Tin Tức và Thời Sự
ngày 06 tháng 02/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


ÐTC gửi điện văn chia buồn và chủ sự lễ an táng Ðức Hồng Y Eduardo Francisco Pironio

ÐTC gửi điện văn chia buồn và chủ sự lễ an táng Ðức Hồng Y Eduardo Francisco Pironio.

Vatican - 6.02.98. Ðức Hồng Y Eduardo Francisco Pironio, cựu Bộ Trưởng Bộ Tu Sĩ và cựu Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách Giáo Dân, đã qua đời hôm thứ Năm mồng 5 tháng 2, 1998, tại Vatican, hưởng thọ 77 tuổi. Trước đó ít giờ, ÐTC đã nói chuyện bằng điện thoại với Ðức Hồng Y và là cuộc nói chuyện sau cùng. Ðược tin Ðức Hồng Y tắt thở, ÐTC đã gửi hai điện văn chia buồn: một cho bà em của ngài và một cho Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Argentina.

Trong điện văn gửi cho bà em hiện sống với ngài và giúp đỡ ngài trong Nội Thành Vatican, ÐTC viết: "Ðược tin Ðức Hồng Y Eduardo Francisco Pironio qua đời, tôi muốn bày tỏ vời Bà và với tất các người trong gia đình sự đau buồn của tôi. Trong khi nhớ lại người có công của Giáo Hội, Vị chủ chăn xả kỷ và vị cộng tác đắc lực với Thừa Tác Vụ của Vị kế nghiệp Phêrô, tôi đâng lên Chúa quyền năng vô cùng lời cầu nguyện xin Chúa ban cho người anh của Bà đã qua đi, được phần thưởng đời đời, như đã hứa cho các đầy tớ trung thành của Chúa". Bức điện văn kết thúc như sau: "Trong hoàn cảnh đau buồn này, ước gì đức tin nơi Thiên Chúa trở nên điểm tựa cho niềm hy vọng; và tôi ban phéùp lành Tòa Thánh đặc biệt cho Bà và gia đình Bà, bị thử thách bởi việc ra đi đau buồn này".

Trong bức diện văn gửi cho Ðức Tổng Giám Mục Giáo Phận Paranà, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Argentina, ÐTC viết: "Nhận được tin buồn về việc Ðức Hồng Y Eduardo Francisco Pironio qua đời, sau cơn bệnh đau đớn, đã được dâng cho Chúa để cầu cho Giáo Hội, tôi xin dâng lên Chúa lời cầu nguyện của tôi để xin Người ban sự nghỉ ngơi đời đời cho vị Chủ Chăn đầy công phúc này, người luôn hoạt động vì trung thành với Chúa Kitô và với Vị kế nghiệp Thánh Phêrô. Trong giờ phút này tôi cảm động nhớ lại sự lo lắng mục vụ trong thừa tác giám mục của Ðức Cố Hồng Y tại Argentina và công việc làm cần cù đối với Châu Mỹ Latinh, cách riêng trong chức vụ Tổng Thư Ký, rồi Chủ Tịch của CELAM. Trong những năm phục vụ tại Tòa Thánh, ngài đã là người linh hoạt của con đường tu đức về đời sống tận hiến, lúc ngài đứng đầu Bộ các Tu Sĩ và các Tu Hội Ðời, và như Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách giáo dân, ngài đã cổ võ nhiều hoạt động mục vụ khắp nơi và đã đem lại nhiều ơn ích, cách riêng cho giới trẻ trên cả 5 châu". Phần cuối điện văn, ÐTC viết: "Trong hoàn cảnh đau đớn này, tôi xin bày tỏ tâm tình đau buồn của tôi với Ðức Cha và với tất cả các Giám Mục, Hàng Giáo Sĩ, các cộng đồng Tu Sĩ nam, nữ và giáo dân Argentina, quê hương mà Ðức cố Hồng Y yêu mến tận tình. Tôi ban phép lành Tòa Thánh cho hết thảy, như dấu hiệu đức tin, đức cậy Kitô trong Chúa phục sinh".


Lời của Ðức Hồng Y Pironio nói với Cha Angelo Saporti trong một cuộc phỏng vấn xảy ra trước khi ngài qua đời ít tháng

Lời của Ðức Hồng Y Pironio nói với Cha Angelo Saporti trong một cuộc phỏng vấn xảy ra trước khi ngài qua đời ít tháng.

Và sau đây là chính lời của Ðức Hồng Y Pironio nói với Cha Angelo Saporti trong một cuộc phỏng vấn cách đây ít tháng, những lời đơn sơ, đầy đức tin và như lời báo trước việc từ giã thế gian, từ giã Giáo Hội mà ngài yêu mến và phục vụ suốt cả cuộc đời. Ðức Hồng Y đã nói như sau:

"Tôi luôn luôn có ba sự hiện diện này:

Người ta có thể nghĩ rằng: "Nhưng người này, vị Hồng Y này, vui mừng, bởi vì ông ta là Hồng Y". Không phải vậy. Tôi cảm thấy Thánh Giá, Tôi đã vác Thánh Giá nhiều, nhưng tôi cũng cảm thấy sự hiện diện của Chúa Cha, sự hiện diện của Mẹ Maria. Ðối với tôi, niềm vui của việc khám phá là: khám phá Thiên Chúa là Cha, Thiên Chúa luôn luôn hiện diện ở đó, và Ðức Maria đồng hành với chúng ta trên con đường chúng ta đi".


Khăn liệm thánh sẽ được trưng bày ra cho dân chúng kính viếng từ ngày 18 tháng 4 cho đến 14 tháng 6, năm 1998

Khăn liệm thánh sẽ được trưng bày ra cho dân chúng kính viếng từ ngày 18 tháng 4 cho đến 14 tháng 6, năm 1998.

