Dư luận liên quan tới
chuyến thăm Cuba của ÐTC
(21-26/01/1998)

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Dư luận trong và ngoài nước Cuba liên quan tới chuyến viếng thăm của ÐTC

Dư luận trong và ngoài nước Cuba liên quan tới chuyến viếng thăm của ÐTC (viết theo bài tường thuật của NBC và Reuters).

Thứ Tư 21/01/98 (theo giờ Roma), ÐTC Gioan Phaolô II lên đường đi Cuba trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài tại quốc gia duy nhất còn nằm dưới quyền cai trị của cộng sản trong vùng Tây Bán Cầu. Các ký giả đài truyền hình quốc tế đang đặc biệt theo dõi biến cố này trong dư luận ở trong cũng như ngoài Cuba, đang được bàn tán sôi nổi xoay quanh hai vấn đề: Một, là cảm giác mong đợi của người dân, của các tín hữu Công Giáo Cuba, trước ngày vị chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ đặt chân lên quê hương của họ. Hai, là sự băn khoăn trong tâm thức của giới đương cầm quyền tại Cuba, bởi vì xét theo khía cạnh chính trị, đây có thể được coi là một chiêu bài quyết liệt của ông Fidel Castro, chủ tịch cộng sản Cuba.

Tại thủ đô Havana, các tín hữu Công Giáo cảm tạ Thiên Chúa về biến cố một vị Giáo Hoàng đến Cuba, người mà họ cho là sứ giả của Thiên Chúa trên trần gian. Họ mong đợi ÐTC sẽ mang đến sự hy vọng cho người dân Cuba, quốc gia mà mãi cho đến năm 1992 vẫn chính thức được coi là vô thần. Cô Maria Poitella Rodriguez, một tín hữu Công Giáo, nói là người dân Cuba rất vui mừng về biến cố ÐTC đến Cuba. Trong khi một bà cụ 81 tuổi, dự thánh lễ tại thủ đô Havana, ghi nhận là đang có một sức sinh động mới trong Giáo Hội. Bà nói như sau: "Trước đây, nhà thờ thường vắng tanh, nay thì lại tràn ngập sự hiện diện của giới trẻ đi dự thánh lễ". Tuy nhiên trong tâm trí của nhiều người, họ vẫn đặt câu hỏi liệu chuyến viếng thăm của Vị Giáo Hoàng tại Cuba có phải là khởi đầu của sự cáo chung của ông Fidel Castro trong tư cách là nhà lãnh đạo của đảng cộng sản Cuba rồi chăng? Một số chính trị gia của Hoa Kỳ đã không ngần ngại bày tỏ niềm xác tín này. Nói theo như lời của thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, ông Trent Lott, thuộc đảng Cộng Hòa, thì cứ nhìn lại lịch sử, người ta sẽ thấy, nơi nào ÐTC Gioan Phaolô II đặt chân đến, chủ nghĩa cộng sản và các nhà độc tài sẽ không còn tồn tại được bao lâu. Ðây có thể là khởi đầu giai đoạn cáo chung của Fidel Castro.

Nhiều người trong số khoảng một triệu người Cuba đang sống lưu vong bên Hoa Kỳ cũng có cảm nghĩ tương tự và họ hy vọng, ông Fidel Castro rồi cũng sẽ chịu cùng một số phận như tướng Iaruzelski của BaLan. Gợi lại biến cố cách đây gần hai thập niên, ÐTC trở về thăm quê hương BaLan của ngài và những diễn tiến sau đó đã đưa tới sự sụp đổ của chế độ Cộng sản trên toàn Ðông Âu. Một người Cuba đang sống tại Cuba bày tỏ cảm nghĩ của mình như sau: "Cuba sẽ thay đổi giống như trường hợp của BaLan, ÐTC Gioan Phaolô II sẽ đến và chế độ cộng sản đang tồn tại trên quê hương Cuba từ gần 40 năm qua sẽ bị buộc cáo chung.

