêsu Kitô trong lịch sử chúng ta". Trên đây là lời mở đầu trong sứ điệp của các Ðức Giám Mục Cuba gởi cho các tín hữu Công Giáo và nhân dân Cuba liền sau chuyến viếng thăm của ÐTC.
Trong bức sứ điệp, các Ðức Giám Mục Cuba kêu gọi dân chúng hãy làm một cuộc hoán cải cá nhân đích thực, bởi vì nếu không có hoán cải sẽ không có sự thay đổi xã hội đích thực. Các Ðức Giám Mục đã nhấn mạnh đến nội dung xã hội của các bài diễn văn của ÐTC.
Kết thúc bức sứ điệp, các ngài kêu gọi đối thoại và hòa giải.
Phái đoàn Tòa Thánh lên đường đi Việt Nam.
Vatican - 22.02.98 - Lúc 14g30 chiều Chúa nhật 22/02/98 theo giờ Roma, Phái Ðoàn Tòa Thánh lên đường đi Việt nam và sẽ tới Hà Nội vào lúc 12:20 trưa ngày thứ Hai 23/02/98, qua ngả Bangkok. Theo chương trình dự trù, thì Phái Ðoàn Tòa Thánh sẽ gặp Ban Thường Vụ của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam vào chiều thứ Hai 23/02/98, trước khi bắt đầu cuộc thảo luận với Ban Tôn Giáo của Nhà Nước Việt Nam, vào ngày thứ Ba 24/02/98, về các vấn đề tôn giáo liên hệ đến Giáo Hội Công Giáo và Việt Nam.
Phái đoàn gồm có Ðức Ông Celestino Migliore, Thứ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, và Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, viên chức của Bộ Truyền Giáo.
Sau những ngày làm việc với những vị đại diện Chính Phủ Việt Nam, Phái đoàn sẽ đi thăm một vài giáo phận, để hiểu biết hơn về tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Theo chương trình đề nghị trước, Phái Ðoàn Tòa Thánh muốn đi thăm cách riêng các giáo phận Lạng Sơn, Cần Thơ và Long Xuyên.
Vào ngày Thứ Bảy 28 tháng 2 năm 1998, phái đoàn Tòa Thánh sẽ lên đường trở về Roma.
Tường thuật Nghi Lễ tấn phong 20 Hồng Y mới do ÐTC Gioan Phaolô II chủ tọa vào ngày 21/02/98.
Vatican - 22.02.98 - Sáng thứ Bẩy 21/02/98, với lễ nghi trọng thể diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô, và với sự tham dự của rất đông các đoàn hành hương, ÐTC chủ tọa lễ nghi tấn phong 20 Hông Y mới do chính ngài loan báo ngày 18 tháng Giêng vừa qua. Ðây là lần thứ hai trong lịch sử, lễ nghi tấn phong Hồng Y diễn ra tại Quảng Trường Thánh Phêrô, thay vì Thính Ðường Phaolô VI, vì con số người tham dự quá đông. Lần thứ nhất Lễ Nghi được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô là ngày 25 tháng 5 năm 1985; Lúc đó ÐTC đã tấn phong 25 vị Hồng Y mới.
20 Vị Tân Hồng Y đến từ 13 quốc gia khác nhau, thuộc 4 Châu: 11 vị thuộc Châu Âu; 7 Vị thuộc Châu Mỹ; một vị thuộc Châu Á (Ðài Loan); và một vị thuộc Châu Phi (Cộng Hòa Tanzania). Trong lúc loan báo bổ nhiệm 20 vị Hồng y mới ngày 18 tháng Giêng vừa qua, ÐTC nói: "Các Vị Hồng y mới đến từ nhiều miền khác nhau trên thế giới, phản chiếu cách hùng hồn tính cách hoàn vũ của Giáo Hội Công Giáo".
Vị cao niên hơn cả trong lớp này là Ðức Hồng Y Adam Kozlowiecz, 87 tuổi, người Ba lan, 6 năm bị giam trong Trại Tập Trung Ðức Quốc Xã ở Dachau, sau đó đi truyền giáo tại Zambia và là cựu Tổng Giám Mục giáo phận Lusaka.
Vị trẻ hơn cả là Ðức Hồng Y Christoph Schoenborn, sinh tại Cộng Hòa Tchèque, 53 tuổi, Tổng Giám Mục giáo phận Wien, bên Aùo Quốc.
Trong lễ nghi tấn phong, vắng mặt Ðức Hồng Y Alberto Bovone, đang điều trị tại bệnh viện Bách Khoa Gemelli. ÐTC đã cử Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, nhân danh ngài, trao mũ Hồng Y cho Tân Hồng Y Alberto Bovone, trong nhà nguyện của Bệnh viện.