Tin Torino, Italia (Apic 6/02/98): Khăn Liệm Xác Chúa Giêsu sẽ được trưng bày công khai trong Nhà Thờ Chính Tòa Tổng Giáo Phận Tôrinô, miền bắc Italia, cho dân chúng đến kính viếng, từ ngày 18 tháng 4 cho đến 14 tháng 6 năm 1998 nầy. Và chính Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II sẽ hành hương đến Tôrinô, vào ngày 24 tháng 5 tới đây, để kính viếng khăn liệm thánh nầy. Sau trận hỏa hoạn tại bàn thờ cất giữ Khăn Liệm Xác Chúa, bên trong Nhà Thờ Chính Tòa Torino, trong đêm 11 sáng 12 tháng 4 năm 97 vừa qua, thì khăn Liệm Thánh nầy được cất giữ tại một nơi bí mật, để tránh mọi mưu toan phá hoại chiếc Khăn Thánh nầy. Hiện nay, người ta đang sửa chữa ráo riết nơi đã bị hỏa hoạn trong Nhà Thờ Chính Tòa Tôrinô, để kịp trưng bày khăn Liệm Thánh, vào thời gian nói trên. Dân chúng và khách hành hương đã bắt đầu ghi danh, để ban tổ chức xếp chương trình và thời gian được nhận vào kính viếng Khăn Liệm Thánh.

Trước đây, vào năm 1986, các nhà khoa học đã áp dụng phương pháp phân tích chất carbon 14 nơi khăn Liệm Thánh, để xác định hạng tuổi của chiếc khăn Liệm nầy. Kết quả của cuộc phân tích nầy, đã đặt vấn đề về tính cách xác thực của Chiếc Khăn Liệm Thánh nầy, vì cho rằng khăn Liệm nầy không thuộc về thời gian lúc Chúa Giêsu chịu chết và an táng trong mồ. Tuy nhiên sau năm 1986, những nghiên cứu khoa học của nhóm khoa học gia của Học Hiện Orsay tại Paris, thì lại xác định tính cách xác thữc của chiếc Khăn Liệm nầy, vì các khao học gia đã khám phá ra những dấu vết của đồng tiền Roma, thời Chúa Giêsu, nằm trên bức khăn nầy. Những kết quả mới của lần nghiên cứu nầy, đã được in thành sách, vào năm 1997.

Việc ÐTC Gioan Phaolô II sẽ đến Torinô, ngày 24 tháng 5 tới đây, để kính viếng Khăm Liệm Thánh, nằm ngoài mọi cuộc tranh luận về tính cách xác thực hay không của chiếc Khăn Thánh nầy. Ðối với nhiều nguời Công Giáo, thì chiếc khăn nầy là đúng khăn Liệm Xác Chúa, và hình người in vào chiếc khăn đó, là hình của Chúa Giêsu. Còn đối với những ai theo lập trường khác, không nhìn nhận chiếc Khăn Liệm Thánh nầy, thì Khăn Liệm Thánh nầy vẫn còn giữ giá trị của nó, như là một "hiện ảnh" cổ xưa nhất, nhắc nhớ con người về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Trong cả hai trường hợp, chiến khăn thánh trên, là vật quý giá, đáng được tôn kính và gìn giữ.


Ðức Hồng Y ARINZÊ nhấn mạnh đến sự cần thiết của đối thoại giữa các vị lãnh đạo các tôn giáo tại Phi Châu, để giải quyết những cuộc xung đột hiện nay tại đại lục nầy

Ðức Hồng Y ARINZÊ nhấn mạnh đến sự cần thiết của đối thoại giữa các vị lãnh đạo các tôn giáo tại Phi Châu, để giải quyết những cuộc xung đột hiện nay tại đại lục nầy.

Tin Roma (Apic 6/02/98): Sau chuyến viếng thăm 12 ngày tại GHANA trở về, Ðức Hồng Y Francis ARINZE, chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng đặc trách đối thoại Liên Tôn, đã tuyên bố trên đài Phát Thanh Vatican rằng, nhiều quốc gia tại Phi Châu sẽ tránh được những xung đột giữa các nhóm tôn giáo, nếu những vị lãnh đạo của các nhóm tôn giáo nầy gặp gỡ đối thoại với nhau. Ðối với Ðức Hồng Y, ngoài việc gặp gỡ và đối thoại thường ngày giữa các tín hữu thuộc các niềm tin tôn gíao khác nhau, người ta còn cần phải cổ võ cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa các vị lãnh đạo các tôn giáo nữa. Và cuộc gặp gỡ giữa các vị lãnh đạo tôn giáo, là điều khó làm hơn.

Liên quan đến những liên lạc giữa các tín hữu các tôn giáo truyền thống tại Phi Châu, thì nguời ta cần phải phân biệt giữa những gì là tích cực, với những gì là tiêu cực và nghịch lại nhân quyền. Những yếu tố tốt trong các tôn giáo truyền thống tại Phi Châu là: ý thức về cộng đoàn, ý thức về điều linh thánh, sự kính trọng đối với gia đình và sự sống.

Trong 12 ngày viếng thăm GHANA, Ðức Hồng Y ARINZE đã dành ra bốn ngày, để tham dự cuộc họp tại thủ đô ACCRA, của các thành viên của ủy ban giám mục của nhiều Hội Ðồng Giám Mục, đặc trách về việc đối thoại liên tôn. Ðây là cuộc họp được tổ chức cứ mỗi 5 năm một lần. Trong tương lai, Ðức Hồng Y Arinze dự trù sẽ tổ chức cuộc họp tương tự như vậy, cho các Hội Ðồng Giám Mục Á Châu.


Back to Radio Veritas Asia Home Page