Giải quyết
tranh chấp qua văn hóa của đối
thoại
Chính Phủ Ba Lan ra lệnh gỡ
Thánh Giá tại trại Auschwitz
Ngân Hàng Thế Giới
cam kết cộng tác với các tôn
giáo
ÐTC chủ sự Hội
Nghị tấn phong 20 vị Hồng Y mới
Ý nghĩa việc giữ
kín tên vị Hồng Y "in pectore"
Hội Ðồng các Giáo
Hội Kitô Châu Âu họp tại Roma
Giải quyết tranh chấp qua văn hóa của đối thoại.
(EWTN 21/02/98) - Nicaragoa (Managua) - Ðứng trước tình trạng căng thẳng trong xã hội đang gia tăng, mà người ta lo sợ có thể dẫn tới các cuộc cách mạng võ trang, Ðức Hồng Y Miguel Obando y Bravo, Tổng Giám Mục Managua đã lên tiếng yêu cầu đưa văn hóa của đối thoại vào bầu khí chính trị hiện nay.
Trong những tháng vừa qua, Nicaragua trải qua nhiều cuộc tranh chấp giữa các thế lực, hành pháp chống tư pháp, tại quốc hội: đảng đương cầm quyền chống đảng cựu cộng sản Sandino, và các vụ xung đột võ trang giữa các lực lượng Sandino và phiến quân Contra. Các phiến quân đã cảnh cáo rằng họ sẽ trở lại xử dụng võ lực nếu chính phủ không cấp đất đai để họ mưu sinh. Trong khi đó, các nghiệp đoàn đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình để phản đối chính phủ.
Ðể đối phó với tình trạng này, Ðức Hồng Y Obando Bravo bày tỏ cảm nghĩ như sau: Giải pháp duy nhất cho các vấn nạn về hành pháp, xã hội và chính trị ở Nicaragua, là qua văn hóa của đối thoại để thế chỗ cho văn hóa của căng thẳng và bạo động đang ngự trị. Mỗi người chúng ta cần phải nhận thức rằng không có một giải pháp nào là hoàn hảo cả và mỗi bên cần phải nhượng bộ trong một khía cạnh nào đó để đổi lấy điều mình muốn". Ám chỉ tới cuộc nội chiến trong quá khứ ở Nicaragua, vị Tổng Giám Mục Managua ghi nhận: "Lịch sử là một trường tốt để chúng ta học được hậu quả tai hại của sự thiếu cảm thông và những vấn đề gây căng thẳng một cách vô lý".
Chính Phủ Ba Lan ra lệnh tháo gỡ Thánh Giá tại trại Auschwitz.
(EWTN 21/02/98) - Ba Lan (Gswiecim) - Do lời khiếu nại từ những người Do Thái, thứ Năm vừa qua (19/02/98), chính phủ Ba Lan đã ra lệnh tháo gỡ Thánh Giá bằng gỗ được dựng lên tại một địa điểm gần trại tập trung Auschwitz, để tưởng nhớ Thánh Lễ do ÐTC Gioan Phaolô II cử hành vào năm 1979, nhân chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài tại quê hương sau khi lên làm Giáo Hoàng.
Thánh Giá nói trên cao khoảng 5 thước, dựng trên một mảnh đất của một dòng Nữ, đã bị buộc phải dời nhà dòng ra khỏi khu vực gần trại tập trung Auschwitz dạo năm 1993. Ðất này nay thuộc chủ quyền của chính phủ, và chính quyền đang dự tính lập một đài kỷ niệm các nạn nhân bị chết tại trại tập trung Auschwitz. Ða số trong khoảng một triệu người bị giết chết tại Auschwitz là người Do Thái, trong số này có cả hàng ngàn người Công Giáo. Nổi bật nhất là thánh Maximiliano Kolbe và chân phước Edith Stein.
Ngân Hàng Thế Giới cam kết cộng tác với các tôn giáo.
(EWTN 21/02/98) - Anh Quốc (Luân Ðôn) - Trong cuộc gặp gỡ với đại diện các tôn giáo ở Anh Quốc vào thứ Năm tuần trước 19/02/98, tổng giám đốc Ngân Hàng Thế Giới, ông James Wolhensohn cam kết là tổ chức của ông sẽ cộng tác với các tôn giáo để bài trừ nạn nghèo đói.
