ÐTC tiếp
tân Ðại Sứ Angola trình thư
ủy nhiệm
ÐTC chủ sự thánh
lễ an táng ÐHY Eduardo Francisco Pironio
Những bổ nhiệm quan
trọng trong Giáo Triều
ÐTC chủ tọa Lễ Gia
Ðình do Giáo Phận Roma tổ chức
ÐTC tiếp tân Ðại Sứ Angola trình thư ủy nhiệm.
Vatican - 7.02.98 - Sáng thứ Bẩy 7/02/98 trong Ðền Vatican, ÐTC tiếp Ông José Domingo Quiosa, Tân Ðại Sứ Cộng Hòa Angola cạnh Tòa Thánh, trình thư ủy nhiệm. Trong diễn văn chào mừng Tân Ðại Sứ, ÐTC gợi lại lịch sử đau thương của Angola trong những năm trước đây. Sau 17 năm chiến tranh đẫm máu , cuộc nội chiến giữa hai phe chính phủ và kháng chiến chấm dứt năm 1994, bằng sự thỏa thuận thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia giữa hai phe. Bước tiến mới này đã đạt được nhờ cuộc đối thoại lâu dài giữa Chính Phủ trung ương do ông Dos Santos lãnh đạo và phe chống đối vũ trang do ông Savimbi cầm đầu.
ÐTC nói: "Tôi hợp tiếng nói của tôi với tiếng nói phát xuất từ các miền khác nhau trên thế giới, để kêu gọi cuộc gặp gỡ được cụ thể hóa nhanh chóng hết sức. Cuộc gặp gỡ này sẽ làm gia tăng bầu khí tín nhiệm và việc tôn trọng nhau, đồng thới sẽ góp phần vào tiến trình bình thường hóa quốc gia và cả miền Châu Phi này".
ÐTC hy vọng rằng chính người dân Angola sẽ là những người chủ động không để cho chiến tranh tiếp tục gây khó khăn cho tương lại của họ, làm họ sống trong lo sợ, nghi ngờ và chia rẽ. ÐTC nói: Người ta không thể cứ giam mình trong dĩ vãng; tất cả những gì đã xẩy ra trong quá khứ, không được quên đi, nhưng phải được đọc lại với tâm tình mới, trong cái nhìn tha thứ, hòa giải và đối thoại; việc đối thoại nầy là một lựa chọn thăng tiến cá nhân và cộng đồng, sao cho các nhóm khác nhau, đều có thể hiện hữu trong lòng xã hội Angola. Sự hiện hữu các nhóm này đồng thời cũng là một thách đố và một cơ hội thuận tiện cho các lãnh tụ chính trị và các nhà lập pháp. Ðây là một lộ trình khó khăn và đầy cản trở, nhưng "nền văn hóa của bạo động phải nhường bước cho nền văn hóa của hòa bình".
ÐTC kết thúc bài diễn văn như sau: "Trong công việc này, chính phủ Angola có thể tin vào sự cộng tác của Giáo Hội Công Giáo và tin vào sứ mệnh của Giáo Hội đối với con người, phương tiện tự nhiên của cuộc gặp gỡ giữa cộng đồng Giáo Hội và dân sự".
ÐTC chủ sự thánh lễ an táng Ðức Hồng Y Eduardo Francisco Pironio.
Vatican - 7.02.98 - Lúc 11g30 sáng thứ Bẩy 7/02/98, trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, ÐTC chủ sự thánh lễ an táng Ðức Hồng Y Eduardo Francisco Pironio, qua đời sáng thứ năm vừa qua, mùng 5/02/98, tại Vatican. Giảng trong thánh lễ, ÐTC nói: "Cuộc đời của Ðức cố Hồng Y là một bài ca đức tin dâng lên Thiên Chúa của sự sống". Lời của ÐTC như một tổng hợp về tất cả cuộc đời của Ðức Cố Hồng Y. Ngoài các vị Hồng Y đồng tế với ÐTC, còn có nhiều vị Tổng Giám Mục, Giám Mục thuộc Giáo Triều và đông tín hữu dự thánh lễ, trong đó có Ðại Sứ Argentina cạnh Tòa Thánh và cạnh Cộng Hòa Ý.