Lễ nghi tấn phong Hồng Y diễn ra theo hình thức cử hành Phụng Vụ Lời Chúa. Ðầu lễ nghi, ÐTC xướng tên các vị Hồng Y mới. Sau đó, Ðức Hồng Y mới Jorge Arturo Medina Estevez, người Chile, Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đứng đầu danh sách, nhân danh tất cả các vị Hồng Y mới, cảm ơn ÐTC, nhắc lại sự hiệp thông và trung thành với Vị Kế Nghiệp Thánh Phêrô. Ðức tân Hồng Y gợi lại lời Thánh Ireneo nhấn mạnh đến sự hiệp nhất của các Giáo Hội địa phương với Giáo Hội Roma.
Trong Bài Phúc Âm, Thánh Matcô thuật lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Con Người đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và hy sinh sự sống cứu chuộc nhiều người". ÐTC giải thích: "Anh em được mời gọi để cùng với các thành viên của Hồng Y đoàn giúp đỡ Vị Kế Nghiệp Thánh Phêrô trong việc dẫn đưa con thuyền của Phêrô đến mục tiêu lịch sử này, là Ngàn Năm Thứ Ba. Tôi tin cậy vào sự nâng đỡ của anh em. Anh em là những vị cố vấn và những người cộng tác trong việc quản trị Giáo Hội hoàn vũ.
Phụng vụ được tiếp tục bằng lời tuyên thệ trung thành và vâng phục Vị Ðại Diện Chúa Kitô ở trần gian, rồi bằng việc trao mũ Hồng Y cho từng vị, và việc chỉ định nhà thờ tước hiệu trong Thành Roma cho mỗi vị (Các Hồng Y thuộc Hàng Giáo Sĩ Roma). Ngay từ Hội Nghị Hồng Y đầu tiên của Triều Giáo Hoàng ngày 30.6.1979, ÐTC đã nhắc lại những đặc tính của các vị được mời gọi lãnh nhận Thừa tác vụ bên cạnh Vị Kế Nghiệp Phêrô, nghĩa là được mời gọi tiến đến sự mạnh mẽ, can đảm và kính sợ: mạnh mẽ can đảm trước người thế gian và kính sợ trước mặt Thiên Chúa. Lúc đó, ÐTC nói: "Chúa Kitô xin chúng ta can đảm tuyên xưng chân lý của Người, không từ chối Người; Chúa Kitô xin chúng ta khiêm tốn, nhưng cũng quảng đại và khôn ngoan".
Lễ nghi tấn phong 20 vị Hồng Y mới vào sáng thứ Bảy 21/02/98, đã được Ðài Truyền Hình Quốc Gia Ý và Ðài Truyền Hình Hòa Bình (Telepace) truyền đi khắp thế giới. Giáo Hội Công Giáo hiện nay có 165 vị Hồng Y, thuộc 62 quốc gia khác nhau. Ngoài ra, còn hai vị "in pectore" ÐTC chưa tiết lộ trong lúc này, vì hoàn cảnh không cho phép. Chúa Nhật 22.02.98, Lễ Kính Tòa Thánh Phêrô, các Tân Hồng Y dâng thánh lễ đồng tế với ÐTC vào lúc 9g30 sáng, cũng tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Trong Thánh Lễ nầy, ÐTC trao nhẫn Hồng Y , "dấu chỉ phẩm chức của các ngài" và "của sự hiệp thông chặt chẽ với Tòa Phêrô".
Kết thúc khóa họp của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế.
Vatican - 22.02.98 - Sau ba ngày làm việc, Khóa họp của Ủy Ban mới Thần Học Quốc Tế đã kết thúc vào sáng thứ Bẩy 21/02/98. Gọi là Ủy ban mới, vì 2/3 các thành viên của Ủy Ban mới nầy, vừa được ÐTC bổ nhiệm.
Khóa họp vừa kết thúc, được coi như khóa ngoại lệ, trong bầu khí rất tích cực, với sự hiện diện liên lỉ của Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin và Chủ Tịch Ủy Ban Thần Học Quốc Tế và Cha Georges Cottier, Thư Ký của Ủy Ban, đồng thời cha cũng là nhà thần học của Phủ Giáo Hoàng.
Trong khóa họp ngoại lệ này, các tham dự viên đã bàn đến hai đề tài đã được Ủy Ban cũ bàn đến, nhưng chưa đi đến thành quả nào cả, đó là đề tài về "Chức Phó Tế" (Diaconatus) và về việc "xin tha thứ".
Giáo Hội Công Giáo xin tha thứ vì những lầm lỗi xưa kia trong quá khứ. Và Ủy Ban quyết định cần phải nghiên cứu sâu xa về mọi khía cạnh; khía cạnh thần học không phải là khía cạnh sau cùng.
Ngoài ra, Ủy Ban mới đưa ra hai đề tài, được chọn bằng việc Bỏ Phiếu. Ðó là đề tài về Mạc Khải (Revelatio), và đề tài về Con Người (Persona Humana). Hai đề tài này sẽ được khai triển trong những năm tới đây, bắt đầu từ khóa họp tới, được ấn định vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 năm nay (1998).