Sắc lệnh
phong thánh cho nữ Chân Phước
Edith Stein
Tòa Thánh nêu gương
trong việc bảo vệ các sản phụ
Tang lễ Ðức Cha Sangaré,
TGM Bamako bên Mali
Kêu gọi tránh biện
pháp quân sự trong vùng vịnh
Tìm giải pháp ôn
hòa trong cuộc khủng hoảng Iraq
Một nhà công tác
xã hội Ðức được
giải Hòa Bình Gandhi
Sắc lệnh phong thánh cho nữ Chân Phước Edith Stein.
Vatican [Apic 17/02/98] - Sắc lệnh phong thánh cho nữ Chân Phước Edith Stein đã được công bố trong thông báo của Tòa Thánh hôm 16/02/98 vừa qua.
Nữ Chân Phước Edith Stein, một triết gia Do Thái trở lại Công Giáo và vào tu trong Dòng Kín với tên dòng là Teresa Benedicta Thánh Giá. Nữ Chân Phước đã bị Ðức Quốc Xã sát hại tại trại tập trung Auschwitz năm 1942. ÐTC Gioan Phaolô II đã tôn phong Chân Phước cho nữ tu Edith Stein năm 1987. Theo một nguồn tin không chính thức thì có lẽ nghi lễ phong thánh sẽ diễn ra vào ngày 11 tháng 10 năm 1998 tới đây.
Theo hồ sơ phong thánh, một phép lạ đã được nhìn nhận là do sự can thiệp của nữ Chân Phước Edith Stein, đó là trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ của một em bé gái người Mỹ tên là Teresa Benedicta Mac Carthy, sinh ngày 9/08/1984, đúng ngày nữ Chân Phước bị sát hại. Năm 1987, khi lên hai tuổi, em bé này đã bị hôn mê vì uống quá nhiều thuốc Tylenol. Gan thận hoàn toàn bị phá hủy. Cha của em vốn là một Linh Mục Công Giáo thuộc nghi lễ Melkite, đã kêu gọi mọi người hiệp ý với ông để xin nữ Chân Phước bầu cử. Sự việc em Mac Carthy được chữa lành đã được các bác sĩ nhìn nhận là một sự kiện không thể giải thích được về mặt y học.
Tòa Thánh nêu gương trong việc bảo vệ các sản phụ.
Vatican [Apic 17/02/98] - Thành phố quốc gia Vatican đã quyết định nêu gương trong việc bảo vệ các sản phụ. Với việc cho phép các nữ nhân viên trong thời kỳ mang thai được nghỉ sáu tháng có lương. Vatican được xem là nơi các nhân viên được hưởng những điều kiện xã hội cao nhất.
Hiện nay, trong số 1,300 nhân viên làm việc tại Vatican, chỉ có 103 người là phụ nữ. Các phụ nữ trong thời kỳ mang thai được quyền nghỉ 6 tháng có lương. Họ cũng có quyền nghỉ hai hoặc ba tháng trước khi sinh nở. Ngoài ra, các phụ nữ cũng có thể hưởng thêm những kỳ nghỉ phụ cho đến khi đứa con được một tuổi. Trong thời kỳ được gọi là nghỉ bổ túc này, hoặc các nữ nhân viên không làm việc mà vẫn hưởng 50 phần trăm lương, hoặc họ chỉ làm bán phần thời giờ và hưởng trọn lương.
Tang Lễ Ðức Cha Sangaré, Tổng Giám Mục Bamako bên Mali.
Bamako - Mali [Apic 17/02/98] - Hôm thứ Hai 16/02/98 vừa qua, khoảng 25 ngàn người đến tham dự lễ an táng Ðức Cha Luc Auguste Sangré, Tổng Giám Mục Bamako, Mali, qua đời hồi tuần trước, thọ 72 tuổi.
Ðức Cha Sangaré đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Bamako năm 1962. Ngài là một trong những vị Giám Mục có nhiều uy tín tại Phi Châu. Trong một quốc gia mà số người Công Giáo chỉ chiếm 1 phần trăm trong tổng số 8 triệu dân, Ðức Cha đã có những quan hệ tốt đẹp với các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác.
Trong bài điếu văn đọc trong tang lễ Ðức Cha, Tổng Thống Mali là ông Alpha Oumar Konare đã gọi ngài vừa là người của Giáo Hội vừa là người của dân chúng. Trong cuộc khủng hoảng chính trị hồi tháng 4 năm ngoái (1997), Ðức Cha Sangré đã đứng đầu một số nhân sĩ trong nước để làm trung gian hòa giải giữa chính phủ và các đảng phái đối lập.
Hội Ðồng Toàn Quốc các Giáo Hội Hoa Kỳ kêu gọi tránh biện pháp quân sự trong cuộc khủng hoảng vùng vịnh.
