Tin Tức và Thời Sự
ngày 27 tháng 01/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Ủy Ban Cố Vấn Tổng Thống Hoa Kỳ kêu gọi thăng tiến nhân quyền

Ủy Ban Cố Vấn Tổng Thống Hoa Kỳ kêu gọi thăng tiến nhân quyền.

(EWTN 27/01/98) - Hoa Kỳ (Washington) - Thứ Sáu tuần trước (23/01/98), một Ủy Ban Cố Vấn Tổng Thống Hoa Kỳ đã cho công bố một tài liệu sơ khởi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ nên nổ lực nhiều hơn nữa trong công tác thăng tiến nhân quyền trên khắp thế giới, qua mọi lãnh vực chính sách đối ngoại của mình.

Ủy Ban nói trên đặc trách về tự do tôn giáo, được cựu bộ trưởng Hoa Kỳ, ông Warren Christopher thành lập vào tháng 11 năm 1996 nhắm đáp ứng các nhóm Kitô Giáo tại Hoa Kỳ. Các nhóm này cảm thấy là chính phủ Hoa Kỳ chưa lưu ý đầy đủ tới vấn đề bất khoan nhượng cũng như bách hại tôn giáo ở nước ngoài. Trong tài liệu vừa nói, Ủy Ban cho rằng tổng thống Bill Clinton phải đặt vấn đề quyền tự do tôn giáo làm nền tảng cho các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, bao gồm cả việc đề cập tới vấn đề này trong các bài diễn văn quan trọng của ông. Tập tài liệu đề nghị bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng như các cơ quan chính phủ liên hệ, khi cứu xét vấn đề bán võ khí, viện trợ quân sự hay kinh tế, cần phải lưu ý cách đặc biệt tới qui chế của tự do tôn giáo và coi đây là mối quan tâm hàng đầu liên quan tới nhân quyền.

Trong số các đề nghị của Ủy Ban Cố Vấn này, bản tài liệu ghi rằng các phái đoàn thương mại của Hoa Kỳ cần thảo luận về nhân quyền với các nhóm tôn giáo ở nước ngoài, trong khi các viên chức sở di trú cần phải nhạy cảm hơn với việc bách hại tôn giáo, khi cứu xét các đơn xin tị nạn.


Ông Jose Ramos Horta kêu gọi Liên Hiệp Quốc cứu trợ dân chúng Ðông Timor

Ông Jose Ramos Horta kêu gọi Liên Hiệp Quốc cứu trợ dân chúng Ðông Timor.

(EWTN 27/01/98) - Bồ Ðào Nha (Lisboa) - Thứ Ba 27/01/98, ông Jose Ramos Horta, lãnh tụ đối lập người Ðông Timor, đã lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Quốc gửi đồ cứu trợ nhân đạo tới Ðông Timor, nơi hàng chục ngàn người đang có nguy cơ lâm vào cảnh đói do nạn hạn hán.

Ông Ramos Horta, người cũng được giải Nobel Hòa Bình năm 1996 với Ðức Cha Carlos Ximenen Belo, giám quản tông tòa Ðông Timor, nói như sau: "Hoàn cảnh tại Ðông Timor hiện giờ rất nghiêm trọng, đặc biệt là tại vùng đảo Alanro. Mực nước xuống rất thấp. dân chúng bị thiếu lương thực, và các em học sinh phải nghỉ học. Tại nhiều nơi khác ở Ðông Timor, tình trạng thiếu nước và lương thực thật là trấm trọng. Nếu không có hành động tức thời, hàng ngàn người sẽ bị đói trong vài tháng sắp tới".

Ông cũng cho biết thêm là chính phủ Indonesia cam kết sẽ viện trợ cho lãnh thổ này 10 ngàn tấn gạo, nhưng số lương thực này vẫn chưa tới tay người dân. Ông tha thiết kêu gọi Quĩ Nhi Ðồng Quốc Tế, Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới, và Tổ Chức Y Tế Thế Giới, hãy đề xướng các kế hoạch cứu trợ khẩn cấp cho người dân tại Alanro và các vùng khác ở Ðông Timor.


ÐTC chưa thể viếng thăm nước Nga

ÐTC chưa thể viếng thăm nước Nga.

(Reuters 27/01/98) - Nga (Mascơva) - ÐTC Gioan Phaolô II chưa thể viếng thăm nước Nga trong giai đoạn hậu cộng sản bởi vì giữa Giáo Hội Chính Thống Nga và Tòa Thánh còn có những quan điểm bất đồng.