Rồi ngài kể lại một giai thoại ý nghĩa trong cuộc đời do chính Ðức Hồng Y Pironio kể lại như sau:
Mẹ ngài, gốc Ý, thuộc tỉnh Friuli, sinh người con đầu lòng lúc 18 tuổi. Sau đó bà đau yếu nặng và các bác sĩ nói bà không thể có thêm con khác, nếu bà muôn cứu mạng sống của bà. Bà đi đến Ðức Giám Mục phụ tá Giáo Phận La Plata (Argentina) để xin ý kiến của ngài. Ðức Giám mục nói với bà: Các bác sĩ có thể sai lầm; bà cứ phó thác mọi sự trong tay Chúa và hãy làm bổn phận của một người vợ. Từ đó, Mẹ của Ðức Hồng Y Pironio sinh thêm 21 người con khác nữa và người con cuối cùng là Hồng Y tương lai. Bà sống tới 82 tuổi.
Câu chuyện chưa hết. Eduardo làm linh mục, rồi thăng giám mục phụ tá lúc 44 tuổi, thay thế Ðức Giám Mục đã chúc lành và khuyên mẹ của ngài tiếp tục nghĩa vụ người vợ. Trong lễ tấn phong giám mục, Ðức Tổng Giám Mục La Plata trao tặng vị tân giám mục Pironio thánh giá của vị giám mục đã gặp mẹ ngài trước đây, mà không biết rằng nhờ Ðức Giám Mục này mà có Pironio ngày nay".
ÐTC nhắc lại đức tính vui vẻ của Ðức cố Hồng Y, cách riêng là một vị linh hoạt không biết mỏi mệt của các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, lúc ngài làm Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh đặc trách Giáo dân. Sự vui vẻ này phát xuất bởi việc bình tỉnh chấp nhận thánh giá, cho dến lúc bệnh nặng: cơn bệnh đã đưa ngài vào cõi chết, nhưng với nụ cười trên môi.
ÐTC Gioan Phaolô II cũng nhắc đến di chúc thiêng liêng của Ðức Hồng Y Pironio, được công bố sau khi ngài qua đời. ÐTC nói: "Hình thức tốt hơn cả của việc biểu lộ di chúc không phải là viết ra, cho bằng trong lúc chết dâng lời cảm tạ Chúa vì đã lãnh nhận ơn của Thần Khí an vui trong tâm hồn và giờ đây ơn trở về nhà Cha, để được hạnh phúc thực".
Những bổ nhiệm quan trọng trong Giáo Triều.
Vatican - 7.02.98 - Thứ Bẩy 7.02.98, ÐTC bổ nhiệm Tân Bộ Trưởng Phủ Giáo Hoàng - như mọi người đều biết - có trách nhiệm lo về diễn tiến trật tự tốt đẹp của các buổi triều yết và việc tổ chức các chuyến viếng thăm của ÐTC trong lãnh thổ Cộng Hòa Ý. Còn các chuyến viếng thăm quốc tế ngoài Italia thì thuộc Phủ Quốc vụ Khanh, tức Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh.
Vị giáo sĩ được bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ Trưởng Phủ Giáo Hoàng là Ðức Ông James Michael Harvey, 49 tuổi, người Hoa Kỳ, hiện là phụ tá tại Phủ Quốc Vụ Khanh. Ðức Ông Harvey thay thế Ðức Giám Mục Dino Monduzzi, vừa được ÐTC chọn làm Hồng Y. Vị khác, được bổ nhiệm làm phụ tá Bộ Trưởng Phủ Giáo Hoàng, là Ðức Ông Stanislaw Dziwisz, 59 tuổi, người Ba Lan, hiện là thư ký riêng của ÐTC từ ngày ÐTC còn là Hồng Y Tổng Giám Mục giáo phận Cracovia, bên Ba Lan. Cả hai vị tân chức được cất nhắc lên bậc Giám Mục. Công việc của Vị đứng đầu Phủ Giáo Hoàng rất quan trọng tế nhị. Ngài có nhiệm vụ tiếp đón các vị quốc trưởng, thủ tướng, tổng trưởng ngoại giao và các đại sứ trước khi được ÐTC tiếp. Các Hồng Y, Giám Mục, khi muốn được ÐTC tiếp kiến, đều phải qua Phủ Giáo Hoàng thu xếp và ấn định ngày, giờ.
