Ngân Hàng
Thế Giới họp với các
vị lãnh đạo tôn giáo
Các Linh Mục trên thế
giới cấm phòng chung tại Guadalupê
Cuộc gặp gỡ giữa
ÐTC và Tổng Thống Nga
Họp bàn chương trình
chuẩn bị và cử hành Ðại
Năm Thánh
Thời sự : Về Cuộc Họp Giữa Ngân Hàng Thế Giới và các vị lãnh đạo tôn giáo, về đề tài "Tôn Giáo và Công Cuộc Phát Triển Xã Hội".
(London, apic 10/2/98) - Trong hai ngày 18 và 19 tháng 2 nầy, các vị lãnh đạo các tôn giáo lớn trên thế giới và Ông Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới, sẽ họp nhau tại Lâu Ðài Lambeth, ở thủ đô Luân Ðôn của Anh Quốc, để bàn về đề tài: "Các Tôn Giáo và công cuộc phát triển". Lâu Ðài Lambeth là nơi cư trú của Ðức Tổng Giám Mục George Carey, Giáo chủ Anh Giáo. Cuộc họp sẽ do hai vị đồng chủ tọa, là Ðức Tổng Giám Mục Anh Giáo George Carey, và Ông James D. Wolfensohn, chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới, cùng với sự tham dự của các vị lãnh đạo các tôn giáo khác như Công Giáo, Chính Thống Giáo từ hai tòa Mascova và Constantinopoli, Tin Lành Lutherô, Phật Giáo, Ấn Ðộ Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, đạo BaHai, Ðạo Sikh, và Lão Giáo.
Cuộc họp nói trên là một biến cố đầy ý nghĩa và ghi dấu một bước tiến mới trong công cuộc chống lại nạn nghèo đói trên thế giới. Theo bản thông báo chung của Ngân Hàng Thế Giới và của Tòa Giáo Chủ Anh Giáo, thì mục tiêu chính của cuộc họp nầy là nhắm phát triển những dịp để đồng ý với nhau và cùng nhau hoạt động chống lại sự nghèo cùng trên thế giới. Cuộc họp sẽ giúp cho hai giới, Ngân Hàng và Các Tôn Giáo, được hiểu rõ hơn những quan niệm của nhau về những cách thức được xử dụng, để đương đầu với công cuộc phát triển cũng như với những trở ngại có thể có, không cho phép đạt đến mục tiêu mong ước, là giải quyết nạn nghèo đói trên thế giới. Riêng đối với Ông Andrew Purkis, cố vấn của Ðức Tổng Giám Mục Anh Giáo George Carey, về những vấn đề của thế giới, thì cuộc họp hai ngày 18 và 19 tháng 2 nầy, là một bước tiến có ý nghĩa quyết định, bởi vì qua việc chấp nhận cộng tác tổ chức cuộc họp, Ngân Hàng Thế Giới xem ra như đã chấp nhận sự cần thiết phải lưu ý đến những yếu tố không thuộc lãnh vực vật chất, nhưng thuộc lãnh vực tinh thần, tôn giáo và văn hóa, trong công cuộc chống nạn nghèo đói, cổ võ phát triển.
Chương trình cuộc họp sẽ có ba phiên họp khoáng đại về ba đề tài sau đây:
1. Về ý nghĩa của
việc phát triển;
2. Về những tiêu chuẩn của việc
phát triển;
3. Những viễn tượng cho tương
lai.
Vấn đề nợ nước ngoài của các quốc gia nghèo không nằm trong chương trình nghị sự, nhưng chắc chắn sẽ được bàn đến. Cuối cuộc họp, sẽ được công bố một tuyên ngôn chung của hai vị đồng chủ tịch, Ðức Tổng Giám Mục Anh Giáo George Carey, và Ông Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới, James D. Wolfensohn. Ngân Hàng Thế Giới đã được thành lập liền sau khi Ðệ Nhị Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, để trợ giúp cho các quốc gia đang trên đường phát triển, qua các món tiền cho vay.