New York - Hoa Kỳ [Apic 17/02/98] - Hội Ðồng Toàn Quốc các Giáo Hội Hoa Kỳ đã kêu gọi tổng thống Bill Clinton hãy giải quyết cuộc khủng hoảng Irak bằng con đường ngoại giao.
Trong một sứ điệp dài năm trang gởi cho tổng thống Bill Clinton, Hội Ðồng các Giáo Hội Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng: "Những giải pháp vội vã xét về mặt luân lý là hàm hồ và xét về mặt lịch sử thì nguy hiểm". Không có một giải pháp đơn giản và rõ rệt nào cho cuộc khủng hoảng hiện nay, tất cả mọi chọn lựa đều có rủi ro. Do đó, theo Hội Ðồng các Giáo Hội Hoa Kỳ, cần phải hành động một cách cẩn thận hơn là dùng giải pháp quân sự.
Hội Ðồng Toàn Quốc các Giáo Hội Hoa Kỳ là một tổ chức qui tụ 34 Giáo Hội Tin Lành và Chính Thống tại Mỹ.
Các Hồng Y Hoa Kỳ kêu gọi tìm giải pháp ôn hòa trong cuộc khủng hoảng Iraq.
(EWTN 17/02/98) - Hoa Kỳ (Washington) - 7 vị Hồng Y còn hoạt động của Hoa Kỳ vừa kêu gọi tổng thống Bill Clinton làm một giải pháp ôn hòa cho cuộc khủng hoảng với Iraq liên quan tới vấn đề thanh tra kho võ khí giết người hàng loạt của quốc gia này.
Trong lá thư, các Hồng Y nói rằng việc xử dụng bằng quân sự để ép buộc Iraq tuân thủ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và các điều kiện của toán thanh tra võ khí, khó có thể hay không thể nào biện minh được về mặt luân lý. Do đó chúng tôi xin "thay vì chọn biện pháp quân sự, ngài tổng thống nên gia tăng đối thoại ngoại giao, bằng cách để cho các chính phủ, đặc biệt các nước Á Rập, tham dự vào một nỗ lực chung để khuyên nhủ Iraq tuân thủ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trong vấn đề thanh tra võ khí.
Các nhà lãnh đạo giáo hội Công Giáo Hoa Kỳ thừa nhận rằng lập trường của tổng thống Saddam Hussein, cấm toán thanh tra làm việc tại một số địa điểm bị tình nghi có cất dấu võ khí, là điều không thể chấp nhận được, tuy nhiên giải pháp quân sự sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến trình mưu tìm hoà bình lâu dài cho vùng Vịnh cũng như toàn vùng Trung Ðông.
Ngoài 7 vị Hồng Y, Ðức Cha Anthony Pilla, Tổng Giám Mục Cleveland và là chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng ký tên trong lá thư.
Giải Hoà Bình Mahatma Gandhi đã được trao cho một nhà công tác xã hội Ðức.
New Delhi 17/02/98: Chính phủ Ấn đã trao giải hoà bình Gandhi 1997 cho nhà khoa học xã học Ðức, ông Gernard Fischer vì việc phục vụ của ông cho những người bịnh cùi và bại liệt tại Ấn Ðộ.
Tổng thống Ấn, ông Kocherit Raman Narayanan, đã tặng giải thưởng gồm 10 triệu Rúp tương đương 256 ngàn đô la Mỹ, một bằng tuyên dương và một bằng danh dự cho ông Fischer, vào ngày 5 tháng Giêng năm 1998.
Ông Fischer, 77 tuổi, đã nhận phần thưởng lớn lao nhân danh những người cùi và bại liệt tại Ấn, và ông nói rằng số tiền sẽ được sử dụng để giúp những người mà ông đã từng phục vụ.
Ông Fischer là người Ðức đã bỏ sự nghiệp ngoại giao vào năm 1985, và hy sinh tự nguyện để lập nên những trung tâm giúp đỡ người cùi và bại liệt, tại những quốc gia đang phát triển, như Ấn Ðộ. Ông xác tính rằng những con người bất hạnh thiếu may mắn như thế, có thể điều trị tại chính quê hương của họ.
Tổng thống Ấn còn nói thêm rằng: ông Fischer đã biết phối hợp những người thuộc mọi giai cấp khác nhau, giống như cha Damien Molokai, một nhà truyền giáo của thế kỷ 19, người đã làm giảm bớt bịnh cùi ở Hawaii, trong khi làm việc với các nạn nhân mắc bịnh.
Ông Fischer đã thành công, bởi vì ông biết kết hợp hai chiều kích nội tâm và ngoại diện của công cuộc phát triển con người.
Giải hòa bình Gandhi đã được thiết lập cách đây 3 năm, để đánh dấu ngày kỷ niệm sinh nhật 125 của Mahatma Gandhi, người cha của dân tộc Ấn.