Ðứng trước những dư luận như thế, ông Fidel Castro đã nói với phóng viên của đài truyền hình NBC của Hoa Kỳ rằng, tuy ông hy vọng sẽ về hưu một ngày nào đó và trao quyền lãnh đạo Cuba lại cho thế hệ trẻ hơn, nhưng trong năm nay, ông không có ý định từ chức. Ông nói như sau: "Tôi chưa nghĩ đến chuyện về hưu. Tôi nghĩ rằng, một người đang trong giai đoạn tranh đấu khó khăn như tôi hiện giờ, về hưu thì chẳng khác nào như một người lính bỏ trận chiến giữa chừng. Miễn là tôi cảm thấy tôi còn có thể và người ta vẫn còn muốn, tôi sẽ tiếp tục thi hành trách nhiệm của mình".

Trong khi đó, giới lãnh đạo các phong trào chống ông Fidel Castro tại Hoa Kỳ, các nhóm nhân quyền và các nhà phân tích chính trị thì có vẻ bi quan hơn về viễn tượng sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Cuba. Ông Pablo Alfonso, ký giả và là một nhà phân tích người Cuba đã nói như sau: "Nhìn theo khía cạnh chính trị, chuyến viếng thăm của ÐTC sẽ không mang lại sự thay đổi nào. Những ai đang mong đợi sẽ có một cơn lốc thay đổi của thời cuộc, là họ đang lầm. Cuba không phải là BaLan. Và hơn nữa, ÐTC là người BaLan, chứ không phải là người Cuba. Tại BaLan, Giáo Hội Công Giáo có một thế lực rất mạnh. Trong khi tại Cuba, Giáo Hội đang trên đường phục hồi từ đống tro tàn sau cuộc cách mạng của phe cộng sản năm 1959. Hơn nữa, Cuba cũng thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa Giáo Hội và các nhóm đối lập, như trong trường hợp của Công Ðoàn Liên Ðới BaLan với Giáo Hội tại nước này".

Ðứng trước hai tâm thức khác biệt như trên, tựu chung, niềm hy vọng lớn lao nhất có lẽ là chuyến viếng thăm của ÐTC sẽ mang lại một sự thay đổi nào đó nơi tâm hồn mỗi một người dân Cuba, hay ít ra là hy vọng chính quyền Cuba sẽ tỏ ra nhân nhượng hơn về mặt dân sự, chính trị, và nhất là trong lãnh vực tôn giáo, hay nói một cách khác, thay đổi, nhưng không phải là phép lạ.


Vài chi tiết mở đường cho chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba

Vài chi tiết mở đường cho chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba.

Vatican - 20.01.98 - Từ thứ Tư 21.01.98 cho đến hết Chúa nhật 25 tháng Giêng, ÐTC viếng thăm Cuba. Máy bay cất cánh rời Roma vào lúc 10 giờ sáng (giờ Roma) và đáp xuống Phi trường quốc tế José Marti của thủ đô La Havana vào lúc 16 giờ chiều cùng ngày 21/01/98, theo giờ địa phương Cuba, sau 12 giờ bay (Cuba và Roma khác nhau 6 tiếng đồng hồ).

Ðây là chuyến viếng thăm đã được ÐTC và anh chị em tín hữu tại Cuba ước mong từ lâu. Còn đối với dân tộc Cuba, như Chủ tịch Nhà Nước Fidel Castro đã nói, thì đây là chuyến viếng thăm lịch sử; và Ông đã hô hào dân chúng không phân biệt Công Giáo hay không Công Giáo, người tin hay không tin, hãy dành cho Vị Thượng Khách một sự đón tiếp thật nồng hậu. Phần chủ tịch Fidel Castro, thì Ông đã cho biết là sẽ hiện diện trong Thánh Lễ sáng ngày Chúa Nhật 25 tháng Giêng do ÐTC cử hành ngoài trời tại Quảng Trường Cách Mạng của Thủ đô La Havana.

Trong buổi tiếp kiến Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh, hôm ngày 10 tháng Giêng vừa qua, ÐTC đã loan báo về chuyến viếng thăm này với những lời như sau: "Ðây là chuyến viếng thăm đầu tiên của người Kế Nghiệp Thánh Phêrô tại vùng quần đảo Caraibes. Chuyến viếng thăm sẽ cho Nguời Kế Vị Thánh Phêrô được cơ hội an ủi không những các người Công Giáo đầy can đảm của Ðất Nước Cuba, mà tất cả các người đồng hương của họ, đang hoạt động để Quê Hương được mỗi ngày mỗi trở thành công bình và liên đới hơn, trong đó mỗi một người dân tìm được chỗ đứng của mình và nhìn thấy các ước vọng của mình được công nhận".