Ảnh hưởng của Ngân Hàng Thế Giới trong công cuộc Phát Triển là thật to lớn. Chẳng hạn như, người ta có thể nhìn vào con số sau đây để hiểu phần nào tầm quan trọng của Ngân Hàng: đó là, trong năm 1993, cứ mỗi một giờ đồng hồ, bình quân số tiền cho các nước nghèo vay là 2 triệu rưỡi mỹ kim, nghĩa là trong một năm tổng số tiền cho vay là 21,900 triệu mỹ kim (21 tỉ 9, hay 22 tỉ mỹ kim). Tuy nhiên trong thời gian qua, Ngân Hàng Thế Giới thường bị các Tổ chức phi chính phủ và các Giáo Hội, phê bình mạnh mẽ, vì chính sách của Ngân Hàng bắt ép các quốc gia nghèo phải thay đổi chính sách kinh tế của họ, thì mới được vay muợn tiền. Hy vọng cuộc họp hai ngày 18 và 19 tháng 2 nầy, tại Luân Ðôn, sẽ mang lại nhiều hiểu biết và sự cộng tác cần thiết, để giúp các quốc gia nghèo được cơ may phát triển đích thực. Và trong công cuộc phát triển nầy, yếu tố tinh thần, tôn giáo, được nhìn nhận có chổ đứng đúng của nó.
Các Linh Mục trên thế giới sẽ cấm phòng chung với nhau tại GUADALUPÊ, bên nước Mêhicô, vào tháng 7 tới đây.
Tin Vatican (CWN 10/2/98): Cuộc cấm phòng quốc tế lần thứ ba, dành cho các linh mục trên thế giới, để mừng năm thánh 2000, sẽ được tổ chức từ ngày 7 đến 12 tháng 7 năm 1998 tới đây, tại Ðền Thánh Ðức Mẹ GUADALUPÊ bên nước Mêhicô. Mỗi năm các linh mục trên khắp thế giới được mời đến một trong những Ðền Thánh Kính Ðức Mẹ nổi tiếng trên thế giới, để cầu nguyện và suy tu chung với nhau.
Cuộc cấm phòng quốc tế đầu tiên cho các lịnh mục, đã được tổ chức tại Ðền Thánh Ðức Mẹ Fatima, bên nước Bồ Ðào Nha; Lần thứ hai là tại Ðền Thánh YAMOUSSOUKRO bên nước Côte d'Ivoire, năm vừa qua, 1997. Và giờ đây, lần thứ ba tại Ðền Thánh Ðức Mẹ Guadalupê. Trong hai năm tới đây, sẽ có một cuộc cấm phòng tại Giêrusalem, và sau đó tại Roma, vào năm 2000.
THỜI SỰ: Cuộc gặp gỡ giữa ÐTC Gioan Phaolô II và Tổng Thống Nga Boris Yeltsin.
Chiều thứ Ba 10/02/98, lúc 17g30, trong Ðền Vatican, ÐTC đã tiếp kiến Tổng Thống Nga, ông Boris Yeltsin. Ðây là cuộc gặp gỡ thứ hai kể từ năm 1991, năm Ông lên thay thế Tổng Thống Mikhail Gorbaciov. Trong cuộc gặp gỡ lần này, ngoài tình hình thế giới, cách riêng vấn đề Hoa Kỳ Irak, có ba vấn đề chính sau đây được thảo luận giữa Vatican và Moscowa:
1. Vấn đề tự
do tôn giáo
2. mối liên quan giữa Giáo Hội
Công Giáo Roma và Giáo Hội Chính
Thống Nga
3. vấn đề mời ÐTC Gioan Phaolô
II viếng thăm Nga.
