Giáo Hội
Cuba sau chuyến viếng thăm của ÐTC
ÐTC tiếp các Giám
Mục Tây Ban Nha viếng Tòa Thánh
ÐTC tiếp các vị
tham dự Khóa Họp về Hiệp Nhất
Kitô
ÐTC tiếp các đoàn
hành hương Ba Lan
Anh Quốc muốn trục xuất
Sinn Fein khỏi cuộc hòa đàm
Phái đoàn tôn giáo
Hoa Kỳ gặp thị trưởng Thượng
Hải
Liên Minh Kitô Giáo phát
động một chiến lược mới
ÐHY TGM Santiago de Chile từ
chức vì trọng bệnh
5 nhà truyền giáo ngoại
quốc bị bắt cóc tại Sierra Leone
HÐGM Mêhicô bác bỏ
giải pháp bạo động tại Chiapas
Giáo Hội Công Giáo Cuba sau chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II.
( Apic 19.02.98) - La Havana - 19.02.98 - Mới đây Ðức Hồng Y Jaime Ortega Tổng Giám Mục giáo phận La Havana (thủ đô Cuba) cho biết: Các bài giảng và các diễn văn của ÐTC Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Cuba cuối tháng Giêng năm 1998 vừa qua sẽ được phân phát cho người dân Cuba khoảng 350 ngàn bản. Ngoài ra, Giáo Hội còn lo in một cuốn sách gồm 125 trang với 42 hình mầu để đáp lại sự mong ước của các người Công Giáo Cuba và theo Ðức Hồng Y Jaime Ortega, thì cuốùn sách này phải thu lượm những thành quả của chuyến viếng thăm. Ngoài các bài giảng và diễn văn và Cuốn Sách Ghi Niệm với các hình ảnh, Giáo Hội còn tính đến việc in một triệu "posters" ( ảnh ) Trái Tim Chúa Giêsu và 600 ngàn cuốn lịch với các hình ảnh về chuyến viếng thăm của ÐTC.
ÐTC tiếp chung các Giám Mục Tây Ban Nha đến Roma viếng Tòa Thánh ("Ad Limina").
Vatican - 19.02.98 - Chuyến viếng thăm Tòa Thánh ("Ad Limina") của các Giám Mục Tây Ban Nha thuộc các miền Cataluna, Asturias, Leon và Cantabria, đã kết thúc vào sáng thứ Năm 19/02/98 bằng thánh lễ đồng tế trong nhà nguyện riêng của ÐTC và sau đó, với buổi tiếp chung của ÐTC dành cho các ngài liền sau thánh lễ đồng tế.
Trong bài diễn văn đọc vào dịp nầy, ÐTC nhấn mạnh đến những điểm quan trọng sau đây:
1. Hôn nhân và Gia đình,
2. Ðẩy mạnh việc giảng dạy giáo
lý
và 3. việc dạy đạo trong các trường
học.
Về Hôn nhân-Gia đình, ÐTC cương quyết bác bỏ mọi hình thức kết hợp khác được người ta coi như gia đình, mà không có sự công nhận pháp luật, nhất là việc kết hợp giữa các người đồng phái tính. Ngài khuyên các Giám Mục rao giảng cách mạnh mẽ chân lý về Hôn Nhân và Gia Ðình như đã được Thiên Chúa thiết lập. Gia đình là một ơn lớn lao không thể thay thế của xã hội; Và xã hội không được phép lãnh đạm trước sự sa đọa hay sự tan mất của gia đình. Các Giám Mục phải đẩy mạnh mục vụ gia đình để chuẩn bị cho giới trẻ về ý thức Hôn Nhân và Gia Ðình, bằng việc nhấn mạnh đến các giá trị của tình yêu nhân loại và về linh đạo của bậc hôn nhân.
Về việc giảng dạy giáo lý, ÐTC nhấn mạnh đến tầm quan trọng đẩy mạnh việc giảng dạy này để rao giảng Chúa Giêsu Kitô như Ðấng Cứu Thế duy nhất của thế gian, trước những nguy hiểm của Thuyết Tục Hóa, của Thuyết Tương Ðối Luân Lý và của việc lãnh đạm tôn giáo. ÐTC Gioan Phaolô II cũng nhắc lại quyền của cha mẹ về lựa chọn các trường học, để con cái họ có một nền giáo dục hoàn toàn; nền giáo dục hoàn toàn này phải gồm việc giáo huấn về tôn giáo. ÐTC ước mong một giải pháp cho các vấn đề chưa được ấn định đối với qui chế của việc dạy đạo lý và của các giảng viên của các môn này. ÐTC khẳng định rằng: trong việc huấn luyện, nếu muốn đầy đủ, không thể bỏ qua khía cạnh tôn giáo được.