Trên đây là nhận định của một viên chức của Giáo Hội Chính Thống đưa ra vào thứ Ba 27/01/98. Linh Mục Harion Alfeyev, người đặc trách về các quan hệ Kitô của Chính Thống Giáo Nga đã nói như sau: "Sự kiện ÐTC Gioan Phaolô II chưa thể viếng thăm nước Nga trong lúc này, không phải vì chủ tịch Fidel Castro của Cuba, người đã mời ngài đến thăm nước này là tốt; và Giáo Hội Chính Thống là xấu". ÐTC Gioan Phaolô II đã nhiều lần bày tỏ ý muốn của ngài muốn viếng thăm Nga, và cả tổng thống Boris Yeltsin, cũng như vị tiền nhiệm là ông Mikhail Gorbachev, đã lên tiếng mời ÐTC, tuy nhiên Giáo Hội Chính Thống Nga đã phản đối việc này. Linh Mục Alfeyev cho rằng, vấn đề ngăn trở quan hệ giữa hai Giáo Hội hiện nay, là cuộc tranh chấp tại miền Tây Ukraine, nơi mà các tín hữu Công Giáo Ukraine đã chiếm đoạt nhiều tài sản của Chính Thống Giáo, theo sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản Nga vào năm 1991. Cha Alfeyev cho rằng, cho đến khi nào tình trạng tranh chấp này chưa được hai bên giải quyết thỏa đáng, thì chuyến viếng thăm của vị lãnh tụ Giáo Hội Công Giáo tại Nga chưa thể thành đạt được. Ðây là để tránh gây tổn thương cho các tín hữu Chính Thống tại Ukraine. Bên cạnh vấn đề tranh chấp tài sản, Giáo Hội Chính Thống vẫn còn mang một tâm thức ngờ vực là Giáo Hội Công Giáo đang có một kế hoạch chiêu dụ tín hữu Chính Thống tại Nga, một nước có đa số dân theo Chính Thống Giáo.

ÐTC Gioan Phaolô II đã nhiều lần kêu gọi nên có sự cải tiến quan hệ giữa các Giáo Hội Kitô giữa các tín hữu đang chuẩn bị đón mừng Ðại Năm Thánh 2000. Tuy nhiên, các vấn nạn trên đây vẫn còn chưa được giải quyết, và các kế hoạch nhắm tạo một cuộc hội kiến giữa ÐTC Gioan Phaolô II và Ðức Thượng Phụ Alexis II, Giáo Chủ Chính Thống Nga, đã nhiều lần bị thất bại. Mới đây, điện Cẩm Linh loan báo rằng, tổng thống Yeltsin sẽ có cuộc hội kiến với ÐTC Gioan Phaolô II, khi ông công du nước Ý từ ngày 9-11 tháng 2 năm 1998 tới đây, tuy nhiên ông sẽ không bàn với ÐTC về quan hệ giữa hai Giáo Hội và cũng không lập lại lời mời ÐTC đến thăm nước Nga. Về phần mình, phía Giáo Hội Chính Thống, bày tỏ cảm nghĩ là hai Giáo Hội có thể vượt qua những chướng ngại phát sinh từ sau cuộc ly giáo và đi đến thống nhất, tuy nhiên điều này phải cần có sự can thiệp từ Thiên Chúa, hay là một phép lạ.


Thủ Tướng Ðức ca ngợi quyết định của Hội Ðồng Giám Mục nước này

Thủ Tướng Ðức ca ngợi quyết định của Hội Ðồng Giám Mục nước này.

(AFP 27/01/98) - Ðức (Bonn) - Thứ Ba 27/01/98, ông Helmut Hohl, thủ tướng Ðức, đã ca ngợi quyết định của Hội Ðồng Giám Mục Công Giáo nước này, dự tính tiếp tục tham gia vào công tác cố vấn tại các trung tâm tư vấn phá thai. Ông cho biết là ông hoàn toàn ủng hộ lập trường này của các Giám Mục; đồng thời bày tỏ hy vọng là các Giám Mục sẽ tìm ra một giải pháp liên quan tới vấn đề cấp giấy chứng nhận cho các phụ nữ để họ có thể phá thai tùy theo ý muốn.