Về vấn đề tự do tôn giáo - Trong lần gặp gỡ năm 1991, Tổng thống Boris Yeltsin quả quyết với ÐTC rằng: "Tại Nga tự do tôn giáo hoàn toàn được bảo đảm cho mọi tín hữu không phân biệt và không kỳ thị". Lời hứa bẩy năm trước đây, nay xem ra đã bị thay đổi, không phải do Tổng Thống Yeltsin, mà do luật về tự do lương tâm và tự do tôn giáo, đã được Quốc Hội chấp nhận ngày 19 tháng 9 năm vừa qua (1997). Ðạo luật này đã gây nên nhiều lo lắng cho ÐTC và cho các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tại Nga. Những lo lắng này đã gián tiếp được bày tỏ trong thư ÐTC gửi cho Tổng Thống Yeltsin tháng 6 năm ngoái (1997). Trong thư này ÐTC xin Tổng Thống Yeltsin đừng phê chuẩn một luật có tính cách đe dọa trầm trọng đối với các người Công Giáo và các Cộng Ðồng tôn giáo khác. Nhờ bức thư này, Tổng Thống đã không chấp nhận bản thảo thứ nhất được gửi lên ông. Sau khi cứu xét, ông đã gửi trả Quốc Hội và xin sửa lại. Thực sự luật đã được sửa lại, nhưng chỉ một phần nào thôi; nội dung không thay đổi. Luật được sửa đổi, đã được Quốc Hội chấp nhận ngày 19 tháng 9 năm 1997 và sau đó, Tổng Thống hầu như bị cưỡng ép phê chuẩn. Trong lúc này đây, người ta đang chờ đợi những thể thức do Bộ Tư Pháp công bố, để áp dụng. Nhưng việc đăng ký và hoạt động của các cộng đồng Công Giáo tại Nga sẽ gặp rất nhiều khó khăn do các công chức địa phương tự ý giải thích luật, không theo tinh thần luật, mà theo khuynh hướng cá nhân và ý thức hệ của mỗi một người. Người Công Giáo sẽ bị kỳ thị và chính quyền trung ương không thể kiểm soát được.
Trước khi lên đường viếng thăm Cộng Hòa Ý và Vatican, Tổng Thống Yeltsin vẫn xác tín rằng luật mới của Nga về tự do tôn giáo vẫn tôn trọng tự do tôn giáo và "ÐTC Gioan Phaolô II có đủ lý do để hài lòng, cũng như chúng tôi vậy". Người ta chờ đợi xem Tổng Thống có thể trấn an ÐTC về điểm này không?
Vấn đề hóc búa thứ hai là mối liên quan giữa Giáo Hội Công Giáo Roma và Giáo Hội Chính Thống Nga. Tổng thống Yeltsin là một tín hữu Chính Thống sùng đạo. Tổng Thống có thể làm trung gian hòa giải giữa hai Giáo Hội không? Trước chuyến ra đi, Ðức Tổng Giám Mục Viktor Petruscenko, phụ trách ngoại giao tại Tòa Giáo Chủ Chính Thống Nga, tuyên bố rằng: "Chúng tôi không trao một sứ điệp nào cho Tổng Thống Yeltsin để chuyển tới ÐTC Gioan Phaolô II". Ðức Tổng Giám Mục Chính Thống còn minh xác thêm: "Chuyến viếng thăm của Yeltsin tại Vatican cũng không hề được nhắc đến trong cuộc gặp gỡ mới đây tại Moscowa giữa Phái Ðoàn Tòa Thánh, do Ðức Hồng Y Cassidy, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh đặc trách sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô, hướng dẫn và các đại diện của Giáo Hội Chính Thống Nga". Dù vậy, với tư cách là một vị Quốc Trưởng, Tổng Thống Yeltsin vẫn có thể đưa ra sáng kiến nào đó để làm giảm bớt dần sự căng thẳng giữa hai Giáo Hội.
Ai cũng nhận thấy rằng: cuộc gặp gỡ giữa hai vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Roma và Giáo Hội Chính Thống Nga vẫn gặp nhiều khó khăn, không phải về phía Công Giáo, cũng không phải về phía Ðức Alexis đệ nhị, Giáo Chủ Giáo Hội Chính Thống Nga, mà về phía Hội Nghị Chính Thống. Chính Hội Nghị này đã cản trở vào giờ phút cuối cùng cuộc gặp gỡ lịch sử thượng đỉnh giữa ÐTC Gioan Phaolô II và Ðức Alexis đệ nhị tại Áo Quốc kỳ hè năm vừa qua (1997).