ÐTC nói thêm rằng: "Trong đường hướng này, Giáo Hội, vừa tôn trọng những tư tưởng khác của con người, nhưng đồng thời có quyền giảng dạy các giá trị phát xuất từ Phúc Âm và các luật lệ luân lý riêng của Kitô giáo".
ÐTC tiếp các vị tham dự Khóa Họp Khoáng Ðại của Hội Ðồng Tòa Thánh về Hiệp Nhất Kitô.
Vatican - 19.02.98 - Sáng thứ Năm 19/02/98, ÐTC tiếp các tham dự viên Khóa Họp Khoáng Ðại của Hội Ðồng Tòa Thánh về Hiệp Nhất Kitô, Ðược diễn ra trong Nội Thành Vatican trong những ngày này, để nghiên cứu các hoạt động của hai năm qua, nhất là nhìn về Năm Ðại Toàn Xá 2000, theo con đường đã được ÐTC vạch ra, tức là "hy vọng vào Ngàn Năm Thứ Ba, các tín hữu Kitô, nếu không hiệp nhất hoàn toàn, thì ít ra cũng gần nhau hơn, để cùng nhau giải quyết các khó khăn".
Ðiểm chính được ÐTC nhấn mạnh trong diễn văn là: đẩy mạnh một nghị lực mới cho dấn thân đại kết trong tình huynh đệ được canh tân giữa các tín hũu Kitô". Tình huynh đệ canh tân giữa các tín hữu Kitô, một trong các thành quả của phong trào đại kết, bao gồm sự cần thiết đào sâu việc đối thoại của đức ái và sự cần thiết đem đến một nghị lực mới cho dấn thân hiệp nhất. ÐTC nói: "Việc đào sâu đối thoại của đức ái là rất cần thiết để vượt qua các khó khăn đã xẩy ra trong quá khứ, vẫn còn lại cho tới ngày nay và chúng ta sẽ còn tiếp tục gặp những khó khăn này. Cả trong bối cảnh này, trong con đường này, cần phải tiến từ từ".
ÐTC nói thêm: "Những tiến bộ đạt được làm cho chúng ta vui mừng; nhưng đây mới chỉ là những chặng đường đi mà thôi và chúng ta không thể thỏa mãn để ngừng lại với những gì đã vuợt qua được. Các bước tiến của chúng ta phải đi sâu hơn nữa trong con đường này. Chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau. Ðiều cần thiết là phải có can đảm tiếp tục tìm kiếm chân lý trong sự trung thành với Ðấng là chính Chân Lý".
ÐTC cũng nhấn mạnh đến việc huấn luyện về đại kết cho những ai sẽ hiến thân cho thừa tác vụ mục vụ. Ðây là một sự quan trọng đặc biệt. Trong phần kết thúc, ÐTC nói:" Trong lúc này, lúc mà chúng ta xin thế giới để họ công nhận đầy đủ rằng Chúa Kitô là Ánh Sáng thật, ánh sáng soi cho mọi nguời, chúng ta phải đẩy mạnh một nghị lực mới cho hành động của chúng ta, để thực hiện đầy đủ ý muốn hiệp nhất của Thầy và Chúa duy nhất của chúng ta".
ÐTC tiếp các đoàn hành hương Ba Lan.
Vatican - 19.02.98 - Sau khi tiếp các Giám Mục Tây Ban Nha và các tham dự viên của Khóa Họp Khoáng Ðại của Hội Ðồng Tòa Thánh về Hiệp Nhất Kitô, ÐTC tiếp trong Phòng Khách Clementina hai đoàn hành hương Ba Lan gồm hơn 600 người. Ðoàn hành hương thứ nhất, trong đó có Ông chủ tịch Thượng Viện Ba Lan, đến từ Giáo Phận Torun, giáo phận đã được ÐTC viếng thăm trong cuộc hành hương tại Quê Hương cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 1997. Trong dịp này, ÐTC đã tôn phong lên bậc Chân Phước Ðầy tớ Chúa Maria Karlowska, sáng lập Dòng Các Nữ Tu Mục Ðồng của Chúa Quan Phòng. Giáo phận Torun đã thành lập một trung tâm bác ái, thành quả của sự cộng tác quảng đại của tất cả thành phố, để giúp đỡ các người nghèo khổ. ÐTC gọi sáng kiến này là "một đóng góp cụ thể vào công việc rao giảng Tin Mừng", như dấu hiệu của chứng tá mà thế giới chờ đợi qua các công việc của lòng thương xót và của tình liên đới thực sư.