Trong cuộc họp báo cũng vào hôm thứ Ba 27/01/98, Ðức Cha Karl Lechmann, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ðức nói rằng, các Giám Mục sẽ vâng phục ý muốn của ÐTC, tuy nhiên các hoạt động của Giáo Hội tại các trung tâm tư vấn phá thai sẽ tiếp tục cho đến năm tới, trong lúc này thì các trung tâm do Giáo Hội điều khiển sẽ tiếp tục cấp giấy chứng nhận cho các phụ nữ đến xin cố vấn trước khi quyết định phá thai. Thật ra giấy chứng nhận mà các trung tâm cấp cho các phụ nữ không phải là giấy phép để phá thai, nhưng đó chỉ là bằng chứng cho thấy các phụ nữ này đã đến xin cố vấn, và sau đó thì có thể tự quyết định phá thai tùy theo ý muốn. Tuy vậy, ÐTC Gioan Phaolô II vẫn cho rằng đây là một hành động gián tiếp ủng hộ việc phá thai, và nó mâu thuẫn với lập trường chống phá thai của Giáo Hội Công Giáo. Lập trường của Hội Ðồng Giám Mục Ðức chỉ là khuyến khích người Công Giáo tiếp tục công tác cố vấn tại các trung tâm nầy, với mục đích là khuyên nhủ các phụ nữ nên tránh đi đến chuyện phá thai.


Hội Ðồng Giám Mục Ðức dự tính ngưng cấp giấy chứng nhận cho các phụ nữ đến tư vấn

Hội Ðồng Giám Mục Ðức dự tính ngưng cấp giấy chứng nhận cho các phụ nữ đến tư vấn.

(Reuters 27/01/98) - Ðức (Mainy) - Thể theo lời yêu cầu của ÐTC Gioan Phaolô II, Hội Ðồng Giám Mục Ðức đang dự tính ngưng cấp giấy chứng nhận cho các phụ nữ đến trung tâm tư vấn về phá thai.

Ðức Cha Karl Lehmann, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ðức, đã cho biết như trên trong một cuộc họp báo tại thành phố Mainy vào hôm thứ Ba 27/01/98. Theo Ðức Cha Lehmann, các chi tiết liên quan tới dự tính này, và khi nào nó sẽ được mang ra áp dụng, thì chưa được quyết định; và điều này cũng không có nghĩa là Giáo Hội Công Giáo Ðức sẽ rút ra khỏi Hệ Thống tư vấn phá thai của chính phủ Ðức. Theo luật hiện hành của Ðức, phụ nữ nào muốn phá thai, trước tiên phải đến một trung tâm tư vấn phá thai để trình bày hoàn cảnh của mình, họ sẽ được các nhân viên tại đây cố vấn, và sau đó được cấp một giấy chứng nhận là đã đến trung tâm, rồi sau đó có thể phá thai nếu muốn. Trên khắp nước Ðức, có khoảng hơn 1,000 trung tâm cố vấn, và 1/4 là do Giáo Hội Công Giáo điều khiển. Mới đây, ÐTC Gioan Phaolô II đã gửi cho các Giám Mục Ðức một bức thư, trong đó ngài yêu cầu các Giám Mục Ðức duyệt xét lại tính cách mâu thuẫn của vấn đề, bởi vì một đàng Giáo Hội Công Giáo công khai chống phá thai, nhưng đàng khác lại đi cấp giấy phép cho các phụ nữ muốn phá thai, để rồi họ có thể hành động tùy theo ý muốn. Ý của ÐTC ở đây là Giáo Hội Công Giáo Ðức có thể tiếp tục góp phần của mình trong vấn đề tư vấn cho các phụ nữ muốn phá thai, nhưng không thể cấp giấy chứng nhận, khi mà giấy chứng nhận đó một cách gián tiếp dẫn đến việc phá thai.

Trong hai ngày Chúa Nhật và thứ Hai 25-26/01/98 vừa qua, các Giám Mục Ðức đã họp kín tại một tu viện ở Witerzburg, miền Nam Ðức, để thảo luận về bức thư của ÐTC. Với dự tính đã được công bố trong cuộc họp báo hôm thứ Ba 27/01/98, Ðức Cha Karl Lehmann cho rằng, Giáo Hội Công Giáo Ðức đã đáp ứng được lời yêu cầu của ÐTC, tuy nhiên đây không phải là một vấn đề có thể giải quyết xuôi chảy một cách mau lẹ được, nhưng đòi hỏi phải có một vài thay đổi trong luật hiện hành của Ðức. Cũng theo Ðức Cha Lehmann, các Giám Mục sẽ tham khảo với các đảng phái chính trị để tìm ra một giải pháp và nếu không được thì các Giám Mục sẽ phải thảo luận lại với Tòa Thánh về vấn đề này. Ngoài ra, Hội Ðồng Giám Mục Ðức cũng sẽ thành lập một ủy ban để tìm hiểu xem bằng cách nào Giáo Hội có thể tiếp tục phục vụ trong các trung tâm này mà không cần phải cấp loại giấy chứng nhận đang gây ra nhiều vấn đề nan giải này.


ÐTC Gioan Phaolô II sẽ viếng thăm Nigeria

ÐTC Gioan Phaolô II sẽ viếng thăm Nigeria.