Vần đề sau cùng là lời mời ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm nước Nga, hay ít ra viếng thăm Moscowa. Giáo Hội Chính Thống vẫn tự cho mình có độc quyền tôn giáo tại Nga và tại Moscowa. Giáo Hội này vẫn chủ trương Giáo Hội Chính Thống là quốc giáo. Luật mới về tự do tôn giáo là do sự đồng lõa giữa các dân biểu cựu cộng sản và Giáo Hội Chính Thống, nhằm giới hạn hoặc loại trừ mọi hoạt động của các tôn giáo và các Giáo Hội khác trên lãnh thổ Nga. Giáo Hội Chính Thống vẫn tố cáo Giáo Hội Công Giáo chiêu mộ tín đồ của mình. Bao lâu vẫn còn những hiểu lầm, những nghi ngờ, những tham vọng độc quyền, lúc đó việc mời ÐTC viếng thăm vẫn còn là một khó khăn hầu như không vượt qua được. Việc ÐTC Gioan Phaolô II ước mong được dâng thánh lễ trong chính Ðiện Cẩm Linh, tại nhà thờ, với các ngọn tháp mạ vàng, dâng kính Ðức Maria linh hồn và xác lên trới ở thủ đô Nga, không còn là một bí mật phải giấu kín. Nhưng Moscowa vẫn còn là cấm địa đối với ÐTC, ít ra trong lúc này.
Trong chuyến viếng thăm lần thứ nhất tại Vatican, chuyến viếng thăm lịch sử mồng một tháng 12 năm 1989, Tổng thống Mikhail Gorabaciov đã chính thức mời ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm Nga. Ngày 20/12/1991, chính Tổng Thống Yeltsin đã nhắc lại lời mời này khi ông viếng thăm Vatican cách đây gần 7 năm. Lần này không chắc ông còn nhắc lại lời mời trước đây. Tuy nhiên khi được báo chí phỏng vấn lúc tới phi trường Roma, Tổng Thống Nga đã trả lời: "Nếu các ông xin tôi nhắc lại lời mời một lần nữa, tôi sẽ làm".
Dù có thiện chí, Tổng Thống cũng phải lưu ý đến những tiếng vang trong môi trường Chính Thống và chung quanh các người quốc gia cựu cộng sản. Vẫn là người "cứng đầu, cứng cổ", có gan đối phó với những người thù địch, Tổng Thống Yeltsin rất có thể nhắc lại lời mời ÐTC viếng thăm Nga, vì ông coi lời mời của Tổng Thống Gorbaciov năm 1989 và của chính ông năm 1991 vẫn còn giá trị.
Chúng ta chờ xem những gì sẽ xẩy ra, sau cuộc gặp gỡ diện đối diện vào chiều thứ Ba, 10/02/98, giữa ÐTC Gioan Phaolô II và Tổng Thống Yeltsin.
Về Cuộc họp tại Vatican để vạch ra Chương Trình chuẩn bị và cử hành Ðại Năm Thánh 2000
(RG 10/2/98). Ủy Ban Trung Ương Năm Thánh 2000 và những đại diện của 115 Ủy Ban Năm Thánh Quốc Gia từ khắp nơi trên thế giới, đã tụ về Roma và họp chung với nhau tại Phòng Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục ở Nội Thành Vatican, trong vòng ba ngày, từ ngày thứ Ba 10/02/98, cho đến thứ Năm 12/02/98, để bàn về những chương trình mục vụ và những sáng kiến cần thực hiện trong hai năm chuẩn bị 1998 và 1999, và cả chương trình cử hành Ðại Năm Thánh 2000 nữa. Nguời ta cũng ghi nhận sự có mặt của những phái đoàn đại diện các giáo hội Kitô trong cuộc họp quan trọng nầy.