Tham dự cuộc gặp gỡ nói trên có Ðức Tổng Giám Mục Goerge Carey của Anh Giáo và đại diện của các tôn giáo khác như Tin Lành, Phật Giáo, Ấn Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, đạo Sikh, đạo Bà Hai và Lão Giáo. Ðức Tổng Giám Mục Carey đã cho các ký giả biết về nội dung cuộc họp như sau: "Trong quá khứ, đã có sự nghi ngờ thiện chí của Ngân Hàng Thế Giới về vấn đề trợ giúp tài chánh tại các nước trên thế giới, tôi nghĩ cuộc họp hôm nay đã giải tỏa được một số vấn đề". Về phần mình, vị tổng giám đốc Ngân Hàng Thế Giới đã đưa ra nhận định như sau: "Tôi nghĩ cần phải có đối thoại. Nếu chúng tôi đã phạm những sai lầm trong quá khứ, chúng tôi xin chấp nhận và tìm cách sửa chữa những sai lầm đó. Tuy nhiên chúng tôi cũng muốn được cộng đồng thế giới thừa nhận những thành quả đã làm được".
Các viên chức Ngân Hàng Thế Giới và đại diện các tôn giáo đã đồng ý thiết lập một nhóm làm việc. Trong vòng một năm, nhóm làm việc này sẽ nghĩ ra các chương trình hay dự án để thực hiện. Theo Ðức Tổng Giám Mục Carey, mục tiêu của các dự án này là chống nạn nghèo đói, thăng tiến hệ thống giáo dục và dịch vụ xã hội cũng như bảo tồn di sản văn hóa của các cộng đồng.
ÐTC chủ sự Hội Nghị Hồng Y công cộng, để tấn phong 20 vị Hồng Y mới.
Vatican - 21.02.98 - Sáng thứ Bẩy 21.02.98, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, chớ không phải trong Thính Ðường Phaolô VI, như đã loan báo trước đây, lúc 9g30 sáng, ÐTC chủ tọa Hội nghị Hồng Y công cộng (nghĩa là mọi người được tham dự), để tấn phong 20 Vị Hồng Y mới, được loan báo ngày 18 tháng Giêng năm 1998 vừa qua.
20 vị được tấn phong Hồng Y được phân chia như sau: 7 vị thuộc Giáo Triều Roma; 12 Vị Tổng Giám Mục hay Giám Mục Chính Tòa; và một vị thuộc ngành Ngoại Giao; Nếu phân chia theo vùng địa lý, thì 11 vị thuộc các nước Châu Âu; 7 vị thuộc Châu Mỹ; và một vị thuộc Châu Phi; một vị thuộc Châu Á (là Ðức Tân Hồng Y Paul Shan của Ðài Loan). Trong số 20 vị Hồng Y mới, 19 vị dưới 80 tuổi, được quyền vào Mật Viện bầu Giáo Hoàng; một vị trên 80 tuổi, Ðức Hồng Y Adam Kozlowiecki, người Ba Lan, trước đây bị giam trong Trại Tập Trung Dachau, từ 50 năm nay truyền giáo tại Zambia và là Tổng Giám Mục giáo phận Lusaka từ 1959 đến 1969.
Ðây là Hội nghị Hồng Y lần thứ bẩy được triệu tập để tấn phong Hồng Y . Trong 6 Hội nghị trước, ÐTC Gioan Phaolô II đã tấn phong tất cả 138 vị, trong số này có 114 vị còn sống. Trong lần phong nầy, có hai vị Hồng Y "in pectore", nghĩa là chưa được công bố, vì lý do nào đó, thường là lý do chính trị. Chúng tôi sẽ nói trong bản tin đưới đây về Hồng Y "in pectore".
Cùng với 20 vị Hồng Y được tấn phong sáng nay, Viện Hồng Y gồm 165 vị, trong đó có 43 vị trên 80 tuổi. Trong số 165 vị nầy, còn có hai vị đã được tấn phong đời Ðức Gioan 23; 29 vị đời Ðức Phaolô VI. Phần còn lại đời ÐTC Gioan Phaolô II.