Ðoàn hành hương thứ hai đến từ Giáo Phận Drohiczyn, cùng với các vị xã trưởng của các xã thuộc giáo phận. Ngỏ lời với đoàn hành hương này, ÐTC nói: đây là một miền đất có một truyền thống Kitô sâu xa, miền đất của các vị Tử Ðạo và cũng là quê hương của các vị anh hùng quốc gia, như Tadeuz Kosciuszko, như thi sĩ Adam Mickiewicz, mà vào năm nay, có lễ kỷ niệm 200 năm ông qua đời. ÐTC khuyên: "Ước gì gia tài lớn lao này phong phú hóa anh chị em bên trong và trở nên sự hướng dẫn cho mọi người". Sau cùng ÐTC ước mong rằng Hộïi Nghị Giáo Phận Torun, đã được kết thúc vào tháng 5 năm ngoái (1997), đem lại những thành quả mong đợi, cách riêng trong việc tham dự của người giáo dân vào đời sống Giáo Hội.
Anh Quốc muốn trục xuất Sinn Fein khỏi cuộc hòa đàm.
(EWTN 19/02/98) - Ai Len (Dublin) - Thứ Hai tuần này (16/02/98), chính phủ Anh tiếp tục nỗ lực nhắm trục xuất Sinn Fein, cánh chính trị của Quân Ðội Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan, gọi tắt là IRA, ra khỏi cuộc hòa đàm hiện nay, viện lẽ rằng IRA đã vi phạm lệnh ngưng bắn trong những tuần gần đây.
Anh Quốc cáo buộc rằng IRA đã chủ mưu hai vụ sát hại, tại thủ đô Belfast ở miền Bắc Ai Len. Bà Mo Mowlam, bộ trưởng đặc trách về Bắc Ai Len của Anh Quốc, nói với đại diện các thành phần chính trị đang tham dự cuộc hòa đàm, bà chấp nhận lời thẩm định của cảnh sát ở Bắc Ai Len, rằng IRA có dính líu tới hai vụ sát hại ở Belfast tuần qua. Chiếu theo điều lệ của cuộc hòa đàm, bao gồm tám phe nhóm ủng hộ Anh Quốc theo Tin Lành, và nhóm ủng hộ Ai Len theo Công Giáo, thì không một nhóm nào được quyền tham dự cuộc hòa đàm nếu có dính líu tới các nhóm võ trang cực đoan.
Sinn Fein đã bác bỏ những lời cáo buộc trên đây đồng thời cho rằng Anh Quốc muốn trục xuất họ ra khỏi cuộc hòa đàm để làm hài lòng các chính trị gia ủng hộ việc sát nhập Bắc Ai Len vào lãnh thổ của Anh Quốc. Chủ tịch của nhóm Sinn Fein, ông Mitchell McLaughlin cảnh cáo rằng nếu phe của ông bị loại trừ lần này, thì những người ủng hộ họ sẽ không bằng lòng để cho họ trở lại bàn hòa đàm một lần nữa, và điều này sẽ đưa cuộc hòa đàm vào con đường bế tắc.
Anh Quốc và chính phủ Ai Len đang cố gắng đưa các phe nhóm kình chống nhau vào bàn thương thuyết để tìm ra một giải pháp ôn hòa cho cuộc tranh chấp tại miền Bắc Ai Len. Theo dự trù, cuộc hòa đàm sẽ kết thúc vào tháng 5 tới đây.
Phái đoàn các nhà lãnh đạo tôn giáo của Hoa Kỳ gặp thị trưởng Thượng Hải.
(Reuters 19/02/98) - Trung Quốc (Thượng Hải) - Thứ Năm 19/02/98, ba nhà lãnh đạo tôn giáo của Hoa Kỳ đã gặp thị trưởng thành phố Thượng Hải bên Trung Quốc, và đồng thời cho biết, phái đoàn có cảm nghĩ rằng có đôi chút cởi mở và tiến bộ, trong thái độ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với sinh hoạt tôn giáo trong nước.
Rabbi Arthur Schneier, đại diện Do Thái Giáo, nói rằng cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn với chủ tịch Giang Trạch Dân và thị trưởng Xu Kuangdi của Thượng Hải, đánh dấu bước khởi đầu của cuộc đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh về quyền tự do tôn giáo tại Trung Quốc. Mục sư Don Argue của Tin Lành đã nói với phái viên hãng thông tấn Reuters như sau: "Dân chúng tại Hoa Kỳ rất chú tâm tới các vấn đề liên quan đến đức tin, riêng sự kiện chủ tịch Giang Trạch Dân và thị trưởng thành phố Thượng Hải cũng coi quyền tự do tôn giáo là một vấn đề, đủ cho chúng ta thấy có tiến bộ đáng kể trong quan hệ giữa Hoa Kỳ Và Trung Quốc".