Trước đó, trong sứ điệp chúc mừng dịp dịp Lễ Giáng Sinh vừa qua gửi cho dân tộc Cuba, Ðức Gioan Phaolô II đã nói lên niềm hy vọng rằng: sau chuyến viếng thăm của ngài, Giáo hội địa phương có thể được hưởng tự do nhiều hơn để chu toàn sứ vụ phục vụ anh chị em xung quanh mình.

Tại Cuba, trong buổûi nói chuyện lần đầu tiên trên đài truyền hình Nhà Nước, Ðức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục giáo phận La Havana, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Cuba, đã nói về ÐTC và giáo huấn của Ngài như sau: "ÐTC tố cáo cách mạnh mẽ vấn đề trầm trọng của nạn đói khổ trên thế giới. Ngài đã nói về cảnh cùng cực của các dân tộc, về cái mà ngài gọi là bất công thứ nhất trong các bất công: cảnh nghèo khổ hiện nay còn đang hoành hành phần lớn nhân loại. Cái nhìn của ÐTC về các quyền con người, như được nhắc đến trong sứ điệp về Ngày Hòa Bình thế giới, rất là đầy đủ. Không thể chỉ lưu ý đến một số quyền nào đó và bỏ qua các quyền khác. Không thể nói về một số hình thức tự do, trong khi đó quên hẳn các quyền căn bản, như quyền có thực phẩm nuôi mình và gia đình, được săn sóc về sức khỏe, được giáo dục, được phát triển... Không thể lựa chọn một số quyền con người, cho phép quyền nầy, cấm cản quyền kia, bởi vì tất cả các quyền đều liên kết với nhau và bổ túc lẫn nhau; tất cả các quyền của con người đều phải được bảo đảm".

Riêng về chuyến viếng thăm của ÐTC, trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 19 tháng Giêng, Ðức Hồng Y Ortega đã nhấn mạnh rằng cả trước lúc ÐTC đặt chân lên La Havana, thì người ta đã thấy những thành quả (thay đổi) đầu tiên rồi: chẳng hạn như việc củng cố hoạt động xã hội của Giáo Hội Công Giáo tại Cuba. Ðức Hồng Y đã nhắc đến các hoạt động của Hội Caritas, đã hoạt động mạnh mẽ tại Cuba từ hơn ba năm nay. Và đây là khởi điểm của một tiến trình xa hơn nữa, chớ không phải là điểm kết thúc. Nhắc lại những lời hô hào của Chủ Tịch Nhà Nước Fidel Castro gửi toàn dân Cuba, kêu gọi họ tham dự dông đảo vào các biến cố viếng thăm của ÐTC, Ðức Hồng Y Jaime Ortega giải thích rằng: không có gì tương phản giữa lời kêu gọi của Giáo Hội và lời hô hào của Vị Lãnh Ðạo quốc gia, dù kiểu nói được dùng khác nhau. Ðức Hồng Y nói tiếp: Giáo Hội Công Giáo đã nhắc đến chuyến viếng thăm của ÐTC đã từ một năm nay. Ðức Hồng Y nói: "Chúng tôi đã bắt đầu công việc giải thích từ lâu, nhưng không trình bày hình ảnh của ÐTC như một Vị Quốc trưởng, mà như một Vị Ðại Diện Chúa Kitô và chúng tôi sẽ lặp đi lặp lại điều này cho tới lúc kết thúc chuyến viếng thăm".

Ðược hỏi về ý định của Chủ tịch Fidel Castro ân xá cho một số tù nhân chính trị Cuba, Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục trả lời là ngài không có tin tức nào về vấn đề này. Sau cùng Ðức Hồng Y bảo đảm với giới báo chí rằng: trong những tuần vừa qua những điều kiện cho việc khởi sự đối thoại giữa Giáo Hội và Nhà Nước tại Cuba đã được tăng cường và củng cố.