Về việc bổ nhiệm Ðức Ông Stanislaw Dziwisz, phát ngôn viên Tòa Thánh, Tiến Sĩ Navarro Valls, tuyên bố như sau: "Vì là Thư Ký riêng của ÐTC, ngài đã là người đầu tiên có liên hệ đến việc tổ chức các buổi tiếp kiến và việc quản trị Phủ Giáo Hoàng. Vì thế việc bổ nhiệm mới dành cho ngài cần được hiểu như là một việc hợp thức hóa một nhiệm vụ và một thực tại đã có từ lâu. Hơn nữa, các buổi tiếp kiến trong dịp cử hành năm Ðại Toàn Xá 2000 sẽ thêm nhiều". Một sự kiện khác mới lạ: đây là lần thứ nhất một vị giám mục làm thư ký riêng của ÐTC.
Ngoài hai vị trên đây, ÐTC bổ nhiệm Ðức Ông Pedro Lopez Quintana, người Tây Ban Nha, hiện là thư ký của Ðức Tổng Giám Mục Giovanni Battista Re, Phó Quốc Vụ Khanh, thay thế Ðức Ông Harvey, được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Phủ Giáo Hoàng (Prefetto della Casa Pontificia).
ÐTC chủ tọa Lễ Gia Ðình do Giáo Phận Roma tổ chức.
Vatican - 7.02.98 - Chiều thứ Bẩy 7/02/98, lúc 18 giờ, trong Thính đường Phaolo VI, Giáo phận Roma tổ chức ngày lễ Gia đình của Giáo phận. Trong cuộc gặp gỡ này sẽ có những chứng tá của một số gia đình, ca nhạc và phát thưởng cho những người đã thắng giải trong cuộc thi, do Phong Trào Bảo Vệ Sự Sống tổ chức. ÐTC sẽ đến chủ tọa vào lúc kết thúc và sau đó, lúc 20g30, ngài chủ sự buổi lần hạt Mân côi, như các thứ Bẩy đầu tháng khác.
Việc lưu ý đến gia đình là một sự lựa chọn ưu tiên và nền tảng của Giáo Phận Roma. Ðã có nhiều sáng kiến và còn tiếp tục đưa ra những sáng kiến khác nữa tại tất cả các giao xứ trong Thành Phố. Vì thế cần có một cuộc gặp gỡ tất cả các gia đình hiện đang dấn thân trong mục vụ gia đình. Cuộc gặp gỡ này có mục đích trước hết làm cho các gia đình ý thức được rằng việc lựa chọn của tín hữu Kitô sống đời Hôn Nhân vẫn luôn có giá trị mãi cho tới ngày nay; và vì thế Hôn Nhân là điều có ý nghĩa cho những ai sống đời hôn nhân và nhất là sống cho người khác.
Giáo phận Roma đang trong thời kỳ thực hiện chiến dịch "Năm Ðại phúc" Ðể chuẩn bị cho Năm Ðại Toàn Xá 2000. Vì thế việc lưu ý đến gia đình là một lựa chọn ưu tiên. Sứ điệp mà Giáo Phận Roma muốn gởi đến các gia đình là kêu gọi các gia đình hãy lãnh lấy trách nhiệm truyền giáo đối với các gia đình khác. Chính gia đình phải truyền giáo cho gia đình. Giáo phận có bổn phận củng cố tinh thần truyền giáo này bằng các lớp huấn luyện, và những chương trình thiêng liêng, để mỗi một gia đình có thể hiểu rõ ý nghĩa của bổn phận truyền giáo và biết đánh giá đúng về kinh nghiệm Kitô và gia đình riêng của mình.