Trong cuộc hội kiến kéo dài một tiếng đồng hồ với các nhà lãnh đạo tôn giáo của Hoa Kỳ, thị trưởng Xu Kuangdi nói rằng: Trong lịch sử, Trung Quốc vẫn luôn có tinh thần khoan nhượng đối với tôn giáo và thành phố Thượng Hải cũng đang nỗ lực để thích nghi tôn giáo với đà phát triển kinh tế tại đây. Theo ông, Thượng Hải vẫn luôn duy trì các đền thờ thuộc tôn giáo của Tây Phương, Chính Thống cũng như Ðông Phương. Theo Rabbi Schneier kể từ năm 1981, bốn đền thờ (Synagogue) của Do Thái Giáo đã bị phá sập, để nhường chỗ cho các công trình xây cất. Tuy việc duy trì các đền thờ chưa phải là bằng chứng thể hiện tinh thần khoan nhượng tôn giáo, nhưng dù sao nó cũng chứng tỏ rằng chính quyền đang thay đổi dần quan điểm bài tôn giáo.
Tổ chức Liên Minh Kitô Giáo của Hoa Kỳ phát động một chiến lược mới.
(EWTN 19/02/98) - Hoa Kỳ (Washington) - Tổ chức Liên Minh Kitô Giáo của Hoa Kỳ vừa phát động một chiến lược mới cho các hoạt động tranh đấu của tổ chức này bước vào kỷ nguyên mới.
Chiến lược này được gọi với tên là Chiến Lược Gia Ðình Năm 2000, nhắm thiết lập một đường giây liên lạc giữa các chi nhánh của tổ chức này với các giáo hội trên toàn nước, đồng thời phối hợp các chương trình cổ động để gây ý thức nơi dân chúng Hoa Kỳ đứng trước những vấn đề gây phương hại cho nền tảng luân lý. Chương trình liệt kê một loạt các vấn đề mà các chi nhánh của tổ chức Liên Mình Kitô Giáo sẽ phát động chiến dịch cổ động tại các giáo xứ. Các vấn đề này bao gồm: chống phá thai bán phần, chống phim ảnh và báo chí khiêu dâm, chống hợp thức hóa các sòng bạc, cũng như bất cứ một đạo luật nào của chính phủ liên bang cũng như địa phương nhắm ban phát đặc quyền cho những người đồng tính luyến ái. Việc ban phát đặc quyền như thế bị các tổ chức Kitô Giáo coi như là một hình thức cổ võ nạn đồng tính luyến ái.
Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Santiago de Chile từ chức vì mang trọng bệnh.
(EWTN 19/02/98) - Chile (Santiago) - Trong tuần này, Ðức Hồng Y Carlos Oviedo Cabada, Tổng Giám Mục Santiago, tuyên bố ÐTC Gioan Phaolô II đã chấp thuận đơn xin từ chức của ngài vì lý do sức khỏe. Tin này đã gây nhiều ngạc nhiên trong Giáo Hội Công Giáo Chile. Ðược biết Ðức Hồng Y Cabada đang bị bệnh nặng, nhưng người ta chưa tiết lộ tên căn bệnh của ngài là gì.
Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Santiago năm nay 70 tuổi và là một trong những khuôn mặt quan trọng trong Giáo Hội ở Nam Mỹ. Ngài giữ một vai trò quan trọng trong giai đoạn chuyển tiếp của chính quyền Chile từ tay độc tài là tướng Augusto Pinochet sang chế độ dân chủ. Ngài cũng nổi tiếng là người đã góp công rất nhiều trong tiến trình đòi công lý mà không trả thù tại Chile khi ngài còn giữ chức chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Giải đặc trách việc điều tra các vụ vi phạm nhân quyền trong thời của tướng Pinochet.
Ðức Hồng Y Cabada cho các ký giả biết ngài đang mắc một chứng bệnh thoái hóa, và trong đơn xin từ chức, ngài đã đề nghị để Ðức Cha Sergio Valcoh. Giám Mục Phó là Giám Quản Tông Tòa của Tổng Giáo Phận quan trọng nhất tại Chile. Ngài nói như sau: "Thật đau lòng khi tôi phải kết thúc sứ mạng tông đồ trong một thời điểm bất ngờ như vậy, nhưng rõ ràng Chúa Giêsu Kitô muốn tôi đồng hành với Ngài trong một sứ mạng khác, sứ mạng của Thánh Giá. Tôi hoan hỉ chấp nhận tham dự vào thừa tác vụ này và hết lòng cảm tạ Thiên Chúa".