Trước hết, ngỏ lời trong buổi họp đầu tiên sáng thứ Ba, mùng 10/02/98, Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Năm Thánh, đã cám ơn Ðức Tổng Giám Mục Sergio Sebastiani, cựu tổng thư ký của Ủy Ban từ đầu cho đến năm 97 vừa qua, và chào mừng Ðức Tổng Giám Mục Crescenzio Sepe, tân Tổng Thư Ký. Sau đó, Ðức Tổng Giám Mục Crescenzio Sepe trình bày tổng quát về những sáng kiến chính cho năm chuẩn bị 1998 nầy, năm dành cho Chúa Thánh Thần. Thông Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II về Chúa Thánh Thần, là Chúa và là Ðấng ban sự sống, và Tông Thư "Ngàn năm thứ ba đang đến", là hai văn kiện được dùng làm nền tảng cho những chương trình hành động trong suốt năm 1998 nầy. Ðức Tổng Giám Mục SEPE cho biết rằng, từ nay đến cuối năm 1998 nầy, cứ mỗi ba tháng thì tổ chức một cuộc hội thảo về một chương của thông điệp về Chúa Thánh Thần. Trước hết, là vào cuối tháng Ba tới nầy, sẽ tổ chức cuộc hội thảo thứ nhất về chủ đề của chương thứ nhất của thông điệp, là chủ đề về tinh thần đại kết. Ba tháng sau, tức vào cuối tháng Sáu, sẽ có cuộc hội thảo thứ hai về chủ đề "thực tại xã hội và chính trị"; vào cuối tháng 9, sẽ tổ chức cuộc hội thảo thứ ba về chủ đề "văn hóa và nghệ thuật". Rồi vào cuối năm 1998 nầy, sẽ có cuộc trao đổi về Bảy Ơn Chúa Thánh Thần. Sang năm 1999, năm cuối cùng của tam niên chuẩn bị, và là năm dành cho Thiên Chúa Cha, nên thông điệp về Thiên Chúa, Ðấng giàu lòng nhân từ, cũng sẽ được dùng làm điểm hướng dẫn cho những sáng kiến của năm 1999.
Và cũng trong buổi họp sáng thứ Ba mùng 10/02/98, Ðức Tổng Giám Mục Sepe đã trình bày một cách tổng quát những tiêu chuẩn gợi ý cho bản thảo Quyển Lịch Phụng Vụ của Ðại Năm Thánh 2000, vừa đề nghị toàn thể Giáo Hội nên theo Một Lịch Phụng Vụ duy nhất. Những Cử Hành của Ðại Năm Thánh 2000 sẽ được dự trù sao cho phù hợp với những Mùa Phụng Vụ khác nhau của Năm Thánh. Ngoài ra, Ủy Ban Trung Ương dự trù tổ chức một Cử Hành Thật Ðặc Biệt vào Ngày Kết thúc Ngàn Năm Thứ Hai, bước sang ngàn năm mới. Chương Trình cử hành Năm 2000, cần phải làm sao để mọi thành phần Dân Chúa đều tham dự vào. Người ta sẽ chú ý nhiều đến Phong Trào Hiệp Nhất Kitô, đến việc tưởng niệm những vị Tử Ðạo mới của thời đại chúng ta, và đến vài biến cố phong thánh hoặc á thánh có ý nghĩa đối với việc cử hành Năm 2000. Ban Tổ chức cũng liệu sao cho ÐTC Gioan Phaolô II có dịp ban đủ cả bảy phép bí tích, vào những dịp tổ chức cho từng giới khác nhau. Chẳng hạn như, Uûy Ban Trung Ương Năm Thánh dự trù vào ngày 18 tháng 5, năm 2000, ngày mừng sinh nhật ÐTC 80 tuổi, thì sẽ có lễ Phong Chức cho các tân linh mục, do chính ÐTC chủ phong. Ðó là vài điểm đáng chú ý của ngày họp thứ nhất, thứ Ba 10/02/98. Hẹn sẽ còn kể tiếp về cuộc họp nầy.