Trong các thánh lể do ÐTC cử hành tại Cuba, chỉ có thánh lễ Chúa Nhật tại La Havana được truyền hình trực tiếp trong cả nước

Trong các thánh lể do ÐTC cử hành tại Cuba, chỉ có thánh lễ Chúa Nhật tại La Havana được truyền hình trực tiếp trong cả nước.

La Havana - 20.01.98 - Phóng viên của Nhật Báo Công Giáo Ý Avvenire Tương Lai, từ La Havana gởi về cho biết rằng: Chỉ có thánh lễ do ÐTC cử hành Sáng Chúa nhật 25 tháng Giêng, ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm, mới được truyền hình trực tiếp trong cả nước mà thôi. Còn các thánh lễ khác, tại Santa Clara (thứ Năm 22.01.98), tại Camaguey (thứ Sáu 23.01.98), tại Santiago (thứ Bẩy 24.01.98) tuy được truyền hình trực tiếp, nhưng chỉ trong giới hạn tại địa phương mà thôi.

Báo Tương Lai nhận xét thêm rằng: Ðây là lần thứ nhất trong 80 chuyến viếng thăm quốc tế, nhà cầm quyền của nước mời ÐTC đến viếng thăm mà từ chối việc truyền hình trực tiếp trên toàn quốc tất cả các sinh hoạt của ÐTC. Những người dân Cuba tị nạn tại Miami (Hoa Kỳ) đã có phản ứng mạnh phê bình quyết định trên của chủ tịch Fidel Castro. Ông Julio Estorino, bình luận gia của "Radio Paz" (Ðài Phát thanh hòa bình của Giáo phận Miami) tuyên bố: "Ðây không phải một sự tình cờ. Lãnh Tụ Fidel Castro cấm truyền hình trực tiếp trên toàn quốc, vì 4 thánh lễ này làm Ông lo sợ. Trong khi đó, thì các đài truyền hình của nhiều nước khác, như Hoa Kỳ, nhiều nước Châu Mỹ Latinh và cả Ý nữa, (dù giờ giấc rất bất tiện), nhưng đã cố gắng để truyền hình trực tiếp các thánh lễ và các hoạt động của ÐTC trong 4 ngày viếng thăm.

Số phóng viên báo chí, phát thanh, truyền hình đến Cuba trong dịp này tới trên 3 ngàn, trong số nầy có hơn một ngàn đến từ Hoa Kỳ. Ðài Truyền Hình Ý gửi hơn 100 nhân viên. Ðài CBS (Hoa Kỳ) hơn 200.

Ngoài ra, có khoảng 30 vị giáo sĩ cấp cao: Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, từ Roma và từ các nước khác, đến Cuba, để đón chào ÐTC, và chung vui với Giáo Hội Công Giáo CUBA, từ 40 năm qua đã sống trong sự hạn chế và bách hại. Lãnh Tụ Fidel Castro chỉ loại bỏ ra khỏi Hiến Pháp điều khoản thiết lập chế độ vô thần tại CUBA, cách đây ba năm mà thôi.


Giáo Hội Công Giáo Cuba kêu gọi mọi người chú trọng tới khía cạnh tinh thần trong chuyến viếng thăm của ÐTC

Giáo Hội Công Giáo Cuba kêu gọi mọi người chú trọng tới khía cạnh tinh thần trong chuyến viếng thăm của ÐTC.

(Reuters 19/01/98) - Cuba (Havana) - Thứ Hai vừa qua (19/01/98), trong một cuộc họp báo tại thủ đô Havana, Ðức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục thủ đô và là Giáo Chủ Giáo Hội Công Giáo Cuba, đã kêu gọi mọi người nên chú trọng tới khía cạnh tinh thần trong chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II, hơn là cuộc gặp gỡ giữa ÐTC với chủ tịch Fidel Castro.