Lễ nghi tấn phong Hồng Y , không phải là một Bí Tích như Lễ Phong Chức, được diễn ra trong hình thức Cử Hành Lời Chúa. Trong Lễ Nghi, ÐTC đặt mũ đỏ cho mỗi một vị Tân Hồng Y, rồi chỉ định cho mỗi vị một nhà thờ tước hiệu trong Roma. Sau bài Phúc Âm, ÐTC giảng khuyên và ngay sau đó, các Tân Hồng Y tuyên xưng Ðức tin trước Cộng Ðồng Dân Chúa và tuyên thệ trung thành và vâng phục Ðức Giáo Hoàng và các vị Kế Nghiệp ngài. Rồi các Tân Hồng Y nhận Sắc Chỉ Bổ Nhiệm và hôn chúc bình an của ÐTC và của các Hồng Y dự lễ nghi tấn phong.
Phụng Vụ Lời Chúa được tiếp tục bằng Lời Nguyện Chung của giáo dân và kết thúc bằng việc hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành của ÐTC. Sau đó Cộng Ðồng hát bài kính Ðức Trinh Nữõ Maria để phú thác các Tân Hồng Y cho sự che chở của Mẹ.
Ban chiều thứ Bảy 21/02/98,vào lúc 4 giờ, các Tân Hồng Y tiếp khách tại những địa điểm trong Phủ Giáo Hoàng, đã được Văn Phòng Lễ nghi chỉ định.
Chúa nhật 22/02/98, Lễ kính Tòa Thánh Phêrô, ÐTC cử hành thánh lễ trọng thể với các Tân Hồng Y; trong thánh lễ ngài trao nhẫn Hồng Y cho từng vị. Cuối thánh lễ có lễ nghi viếng Mộ Thánh Phêrô, ngay dưới bàn thờ của ÐTC.
Ý nghĩa việc giữ kín tên vị Hồng Y "in pectore" vì lý do này lý do khác.
Vatican - 21.02.98 - Ngày 18 tháng Giêng vừa qua, trong khi loan báo danh sách 20 Hồng Y mới, ÐTC cho biết còn hai vị "in pectore", nghĩa là tên của hai vị này chưa được tiết lộ, vì lý do này lý do khác, thường là những lý do chính trị.
Trước đây, Ngày 21 tháng 2 năm 1979, khi loan báo bổ nhiệm Hồng Y, ÐTC Gioan Phaolô II cũng giữ kín tên một vị "in pectore". Và vị này chỉ được công bố sau đó trong Hội Nghị Tấn Phong Hồng Y năm 1991: đó là Ðức Cha Gong Pin-Mei (Cung Phần Mai), giám mục Thượng Hải (Trung Quốc). Từ đó tới nay, Ðức Hồng Y Cung Phần Mai sống bên Hoa kỳ. Năm nay ngài gần 97 tuổi và là vị Hồng Y cao niên hơn cả trong Hồng Y Ðoàn.
Theo Ðức Tổng Giám Mục Jorge Mejia, Tổng Thư Ký Bộ Giám Mục và Thư Ký Viện Hồng Y, thì đã nhiều lần trong lịch sử Giáo Hội, các Ðức Giáo Hoàng vẫn có thói quen, vì hoàn cảnh chưa thuận tiện, không công bố tên vị Hồng Y được chọn. Như vậy, việc giữ kín tên của vị Hồng Y "in pectore" không phải là một mới lạ. Các sử gia quả quyết rằng việc này có từ thời Ðức Alexandro VI (người Tây Ban Nha, làm Giáo Hoàng từ 1492-1503); người khác nói: có từ thời Ðức Giulio II (làm Giáo Hoàng từ 1503-1513).
Bộ Giáo Luật mới năm 1983, khoản 351, triệt 3, lấy lại Bộ Giáo Luật cũ năm 1917, qui định: vị được bổ nhiệm làm Hồng Y, nếu, trong khi loan tin, Ðức Giáo Hoàng không tiết lộ tên (giữ lại in pectore), thì trong thời gian chờ đợi, vị này không có bổn phận và quyền lợi nào của các vị Hồng Y; nhưng khi nào tên vị "in pectore" được công bố, thì không những ngài có bổn phận và quyền lợi của một Hồng Y, nhưng còn được hưởng quyền ưu tiên trên các vị khác, kể từ ngày ÐTC loan báo giữ lại "in pectore" và được xếp vào lớp các Hồng Y được loan báo làm Hồng Y khi ngài chưa được tiết lộ.