(AFP 27/01/98) - Nigeria (Abija) - Sau chuyến thăm vừa kết thúc tại Cuba, quốc gia kế tiếp nằm trong chương trình viếng thăm mục vụ của ÐTC Gioan Phaolô II là Nigeria, thuộc miền Tây Phi Châu. Theo dự trù, chuyến viếng thăm này sẽ diễn ra từ ngày 21-23 tháng 3 tới đây. Giáo Hội cũng như chính quyền Nigeria đang xúc tiến công tác chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này. Ðây là lần thứ hai ÐTC viếng thăm Nigeria. Chuyến viếng thăm đầu tiên là vào năm 1982.

Nigeria là một quốc gia lớn của Phi Châu và đang bị cộng đồng quốc tế lên án vì thành tích vi phạm nhân quyền, nhất là sau khi chính phủ, dưới quyền lãnh đạo của tướng Sant Abacha, tử hình 9 nhân vật tranh đấu cho nhân quyền người Nigeria dạo năm 1995. Theo tin tức ghi nhận, tướng Abacha rất nóng lòng được đón tiếp ÐTC tại thủ đô Abija bởi vì ông coi đây là một dịp để gây tiếng vang về mặt chính trị trước cộng đồng thế giới. Các nhóm tranh đấu cho nhân quyền tại Nigeria thì hy vọng chuyến viếng thăm của ÐTC sẽ mang lại những thay đổi cho quốc gia này, đặc biệt trong lãnh vực tôn trọng nhân quyền.

Nigeria có hơn 100 triệu dân, chia thành các nhóm Hồi Giáo, Kitô Giáo, và tôn giáo truyền thống thờ vật linh. Trong thời gian qua, tại đây đã xảy ra nhiều cuộc tranh chấp giữa các nhóm tôn giáo. Nếu nhiều người trông đợi ÐTC sẽ nói nhiều đến quyền tự do chính trị của người dân Nigeria, đứng trước chính sách đàn áp giới bất đồng chính kiến của tướng Abacha; thì Hội Ðồng Giám Mục Nigeria lại trông đợi ÐTC sẽ mang đến cho người dân nước này một sứ điệp hòa giải. Theo dự trù, một trong các biến cố quan trọng của ÐTC tại Nigeria sẽ là cuộc gặp gỡ với các giới chức lãnh đạo người Hồi Giáo ở Nigeria. Ngoài ra ÐTC sẽ cử hành hai thánh lễ và tôn phong chân phước cho Linh Mục Michael Cyprian Tansi, người Nigeria, qua đời dạo năm 1960.


Hãng Thông Thấn Tass của Nga bình luận về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba

Hãng Thông Thấn Tass của Nga bình luận về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba.

Mascơva - 27/01/98 - Hãng Thông Tấn Tass của Nga bình luận về chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại Cuba như sau: "Chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại Cuba đã đem lại lợi ích cho cả Vatican, cả Cuba, cho Giáo Hội Công Giáo địa phương, đồng thời giúp chế độ Fidel Castro trong cuộc chiến đấu chống lại việc phong tỏa kinh tế của Hoa Kỳ". Hãng Thông Tấn nhắc lại rằng: trong ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm ở Ðảo Cuba, Ðức Giáo Hoàng đã lên án công khai và gay gắt việc phong tỏa kinh tế của Hoa Kỳ, gây hại cho cả dân tộc Cuba, nhưng đàng khác ngài cũng yêu cầu chủ tịch Castro phải cởi mở cho dân chúng có nhiều tự do hơn và với chế độ đa hình thức chính trị. Hãng Thông Tấn viết tiếp: "Chắc chắn chuyến viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng, cho dù không thể chỉ như là một phép lạ chính trị, thì cũng sẽ có những hậu quả quốc tế và nội bộ, rất quan trọng cho người dân Cuba". Hãng Thông Tấn Nga không tin có việc bãi bỏ lệnh cấm vận tức khắc về phía Washington, nhưng sau những chỉ trích mạnh mẽ của ÐTC Gioan Phaolô II đối với chính phủ Hoa Kỳ, Washington sẽ phải giải thích cho từng triệu người Công Giáo nước này về lệnh cấm vận.

Hãng Tass đề cao rằng, ÐTC Gioan Phaolô II có một khả năng vô địch về chịu đựng mệt nhọc, mặc dầu có những vấn đề về sức khỏe và tuổi tác. Về phía chủ tịch Castro, Hãng Tass nhận xét: Ðại Lãnh Tụ đã biết đóng vai trò không dễ dàng của một vị chủ nhà".


Back to Radio Veritas Asia Home Page