Với sự hiện diện của hơn 3,000 ký giả và phóng viên truyền thông quốc tế đang có mặt tại Havana trong những ngày nay để tường thuật về chuyến viếng thăm, thì biến cố quan trọng hơn cả, đối với họ, là cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và ông Fidel Castro, Ðức Hồng Y Ortega đã đưa ra nhận định như sau: "Hạ thấp cuộc viếng thăm mục vụ xuống thành một cuộc hội kiến giữa hai nhân vật, theo tôi, có nghĩa là phủ nhận giá trị của chuyến viếng thăm này. ÐTC viếng thăm mục vụ Giáo Hội và đến với người dân Cuba, chứ không phải là đến thăm một chế độ. Nói ÐTC đến thăm chủ tịch Fidel Castro mà thôi tức là giảm đi phần nào tầm quan trọng chuyến đi này của ÐTC". Ðức Hồng Y Ortega đã nhấn mạnh rằng, trọng tâm cuộc viếng thăm là những sứ điệp tinh thần từ vị chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ, và những sứ điệp này sẽ gia tăng sức mạnh và an ủi các tín hữu Công Giáo Cuba. Ngài cũng bày tỏ cảm nghĩ là ÐTC nên được đón tiếp trong tư cách là một nhà lãnh đạo Giáo Hội, hơn là một vị nguyên thủ quốc gia.

Ðức Hồng Y Ortega nói tiếp như sau: "Tuy ÐTC là nguyên thủ của một quốc gia nhỏ bé như Vatican, một nhân vật nổi tiếng và là một người có thẩm quyền luân lý trên khắp thế giới, nhưng trên hết ngài là người kế vị Thánh Phêrô, là vị Giám Mục Roma, là người làm nổi bật sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô". Tuần trước, chính quyền Cuba đã cho phép Ðức Hồng Y Ortega xuất hiện trong 30 phút trên đài truyền hình nhà nước để giải thích cho công chúng về chuyến viếng thăm của ÐTC. Ðức Hồng Y Ortega đã dùng cơ hội này để nói về ÐTC Gioan Phaolô II. Sau gần bốn thập niên sống dưới chế độ cộng sản, người dân Cuba biết rất ít về con người của ÐTC Gioan Phaolô II.

Cũng trong cuộc họp báo vào hôm thứ Hai (19/01/98), khi được hỏi rằng ngài có hài lòng với những nhượng bộ của chính quyền Cuba và sự dễ dãi dành cho Giáo Hội nhân chuyến viếng thăm của ÐTC hay không, thì Ðức Hồng Y Ortega tỏ ý than phiền rằng, sự dễ dãi đó là "chưa đủ". Giáo Hội Cuba đã yêu cầu chính quyền cho phép truyền hình trực tiếp tất cả các thánh lễ do ÐTC cử hành tại Cuba, tuy nhiên thứ Bảy vừa qua (17/01/98), chủ tịch Fidel Castro loan báo rằng chỉ có thánh lễ cử hành tại thủ đô Havana là sẽ được trực tiếp truyền hình trên toàn quốc, trong khi 3 thánh lễ khác thì sẽ được các đài truyền hình địa phương tường thuật.


Ðức Tổng Giám Mục MIAMI bên Hoa Kỳ kêu gọi cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba

Ðức Tổng Giám Mục MIAMI bên Hoa Kỳ kêu gọi cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba.

Tin MIAMI, Hoa Kỳ (Reuters 18/1/98): Hôm Chúa Nhật vừa qua, 18/01/98, Ðức Tổng Giám Mục JOHN FAVALORA, trong bức thơ mục vụ gởi cho các tín hữu trong tổng giáo phận MIAMI, bang FLORIDA, Hoa Kỳ, đã lên tiếng kêu gọi mọi người hãy cầu nguyện cho chuyến viếng thăm lịch sử của ÐTC Gioan Phaolô II tại CUBA. Trong thơ, có đoạn Ðức Tổng Giám Mục đã viết như sau: ÐTC sẽ là người láng giềng bên cạnh chúng ta. Chúng ta có dịp hiệp ý cầu nguyện với những anh chị em của Giáo Hội đang đau khổ tại Cuba, bên kia eo biển Florida. Tại Miami, hiện có đông người Cuba tị nạn sinh sống. Và họ có hai khuynh hướng khác nhau đối với chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba. Ða số thì hy vọng là chuyến viếng thăm sẽ kéo theo những thay đổi dân chủ cho dân chúng, và sự tự do nhiều hơn cho Giáo Hội Công Giáo tại Cuba. Nhưng thiểu số quá khích thì không thích có cuộc gặp gỡ với chế độ độc tài của lãnh tụ Fidel Castro, và cho rằng chuyến viếng thăm của ÐTC sẽ "hợp thức hóa" chế độ của ông Fidel Castro trên trường quốc tế.

Lúc đầu, Tổng Giáo Phận MIAMI đã có chương trình tổ chức chuyến tàu lớn đưa các tín hữu gốc Cuba về tham dự thánh lễ ÐTC cử hành tại quảng trường Cách Mạng ở thủ đô La Havana. Nhưng vì áp lực khá mạnh của cộng đồng người Cuba tị nạn tại Hoa Kỳ, cuộc hành hương bằng tàu lớn đó đã được hủy bỏ. Thay thế lại, Ðức TGM John Favalora sẽ hướng dẫn nhóm tín hữu ít hơn, dùng máy bay, đến thủ đô La Havana để chào đón ÐTC.

Hơn nữa, trong thơ mục vụ gởi toàn tổng giáo phận MIAMI, Ðức Cha FAVALORA cũng kêu gọi các tín hữu hãy bày tỏ tình liên đới với anh chị em bên CUBA, bằng việc ăn uống thanh đạm hơn, bỏ bớt việc ăn giữa bửa (snacks) và nhất là tham dự thánh lễ hằng ngày, trong thời gian ÐTC viếng thăm Cuba.


Hoa Kỳ mong đợi ÐTC sẽ đề cập tới nhân quyền tại Cuba

Hoa Kỳ mong đợi ÐTC sẽ đề cập tới nhân quyền tại Cuba.

(AFP 18/01/98) - Hoa Kỳ (Washington) - Chúa Nhật vừa qua (18/01/98), chính phủ Hoa Kỳ bày tỏ hy vọng rằng ÐTC Gioan Phaolô II sẽ nhấn mạnh tới vấn đề nhân quyền tại Cuba khi ngài thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử tại đây.

Lên tiếng trên đài truyền hình NBC của Hoa Kỳ, bà ngoại trưởng, Madeleine Albright nói rằng chuyến công du lần này của ÐTC thật sự hết sức quan trọng và ảnh hưởng của ngài tại các nước cộng sản luôn luôn là vĩ đại. Bà nói như sau: "ÐTC Gioan Phaolô II sẽ nói về quyền tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo là một trong những nhân quyền mà chúng tôi muốn thấy được tôn trọng tại Cuba. Cuba là một xã hội không năng động (Static society). Ông Fidel Castro là một con khủng long đối với riêng tại Tây Bán Cầu. Ông ta là nhà độc tài duy nhất còn tồn tại trong vùng này."

Vị bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ cũng nói thêm rằng, lệnh cấm vận kinh tế áp đặt lên Cuba từ 15 năm qua, điều mà ÐTC đã công khai chống đối, là một cách để chứng tỏ cho ông Castro thấy là ông cần phải thay đổi đường lối của ông ta. Bà nói tiếp: "Nhiều người Hoa Kỳ muốn thay đổi chính sách đối với Cuba. Tuy nhiên Cuba không xứng đáng với một đường lối tiếp xúc mới. Cuba, Fidel Castro vẫn tiếp tục đàn áp người dân trong nước". Trong khi đó ông Samuel Berger, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Bill Clinton thì bày tỏ cảm nghĩ rằng, Tòa Bạch Ốc cũng mong ÐTC Gioan Phaolô II sẽ nêu lên những vấn đề nhân quyền và quyền tự do cá nhân. Ông nói như sau: "Cuba là quốc gia duy nhất tại miền bán cầu này không theo đường lối dân chủ. Cuba đáng lún trong bùn, và đang bám víu vào một hệ thống cũ rít. Tôi hy vọng rằng ÐTC Gioan Phaolô II sẽ nói đến nguyện vọng của dân chúng Cuba về sự tự do và dân chủ".

Một cuộc thăm dò dư luận do đài truyền hình CNN thực hiện, trong số 1,020 người được hỏi, có 70% đồng ý việc ÐTC viếng thăm Cuba và hơn phân nửa, tức khoảng 58% tin rằng chuyến viếng thăm của ngài không thay đổi điều gì tại quốc gia cộng sản này.


Back to Radio Veritas Asia Home Page