Nếu không có bút từ gì về vị Hồng Y "in pectore" do vị Giáo Hoàng trước để lại, thì vị Kế Nghiệp không bị buộc theo những quyết định của Vị Tiền Nhiệm mình. Và lúc đó, vị Tân Giáo Hoàng được hoàn tự do trong mọi quyết định. Có lần vị Hồng Y "in pectore" không bao giờ được tiết lộ, sau khi vị Giáo Hoàng giữ lại "in pectore" qua đời, mà không để lại bút tích nào.
Về việc vào Mật Viện bầu Giáo Hoàng, Tông Hiến "Universi Dominici Gregis" của ÐTC Gioan Phaolô II, công bố ngày 22.02.1996, về Tòa Thánh trống ngôi (Sede Vacante) , nói rõ ràng rằng: "Quyền bầu Giáo Hoàng thuộc về các Hồng Y được chọn và được công bố trong Hội Nghị Hồng Y và dưới 80 tuổi". Vì thế vị Hồng Y "in pectore", vì không được công bố, không thể vào Mật Viện bầu Giáo Hoàng.
ÐTC tiếp Hội Ðồng các Hội Ðồng Giám Mục Châu Âu và Hội Ðồng các Giáo Hội Kitô Châu Âu họp chung tại Roma.
Vatican - 21.02.98 - Sáng thứ Bẩy 21/02/98, ÐTC tiếp Hội Ðồng các Hội Ðồng Giám Mục Châu Âu (Ccee) và Hội Ðồng các Giáo Hội Kitô Châu Âu (Kek) gồm các Giáo Hội Chính Thống và Tin Lành, khai mạc tại Roma 19/02/98 vừa qua, với mục đích đi đến một Hiến Chương Ðại Kết cho Châu Âu. Hiến Chương này qui định những luật lệ để cổ võ sự cộng tác với nhau và một cách cụ thể.
Trong phiên họp chung này các vị tham dự cũng bàn đến các vấn đề khác, như dấn thân cho hòa bình, cho công lý và bảo vệ môi sinh. Phiên họp chung sẽ bế mạc vào chúa nhật 22 tháng 2 năm 1998.
Trong diễn văn, ÐTC nói: "Ðể lướt thắng những cản trở và những oán hận hiện vẫn còn cho tới lúc này, cần phải dấn thân luôn trong một phong trào đại kết bằng đời sống và bằng việc cầu nguyện, qua việc thực hiện những chương trình chung, trong niềm tôn trọng các Giáo Hội Kitô khác nhau".
Nhắc lại Khóa Họp Ðại Kết mới đây tại Graz bên Áo Quốc, ÐTC ước mong một sự chia sẻ những kho tàng phong phú thiêng liêng của các Giáo Hội Ðông và Tây Châu Âu, trong sự tôn trọng luôn luôn nhiều hơn những sự nhậy cảm riêng biệt và những kinh nghiệm mục vụ của mỗi Giáo Hội Kitô, được ăn rễ sâu trong lịch sử và trong truyền thống riêng biệt.
Sau đó, ÐTC nhắc đến vấn đề đón tiếp và hòa đồng trong Lục Ðịa Âu Châu, (tiếp đón) các dân tộc và các cộng đồng thuộc các tôn giáo khác, cách riêng Hồi Giáo và các tôn giáo Á Châu. Các Giáo Hội Châu Âu phải biểu lộ một tinh thần cởi mở tín nhiệm và dấn thân nhiều hơn trong con đường đối thoại này.
Trong phần cuối bài diễn văn, ÐTC Gioan Phaolô II nhắc lại rằng "chứng tá của việc hiệp nhất là một yêu tố căn bản của việc rao giảng Tin Mừng đích thực và sâu xa; Qua sự hiệp nhất của tất cả trong một Giáo Hội, các môn đệ Chúa Kitô sẽ làm cho anh chị em mình khám phá mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, sự hiệp thông hoàn toàn của Tình Yêu."