5 nhà truyền giáo ngoại quốc bị bắt cóc tại Sierra Leone.
(EWTN 19/02/98) - Sierra Leone (Freetown) - 7 người ngoại quốc, trong số này có 5 nhà truyền giáo người Công Giáo đã bị một nhóm võ trang bắt cóc tại Sierra Leone vào hôm thứ Tư 18/02/98 vừa qua. Vụ bắt cóc xảy ra tại địa điểm nằm cách thủ đô Freetown của Sierra Leone khoảng 35 dặm về hướng Ðông Bắc, nơi mà các binh sĩ trung thành với cựu chính quyền quân nhân của Sierra Leone đang nổi loạn.
5 nhà truyền giáo nói trên gồm ba vị người Tây Ban Nha, một người Áo và một người Ý. Tất cả thuộc dòng Thánh Gioan Thiên Chúa (Order of St. John of God). Chưa có thêm chi tiết nào về vụ bắt cóc được loan báo. Ðức Cha Josef Gonda, Tổng Giám Mục Freetown đã cầm đầu một phái đoàn đến xin lực lượng gìn giữ hòa bình của các nước Phi Châu, gọi tắt là ECOMOG, giúp đỡ để tìm hiểu số phận của các nhà truyền giáo. Lực lượng ECOMOG hiện do Nigeria cầm đầu và đã chiếm lại được thủ đô Freetown vào hôm thứ Năm 19/02/98, kết thúc chính thể quân nhân cai trị Sierra Leone từ tám tháng qua.
Hội Ðồng Giám Mục Mêhicô bác bỏ bất cứ giải pháp bạo động nào tại bang Chiapas.
(EWTN 19/02/98) - Mêhicô (Mêhicô City) - Trong một sứ điệp công bố vào tuần này, Hội Ðồng Giám Mục Mêhicô đã lên tiếng bác bỏ bất cứ một giải pháp bạo động nào cho cuộc tranh chấp tại bang Chiapas, đồng thời yêu cầu gia tăng cuộc đối thoại trong một bầu khí tin tưởng.
Sứ điệp của các Giám Mục Mêhicô lên án làn sóng đối đầu bằng võ lực và giết chóc là làm rúng động tinh thần người thổ dân tại bang Chiapas. Các ngài khẳng định rằng hòa bình tại Chiapas cũng như trên toàn nước chỉ có qua đối thoại và thương thuyết mà thôi. Sứ điệp cũng phân biệt giữa "đối thoại thực sự" với "thương thuyết vô hiệu quả", bởi vì những cuộc thương thuyết gần đây, đa số chỉ nhắm tới lợi ích của riêng cá nhân hay mục tiêu chính trị mà thôi. Hội Ðồng Giám Mục Mêhicô đòi buộc tái lập các cuộc thương thuyết giữa chính phủ và phiến quân Zapatista và để cuộc thương thuyết đạt được hoa quả tốt đẹp, cả hai phía cần phải cộng tác nhằm kiến tạo một bầu khí tin tưởng lẫn nhau trong tinh thần của hòa bình và tôn trọng sự sống.
Ðức Cha Luis Cervantes, phát ngôn viên Hội Ðồng Giám Mục Mêhicô đã nói như sau: "Chúng tôi dốc quyết tin rằng vấn đề tại bang Chiapas chỉ có thể giải quyết được bằng hòa bình và hòa giải. Từ nhiều năm qua, chúng ta đã chứng kiến thấy bất cứ nỗ lực nào nhắm giải quyết nạn bất công xã hội và sự khác biệt về quan điểm chính trị, bằng bạo lực, chỉ dẫn tới bạo lực thêm nữa mà thôi chứ không mang lại một giải pháp thực sự. Rất thường khi bạo động xảy ra, chỉ là do chính các phe nhóm tạo ra để mưu cầu lợi ích riêng tư mà thôi. Chỉ có người dân nghèo đứng ra gánh chịu mọi hậu quả". Ðức Cha Cervantes cũng cho biết thêm rằng, chương trình nghị sự trong khóa họp thường niên của Hội Ðồng Giám Mục vào tháng Tư năm 1998 sắp tới, sẽ bao gồm việc thảo luận các đề nghị nhằm đưa cuộc thương thuyết giữa chính phủ Mêhicô và phiến quân Zapatista ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay.